thảo luận Bàn về các phương pháp dạy - học tiếng Anh

phuonggbau

Senior Member
Hôm nay mình xin phép ăn rau muốn bàn chuyện vĩ mô một chút, cụ thể là yếu tố thượng tầng trong việc dạy và học tiếng Anh: PHƯƠNG PHÁP.

Bài viết này là đánh giá và quan điểm cá nhân của mình, người học khoa Ngôn ngữ Anh, biết một chút tiếng Anh, và đi dạy được vài năm, về các phương pháp đang được áp dụng tại Việt Nam, hoặc ít nhất là nơi mình sống - Hà Nội, mà các trung tâm thường dùng để quảng bá và để chiêu mộ học viên.

1. Các phương pháp được đặt tên tuổi, trở thành unique selling point

Chắc mọi người đều biết đến các phương pháp nổi tiếng như Effortless English, Eng Breaking, hay Lazy English. Ở đây mình không chỉ nói về các phương pháp có độ nổi tiếng nhất nhì trong “giới” tiếng Anh này, mà mình nói chung tất cả mọi phương pháp. Trong thực tế, nhiều trung tâm cũng phát triển các phương pháp của riêng mình rồi tự đặt tên, và lấy đó làm lợi thế cạnh tranh để tuyển sinh và quảng bá.

Cá nhân mình nhận thấy, việc học ngôn ngữ nào cũng là một quá trình copy có tư duy, nên nó cần phải có tư duy đúng, sự chăm chỉ, và một chút năng khiếu. Nếu bạn có tư duy đúng và chăm chỉ, bạn có thể học được ngôn ngữ hiệu quả. Nếu bạn có thêm một chút năng khiếu kèm theo hai điều kia, bạn có thể học nhanh. Nói như vậy để thấy, học ngôn ngữ không phải cứ phí sức vào học là được, mà cần phải áp dụng tư duy, và chăm chỉ, thậm chí khi bạn không có năng khiếu, bạn vẫn sẽ học được.

Các phương pháp học được mang ra quảng cáo thường làm được hai điều: (1) Họ tư duy hộ bạn một cách học hiệu quả; (2) Họ đặt ra cho bạn một lộ trình để các bạn cảm thấy việc học không hề vất vả, bạn chỉ cần tuân theo là có thể đạt được kết quả.

Các phương pháp này được hưởng ứng mạnh mẽ từ phía người học bởi nhiều người trong số đó coi ngôn ngữ như một nỗi sợ, họ không chịu tư duy, và không muốn chăm chỉ. Đương nhiên không phải tất cả đều có 3 đặc điểm này, nhưng chỉ cần có 1 trong 3 thì đã đủ để ngại ngần học rồi.

Thế nhưng, việc tuân theo một lộ trình luyện tập của phương pháp học nào đó, chẳng phải là bạn đang chăm chỉ học hay sao? Và thực ra các phương pháp này đều đang dựa trên hai thứ là tư duy và chăm chỉ, vậy có cần thiết phải theo phương pháp của người khác không? [1]

Ngoài ra, nếu tư duy của người sinh ra phương pháp đấy không hợp với người học thì sao? Thực tế không phương pháp nào hiệu quả với tất cả mọi người. Nói đúng hơn, mỗi người học đều có xuất phát điểm riêng, có khả năng riêng, và có câu chuyện riêng, nên ai cũng cần có một phương pháp riêng, điều này họ sẽ tự điều chỉnh hoặc người dạy có thể điều chỉnh để tìm ra phương pháp hợp với họ nhất dựa trên các phương pháp truyền thống sẵn có. [2]

Các phương pháp dựa trên tư duy và nghiên cứu khoa học, khảo thí thì có vẻ có hiệu quả với nhiều người và có thể có hiệu quả thật. Nhưng, có nhiều trung tâm nghĩ ra được một số mẹo vặt để cắt phần ngọn rồi tự cho đấy là phương pháp. Khi họ biểu diễn mẹo đó ra, đối tượng khách hàng (là người chưa có kiến thức ngôn ngữ) sẽ trầm trồ vì điều mình chưa làm được nay chỉ cần học “phương pháp” này là sẽ làm được một cái na ná như thế. Học mẹo kiểu này giống như việc khi bạn bị thương, người ta tiêm thuốc tê cắt cơn để bạn thấy hết đau, nhưng không có nghĩa là vết thương ấy lành lại. [3]

Từ [1], [2], và [3], cá nhân mình thấy các phương pháp này chủ yếu đánh vào tâm lý người học. Thực tế, không cần phải theo một phương pháp nào cụ thể cả. Học là quá trình cần sử dụng tư duy, nên người học chỉ cần nghiêm túc với việc học, chịu suy nghĩ, và chăm chỉ là có thể học được ngôn ngữ.

Bản thân mình cũng chẳng theo phương pháp nào, thuần tuý được đào tạo từ gốc lên và tự luyện tập nhưng vẫn thấy có hiệu quả (ít nhất là đối với mình). Thực sự trong mấy năm làm nghề tiếng Anh, mình cũng chưa thấy trung tâm lớn như BC, IDP, IIG, Ames hay tầm cỡ như vậy sử dụng các phương pháp giảng dạy trên. Đa số họ có bộ phận khảo thí và học liệu, rồi biên soạn giáo trình dựa trên những giáo trình từ các nhà xuất bản hàng đầu như Oxford, Cambridge, hay Pearson mà thôi.

2. Phương pháp “săn tây” để luyện nói

Các trung tâm hoặc các câu lạc bộ thường tổ chức, vào cuối tuần, cho các thành viên/học viên của mình đi đến những khu phố có nhiều người nước ngoài ở các thành phố lớn để “săn/bắt tây” (tìm người nước ngoài rồi nói chuyện để luyện kĩ năng nói).

Đầu tiên là mình thấy việc này khá phiền phức cho các bạn người nước ngoài. Họ có lẽ không tiện từ chối, hoặc vì quá lịch sự mà tiếp chuyện. Đương nhiên sẽ có những bạn nhiệt tình, nhưng việc gặp gỡ người nước ngoài với mục đích thuần tuý là “lợi dụng” họ như vậy thì không phải là điều tốt.

Có thể có những cuộc nói chuyện cả hai bên cùng có lợi. Mình được luyện nói, còn họ được biết thêm về đất nước, thành phố của mình. Thế nhưng có bao nhiêu người trong số những người đi săn tây đó có đủ ngôn ngữ để diễn đạt như vậy? Và những người có thể diễn đạt được thì họ có cần săn hay không?

Mình nhiều lần thấy các nhóm từ 5-8 bạn đi cùng nhau, có 1 lead - thường là giáo viên, vây quanh 1 hay vài người nước ngoài để nói chuyện theo kiểu “săn tây”. Nói thật, mình là người Việt Nam mà bị một nhóm lạ mặt tiến đến như vậy mình cũng cảm thấy sợ hãi chứ đừng nói người ta là người nước ngoài.

Trong nhóm ấy chỉ thường có 1 hay 2 người là nói, và thường người giao tiếp chính là bạn lead, còn lại thì đứng nghe, gật gù, thỉnh thoảng “ohh”, “ahh”, “yes”, và cười. Ngoài ra còn có bạn chỉ cầm điện thoại quay phim, chụp ảnh, hay livestream, có lẽ để làm tư liệu làm marketing cho trang web và fanpage của trung tâm. Như vậy thì hiệu quả là bao nhiêu?

Bản thân mình thấy việc luyện nói có thể tự làm một mình, và mình thực sự chủ yếu là tự làm một mình bằng cách độc thoại, tự nghe, tự chữa cho mình.

3. Phương pháp học theo mẫu (template)

Phương pháp này thường được áp dụng cho các kĩ năng chủ động (nói - viết) trong các khoá ôn thi chứng chỉ. Việc học này có thể có hiệu quả trong việc tăng điểm số tức thời cho học viên, nhưng về tính ứng dụng thì mình thấy không cao lắm. Nó giống như các bạn học viên đang đi mượn một công cụ chứ không học để sở hữu và tuỳ ý sử dụng công cụ ấy.

Ngoài ra việc học theo template còn tạo ra một loạt những người viết giống nhau, nói giống nhau, chẳng có bản sắc riêng cho mình. Mình đã từng nghe có chuyện trong một kì thi chứng chỉ, hai thí sinh không quen nhau, nhưng cùng học template, rồi lại cùng một topic nói, và nói giống nhau. Kết quả là hai bạn bị huỷ bài và sau đó thì mình cũng không rõ nữa.

Nếu các bạn biết The Story of a Murderer (phim và truyện). Trong cốt truyện đó, nhân vật chính là người có chiếc “siêu mũi”, có thể ngửi và phân biệt được nhiều mùi. Anh là người chế tác nước hoa, và cả đời đi tìm cách làm được một loại nước hoa độc nhất vô nhị, người ngửi vào sẽ quỳ dưới chân anh và tuân phục.

Mất rất nhiều công sức và giết nhiều cô gái để lấy mùi cơ thể của họ, anh đã chế tạo được loại nước hoa trên với 13 tone mùi khác nhau. Khi anh dùng loại nước hoa ấy, ai cũng cúi đầu, và ai cũng vâng lời.

Tuy nhiên, anh nhận ra sự thật cay đắng rằng họ cúi đầu và vâng lời trước mùi nước hoa đó, chứ không phải trước anh, và bản thân anh là một người không hề có mùi cơ thể. Kết phim là anh ta tìm cách tự tử vì chán nản.

Vậy, cứ học và bắt chước người ta, rồi mình không có bản sắc gì thì có ổn không?

4. Tóm lại

Như mình nói, trên đây chỉ là quan điểm cá nhân của mình. Bản thân mình chẳng áp dụng phương pháp nào cụ thể trong các phương pháp đang tồn tại cả.

Mình không khuyên các bạn tẩy chay các phương pháp, vì chẳng có cái gì tốt hoàn toàn hay xấu hoàn toàn. Mình chỉ mong các bạn hãy nghiêm túc khi học, tìm hiểu kĩ chính bản thân mình, chăm chỉ, dùng tư duy, và quyết tâm khi học. Khi có những điều đó, thêm một phương pháp ban đầu tốt, các bạn sẽ giỏi.

Mình đón nhận mọi quan điểm, mọi người hãy trình bày quan điểm, nếu có, một cách lịch sự dưới phần comment.
 
Vấn đề với việc học tiếng anh hay bất cứ ngôn ngữ nào cũng thế. Quan trọng nhất là khoảng thời gian bỏ ra để rèn luyện các kỹ năng thôi.
Trong 4 kỹ năng nghe nói đọc viết. Kỹ năng nghe là dễ dàng luyện tập nhất, vì chúng ta có thể luyện ở bất cứ đâu. Nghe podcast, nghe nhạc, xem phim, nghe các đoạn hội thoại thường xuyên và liên tục hàng ngày thì tự khắc kỹ năng nghe của mình sẽ nhanh hơn, phản xạ trọng đầu khi nghe sẽ cải thiện. Nghe đến 1 khoảng thời gian có khi hiểu tiếng anh hơn tiếng việt.
Tiếp theo đó là đọc, viết. Về cơ bản là hai kỹ năng hoàn toàn khác nhau nhưng hầu hết hiệu quả nhất là vừa đọc vừa viết lại sẽ giúp nhớ nhanh và nhớ lâu hơn. 2 kỹ năng này không thực sự khó, nhưng mà cần phải chăm chỉ học, nắm được các công thức về thì, cũng như nhớ được từ, nghĩa.
Kỹ năng khó nhất chắc chắn vẫn là nói. Để thực sự phát âm chuẩn cần phải rèn luyện rất nhiều trong môi trường tiếng anh chuẩn tương ứng với mong muốn của bản thân. Nhưng kể các như thế thì các vấn đế về accent vẫn là chuyện gặp thường xuyên. Vì ngay chính trong cộng đồng người nói tiếng anh là ngôn ngữ thứ nhất thì điều này này cũng khác biệt. Như Việt Nam có tiếng việt giọng người Bắc, hoặc do người Trung hoặc người Nam thì tiếng anh cũng tương tự. Điển hình là Anh Anh và Anh Mỹ có sự khác biệt rất lớn.
Nhưng chung quy lại thì phát âm như một người bản địa có thực sự quan trọng không? Vì như tôi từng nói chuyện với một người bạn, họ có nói như thế này: " As long as i can understand what you mean, your English is perfectly fine."
 
Back
Top