Câu chuyện Thầy - Trò

Đây là tâm sự của một cựu chiến binh 70 tuổi về một kỷ niệm thời đi học, thật da diết và cũng thật buồn. Mới thấy, cuộc sống quan trọng vẫn là sự sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông.

Gần đến tháng tết, gió heo may về , rít từng cơn trên ngọn hàng cây phi lao và mấy bụi tre gai gần lán học. Lán này là lán lớp 7A. Tôi với Lưu Kế Toán mỗi đứa ngồi nép một bên mép hầm chữ A ở cuối lán . Xung quanh lán là bờ lũy được đắp cao, dầy như bờ đê; trên mặt và thành lũy được trồng cỏ để ngụy trang. Cuối năm 1966, máy bay Mỹ thường xuyên ném bom xuống những nơi mà chúng coi như mục tiêu oanh tạc. Mỗi phía lũy được nối với những chiếc hầm chữ A bằng một đoạn giao thông hào khoảng hai mét. Trong hầm mờ mờ tối, chẳng nói chẳng rằng, hai cái đầu của hai học trò cứ nhấp nhổm nhìn về bục giảng xa xa phía trong lớp, dùng hết thính lực lắng nghe tiếng thầy Chu Kỳ (thầy chủ nhiệm) đang giảng bài kỹ thuật chăn nuôi. Đoạn tôi lại cúi xuống ghi vào quyển vở nháp bằng bút chì. Phong phanh chiếc áo vải thô nhàu, hôm trước bố mới tranh thủ vá thêm một miếng, hai hàm răng tôi đánh vào nhau cầm cập. Thằng Toán véo nhẹ vào tay tôi một cái, ý muốn nói khẽ thôi, thầy mà nghe thấy thì dở. Vừa đói, vừa lạnh, mỏi quá, tôi ngồi bệt xuống, mơ hồ nhìn vào khoảng mông lung. Sáng đi học, chẳng có gì lót bụng, rồi cũng thành quen. Giật mình nhổm dậy, lại nghe, lại chép, rồi cũng hết tiết giảng của thầy. Chờ cho thầy dắt chiếc xe đạp khuất sau dãy lán, tôi với Toán lao khỏi hầm, chạy vào chiếc bàn mà tiết giảng của thầy có hai chỗ trống. Tôi mượn vở của bạn bên cạnh, tranh thủ chép cẩn thận bài thầy vừa giảng. Chép xong bài, vẫn còn thời gian giải lao, tôi thẫn thờ nghĩ về cái thời khắc ba ngày trước, tại chỗ này, tôi và Lưu kế Toán bị thầy gọi vào nhà dân, mượn làm văn phòng .Thầy tuyên bố một cách nghiêm nghị: kể từ giờ phút này, hai em tạm thời nghỉ học, chờ đến lúc có quyết định chính thức của Hội đồng nhà trường. Vừa nghe thầy tuyên bố xong, tai tôi như ù đặc, mắt tôi nổi đom đóm. Thầy cũng không cho hai đứa tôi trình bày gì, dù là một lời. Tôi và Toán bước ra khỏi văn phòng như người không còn sức. Thẫn thờ bước vào lớp, cầm mấy cuốn sách vở đi khuất dãy lán, tôi định thần rồi nói với Toán: Vào hầm nghe thầy khác giảng tiết sau vì còn hai tiết nữa mới hết giờ. Hết buổi học, về nhà không biết phải mở lời với mẹ thế nào. Mẹ thì không lo, nhưng còn bố. Bố nghiêm khắc lắm, tất cả mọi hy vọng bố đặt cả vào tôi. Bố mà biết tôi bị đuổi học thì hậu quả sẽ khó lường. Nhưng may quá, đêm qua bố tôi cùng đoàn thuyền của Hợp tác xã ra biển đánh cá, mấy hôm nữa mới về.

