quicksilvers
Member
Kanto TUK là một bộ loa bookshelf tích hợp ampli được xây dựng theo cấu trúc 2 đường tiếng. Điểm nổi bật trên thiết kế của TUK là 2 củ loa tweeter ribbon AMT (Air Motion Transformer), được kết hợp cùng 1 củ loa woofer màng nhôm cứng đường kính 13,3 cm. Hệ thống driver này được khuếch đại bởi mạch ampli tích hợp có công suất 65W mỗi loa.
Mình có đặt mua một cặp Kanto Tuk về để WFH - được khá nhiều anh em đánh giá cao trên khắp các diễn đàn lớn bé trên thế giới và trong nước. Kể từ khi Work From Home nhu cầu nghe nhạc trên các thiết bị portable không còn nhiều như trước nữa, nên phong trào chơi Loa nhỏ tại nhà hiện tại mình thấy rất nhộn nhịp.
Đập hộp
Với Kanto, thì hộp ở ngoài màu gì thì loa ở trong màu ấy. Hiện tại trên thị trường có sẵn 2 màu: Matte Black và Pure White. Hơi tiếc 1 tý vì hãng không làm các phiên bản đặc biệt ốp gỗ, hoặc làm từ các vật liệu tự nhiên. Mình chọn bản màu đen vì trông nó khá ngầu, hiện đại & cũng vì kinh nghiệm dùng từ các bộ Audioengine A5+, AEGo,.. Màu trắng nhám sau một thời gian sử dụng nó bám bụi và nhanh cũ đi kinh khủng.

Khui thùng thì cũng như bao em hàng khác thôi, soẹt soẹt hít hà mùi bìa carton rồi cho em lên thớt.
Đánh giá nhanh
Bluetooth: CóaptX HD/AAC: Có
Kích thước loa: 1 x 5.25 ", 1 x 1".
Em Kanto Tuk này có mấy thứ nó làm tốt:
1. Dải cao: Đến từ cặp AMT (tý mình sẽ chi tiết hơn ở dưới)
Dải cao rất rất chi tiết và lan tỏa, không sib không chói gắt. Mình đánh giá đây là dải âm điểm nhấn nhất của cặp này. Nghe thoải mái, rộng rãi và sáng. Rất thích.
2. Dải trầm - low end: Đến từ 2 củ loa màng nhôm. Gân ngược vào trong. Cái hay của drive này là nó giao động rất kiểm soát + không thấy bập bùng nhiều khi mở to. Ưu điểm này cho phép hạn chế bị méo tiếng hoặc lùng bùng bass khi gặp tiết tấu nhanh. Cùng 1 mức âm lượng 45% thì con Audioengine màng loa đập bập bùng rồi còn con Tuk này thì chả thấy nhấp mô gì mấy

Mình đã thử cho em nó chiến kha khá thể loại khó rồi. Cặp loa vỏ nhôm này nó oánh cực kỳ uy lực, phải khẳng định thế luôn. Bass cắt cực gọn, xử lý rất tự tin & có kiểm soát. Vặn volume lên mức rung cửa kính nhưng không hề có dấu hiệu gì của việc out of control cả. Về mặt khác, khi đêm hôm mở nhỏ, củ loa trên em Tuk này vẫn giữ được độ sâu cần có để thấm bản nhạc.
Từ 1 và 2, nó khiến cho âm trường - không gian âm nhạc rất bùng nổ, vượt kha khá kích thước của nó. Đôi lúc cảm giác như mình đang nghe âm thanh trên loa cọc 3 đường tiếng vậy. Đặc biệt với các giọng ca nam trầm như Xuân Hảo, Tuấn Ngọc,.. Giọng khàn khàn, trầm trầm, gai góc, rung rung,... nghe rất đã tai - nền âm lan tỏa khắp phòng như thể không phát ra từ loa vậy. Cảm giác blind-spot (vị trí loa bị mờ đi khi nghe) này thú thực mình chỉ tìm thấy được ở trên dàn dân dụng mà thôi.
