khoe Cambodia Odyssey - Campuchia Phiêu lưu ký

noceiling

Member
Mello các thím! Mình đã từng đi Cam hai lần, lần đầu tiên vào năm 2016 và lần thứ 2 vào năm 2018. Lần thứ 2 mình đi công tác nên có cơ hội đi nhiều hơn và trải nhiệm nhiều hơn. Topic này mình sẽ tiểu thuyết hóa chuyến đi năm 2018. Hy vọng nhận được sự ủng hộ của các thím.

Chiphat.jpg


Trở lại Campuchia sau hai năm, tôi háo hức lần đầu vì mình có cơ hội đi hết ba phần tư đất nước này thay vì chỉ ba ngày như chuyến đi trước. Tôi có mười đêm cùng các đồng nghiệp trong công ty đi khắp các địa điểm du lịch để khảo sát các sản phẩm cũng như khách sạn của đối tác mà chúng tôi vẫn làm việc. Cũng chẳng có gì đáng nói nếu không phải việc tôi có thể kết hợp chuyến công tác với việc tự dấn thân vào chuyến phiêu lưu của riêng mình.
Chuyến công tác cùng công ty kết thúc tại Phnom Penh trong vội vã. Tạm biệt những đồng nghiệp trong chuyến hành trình, tôi gọi tuk tuk để về hostel trong khi mọi người sẽ ra sân bay về Việt Nam. Tôi đứng đó một mình nhìn chiếc xe bus màu vàng chầm chậm lăn bánh. Như một cảnh huyền thoại trong những bộ phim, tôi phát hiện ra chiếc xe chở mọi người rời đi trong khi hai vali đồ vẫn còn ở lại, bellman đã chuyển đồ xuống chậm và mọi người cũng không check lại cho kỹ. Tôi mặc kệ balo to của mình tại đó, chạy theo chiếc xe bus vẫn còn trong tầm mắt. Tôi chạy nhanh trên đường phố Phnom Penh cháy nắng, rốt cục cũng bắt kịp chiếc xe đang cố tăng ga. Cứ vừa chạy theo vừa đập tay vào cửa ra hiệu. Mở cửa ra, mọi người nhìn tôi ngỡ ngàng, tôi nói trong hơi thở ngắt quãng: “ Vẫn còn... vali của chị Ngọc và... Trâm”. Mọi người hiểu ra cả, quay xe lại và lại chia tay lần hai.

***
Tôi tự book 1 giường trong phòng dorm của 1 hostel gần Central Market. Gã lái xe tuk tuk thì không rõ đường trong khi điện thoại tôi đã sạch pin và không thể vào google map được. Hỏi lần hồi cuối cùng chúng tôi cũng tới được chỗ mà tôi định ở qua đêm. Tôi có đồng 10 đô được trả lại bởi nhân viên quán bar ở Siem Reap mà rách quá không tiêu nổi. Khi trả tiền xe, tôi bèn nói với gã tuk tuk: Em đưa anh đồng này, a chỉ cần trả lại em 2$ (giá tuk tuk là $2), còn đâu anh giữ hết. Anh là người Campuchia nên anh có thể tiêu được, em là người nước ngoài, em không dùng được.

