Treo phần thưởng khi con đạt điểm cao, những giải thưởng trong các kỳ thi đã trở thành chuyện phổ biến với nhiều phụ huynh. Ngược lại, khi còn bị điểm kém, cha mẹ thường la rầy, áp đặt, thậm chí là đe dọa.
Động viên, khuyến khích, quan tâm chia sẻ cùng con cái trong học tập cần thiết hơn là treo thưởng
ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Việc treo phần thưởng cho con chẳng khác nào... học thuê. Cách dạy này dễ gây ra tác dụng phụ, thế nhưng rất nhiều phụ huynh áp dụng.
Ngay từ bậc tiểu học, nhiều đứa trẻ đã được học… thuê từ cách dạy của người lớn. Muốn con học bài, làm bài tốt, hay con cái lơ là trong việc học, ông bà, cha mẹ thường treo giải cho con em mình. Có thể đó là những cái bánh, cái kẹo, lớn hơn là vài ngàn đồng, lớn hơn nữa là những món quà có giá trị về vật chất. Nhất là những đứa trẻ lười học, người lớn thường hứa thế này, hẹn thế kia để con em mình học hành đàng hoàng hơn. Và cứ thế, người lớn đã gieo cho con trẻ thói quen xấu: học… thuê.
Những thầy cô đi dạy lâu năm, nhất là giáo viên chủ nhiệm ở bậc THPT, chắc chắn trong đời ít nhất cũng đối diện đôi ba trường hợp học sinh học… thuê. Những trường hợp này đa phần rơi vào con của các gia đình có điều kiện, cha mẹ kiếm tiền nhiều nhưng thời gian gần gũi, quan tâm con cái có phần hạn chế.
Đối diện với những em học thuê, giáo viên khá vất vả để dạy các em nên người. Khi học sinh không chép bài, không chịu học bài, không tập trung trong giờ học, giáo viên nhắc nhở, dạy dỗ, la rầy… chẳng có nghĩa lý gì. Khi được hỏi vì sao em không chịu học, đi học như vậy thì chẳng có kết quả gì, giáo viên sẽ nhận được những câu trả lời: “Em có thích học đâu”, “Tại bố mẹ em ép em đi học chứ em không thích”, “Thầy gọi điện nói với ba mẹ em đấy”, “Em không học, sau này em cũng giàu. Em sẽ nối nghiệp ba em”, “Ba mẹ em học thấp nhưng kiếm nhiều tiền”… Đủ những câu trả lời “rất thật” của các em.