Nhiều động thái cho thấy, có thể tới đây, sẽ có những dự án quy mô hàng tỷ USD của các nhà đầu tư Hoa Kỳ cập bến Việt Nam.
Sẵn sàng mang tỷ USD đến Việt Nam
Ít ngày trước, Tập đoàn Quantum (Hoa Kỳ) và Công ty cổ phần BB Group (Tập đoàn BBG, Việt Nam) đã ký thỏa thuận với tỉnh Quảng Trị về việc nghiên cứu, hợp tác đầu tư hai
dự án quy mô lớn tại Khu
kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Trong đó, Trung tâm Công nghiệp khí Hải Lăng - Quảng Trị có tổng vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ USD, với mục tiêu xây dựng nhà máy xử lý khí và nhà máy sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng, kho khí trên bờ, kho khí nổi, trong đó giai đoạn I có vốn đầu tư dự kiến 3,5 tỷ USD. Dự án thứ hai là Cảng tổng hợp Quảng Trị có quy mô vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD.
Trước Quantum, hai “ông lớn” khác của Hoa Kỳ là Exxon Mobil và Milennium cũng đề xuất các kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án điện khí tại Việt Nam. Nếu Milennium mới đến Việt Nam 1-2 năm trở lại đây, với đại kế hoạch đầu tư 30 tỷ USD vào các trung tâm điện khí ở Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Nam Vân Phong (Khánh Hòa), thì Exxon Mobil đã “ăn dầm nằm dề” ở Việt Nam. Các dự án mà tập đoàn này theo đuổi không chỉ là đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ, mà còn là các dự án điện khí ở miền Trung và mới đây là dự án điện khí ở Hải Phòng.
Exxon Mobil cũng đã ký MOU với TP. Hải Phòng về việc nghiên cứu đầu tư Dự án Tổ hợp điện khí, với quy mô vốn đầu tư 5,09 tỷ USD tại huyện Tiên Lãng và huyện Cát Hải (Hải Phòng).
Chỉ cần một trong các dự án trên được hiện thực hóa, vốn đầu tư từ Hoa Kỳ sẽ chảy mạnh vào Việt Nam. Và có vẻ đúng như nhận định được bà Marisa Lago, Thứ trưởng Thương mại phụ trách thương mại quốc tế Hoa Kỳ chia sẻ tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ, được tổ chức hồi tháng 3/2022, năng lượng,
y tế, thương mại số và biến đổi khí hậu sẽ là những lĩnh vực được các doanh nghiệp Hoa Kỳ ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới.
Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống (42,5%); công nghiệp chế biến, chế tạo (32%); cấp nước và xử lý chất thải (5,2%). Tuy nhiên, dường như xu hướng bây giờ đã khác. Không chỉ đơn thuần là các khoản đầu tư vào sản xuất, hay dịch vụ, với sự có mặt của các tên tuổi lớn như Ford, General Electric, Pepsi, Coca-Cola, Nike, Microsoft, Citi Group, P&G, Metlife, UPS…, mà nhà đầu tư Hoa Kỳ đã có những mối quan tâm rất khác ở Việt Nam.
Tài chính, dịch vụ tài chính cũng là một ví dụ điển hình. Ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) từng chia sẻ, các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẵn sàng đầu tư 10 tỷ USD vào Việt Nam. Đó là ông đề cập kế hoạch phát triển các trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM và Đà Nẵng, mà Chính phủ Việt Nam đang xây dựng.
Theo ông Jonathan Hạnh Nguyễn, nếu kế hoạch xây các trung tâm tài chính quốc tế được thông qua, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đồng ý rót khoảng 4 tỷ USD vào Đà Nẵng và 6 tỷ USD vào TP.HCM.
Những kế hoạch tỷ USD của doanh nghiệp Hoa Kỳ khiến dư luận không khỏi vui mừng. Tuy vậy, câu hỏi được đặt ra là, bao giờ các kế hoạch này được hiện thực hóa?