tin tức Mazda đang đuối sức tại Việt Nam

beep92

Senior Member
Nhiều tháng liền, Mazda3, Mazda6 và Mazda CX-5 liên tục được giảm giá nhằm cải thiện doanh số ảm đạm.

2020 đang là năm khó khăn chung của toàn thị trường ôtô Việt Nam khi nhu cầu mua xe suy giảm và doanh số lao dốc nhiều tháng liền vì dịch bệnh. Ở nhóm thương hiệu có thị phần thuộc top đầu, Mazda là một trong những cái tên chịu ảnh hưởng nặng hơn cả và hãng xe Nhật Bản vẫn chưa tìm ra cách hiệu quả để cải thiện tình hình.
Sản phẩm chủ lực đuối sức

Tính đến hết tháng 8, Mazda là thương hiệu có doanh số ôtô đứng thứ 4 trên thị trường với 16.099 xe, xếp sau Hyundai (37.129 xe), Toyota (34.713 xe) và Kia (16.551 xe).
So với thời điểm này năm trước, Mazda bị Kia vượt mặt và đang có mức tăng trưởng âm 27,37%. Đáng chú ý, bộ 3 từng giúp Mazda làm mưa làm gió trong vài năm qua đang có những tháng đầy khó khăn, đó là Mazda3, Mazda6 và CX-5.
Mẫu sedan hạng C được ra mắt thế hệ mới từ cuối năm 2019, tuy nhiên giá bán cao hơn đời cũ khiến Mazda3 nâng cấp facelift mất lợi thế cạnh tranh và bị đối thủ Hàn Quốc là Kia Cerato qua mặt dễ dàng ở phân khúc xe hạng C.
Tình cảnh của Mazda6 có đôi chút khác biệt khi được ra mắt phiên bản mới với giá bán hấp dẫn. Tuy nhiên, mẫu sedan cỡ trung của Mazda vẫn không đủ sức cạnh tranh với Toyota Camry và cả VinFast Lux A2.0.
Xu thế chuyển dịch từ mua sedan sang chọn SUV ở tầm tiền 1 tỷ đồng của người dùng càng khiến Mazda6 bị thu hẹp doanh số. Thậm chí, Mazda6 đang là dòng xe bán chậm nhất của Mazda trong năm nay, tính đến thời điểm cuối tháng 8.

Mazda va no luc lay lai thi phan anh 2


Về phía Mazda CX-5, mẫu xe gầm cao 5 chỗ dần thất thế khi các đối thủ đồng hương đều có cấu hình 5+2 hấp dẫn hơn, chẳng hạn như Honda CR-V, Mitsubishi Outlander hay Nissan X-Trail. Song song đó, sức ép từ Hyundai Tucson cùng các mẫu SUV đô thị mới trình làng như Kia Seltos hay Toyota Corolla Cross cũng khiến Mazda CX-5 bị thu hẹp thị phần.
CX-8 là sản phẩm duy nhất của Mazda có sức tăng trưởng dương. Mẫu SUV 7 chỗ có doanh số cộng dồn ở tháng 8 vừa qua cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 1.100 xe. Còn lại, Mazda2 và mẫu bán tải BT-50 cũng sụt giảm doanh số vài trăm chiếc so với cùng kỳ năm 2019.

Mazda va no luc lay lai thi phan anh 3


Giảm giá hàng loạt

Cách thức quen thuộc của Thaco - Mazda Việt Nam được tái sử dụng và nhân rộng khi các dòng xe quan trọng gặp bất lợi, đó là giảm giá và ưu đãi quà tặng. Tuy nhiên, kết quả không phải lúc nào cũng được như mong đợi của hãng xe Nhật Bản.
Với Mazda3, sau mức giảm 30-55 triệu đồng trong quý II, dòng sedan hạng C của Mazda được áp dụng mức giá mới từ tháng 7, thấp hơn trước 40-70 triệu đồng tùy theo phiên bản. Giá bán hiện dao động 669-869 triệu đồng cho Mazda3 sedan và 699-879 triệu đồng đối với Mazda3 Sport.
Mức giá của Mazda3 vẫn cao hơn đáng kể so với Kia Cerato (529-665 triệu đồng). Ưu thế lớn về giá giúp mẫu xe Hàn Quốc đã có 3 tháng liên tiếp đứng đầu phân khúc với doanh số trên 1.000 xe, bỏ xa Mazda3 vài trăm chiếc mỗi tháng.

Mazda va no luc lay lai thi phan anh 4


Mazda6 2020 được công bố giá bán vào đầu tháng 7, ở mức 889 triệu đồng đến 1,049 tỷ đồng. Số tiền này tăng 30-70 triệu so với đời xe cũ và thấp hơn so với giá bán của Toyota Camry (1,029-1,235 tỷ đồng). Song song đó, các model Mazda6 cũ được giảm giá 60-70 triệu để đẩy hàng tồn.
Ngoài ra, Mazda6 là xe lắp ráp nên được hưởng ưu đãi 50% phí trước bạ. Trong khi Camry là xe nhập khẩu, không có chính sách hỗ trợ như đối thủ. Dù có nhiều lợi thế cạnh tranh nhưng doanh số của Mazda6 vẫn lép vế so với Camry sau 2 tháng ra mắt model mới. Trong tháng 7 và 8, lượng xe Mazda6 tiêu thụ chỉ bằng 1/3 kết quả bán hàng của Camry.
Tương tự trường hợp của Mazda3, CX-5 buộc phải giảm giá để tăng tính cạnh tranh với đối thủ Hàn Quốc là Hyundai Tucson (799-940 triệu đồng). Sau đợt điều chỉnh vào đầu quý III, các model Mazda CX-5 có giá dao động từ 819 triệu đồng đến 1,049 tỷ đồng, thấp hơn trước 70-120 triệu đồng. Trước đó, CX-5 từng được Mazda áp dụng ưu đãi trong tháng 5 và 6 với khuyến mại cao nhất lên đến 115 triệu đồng.

