TPHCM - Nhiều học sinh bày tỏ mong muốn các trường vẫn công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm vào khoảng tháng 3 - 4 để đỡ áp lực thi cử.
Nhiều năm trở lại đây, số lượng thí sinh sử dụng kết quả học bạ THPT hay điểm thi đánh giá năng lực,... để đăng ký xét tuyển sớm vào các trường đang có xu hướng tăng cao.
Đợt tuyển sinh năm 2024, từ tháng 3 trở đi, một số trường đại học đã bắt đầu công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm theo phương thức xét kết quả học bạ THPT của 3 đến 5 học kỳ.
Huy Lan - học sinh lớp 12 tại quận Gò Vấp - cho biết, dự định đăng ký xét tuyển sớm bằng học bạ THPT vào ngành Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Văn Lang.
"Em có năng khiếu về vẽ, từ năm lớp 10 đã có dự định học ngành Thiết kế đồ họa. Do đó, nếu phương án tuyển sinh không thay đổi, khi trường thông báo nhận hồ sơ, em sẽ nộp xét tuyển. Việc biết sớm kết quả đỗ hay trượt sẽ giúp em thấy thoải mái, không còn bị áp lực. Bởi nếu đỗ, em chỉ cần đỗ tốt nghiệp nữa là đủ điều kiện trúng tuyển", Huy Lan nói.
Vào ngày 31.10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024 và chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Tại đây, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT đưa ra đề xuất, các trường đại học không công bố kết quả xét tuyển sớm trước ngày 31.5 - tức là kết quả xét tuyển sớm chỉ được công bố sau khi kết thúc chương trình và kế hoạch năm học.
Thông tin này khiến Nguyễn Ngọc Lan Chi - học sinh lớp 12 tại quận Phú Nhuận - cảm thấy lo lắng.
Lan Chi cho biết, em đã dự định dùng kết quả học bạ THPT và thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM để nộp xét tuyển sớm vào ngành Marketing ở các trường đại học.