Ngày thứ năm, buổi chiều bố tôi đi biển về. Xong công việc đang ngồi uống nước, có người đến nhắn, mời bố tôi đến gặp bác giáo Thành (bác là hiệu trưởng trường cấp hai,cũng là họ hàng nhà tôi). Đang ngồi đạp máy xe sợi đay, tôi giật thót tim. Chờ bố đi khỏi, tôi nhủ lòng mình, lúc nào bố về tôi sẽ kể hết sự tình để bố nghe. Và cũng chờ sự phán xét công tâm của bố.

Đúng như dự đoán, nhìn nét mặt bố thấy buồn, nhưng bố ngồi xuống cạnh tôi khẽ khàng: Con hỗn với thầy thế nào mà ra nông nổi này. Bác giáo Thành nói là: nể con nhà chú, ngày mai cho cháu tiếp tục đến lớp nhưng sang năm thi tốt nghiệp xong, dù điểm có cao đến đâu thì cháu cũng không được vào học lớp 8 phổ thông. Nhưng học lớp 8 bổ túc thì được. Đây là quyết định của Hội đồng nhà trường. Riêng thầy Chu Kỳ thì kiên quyết lắm, đòi đuổi học cơ đấy. Bây giờ bố ngồi đây để nghe con trình bày sự việc.

Lúc này tôi thấy nhẹ hẳn người, thầm cảm ơn bố đã thương con, hiểu con và cho con cơ hội để giãi bày.

Câu chuyện là thế này. Trước ngày xảy ra sự việc vài hôm, buổi tối có đội chiếu bóng của huyện về địa phương chiếu bộ phim:Nổi gió,thể theo tác phẩm văn học của tác giả Đào Hồng Cẩm. Thời ấy nghe có đội chiếu bóng về thì ai ai cũng mừng, cũng thích. Sắp xếp công việc gọn gàng xong, tối đến là lũ lượt gọi nhau ra bãi cỏ, có máy phát điện của đội chiếu bóng đang nổ xình xịch để chọn chỗ ngồi, ngửi mùi xăng của máy nổ thấy thơm thơm thích lắm. Ngày ấy, máy bay Mỹ cũng hay bay trinh sát ban đêm. Cho nên dân quân du kích đã cắt cử người canh gác, cảnh giác báo động và có các phương án xử lý tình huống khi có hiện tượng máy bay địch xuất hiện. Đến giờ, phim cũng bắt đầu chiếu. Mọi ánh mắt đổ dồn lên màn ảnh. Chỉ còn nghe thấy tiếng âm thanh qua chiếc loa đang thể hiện nội dung phim.

Đến đoạn cao trào, đoàn biểu tình của đội quân tóc dài, vừa đi, vừa hô vang khẩu hiệu: Nó giết chết con chị Vân rồi. Hãy trả thù cho con chị Vân. Đả đảo đế quốc Mỹ. Tinh thần ấy như được truyền xuống cả khán giả đang ngồi xem phim. Những năm tháng ấy, miền quê tôi phải chịu đựng bao nhiêu bom đạn mà máy bay Mỹ ném xuống. Cảnh chết chóc tang thương thường nhật mà tuổi học trò như chúng tôi đã tận mắt chứng kiến. Cách đây không lâu, máy bay Mỹ đã điên cuồng đánh phá ác liệt vào đoàn thuyền đánh cá của Hợp tác xã quê tôi, ngay trên đoạn sông Sung. Sự kiện anh Thú bơi qua sông định cứu con thuyền, nhưng bị thương vì mảnh bom quân thù, đã đi vào thơ của thầy giáo Tú. "Anh Thú bị thương không rên rỉ kêu la. Mắt sáng quắc nhìn con thuyền hợp tác. Rồi: Đế quốc Mỹ, bọn bay có hai mặt. Một mặt người, một mặt thú đeo sau..."

Những bài thơ như thế, hồi ấy chúng tôi nghe và thuộc làm lòng.

