Cái chạn bếp trong ngôi nhà thời bao cấp

nickthang6

Đã tốn tiền
Hà Nội ngày ấy, nhà nào hầu như cũng có một cái chạn bát. Hoặc đóng lấy từ gỗ tạp vụn mót được từ những thùng hàng trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước, hoặc mua sẵn từ các phố.


Chiếc chạn bát đã gắn bó với người Việt Nam qua rất nhiều năm khốn khó. Nguồn: pinterest.
Huong vi xua cu anh 1

Chiếc chạn bát đã gắn bó với người Việt Nam qua rất nhiều năm khốn khó. Nguồn: pinterest.
Huong vi xua cu anh 1

Huong vi xua cu anh 1
Chiếc chạn bát đã gắn bó với người Việt Nam qua rất nhiều năm khốn khó. Nguồn: pinterest.
Tủ hở cánh. Bàn nứt mặt. Ghế long chân. Chạn bong lưới. Nghĩa là cứ diễn ra ngay và luôn tại cửa hàng chứ chưa cần phải đem về đến nhà mới sinh sự. Tất cả chỉ có thế, mua thì mua, chả mua thì đừng. Nhìn cái cách cô mậu dịch viên chả nói chả rằng, phẩy phẩy cái phất trần lông gà qua quýt trên đám đồ gỗ tương đối khả dĩ hơn, ghi biển: “Hàng mẫu - Không bán” thì biết.
Nhưng mà kể cả những món hàng thường xuệch xoạc, nếu muốn mua cũng phải có giấy giới thiệu cơ quan, hay nhờ vả người quen thân có tí chức quyền mới chuốc nổi. Chê bai nỗi gì nữa. Đổi với trả lại là chuyện chỉ có trong mơ.
Thế cho nên, chạn bát dù mới mua mà bong lưới, xệ cánh, thì chuột gián vẫn ngang nhiên xông vào cái kho thực phẩm dù èo uột nhưng rất quý giá của gia đình. Hao mấy viên lạc, vỡ đôi quả trứng là các bà nội trợ lòng dạ như xát muối.
Nóng mắt lên, nghiến ngấu chửi bới đám chuột, gián bất nhân. Nhân thể cạnh khóe đám hàng mậu dịch giả dối, ẩu tả. Và tỏ thái độ bực bội luôn với người đàn ông chủ gia đình, cứ mải đi làm nhà nước tối ngày, vợ nhắc mấy lần mà chưa ra tay căng lưới, đóng nẹp, chăm sóc cho cái vật dụng tối cần, liên quan đến cái bụng của cả gia đình. Vì hầu hết bữa ăn, nguồn chất đạm chỉ có lạc rang muối cầm trịch, và quả trứng luộc dầm mắm mặn chát, cả nhà chấm chung. Phải bảo quản cho đâu ra đấy chứ.
Nhà ít người chạn nhỏ, nhà đông người chạn to. Cũng có nhà đông người mà chạn vẫn nhỏ, hoặc là không có chạn, chỉ có một chiếc giá tạm bợ để úp bát úp nồi. Ấy là chuyện của các gia đình nghèo, thường nằm trong những ngõ ngách sâu tối, hay ở ngoài bãi đê sông Hồng.
Nhà tôi đông lắm. Tính cả hai bà, bố, mẹ, dì Hai và các anh chị em, thảy là 16 người. Thế nên dùng cái chạn to tướng và khá vững chãi. Nhưng dùng lâu nó cũng thi thoảng hỏng. Bố tôi lại kỳ cạch đóng đóng, sửa sửa, hay sơn phết lại. Không hiểu sao, ông cứ chọn sơn cái màu xanh lá cây mà không phải là màu khác. Khiến tôi ngủ nằm mơ bao năm, vẫn thấy cái chạn xanh xanh như đang hiện ra trước mắt.
Nóc chạn thường là nơi gác mâm, úp lồng bàn, rổ rá. Chạn bát thường có ba tầng. Lưng tầng trên đóng gỗ kín. Ba mặt đều chăng lưới sắt để ngăn gián, chuột. Có hai cánh cửa gỗ đằng trước. Tầng trên là nơi cất liễn mỡ, chai mắm, hộp đường, lọ tương, gói lạc, gói vừng và các lọ hộp gia vị như hạt tiêu, bột cà ri… Rổ con trứng gà, trứng vịt lỏng chỏng không mấy khi có đủ cả chục, kể cả khi mấy con gà tăng gia cạnh bếp ngẫu nhiên đẻ cách nhật được dăm ba quả.
Ngày ấy, mùa nào thức nấy. Tháng năm có sấu, tháng sáu có chanh, tháng bảy có trám. Hầu như không dư đồ tích trữ lâu ngày. Mà tiền đâu mua đồ tích trữ. Tầng trên còn là nơi cất các đồ ăn mặn như âu cá kho, bát tôm rang. Đôi khi, cánh cửa phải có khóa để đề phòng đám lau nhau xúc trộm đường pha nước uống, tu lén hộp sữa đặc của em bé, hoặc khuấy vụng mỡ đem trộn cơm nóng xì dầu khi nhà hết thức ăn. Kho thực phẩm này thật quý báu với mỗi gia đình thời bao cấp. […]