Gã cầm tờ tiền, xem xét được mất mà ca này chỉ có được chứ sao mất, nói chạy đi đổi tiền rồi quay lại trả tôi số thừa sau. Số là trong túi gã cũng chỉ có đồng 10$, không đủ để trả lại.
Lúc đầu tôi cũng hoài nghi gã vì lái xe tuk tuk ở Phnom Penh không được tin tưởng cho lắm. Gã cầm tiền có thể phắn luôn chứ. Nhưng gã khẳng định chắc nịch bằng thứ tiếng Anh bồi là sẽ trở lại và nói rằng hãy tin gã: “tôi là nhân viên của khách sạn mà”. Ờ thì tin người một chút trong hoàn cảnh này cũng chẳng hại gì, dẫu sao thì tờ 10$ đó chả biết bao giờ tôi mới tiêu nổi. Tôi vào check in phòng, hỏi thông tin vé xe bus đi Koh Kong các kiểu mà chưa thấy gã tuk tuk quay lại, tôi nghĩ ok xong rồi, đi rồi, đi luôn. Nhưng khoảng 20 phút sau thì gã chạy lại, nở nụ cười cầu tài: “xin lỗi, tiền rách quá, tôi phải đi đổi mãi, nhưng tôi chỉ đưa anh 1$ được thôi, vì tiền rách quá người ta không đổi được nhiều hơn”. Ok, một đô thì một đô, tôi cảm ơn gã rồi phắn lên phòng theo chỉ dẫn của em nhân viên béo như con hà mã.

Hostel nóng như cái lò luyện thi. Hà mã chỉ tôi lên cái giường tầng 2. Mọi giường khác đều có quạt, riêng của tôi thì không. Vì ở trên cao, tối đó Phnom Penh mưa to và gió thổi vào tận trong phòng, nhưng tuyệt nhiên không đến chỗ tôi. Tôi thức dậy 4 lần trong đêm vì nóng. Vì chỉ có một đêm còn lại duy nhất ở Phnom Penh trước khi bắt xe buýt đi Chi Phat, tối hôm đó tôi có hẹn đi chơi và ăn tối với Koko – cậu bé đã giúp đỡ tôi hai năm trước khi lần đầu đến thành phố này.

Ngày đó, tôi đến Phnom Pênh trên chuyến xe bus từ Siem Reap. Ngay từ những phút giây đầu tiên, tôi đã cảm nhận được sự ồn ào và lộn xộn nơi thủ đô Nam Vang. Mấy gã tuk tuk chạy lại luôn miệng kêu túc túc như gà, tôi bực mình nói không rồi cứ lầm lũi đi tìm hostel của mình cách đó không xa. Nhưng tôi đã lầm đường và bị lạc mãi. Cứ bám theo cái maps.me để tìm mà không ra, người dân thì không nói tiếng Anh, cuối cùng tôi vớ được cậu nhóc.

Nói là cậu bé nhưng cũng chỉ kém tôi vài tuổi, đang là sinh viên. Cậu khoe với tôi là đang học tiếng Anh để lấy học bổng đi Úc. Cậu có mẹ là người Campuchia và bố là người Thái Lan. Sinh ra ở Phnom Penh mà có vẻ cậu cũng không biết hostel của tôi ở chỗ nào. Cậu cứ hỏi lần hồi mấy người xe ôm và dân địa phương, chở tôi đi lạc mấy lần trên con xe còm cuối cùng cũng tới nơi. Tôi muốn mời cậu ta cafe nhưng cậu ta phải về luôn. Tôi xin facebook và giữ liên lạc cho tới giờ.
Koko đón tôi từ chiều tối lượn vòng véo khắp thành phố, qua khu bất động sản hot nhất Phnom Penh bây giờ - Diamond Island. Phnom Penh phát triển hơn nhiều với nhiều nhà cao tầng hơn. Nhưng cũng vì thế mà nó cũng bụi bặm và tắc đường hơn. Theo như Koko nói thì chủ của nhiều khu bất động sản là người Việt và Trung Quốc. Đang đi lượn thì Koko có điện thoại từ bạn cậu ta, hẹn nhau cùng đi ăn ở một quán ăn đường phố. Tên nó là Tra. Tra đi cùng người yêu trên một con xe scooter nhỏ như xe máy điện. Đúng chất trẻ trâu, Tra lượn lờ, đánh võng thôi rồi, và tất nhiên, hai đứa đó chẳng đứa nào thèm đội mũ bảo hiểm. Trước khi gặp thằng Tra thì Koko có rào trước với tôi rằng cả hai thằng nó đều không uống được bia, thế nên sẽ uống vừa đủ thôi nhé. Chắc nó tưởng tôi là một người Việt Nam điển hình, tức là bia rượu thành thần. Nhưng tôi không.