3. Trung âm - Nó chi tiết, rất chi tiết. Giọng Vocal được đặt ở giữa sân khấu, không lùi xa, và cũng không sát lỗ tai người nghe. Nghe Lệ Quyên thì các bác cứ hình dung là em ấy đứng trên sân khấu, chứ không ấm áp mượt mà thủ thỉ bên tai đâu. Bác nào gu nghe mà thích mượt mà như thế, thì sẽ thấy Mid con Tuk này nó lạnh lạnh, khô khô. Ưu điểm thì nó làm người nghe thấy thoáng đãng & không bị đau đầu khi nghe lâu.
Amply Class D - Hừm, lại nói về vụ này. Đối với dân chơi Audio(phile), ngay cả mình cũng thế, mình thích Class A,A/B hơn, vì từ thời ông bà, bố mẹ mình chơi cũng luôn chia sẻ chỉ ưu tiên Class A.
Hiểu nôm na thì mạch Class A sò, tụ của nó hoạt động với công suất lớn, âm thanh cho ra rất tình cảm, đằm thắm. Nhược điểm của nó cũng ko ít, ngốn nguồn kinh khủng, hiệu năng chuyển đổi rất thấp, nhiều phần chuyển thành nhiệt năng. Vậy nên cần tản nhiệt rất lớn để hạ hỏa em nó. Cũng chính vì vậy, trên các thiết bị portable đời mới, họ không dùng Class A, A/B nhiều vì lo ngại việc quá nhiệt.
Những điều này mình nghĩ từ thời xưa, những năm 1980s cộng đồng Audio mặc định gán nhãn vậy rồi. Nhưng hiện tại, công nghệ đã phát triển, những mạch Digital dần có thể khắc phục được những điểm yếu cố hữu, rât nhiều Ample Class D tốt với giá vô cùng đắt đỏ ra đời với chất lượng cao trong thân hình nhỏ bé.
Quay trở lại mạch Class D trên Kanto Tuk, phải hiểu rằng hãng này là 1 hãng rất trẻ, trên Tuk, được tích hợp khá nhiều option, ứng dụng, ví dụ:
1. Nguồn input rất phong phú, có dây không dây đủ cả.
2. Mạch Class D khởi động cực nhanh, không cần thời gian rô-đai chạy rò để nóng lên như mạch Class A. Thế là nhà sản xuất nghĩ ra trò:
- Standby sau 1 time không dùng để tiết kiệm điện. Không dùng tầm 10 phút nó tự ngủ. Hễ có thông báo đến là nó Wake, rất nhanh
- Cặp Kanto Tuk không hề có tản nhiệt như con A5+, đơn giản vì nó không hề nóng. Chạy 24/25 vẫn mát rượi.
- Trên remote, nó cho phép tăng bass, tăng treb và có cái hay là switch nhanh loa trái phải - phù hợp với nhiều điều kiện phòng ốc.Nó ghi nhớ setting cho từng input. Khi bạn nghe dance, thấy bass khủng bố ngốt quá, chỉ cần giảm bass đi vài nấc là đâu lại vào đấy. Tiện phết?
Qua những trải nghiệm đó, lo ngại về mạch Class D không còn nữa, mình thấy chính sự áp dụng Digital vào như vậy khiến con loa trở nên rất mạnh bạo, khủng long. Hiệu suất chuyển đổi công bố lên đến tầm 82%. So với trung bình mạch Class A mình google được là 17-19%.
Dĩ nhiên vẫn phải nói lại rằng, Class A ở các phân khúc cao hơn nó vẫn là tượng đài rồi. Nó như việc so sánh xe côn tay vs xe ga vậy á.
Quay trở lại điều mình muốn làm rõ về cái treb AMT
Thông tin thêm:
AMT thật ra là một công nghệ đã có từ rất lâu rồi. Nếu nói nó là công nghệ mới thì cũng là không đúng, và nếu nói nó là một công nghệ phổ biến thì cũng không đúng.
Cũng có rất nhiều hãng từ rẻ tiền cho tới cao cấp tích hợp AMT, tuy nhiên mỗi hãng lại chọn cho mình một hướng đi và công nghệ riêng để tối ưu làm sao đạt kết quả tốt nhất.
