thảo luận Apple bỏ sạc không đáng sợ, đáng sợ là các hãng Android học theo

bktry

Junior Member
Apple bỏ sạc không đáng sợ, đáng sợ là các hãng Android học theo


Apple bỏ đi nhiều thứ trên các sản phẩm của mình, nhưng điều thú vị hơn đó là nhiều hãng khác rồi cũng sẽ học theo những gì Apple làm. Vì sao lại có điều này?

Apple luôn là người tiên phong trong việc bỏ đi cái cũ

Apple từng là một trong những công ty máy tính đầu tiên mạnh dạn loại bỏ ổ đĩa mềm (đĩa A) khỏi các máy Mac hồi đầu thập niên 2000 để thay vào đó bằng cổng USB. Apple cũng mạnh dạn bỏ đi bút stylus và bàn phím cứng khi họ làm iPhone và sử dụng màn hình cảm ứng hoàn toàn hồi 2007. Apple cũng chính là người đầu tiên bỏ cổng USB thường trên các dòng laptop của mình từ năm 2015, 2016 để thay bằng cổng USB-C mới hơn. Và năm 2017, Apple cũng bắt đầu bỏ jack tai nghe trên iPhone 7.

Đây chỉ là một số ví dụ cho việc Apple là hãng đầu tiên, hoặc là một trong số ít hãng, dám bỏ đi một chuẩn, một linh kiện phổ biến nào đó và thay bằng thứ mới hơn, hoặc thậm chí là bỏ luôn. Có thể cùng thời điểm đó một số công ty khác cũng bỏ linh kiện, nhưng không phải theo cách mà Apple làm. Ví dụ Oppo từng có một chiếc điện thoại bỏ jack tai nghe nhưng là để cho máy nó mỏng hơn, tất cả mọi sản phẩm khác của Oppp vẫn dùng jack tai nghe bình thường.

4702918_cover_home_tren_tay_hyperdrive_9_in_1_usb_c_adapter_7.jpg



Apple có bị chỉ trích ở những thời điểm “chuyển tiếp" đó hay không? Tất nhiên là có, và họ bị chửi một cách dữ dội chứ không thường. Từ reviewer, người trên Internet, cho đến cả fan cũng lên tiếng phê phán, chê bai, và đe dọa không mua sản phẩm Apple nữa. Anh em sinh hoạt trên Tinh tế, trên Facebook thì chắc cũng biết rõ điều này rồi. Bình luận trên các video YouTube thậm chí còn dùng nhiều ngôn từ mạnh hơn nữa.

Nhưng Apple có bao giờ đảo ngược lại những quyết định bỏ đi các thứ mà họ cho là không cần thiết, hoặc đã lỗi thời hay không? Theo như trí nhớ của mình là không. Có chăng là khi họ xài bàn phím cánh bướm cho MacBook 2016 trở đi và tỉ lệ lỗi cao quá thì tới năm 2019 họ mới quay lại bàn phím truyền thống. Còn lại thì Apple kiên định với quyết định của mình, và thường là những quyết định đó còn giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn nữa. Ví dụ, việc bỏ cổng tai nghe 3,5mm cho người dùng thêm động lực để mua tai nghe AirPods thay vì dùng tai nghe có dây chẳng hạn.

3873156_iPhone_7_Tinhte_02.jpg


Các hãng Android không đủ tự tin và quyền lực để thử nghiệm

Vì sao Apple lại có thể mạnh dạn bỏ đi những thứ như trên mà không lo người dùng không mua sản phẩm? Có nhiều lý do, một vài thứ quan trọng bao gồm:
  • Apple tự tin rằng trải nghiệm tốt của sản phẩm sẽ áp đảo sự thiếu hụt chức năng mà họ đã bỏ đi, nên người dùng vẫn sẽ chấp nhận
  • Khách hàng của Apple thuộc dạng chịu chi, có tiền, nên nếu cần mua thêm thứ gì đó (ví dụ, adapter, cục sạc) thì họ vẫn sẽ mua
  • Khách hàng của Apple có độ trung thành cao. Một cục sạc bị bỏ đi, một cổng tai nghe bị loại bỏ không làm cho họ bỏ iPhone, bàn phím cánh bướm không làm doanh thu MacBook, iPhone giảm, thậm chí còn tăng
  • Độ cạnh tranh với hàng Apple thấp hơn so với những sản phẩm khác trong cùng lĩnh vực, nên người dùng có ít lựa chọn hơn ở cùng dải sản phẩm
  • Apple có tiền, có quyền để ép nhà phát triển phần mềm cũng như thế giới phụ kiện đi theo mình
Những điểm nói trên không xuất hiện ở các hãng Android, hoặc không đủ hết mọi thứ như đã liệt kê. Thường thì khi họ muốn bỏ một thứ cũ đi, một thứ đã rất quen với khách hàng, thì họ phải chờ Apple thử nghiệm trước và xem phản ứng thị trường ra sao thì mới dám làm theo. Cũng đúng thôi, vì thế giới Android có độ cạnh tranh rất cao, nếu một ông bỏ nhưng ông khác không bỏ thì người dùng có thể sẽ chuyển sang dùng ông khác ngay lập tức. Rủi ro về kinh doanh quá lớn, họ không thể mạo hiểm được. Họ phải lo cho việc sống còn của mình chứ.