Đồ ăn địa phương, hai thằng kia gọi gì tôi cũng gật đầu như bổ củi, miễn có bia Angkor uống và cơm ăn là được rồi. Bọn nó gọi nào là vây cá, nào là ốc, là sò rồi hút chùn chụt. Cả thêm món trứng sống nướng nữa, nghĩ lại mà lạnh người. Cũng là đồ ăn đường phố mà sao thằng cha đầu bếp Nara đưa tụi tôi đi ăn trong tour của hắn toàn đồ ăn ngon không. Đằng này...

Tôi xác định luôn sẽ làm bạn với toilet sau vụ này, nhưng thôi, đau bụng đã có berberin. Sau khi ăn, chúng tôi có đi đến chỗ gọi là Jet Container nơi dành cho giới trẻ với rất nhiều bar mở và quán ăn. Nhạc nhẽo ầm ĩ và ồn ào, Tra và người yêu tạm biệt chúng tôi và rút êm. Tôi và Koko lượn thêm 1 vòng rồi cũng té luôn, thằng bé nói phải về nhà, lúc đó là 8:30 tối. Nó quá ngoan so với độ tuổi.

Chúng tôi dừng lại một cửa hàng tiện lợi đối diện hostel, Koko mua cho tôi 1 cái sim của Motel để tôi có thể sử dụng 3G không giới hạn trong một tuần. Trước khi chia tay, có người khuyên tôi nên mua sim này để có gì tiện liên lạc bạn bè, người thân. Tôi cho là phải.
 
Chương II: Chi Phat
Untitled-1.jpg

Để tiện hơn, ngay từ chiều tôi hôm trước đã book vé xe buýt đi Koh Kong tại hostel. Không có nhà xe du lịch nào có xe chạy thẳng từ Phnom Penh đi Chi Phat cả. Tất cả đều là xe khách địa phương chạy tuyến Phnom Penh – Koh Kong. Theo như dự tính, tôi sẽ xuống xe tại chân cầu Andong Toek trên đường quốc lộ số 48 và từ đó đi thuyền vào Chi Phat – đích đến đầu tiên của cuộc hành trình đơn độc. Xe hẹn 6h45 sẽ xuất phát và nhân viên báo tôi tôi phải có mặt tại sảnh hostel lúc 6h. Như vậy là hơi sớm, nhưng tôi mừng thầm vì có thể sẽ đến Chi Phat sớm hơn dự tính.

Sáng hôm sau, một gã phi xe máy đến đón tôi lúc 6h15, muộn mười lăm phút so với lịch hẹn. Xe tiếp tục chạy vòng vèo rồi xịch lại ở văn phòng của hãng xe. Đợi thêm mười lăm phút nữa thì xe khách mới tới, trong thời gian đó tôi tranh thủ sạc điện thoại, được phút nào hay phút đó vì cái Iphone 5 ngốn pin quá. Chiếc xe khá lớn nhưng lộ rõ vẻ già nua cũ kĩ, có vẻ nó đã muốn nghỉ hưu từ thời tên Khmer đỏ cuối cùng tuyên bố đầu hàng chính phủ Hun Sen rồi.

Chỉ có duy nhất tôi và một người nữa trên xe khi rời khỏi văn phòng. Xe lại chạy vòng vèo ra khỏi trung tâm thành phố và đến một bến xe lớn, và nhếch nhác. Đón thêm một lượng người nữa trước khi thực sự xuất phát vào lúc 7h45. Tôi nhìn thành phố qua ô cửa kính mờ. Giờ thì có vẻ chỉ có tôi và hai người châu Âu nữa ngồi phía đầu xe là khách du lịch. Xung quanh chỉ toàn người Khmer. Xe cứ chạy và dừng và lại chạy, mỗi lần như vậy lượng khách lên xe lại đông hơn. Đây đúng là kiểu hoạt động của xe khách Việt Nam vài năm về trước – bắt khách dọc đường. Người Khmer ồn ào như sóng biển, họ nói chuyện, cãi nhau và cười đùa. Xe càng ngày càng đông, nhồi nhét khách tràn lan cả lối đi bằng những chiếc ghế nhựa. Hình ảnh quen thuộc này gợi nhắc tôi nhưng ngày bôn ba xưa cũ trên tuyến xe Giáp Bát – Lạc Long.