Tầng thứ hai của chạn bát có ba mặt ngoài đóng các thanh nan nhỏ song song hàng dọc. Đó là nơi úp bát úp đĩa ăn hàng ngày đã rửa sạch. Nhà tôi là nhà trưởng chi họ, giỗ chạp nhiều nên bát đĩa làm cỗ để riêng một tủ khác. Bát rồng phượng, đĩa cô tiên, đũa sơn son, nếu úp chung vào đây thì rất chật, mà thể nào đám trẻ vụng dại cũng sẽ làm mẻ, đánh vỡ.
Xưa bát đĩa, nhất là bát đĩa làm cỗ, quý giá lắm chứ không phải chuyện thường. Có nhà truyền đến mấy đời vẫn giữ, dù lớp men đã mòn vẹt gần hết.
Bên cạnh tầng hai, vẫn treo chiếc giỏ tre đựng đũa cả, đũa xào, đũa quấy, muôi lớn, muôi bé. Một giỏ khác nhỏ hơn, đựng đũa ăn, thìa ăn. Cái rây bột, rổ lọc mẻ, vỉ muối cà, khuôn tráng bánh cuốn, làn đi chợ của mẹ và dì cũng treo lỉnh kỉnh xung quanh.
Tầng cuối cùng cũng gồm mặt thanh gỗ song song hàng dọc. Đây là nơi úp xoong nồi to nhỏ, các loại rế bắc nồi bằng tre đan các cỡ, dao phay, dao thái, chảo, thớt, cối, chày… sau khi đã phơi nắng ngoài sân cho khô nỏ. Xoong nồi phần lớn là đồ cũ. Đun trên bếp than củi hay bếp mùn cưa, quăng quật hàng ngày, nên chúng luôn méo mó, đen nhẻm. Vung kênh, quai sứt là chuyện thường.
Bốn chân chạn thường được kê trên bốn cái bát sắt tráng men cũ, men bong từng đám. Trong bát quấn giẻ tẩm dầu mazut để chống kiến. Tuy nhiên, đấy chỉ là chống kiến đỏ, kiến đen, chứ giống kiến gió, nó vẫn bay như gió vào thức ăn như thường. Kiến gió tuy nhỏ nhưng rất hôi nên mẹ thường dặn chị em tôi đóng các nắp hộp thức ăn phải thật chặt chẽ. […]
Cạnh chạn bát là một bộ sưu tập mấy cái vại sành Hương Canh nâu đỏ xếp chồng lên nhau. Cái to nhất ở dưới cùng nén cà bát, phòng khi trời bão gió mà lỡ buổi chợ. Chiếc vại nhỡ nhỡ lồng bên trong vại to, để nén dưa cải Đông Dư, cả cây cải to như cái nơm gà, cũng để phòng khi bão gió cơ nhỡ. Tiếp nữa là chiếc vại bé hơn, chuyên muối cà pháo. Trên cùng là chiếc vại nhỏ nhất, chuyên muối xổi dưa cải ăn hàng ngày.
Trên chốc bộ vại to nhỏ ấy, là chiếc thớt gỗ nghiến đen dầy đậy trên tránh bụi, và cũng để nén dưa cà cho chặt chịa, lâu ngày cũng không bị thâm khú. Mỗi lần đến phiên dọn cơm, chị em tôi sợ nhất là phải nhấc cái thớt nặng trịch và từng lớp vại để lấy dưa cà theo đúng ý mẹ tôi. Dưa cà nào thích hợp với món ăn nào. Như ăn canh cua, canh tôm, canh đậu, phải đi cùng cà pháo. Đậu rán, cá kho, thịt luộc, phải đi kèm với dưa cải muối xổi. Hôm nào bão gió, ăn canh dưa cải nén Đông Dư nấu cá, hay nấu lạc. Hoặc là ăn cà nén thái mỏng bỏ hạt, dầm đường ớt tỏi riềng với canh tôm khô nấu bí đao, canh tép nấu rau muống… […]
Bây giờ các gia đình ở Hà Nội phần lớn đều xây tủ bếp liên hoàn tủ bát thật đàng hoàng. Đôi khi còn rất sang trọng, hoa mỹ. Lắm nhà đã tủ lạnh to dưới bếp, lại tủ lạnh nhỏ trên phòng riêng.
Nhà nào hay nấu nướng hoặc lắm đồ cho, của biếu thì sắm thêm một đôi chiếc tủ cấp đông to nhỏ. Đặc sản trăm miền đều sẵn có. Rươi Tứ Kỳ, sá sùng Vân Đồn, cốm Tú Lệ, tôm Cà Mau… cũng đóng hộp kín mà cho vào đấy cấp đông luôn thể. Đồ tích trữ nhiều, lắm khi chả nhớ hết mà đem nấu nướng. Lúc sắp sửa vào bữa, lại tiện thể nấu đồ tươi cho nhanh. Thi thoảng dọn tủ, chả nhận ra thứ gì với thứ gì nữa.
Bỗng chốc ngẩn ngơ, tôi lại chợt nhớ dáng hình cái chạn bát sơn xanh lỏng chỏng mấy thứ thức ăn đồ đựng đơn sơ ngày ấy.
https://zingnews.vn/cai-chan-bep-trong-ngoi-nha-thoi-bao-cap-post1397049.html
 
Back
Top