manoao
Member
Một nghiên cứu gần đây cho thấy có đến 1/4 số học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần do nhiều áp lực như học hành, thành tích, mục tiêu áp đặt từ gia đình
Mới đây, một nam thiếu niên 16 tuổi nhảy lầu tại một trung tâm thương mại ở TP HCM khiến cộng đồng xót xa. Bất ngờ hơn, tờ giấy được tìm thấy bên thi thể nạn nhân để lại dòng nội dung đau lòng: Chán nản cuộc sống, mong muốn được giải thoát.
Rơi vào hố đen tâm lý
Theo các chuyên gia tâm lý, chất lượng cuộc sống phát triển kéo theo áp lực kinh tế và guồng quay công việc tấp nập khiến nhiều phụ huynh không có thời gian để gắn kết, chia sẻ với con, đặc biệt là các gia đình ở đô thị, thành phố lớn. Theo thống kê năm 2024, 1/4 học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nguyên nhân đến từ áp lực học hành, những mục tiêu từ gia đình hay đôi khi do chính các em đặt ra. Để "chữa lành" cho bản thân, nhiều học sinh THCS - THPT đã tìm đến các hội nhóm trên mạng xã hội. Nhiều câu chuyện đau buồn, tâm tư được các em giãi bày bằng tài khoản ẩn danh. "Em biết bố mẹ đã rất vất vả để lo cho em học tập, mặc dù đã cố gắng nhưng em không thể mang đến sự tự hào cho gia đình. Em đã học tập rất nhiều nhưng vẫn chưa đủ" - một học sinh lớp 8 tâm tư.
![]()
Cha mẹ rất quan trọng trong sự hình thành thể chất, nhân cách ở con trẻ
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - thành viên Ban Tư vấn chính sách, pháp luật cho thanh thiếu nhi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - cho biết từng tiếp nhận một trường hợp là nam học sinh lớp 6 đến cầu cứu chuyên gia nhờ giúp chị gái đang học lớp 9 thoát khỏi giai đoạn suy nghĩ tiêu cực vì em nghe người chị lên kế hoạch tự tử. Qua tìm hiểu, 2 em là học sinh một trường quốc tế ở TP HCM, phụ huynh đi làm xa và nhà có người giúp việc chăm sóc. "Cha mẹ cố gắng kiếm thật nhiều tiền để con có điều kiện học tập thật tốt, phát triển tương lai, thế nhưng người lớn lại quên rằng trẻ vẫn cần bồi đắp tinh thần, rất dễ cảm thấy bơ vơ, hụt hẫng…" - TS Hòa An cảnh báo.
Là giáo viên chủ nhiệm lớp 11 tại Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn, TP HCM), thầy Nguyễn Minh Hiếu cho biết phụ huynh thường đặt nhiều hy vọng, khoác cho con "chiếc áo" quá lớn về thành tích. Điều này vô tình đẩy con vào một hố đen tâm lý rất lớn. "Mỗi lần phát bài kiểm tra, tôi luôn quan sát biểu cảm của học trò. Các em rất ít khi giãi bày với giáo viên về những "góc tối" của mình. Vì vậy, giáo viên phải là người chủ động thăm hỏi, lắng nghe. Trong trường hợp cần thiết, giáo viên sẽ là cầu nối truyền tải tâm tư của học sinh đến phụ huynh và ngược lại để tâm lý của các em thoải mái hơn. Ngoài ra, nhà trường còn mở một phòng kết nối yêu thương để học sinh gặp những vấn đề về tâm lý đến chia sẻ, tháo gỡ những khúc mắc. Nếu ngại đối thoại trực tiếp, học sinh có thể tâm sự qua tin nhắn, email…" - thầy Hiếu thông tin.
Ngăn giọt nước tràn ly
Phó Hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1, TP HCM cho biết áp lực học tập là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến học sinh bị căng thẳng nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất. Ngoài việc học, còn nhiều yếu tố khác tác động đến tâm lý học sinh, như sự kỳ vọng từ gia đình, so sánh với bạn bè, áp lực thi cử, vấn đề về tình bạn, tình cảm, thậm chí là những vấn đề trong gia đình.
"Lứa tuổi THCS, đặc biệt là lớp 8, lớp 9, là giai đoạn chuyển biến quan trọng về tâm lý. Học sinh trong độ tuổi này thường có xu hướng muốn khẳng định bản thân nhưng lại thiếu kinh nghiệm kiểm soát cảm xúc, dẫn đến dễ bị tổn thương tâm lý" - lãnh đạo trường này khuyến cáo.

Báo động trầm cảm học đường
Một nghiên cứu gần đây cho thấy có đến 1/4 số học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần do nhiều áp lực như học hành, thành tích, mục tiêu áp đặt từ gia đình