Mazda va no luc lay lai thi phan anh 5


Loạt khuyến mại và giảm giá kể trên phần nào giúp Mazda CX-5 lấy lại phong độ khi từ tháng 6 đến tháng 8 duy trì được doanh số hơn 1.000 chiếc/tháng. Đồng thời, doanh số cộng dồn cuối tháng 8 của Mazda CX-5 đã lần đầu tiên vượt được Tucson, lần lượt 5.113 xe (CX-5) và 5.011 xe (Tucson). Còn trong 5 tháng đầu năm, CX-5 bán được 2.010 xe, bình quân chỉ 400 chiếc/tháng.
Như đã nói ở trên, CX-8 là dòng xe duy nhất của Mazda có kết quả tăng trưởng khả quan. Đó là nhờ loạt ưu đãi giảm giá sâu đến 150 triệu đồng trong quý II. Đến đầu tháng 7, Mazda mạnh tay giảm giá 150-200 triệu đồng cho CX-8 (999 triệu đồng - 1,249 tỷ đồng) để tăng khả năng cạnh tranh với Honda CR-V (998 triệu đồng - 1,118 tỷ đồng) và Hyundai Santa Fe (995 triệu đồng - 1,245 tỷ đồng). Dù vậy, doanh số sau 8 tháng của CX-8 (2.393 xe) vẫn thấp hơn nhiều so với CR-V (4.862 xe) và Santa Fe (5.539 xe).
Hai dòng xe còn lại cũng được Mazda áp dụng ưu đãi nhằm cải thiện doanh số là Mazda2 và BT-50. Trong đợt tổng giảm giá 6 sản phẩm hồi tháng 7 của hãng xe Nhật, Mazda2 được giảm 30-50 triệu đồng trong khi BT-50 được giảm 21-35 triệu đồng. Thực tế, bộ đôi này từ lâu đã là 2 cái tên bán chậm ở nhóm xe hạng B và phân khúc bán tải, doanh số thường ở mức 100-200 xe mỗi tháng.

Giai đoạn chuyển giao khó khăn

Nhận định về tình thế của Mazda trên bàn cờ cạnh tranh hiện nay, chuyên viên truyền thông trong lĩnh vực ôtô Hải Phạm nhận định: “Từ trước đến nay Mazda thường có giá bán rẻ, cạnh tranh hơn so với đối thủ. Nhưng loạt sản phẩm mới của Mazda ra mắt trong hơn một năm qua được định giá cao hơn nên đã tự đánh mất ưu thế của mình”.
Song song đó, Mazda3, Mazda6 và CX-5 cũng kém cạnh tranh so với đối thủ khi các model hiện hành là những bản nâng cấp giữa dòng đời sản phẩm, không tạo được sự khác biệt lớn để hấp dẫn người dùng. Thiết kế thời trang vốn là ưu điểm lớn nhất của các dòng xe Mazda, đã có dấu hiệu bão hòa và cần được thay đổi mạnh mẽ hơn. "Điều này thuộc về yếu tố khách quan khi Mazda Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển loạt xe mới và chưa có sự thay thế kịp thời", ông Hải nói thêm.
Trường hợp thể hiện rõ nhất 2 ý trên là Mazda3, đời xe mới trình làng cuối 2019 có giá bán cao nhất phân khúc khiến khách hàng giảm hứng thú. Bên cạnh đó, các model Mazda3 2020 gặp lỗi hệ thống an toàn chủ động cũng ảnh hưởng không tốt đến thương hiệu Mazda tại Việt Nam.

Mazda va no luc lay lai thi phan anh 6


Ông Hải cho rằng các chương trình giảm giá hàng loạt có thể giúp Mazda vực dậy doanh số trong ngắn hạn. Nhưng trong dài hạn thì cần có một chiến lược khác khi mà người dùng Việt Nam ngày nay chuộng xe mới và mua xe phù hợp nhu cầu chứ không cố lựa chọn những sản phẩm đã qua mốt và giá thấp.
Việc các đối thủ liên tục nâng cấp các dòng xe mới sẽ là thách thức lớn cho Mazda trong thời gian tới. Nếu muốn cạnh tranh tốt và duy trì thị phần, Mazda cần phải tiếp tục giữ chính sách giá thấp, kết hợp với việc mở rộng cũng như nâng cấp danh mục sản phẩm đáp ứng thị hiếu của thị trường Việt Nam tốt hơn.
nguồn
 
con m3 trc giá xêm xêm cerato, giờ đạp phát dính vào cx5 vs m6. thật k thẻ tin nổi :ops:
 
Back
Top