Rồi sự việc diễn ra ngoài mong đợi. Thầy đến lớp kiểm tra bài kỹ thuật chăn nuôi. Cả lớp chẳng ai thuộc bài, tất cả, thầy đều cho điểm không. Một tiết học nặng nề, sau đoạn giáo lý của thầy. Nào là không tôn trọng môn học của thầy, cũng đồng nghĩa là không tôn trọng thầy, vân vân và vân vân... Lúc đấy vô tình Lưu kế Toán lại khe khẽ nhẩm đọc bài thơ của thầy giáo Tú. Trong đó có đoạn "...Một mặt người, một mặt thú đeo sau...". Có lẽ lúc đó thầy có nghe thấy. Thầy chưa nói gì, chắc là mới nghi nghi thôi. Hết giờ, cả lớp đứng dậy chào thầy. Vừa khuất bờ lũy, Trương Công Tuyên, ngồi trước tôi một bàn, hô to khẩu hiệu bắt chước trong phim Nổi gió vừa xem tối hôm trước: “Nó giết chết con chị Vân rồi”. Như có quán tính, tôi bước vào giữa hành lang lớp, hô to: Đả đảo. Nghe tiếng hô, thầy quay lại lớp, chộp được tay bạn Ninh, thầy hỏi: Ai vừa hô đả đảo? Ninh trả lời luôn: thưa thầy bạn Thanh ạ.

Cả lớp lại được thầy huấn thị một hồi, sau khi đã buộc tội Lưu Kế Toán nói thầy là: một mặt người, một mặt thú đeo sau. Và tôi được kết tội là đả đảo thầy giáo. Tất nhiên là tôi và Toán không được thanh minh, thanh nga gì sất. Rồi thầy gọi hai đứa tôi vào văn phòng tuyên bố đuổi học.

Sau khi thi tốt nghiệp xong, tôi thừa điểm vào lớp 8 phổ thông. Nhưng vẫn phải sang học lớp 8 bổ túc. Trong sổ học bạ thầy có ghi dòng nhận xét: Không có đạo đức tôn sư trọng đạo. Câu nhận xét đó cứ cắn xé tôi cả cuộc đời, cho đến nay tôi đã ngót nghét bảy mươi.

Học bổ túc, mỗi tuần học có 2 buổi. Tôi, Lưu Kế Toán và Lê Ngọc Thái. Đến ngày thì cùng nhau đi bộ tám, chín cây số đến trường. Về thì ra vườn dừa nhà Thái ven bến đò Sung đóng thảm cói. Học hết lớp 8 bổ túc, năm sau tôi lại thi vào học lớp 8 phổ thông. Lưu Kế Toán đi học trung cấp chuyên nghiệp. Lê Ngọc Thái thì đi bộ đội. Năm 1971 tôi lại lên đường nhập ngũ, sau mấy ngày đi thi đại học về. Qua hết các chiến trường miền Nam, sau giải phóng tôi được cử ra Bắc học sỹ quan.

Lại mười năm lăn lộn chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Biết bao nhiêu lần chết hụt, may mắn còn sống sót trở về. Tìm lại bạn bè cũ, người còn, người mất .Bâng khuâng tìm lại thầy cô giáo ngày xưa, nhiều người đã thành người thiên cổ. Ơn thầy, ơn cô, đi đâu, ở đâu, bất cứ lúc chúng em vẫn nhớ. Không thầy đố mày làm nên. Nhân kỷ niệm 20.11, ngày nhà giáo Việt nam, nhớ về một kỷ niệm buồn mà tôi đã cất giữ một mình hơn nửa thế kỷ, hôm nay bộc bạch ra đây, liệu có bạn nào cùng lớp, còn sống, thấu hiểu cùng tôi để chia sẻ. Âu cũng là một sự hiểu lầm của người làm thầy.

Nếu trong mỗi con chúng ta, chịu khó lắng nghe sự giải bầy của người dưới mình, như kiểu cấp trên lắng nghe cấp dưới, thầy giáo lắng nghe học trò, cha mẹ lắng nghe con cái thì chắc chắn mọi sự sẽ yên lành, số phận con người sẽ được định đoạt một cách nghiêm túc.

(Hà nội, đêm 19.11.2020)
 
Back
Top