4845158_Samsung_Galaxy_Buds_p2.jpg


Ngoài ra, đa số máy Android được bán là máy tầm trung nhắm đến tập khách hàng ở phân khúc giữa, thế nên người dùng có thể không sẵn sàng chi tiền như cách mà khách hàng chi cho iPhone và phụ kiện. Nếu bắt họ mua thêm một thứ gì đó, nhất là những thứ thiết yếu như tai nghe, cục sạc sẽ gặp rủi ro họ không mua luôn chiếc điện thoại đấy và chuyển sang mua hãng đối thủ có đầy đủ linh kiện mà họ muốn.

Samsung và Xiaomi hay bất kì hãng Android nào khác nếu có trong vụ bỏ cục sạc cũng y như vậy. Sau khi thấy iPhone 12 bán ra không có cục sạc mà vẫn bán được, thị trường chê thì cứ chê nhưng mua thì cứ mua thì dại gì mà không làm theo. Họ thậm chí còn được lợi nếu làm giống cách của Apple vì Apple đã giúp “giáo dục” thị trường và khách hàng sẵn rồi, họ không cần làm việc đó nữa. Chưa kể việc “bỏ cục sạc” giờ cũng đã được liên kết với việc “bảo vệ môi trường” thông qua những gì Apple nói và những gì thế giới truyền thông, báo chí, mạng xã hội đã liên tục đề cập khi họ kể về iPhone 12. Chuyện tương tự cũng từng diễn ra với thiết kế màn hình tai thỏ, việc bỏ cổng tai nghe 3,5mm. Giờ không thiếu những chiếc điện thoại Android không có cổng tai nghe, và hãng điện thoại nào cũng có tai nghe true wireless như một giải pháp cho việc đó.

Xiaomi_Mi_11.jpg



Riêng với Xiaomi, họ chọn cách chọc lại Apple, đó là bán Xiaomi Mi 11 dù có sạc nhanh 55W đi kèm hay không thì giá máy vẫn là 3999 NDT, tức khoảng 14 triệu đồng. Ai thích “bảo vệ môi trường” thì mua bản không kèm sạc, ai không thích thì mua loại có sạc. Ờ mấy zing, Gút chóp Xiaomi 😆

Việc bỏ cục sạc vẫn ảnh hưởng tới trải nghiệm người dùng

Quan điểm của mình là dù Apple hay các hãng điện thoại Android bỏ cục sạc thì người dùng vẫn bị ảnh hưởng về trải nghiệm. Bạn có thể không phải là một người có nhiều cục sạc sẵn trong nhà, bạn có thể đã bán chiếc điện thoại cũ của mình đi để mua một chiếc máy mới. Thậm chí có thể bạn đã có sẵn cục sạc trong nhà nhưng nó không phải là cục sạc nhanh đúng chuẩn mà chiếc smartphone mới của bạn cần. Thế nên việc này sẽ có khả năng khiến bạn phải chi thêm tiền, thời gian để đi mua cái bạn cần.

Riêng với Apple, vụ bỏ sạc trong iPhone 12 với lý do để bạn có thể dùng lại sạc cũ nó càng không thuyết phục, vì dây cáp đi kèm là cáp USB-C to Lightning. Bao nhiêu người có sẵn cục sạc nhanh đầu USB-C trong nhà nếu họ là khách hàng iPhone đời trước? Đừng quên rằng iPhone đời trước dùng cổng sạc USB-A nhé, nên lý thuyết về tái sử dụng của Apple coi như không xài được, và bạn vẫn phải xì tiền đi mua cục sạc mới mà thôi.

Lợi ích về môi trường thì sao? Nghe Apple giải thích thì cũng có lý, nào là bỏ cục sạc thì giảm được kích thước hộp, việc giao hàng dễ dàng hơn, ít phát thải carbon hơn… nhưng nếu trải nghiệm bị ảnh hưởng thì mình vẫn không đánh giá cao.

Ngoài ra mình cũng sẽ đợi thêm thời gian để xem việc bỏ cục sạc có ảnh hưởng thật sự tới môi trường ra sao, nó giúp giảm đi bao nhiêu % khí thải carbon. Giờ chưa nói được vì chưa đủ thời gian và dữ liệu.

Và cái đáng sợ đó là không chỉ Apple, mà sắp tới mình sợ rằng các hãng Android sẽ học theo vụ bỏ cục sạc này. Trước tiên là Samsung, Oppo, Realme, OnePlus, sau đó dám là Google Pĩel lắm… Hi vọng mình sai. Tính đến lúc này, nước đi bỏ cục sạc không phải là nước đi hay, xin đừng học theo.

Vậy sao các hãng cứ cà khịa Apple làm chi?

Cà khịa làm chi để rồi cũng làm theo, phải đi xóa bài post này kia…

Thật ra cũng khó cho các hãng khác, vì họ phải tận dụng mọi cơ hội có thể để thu hút thêm sự chú ý về phía mình, đây là một kĩ thuật rất bình thường trong kinh doanh. Bản thân Apple cũng không ít lần đi cà khịa các hãng khác, như hồi PC vs Mac chẳng hạn. Ngoài ra, những người quản lý fanpage thì khả năng cao cũng không được tiếp cận đến những kế hoạch, chiến lược dài hạn ở cấp cao nên họ cũng không ngờ có ngày hãng mình làm việc cho cũng đi theo hướng của Apple.

Nên cũng không trách họ được, trừ khi có lệnh từ trên đưa xuống rằng không bao giờ được cà khịa Apple nữa, còn không thì những màn cà khịa vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện, anh em chúng ta sẽ tiếp tục có drama để hít, Tinh tế tiếp tục có thông tin để anh em thảo luận 😁
 
Back
Top