Dọc lối đi giữa xe, một thằng bé đang ngồi trên đùi mẹ còn mẹ nó đang ngồi trên chiếc ghế nhựa nhỏ. Thằng nhóc uống thứ nước màu xanh lè như ao bèo tấm mà tôi cá là made in Vietnam và đầy chất hóa học. Đôi mắt thằng nhỏ xoe tròn nhìn tôi lạ lẫm. Phía đầu xe, chiếc màn hình cũ kỹ đang chiếu một chương trình ca nhạc tạp kỹ của Campuchia, nghe chỉ thấy nhộn mà không thấy hiểu. Xung quanh vẫn tiếng nói, tiếng cười vang vang. Tôi ngoái lại phía sau, cả một đống người chen chúc đằng cuối xe như cá xếp lớp, họ nhìn tôi bằng những cặp mắt thánh thiện, họ không nói gì cả, tôi quay đi trong đầu nảy nở đầy suy nghĩ. Tôi biết hành trình này sẽ rất dài và như cách đây hai năm, tôi sẵn sàng đón nhận nó.
 
Mang xe máy sang có cần xe chính chủ k thím thủ tục sang có dễ ko
dễ. mà chấp nhận tốn tiền thì đi. Mang xe máy qua ko tốn tiền nhưng bây giờ CSGT Cam nó biết phượt thủ VN rồi nên nó thấy Việt là nó qua hốt liền à. Lần 100 đô. Khuyên đi xe bus
 
dễ. mà chấp nhận tốn tiền thì đi. Mang xe máy qua ko tốn tiền nhưng bây giờ CSGT Cam nó biết phượt thủ VN rồi nên nó thấy Việt là nó qua hốt liền à. Lần 100 đô. Khuyên đi xe bus
Picachu bên đấy mất dậy thế, đi xe máy có cái thú vui trải nghiệm cung đường với tự do hơn, đi xe bus thì hơi chán
 
_DSC3428x.jpg


Chi Phat là một ngôi làng nhỏ nằm tách biệt trong rừng, dưới chân dãy núi Cardamom bên cạnh dòng sông Piphot. Cardamom là dãy núi cao nhất Campuchia, khu vực dãy núi là một trong những thành lũy cuối cùng của tàn quân Khmer Đỏ. Rừng núi che chở đám người này cho tới những năm cuối cùng của thập kỷ chín mươi.

Năm 2018, Tổ chức Wildlife Alliance (tổ chức phi lợi nhuận về bảo vệ rừng và động vật hoang dã) thành lập một cộng đồng du lịch tại Chi Phat (Community Based Ecotourism Project – CBET) với mục tiêu dùng lợi nhuận từ du lịch thúc đẩy người dân từ bỏ những thói quen xấu với thiên nhiên và việc làm bất hợp pháp như chặt phá rừng và săn bắt thú hoang. Lợi nhuận từ du lịch cũng được phân bổ cho những công trình công cộng phục vụ lợi ích của người dân như làm đường, xây trường học, hệ thống điện hay nước sạch. Bên cạnh đó, người dân địa phương sẽ có thêm những công việc mới liên quan đến du lịch với thu nhập tốt hơn.