Air Motion Transformer được giới thiệu là một driver electrodynamic có khả năng dịch chuyển dòng không khí nhanh hơn nhiều so với các driver dynamic, planar magnetic và cả electrostatic. Các driver thông thường chuyển động qua lại giống như động cơ piston còn màng driver AMT có thể dịch chuyển luồng không khí nhanh gấp 4 lần với màng diaphragm được gấp nhiều lớp và có khả năng co dãn.
Chính vì lợi thế này nên việc tích hợp AMT lên để đóng vai trò phụ trách các dải âm cao dần trở nên phổ biến - thay thế cho các giải pháp truyền thống từ trước tới giờ. Hiểu 1 cách đơn giản, với công nghệ truyền thống, khi màng loa chuyển động càng nhanh đến mức đạt tới giới hạn vật lý, âm thanh sẽ bị biến dạng và nhiễu.
Ngoài ra, nhiều headphone cũng sử dụng công nghệ này cho âm toàn dải. Phạm trù này mình sẽ có bài khác để chia sẻ.
Ví dụ trong ảnh là hệ thống AMT phụ trách dải cao trong một setup cực ngầu của PS Audio. Nhìn tê nhỉ, chỉ ước được 1 lần trải nghiệm.

Tóm tắt lại
Em này hợp các thể loại nhạc chi tiết, giàu kỹ thuật, nhiều lớp lang. Nghe symphony, classic, opera,... thì chất lượng phải nói làm mình rất bất ngờ với âm trường và độ chi tiết, từng micro details được đẩy lên rất rõ nét nghe rất phê.
Thậm chí là cả khi so sánh hơi khập khiễng với các combo portable engame chuyên trị nhạc cổ điển - nhưng bác nào đã có gu nghe này thì mình tin sẽ rất hài lòng.
Về giọng vocal thì như mình có nói ở trên, nó ko nhẹ nhàng và mượt mà để vỗ về lỗ tai, nó chi tiết, sắc sắc bén bén, nên thành ra với những bản thu mà tune lên nhiều nghe bóc tách lỗi ra khá rõ nên không thích.
Nó hợp với mấy chất giọng chi tiết, có độ rung, ngân ở thanh quản, tiếng lấy gió, vào hơi,... với cả quan trọng nhất là bản thu phải có chất lượng cao thì nghe rất thích. Nghe MQA, lossless trên ROON cảm giác khác khá nhiều so với youtube.
Bác nào hay nghe cầu kỳ, nguồn nhạc ổn + gu nghe nhạc ưa chi tiết, bén, bass sâu nảy thì chơi. Còn bác nào thích chất ngọt ngào quyện quyện dính dính của bolero thì chắc sẽ có sự phối ghép khác. Tùy lỗ tai các bác.
Điểm chưa hài lòng
- Dù có mạch DAC/AMP rất tốt, nên đa số anh em sẽ dùng USB để kết nối. Lúc này có vấn đề nhỏ là do Tuk thiết kế chỉ có 30 mức volume, còn trên Win/Mac lại 100 mức. Dẫn đến việc tăng giảm âm thanh trên remote đôi lúc bị nhích quá mức, âm thanh tăng đột ngột từ nhỏ lên to khá thót tim. Điều này làm mình không thích. Trên diễn đàn nhiều anh em phản ánh rồi, và hãng cũng tiếp thu và bảo sẽ gắng cập nhật fw qua Drive USB window gì gì đó - chả biết bao giờ mới update.
- Loa sleep quá nhanh. Chỉ tầm 10 phút không dùng là loa sleep rồi. Loa có thể start lên ngay lập tức khi mình dùng, nhưng mỗi lần sleep/wake lại nghe tiếng tách tách từ amply. Không thích lắm. Hy vọng hãng sẽ cho phép điều chỉnh time sleep này.
- Remote chỉ sử dụng tích hợp được với laptop PC khi dùng qua cổng USB, còn khi nối RCA thì nó chỉ điều khiển loa độc lập. Hy vọng hãng sẽ support khi chơi qua kênh khác
Chủ nhật đẹp trời cũng đã tiễn em đi, buồn gớt nước mắt

Xét nhu cầu nghe nhạc không quá cầu kỳ nên lại ra hàng xúc em KEF LS50 wireless về nghe Roon cho nó đơn giản:
Last edited: