Bánh mì tăng giá

Lạm phát khiến chi phí bột mì, các loại hạt đến trứng và thậm chí cả điện tăng cao đang buộc những nhà sản xuất bánh ở châu Âu phải tăng giá sản phẩm và cắt giảm sản lượng.


Giá loại lúa mì mà ông Julien Bourgeois xay để làm bánh tại nhà máy của gia đình ở miền Trung nước Pháp đã tăng hơn 30%.

Hóa đơn tiền điện tối thiểu để vận hành nhà máy cao gấp hơn ba lần khi có khả năng chạm mốc 200.000 euro/tháng, trong khi trước đó là 50.000 euro.

Thậm chí, ngay cả giá giấy dùng cho bao tải bột mì cũng ngất ngưởng. Chi phí sản xuất tại Moulin Bourgeois đã tăng 30% chỉ trong một năm.

Tất cả yếu tố này đã đẩy giá một ổ bánh mì lên cao hơn, theo New York Times.

“Lạm phát đang ở mức cao khủng khiếp”, ông Bourgeois nói. Ông thúc giục 1.000 tiệm bánh mà công ty ông cung cấp tăng giá sản phẩm, với ổ bánh mì baguette biểu tượng của nước Pháp từ 1 euro lên 1,3 euro để bù đắp chi phí.

“Người tiêu dùng có thể chi trả nhiều hơn trong hiện tại, nhưng giá thì tiếp tục leo thang”, ông Bourgeois nói. “Điều này thật đáng lo ngại”.

Ông cho biết thêm ở Pháp, bánh mì baguette đã có giá cao hơn 8% so với cách đây một năm. “Chúng tôi nhớ rằng cách mạng bắt đầu liên quan tới giá bánh mì”, ông nhớ lại.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát ở châu Âu đang tồi tệ hơn. CNBC đưa tin theo dữ liệu được Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố hôm 30/9, lạm phát của khu vực đồng tiền chung euro đã lập đỉnh mới 10% trong tháng 9, tăng từ mức 9,1% hồi tháng 8 và vượt dự báo 9,7%.

Giá năng lượng tăng 40,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thực phẩm thiết yếu chưa bao giờ cao hơn và hiện tăng kỷ lục gần 19% so với một năm trước.

"Chúng tôi không có lựa chọn"​

Người dân châu Âu ngay lập tức cảm nhận được khi bánh mì tăng giá.

Những quốc gia gần khu vực xung đột cảm nhận rõ rệt nhất những ảnh hưởng, đặc biệt là Hungary - nơi một ổ bánh mì cơ bản tăng 77% vào tháng 9 so với một năm trước. Tại Croatia, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan và Slovakia, giá bánh mì tăng hơn 30%.

“Cơn lốc” tăng giá như một cú sốc với Đức, khi giá bánh mì đắt hơn 18% trong một năm. Theo Destastic, lạm phát ở Đức trong tháng 9 là 10%.

"Con số 10% là mức lạm phát cao nhất kể từ khi nước Đức thống nhất", tiến sĩ Georg Thiel - Chủ tịch Văn phòng Thống kê Liên bang Đức - cho biết.

Ông nói rằng sản phẩm năng lượng tăng giá là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát cao. Tuy vậy, Đức cũng chứng kiến nhiều mặt hàng khác đắt đỏ hơn, đặc biệt là thực phẩm.

Alice Zuza - nhân viên tại tiệm bánh ở Berlin tên Fine Bagels - cho biết giá bánh mì tròn kiểu New York có giá 1,2 euro từ mốc 1,1 euro.

“Chủ quán không muốn thay đổi giá, nhưng cuối cùng, chúng tôi không có lựa chọn nào khác”, Zuza nói.


lam phat o chau au anh 2

lam phat o chau au anh 3
Để tiết kiệm chi phí, các nhà sản xuất bánh tìm ra nhiều giải pháp, từ lắp đặt năng lượng mặt trời tới giảm thời gian chạy lò nướng. Ảnh: New York Times.


Các nhà cung cấp bột mì cũng gặp vấn đề với chi phí khí đốt và điện, khi hàng nghìn tiệm bánh công nghiệp và thủ công chạy lò nướng bánh gần như cả ngày.

Ở Hà Lan, loạt tiệm bánh đã ngừng hoạt động kể từ cuối mùa hè do chi phí năng lượng cao. Các tiệm bánh ở Bỉ đang tăng giá, nhưng 1/10 trong số này đã phải đóng cửa. Dự kiến từ giờ đến cuối năm, con số này còn nhiều hơn nữa.

Tại Velzelio Duona - tiệm bánh thủ công ở miền Bắc Lithuania, ông Vaidas Baranauskas đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp. Những ổ bánh mì lúa mạch đen truyền thống làm theo công thức của bà ngoại ông được nhiều người ưa thích.

Trong năm nay, ông tăng giá bánh lên 33%, tới 12 euro/ổ đề bù đắp giá bột mì, dầu hướng dương và đường. Giá trái cây khô và hạt dùng trong một số loại bánh mì đã đắt gấp đôi.

Để hạn chế hóa đơn năng lượng, ông Baranauskas dùng các tấm pin mặt trời. Nhưng khi mùa đông đến gần và trời tối sớm hơn, ông buộc phải dùng điện.

Nhưng giá năng lượng này đã cao hơn 500% so với một năm trước. Tiệm của ông hiện chỉ chạy lò nướng 4 ngày/tuần, thay vì 5 ngày như trước đó, để tiết kiệm.

“Chưa từng xảy ra chuyện này trước đây”, ông Baranauskas nói.

"Giá cả thay đổi quá nhanh"​

Các tiệm bánh công nghiệp cũng không “miễn nhiễm” với những khó khăn này. Ngoài ra, lạm phát khiến người lao động tại các doanh nghiệp châu Âu yêu cầu mức lương cao hơn.

Attila Pécsi - chủ sở hữu tiệm bánh Arán Bakery ở quận 7 tại Budapest - cho biết ông đã hai lần tăng lương cho 30 nhân viên trong năm nay. Tiền trả lương chiếm 1/2 chi phí làm ra một ổ bánh mì, trong khi nguyên liệu và năng lượng chiếm 1/3.

Ông Pécsi đã tăng giá bánh mì 12% kể từ tháng 1, và dự tính thay đổi thêm lần nữa trước cuối năm. Ông nói khách hàng của mình nghĩ sẽ có thêm nhiều lần tăng giá nữa.

“Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, chúng tôi thấy tác động lạm phát tới thực phẩm thiết yếu”, ông Johan Sanders - Chủ tịch Fedima, liên đoàn các nhà cung cấp bánh mì ở châu Âu - cho biết. “Thật khó để giảm giá sản phẩm”.


lam phat o chau au anh 4
Giá bánh mì - loại thực phẩm thiết yếu - đã tăng giá trong thời gian gần đây ở nhiều nước châu Âu do hệ quả của lạm phát. Ảnh: New York Times.


Ông Bourgeois đang chuẩn bị cho tình huống đó. Ông nói chiến sự có thể ảnh hưởng tới mùa vụ cho năm 2023.

“Vận may của chúng tôi gắn liền với chiến sự. Nếu cuộc chiến tiếp diễn, giá ngũ cốc sẽ còn cao trong thời gian dài”, ông nói.

Tại tiệm bánh Crécy-la-Chapelle, cách các nhà máy của ông Bourgeois 40 phút về phía bắc, Serge và Marie Pinguet đang cố gắng trì hoãn “ngày định mệnh” đó.

Hiện tại, hai vợ chồng không thay đổi giá vì sợ những khách hàng trung thành sẽ tìm tới nơi khác. Nhưng họ buộc phải tăng giá bánh sừng bò và bánh bột nhào để bù đắp chi phí.

“Giá cả thay đổi quá nhanh”, ông Pinguet - người bắt đầu công việc vào 2h mỗi ngày để kịp bán buổi sáng - cảm thán. Ông cho hay giá bơ đắt gấp đôi trong một năm, lên 12 euro/kg, trong khi giá đường đắt hơn 30%. Ông Pinguet hiện trả 78 euro cho một hộp 360 quả trứng, trong khi trước đó giá là 39 euro.

Trong khi bánh mì vẫn có giá cả phải chăng, “tất cả mặt hàng khác đều tăng, vì vậy khi giá sẽ tiếp tục lên không chỉ trong năm nay mà có thể là trong 2-3 năm tới”.

“Và khi giá quá cao, mọi người không mua được nữa”, ông Pinguet nói. “Đó là vòng luẩn quẩn”.
https://zingnews.vn/banh-mi-tang-gia-post1367197.html
 
Giá đó thì nhập khẩu gạo từ đông nam á là giải quyết xong vụ lương thực rồi
 
Hy vọng Zingnews cũng tích cực điều tra xem giá cả bánh mì, đường, trứng, sữa, dầu ăn, vân vân và mây mây của Đại Việt ta hiện nay lên xuống bao nhiêu % so với năm ngoái.
:shame:
 
Bánh mì Sài Gòn giờ cũng 25k rồi, bữa ghé mua cho ku nhóc mà giật mình vì trong đầu cứ nghĩ là 20k như mọi lần.
 
chỉ có làm công ăn lương mới chờ lãnh đạo tăng lương thôi, chứ freelancer phí dâng tới đâu, lương tăng tới đó... :D
 
Back
Top