Chi Phat rõ ràng không phải là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Campuchia nếu đặt nó lên bàn cân với thác nước Tatai ở cùng tỉnh Koh Kong, chứ chưa nói gì đến Siem Reap, Phnom Penh hay Battambang. Lần đầu tiên tôi nghe cái tên Chi Phat qua một yêu cầu của khách hàng, mong muốn được tổ chức tour tới đây. Tôi phải sục sạo thông tin trên internet trước khi từ chối vì những vấn đề liên quan đến logistic và lợi nhuận. Nhưng rõ ràng Chi Phat đã khiến tôi lưu tâm, tôi tự nhủ nhất định sẽ tới đây nếu quay trở lại Campuchia.

Từ cầu Andong Toek, có hai cách để tới Chi Phat đi thuyền 1.5 tiếng và đi đường bộ xuyên những cánh rừng. Đi thuyền từ chân cầu Andong Tuek là lựa chọn ưu tiên của nhiều người vì sẽ được ngắm cảnh đẹp đôi bờ của dòng sông Phipot. Đó là dự định ban đầu của tôi nhưng tất cả đổ vỡ vì không có ai đi chung thời điểm tôi dừng lại cả. Gã lái xe thậm chí suýt nữa thả tôi nhầm chỗ. Dường như ngày hôm nay, chỉ có tôi là vị khách đến ngôi làng. Tôi không muốn bỏ ra ba mươi đô để thuê riêng một chiếc thuyền, vì thế tôi chọn cách rẻ hơn – xe ôm với giá bảy đô.

Anh chàng lái xe nói tiếng Anh bập bõm, trái ngược hoàn toàn với khả năng lái xe với tốc độ cao trên con đường xấu như ma cấu. Phi trên những con đường đất đỏ ối thực sự làm tôi không còn nuối tiếc vụ thuyền đò nữa, chỉ tiếc người cầm lái không phải là mình. Cảnh vật hai bên đường thay đổi liên tục, khi là những vạt rừng xanh ngắt, khi lại là những mảng đồi màu đen do bị đốt cháy, khi là những đồng cỏ, đồng mía như cao nguyên Mộc Châu. Xe chạy qua một quả đồi đầy cỏ lau trắng xóa, tôi thích thú hét lên “Wow” khiến gã lái xe bật cười khanh khách. Dân ở đây thật ăn chơi, họ xây nhưng căn nhà cao bốn, năm tầng chỉ để cho chim én đến ở (ban đầu tôi tưởng là khách sạn). Tiếc là anh chàng lái xe không giải thích được nhiều với tôi về vụ này. Nhưng tôi biết có mùi kinh doanh rồi đây.

Sau khoảng bốn mươi phút chạy xe, chúng tôi đỗ lại ở một bến sông. Bên kia là Chi Phat rồi. Tôi nhảy lên một chiếc phà nhỏ bằng gỗ, mất chỉ ba phút để sang bờ sông bên kia với giá 1000 Riel (khoảng 5000 tiền Việt). Bước chân lên bờ, đám chủ nhà bốn chân bày tỏ thái độ với tôi không thể “welcomed” hơn bằng cách sủa lớn. Tôi đương ì ạch đi bộ về phía văn phòng của trung tâm du lịch – CBET thì một người phụ nữ trung niên ra hiệu cho tôi nhảy lên xe, bà ấy đèo tôi đến văn phòng miễn phí.

Khi tới văn phòng, tôi gặp một nhóm bốn người Úc đang ở đó với một gã người Khmer, có vẻ là hướng dẫn viên. Đoàn người này ở đây từ tối hôm trước. Tôi nhận một cuộc gọi từ một ai đó, hình như là quản lý ở đây, thông qua một nhân viên. Gã nói tôi đợi đến hai giờ chiều sẽ có nhân viên nói tiếng Anh đến tư vấn cho tôi về tour và nơi ăn chốn nghỉ. Trong thời gian chờ đợi, để giết thời gian, tôi gọi bữa trưa muộn (văn phòng phục vụ luôn) vì trưa nay tôi chỉ ăn một chiếc bánh bao tại điểm dừng chân giữa đường. Tôi bắt chuyện một cô gái, cũng người Úc, đang ngồi ăn đối diện. Cô tên Sophie, kém tôi hai hay ba tuổi gì đó, cô bé đi du lịch một mình như tôi. Tuy nhiên, Sophie đã ở Campuchia được gần một tháng rồi và di chuyển ngang dọc quốc gia này bằng việc đi nhờ xe, chẳng cần biết địa điểm ngày mai sẽ là đâu.

Hóa ra ngôi làng ngày hôm đó đón chưa đến 10 khách du lịch nước ngoài. Chỉ có tôi và Sophie muốn đi tour ngày hôm sau, bốn vị khách kia có vẻ chỉ đến thăm làng mà thôi. Vì tôi chỉ có hai đêm ở đây, nên không có nhiều sự lựa chọn về các tour thăm quan. Tôi chỉ có thể chọn tour một ngày, trong khi Sophie mong muốn hai ngày một đêm với một đêm ngủ trong rừng. Vấn đề bắt đầu phát sinh từ đây, vì ai cũng muốn đi tour của mình, nhưng lại không đủ tiền để đi riêng vì chi phí về hướng dẫn viên và dịch vụ là quá cao. Sau một hồi thỏa hiệp, chúng tôi chọn một tour đạp xe đến thác nước, dù Sophie tỏ ra là một người thích đi bộ hơn.

Nói qua một chút về ngôi làng du lịch này – mọi thứ liên quan đến dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng đều phải có sự thông qua CBET. Những guesthouse, homestay hay bungalow (Chi Phat không có khách sạn nào) đều phải đóng góp 20% hoa hồng trên mỗi booking, số tiền này theo như tôi được nghe, sẽ được phân bổ tới cộng đồng nhằm phát triển địa phương và bảo tồn thiên nhiên. Chúng ta chẳng có gì phàn nàn với mục đích đẹp như lý tưởng cộng sản đó, trên thực tế, nhiều cụm trường, đường xá, và điện đã về tới nơi xa xôi này.

Nhưng sứ mệnh của họ dường như đã hoàn thành. Với những đặc quyền và công lao thuở ban đầu, CBET dần trở nên độc tài trong ánh mắt của người quan sát. Họ kiểm soát mọi thứ, người dân không được tự do phát triển du lịch theo cách họ muốn, dù xấu dù tốt. Nếu tôi muốn đặt phòng trực tiếp với chủ homestay, điều này là không thể trên thực tế. Dù muốn dù không, tôi vẫn phải thông qua văn phòng của CBET, và dù tôi có trả tiền trực tiếp cho chủ nhà, họ cũng sẽ tự động đem 20% qua “Văn phòng” để giữ chữ tín, và có thể là sợ hãi nữa. CBET biết mọi thứ. CBET độc quyền khai thác các tour du lịch. Mặc dù các điểm đến đều không thu phí, nhưng tôi không thể tự thuê một hướng dẫn địa phương đưa mình đi tour được, anh ta không bao giờ dám làm thế, anh ta phải thông qua văn phòng và nhận số tiền theo quy định. Dù cho tôi và chàng hướng dẫn viên kia là bạn chăng nữa, anh ta cũng không dám đưa tôi đi chơi vì “tình ngay lý gian”, với CBET thì không có chuyện hướng dẫn địa phương kết bạn với người nước ngoài (người Campuchia thì được). Thế mới có chuyện nực cười như này, tôi mới quen anh chàng Virak là chủ một Bungalow (tôi sẽ kể về anh chàng thú vị này sau), anh ta nói anh ta có thể mời tôi ngủ miễn phí tại Bungalow của anh ta trong lần tới tôi ghé thăm, nhưng tôi vẫn phải nôn ra 20% hoa hồng cho Văn Phòng.
 
Có vẻ hay, bookmark đọc sau. Cơ mà nhiều hình tí cho sinh động thím, đợt trước cũng có topic Việt - Cam - Lào bên forum cũ khá hay :love:
 
Back
Top