Chuyện chưa kể về nhà toán học đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022

dogamer03

Senior Member

(Dân trí) - Tính cách, cuộc đời và sự nghiệp Toán học của GS Ngô Việt Trung có sự ảnh hưởng không nhỏ từ gia đình và những người thầy đã dìu dắt ông.​


Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Ngô Việt Trung là một trong những gương mặt tiêu biểu của giới Toán học Việt Nam. Năm 30 tuổi, ông được phong hàm phó giáo sư, đến năm 38 tuổi được phong hàm giáo sư, là người trẻ nhất được phong học hàm lúc bấy giờ. Năm 2000, ông được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba (TWAS).

Giáo sư Ngô Việt Trung được trao nhiều giải thưởng lớn về khoa học và công nghệ như giải thưởng Nhân tài đất Việt (năm 2009), giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2016).

Năm 2022, ông là 1 trong 2 nhà khoa học được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu - giải thưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm vinh danh các nhà khoa học có kết quả xuất sắc trong những năm gần đây.
Chuyện chưa kể về nhà toán học đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022 - 1

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Ngô Việt Trung (Ảnh: NAFOSTED)

Bộc lộ năng khiếu Toán từ nhỏ

Giáo sư Ngô Việt Trung sinh năm 1953, là con cả trong gia đình có 4 anh em; quê gốc tại thôn Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, Quảng Nam.

Giáo sư Trung mắc bệnh bại liệt năm 3 tuổi. Di chứng bệnh khiến ông bị liệt chân trái, đi lại rất khó khăn, có thời kỳ phải đi nạng. Tuy nhiên, ông chưa từng suy nghĩ bản thân thiệt thòi. Theo GS Trung, việc may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học và được nhiều người giúp đỡ đã giúp ông có thể vượt qua mọi khó khăn để trở thành một nhà toán học.

Cha của GS Ngô Việt Trung là nhà ngoại giao Ngô Điền, từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó Giám đốc Việt Nam thông tấn xã, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Mali, Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Trợ lý bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia.

Ít ai biết rằng, ông Ngô Điền cũng là người rất giỏi về Toán. Ông từng học tại trường Quốc học Huế, tốt nghiệp tú tài ban Toán của Pháp. Ông cũng từng được cử đi thi học sinh giỏi Toán toàn Đông Dương do Nha học chính Đông Dương tổ chức. Năm đó, kỳ thi không có giải Nhất, ông Điền giành giải Nhì, mang vinh dự về cho trường Quốc học Huế.

Sau này, ông Ngô Điền trở thành sinh viên khóa đầu tiên của Ban Khoa học, Đại học Đông Dương. Cùng lớp có nhiều nhà khoa học nổi tiếng khác như giáo sư Phạm Đồng Điện, nguyên hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội; Đại tá Hoàng Đình Phu, nguyên viện trưởng Viện Kỹ thuật quân sự, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, nguyên thứ trưởng Bộ Đại học Lê Văn Giạng.

GS Ngô Việt Trung tâm sự, từ năm 5 tuổi cho đến khi vào đại học, ông ở với cha mẹ tổng cộng chưa đầy 1 năm. "Cha mẹ tôi đi công tác nước ngoài gần như liên tục nên con cái phải gửi họ hàng hay trại trẻ trông nom. Trên thực tế, tôi chưa từng được cha kèm cặp, bảo ban việc học hành", ông nói.

Ảnh hướng lớn nhất của người cha tới ông có lẽ nằm ở năng khiếu Toán học. Từ nhỏ, việc học Toán đối với ông rất dễ dàng.

Khi tròn 5 tuổi, cậu bé Ngô Việt Trung được cha mẹ gửi về nhà người bác ở Phủ Lý, Hà Nam để chuẩn bị đi học. Người bác cũng là nhà giáo, đã dạy học từ thời Pháp thuộc. Trong ký ức của giáo sư Trung, người bác rất nghiêm khắc.

"Bác dạy tôi tập viết, đầu tiên chỉ một trang rồi tiến dần đến 10 trang một ngày. Chúng tôi không được dây một vết mực nào ra giấy hay ra tay. Chỉ cần dây mực hoặc viết không đẹp sẽ phải viết lại toàn bộ trang đó. Ngày xưa phải dùng bút ngòi sắt chấm mực trong lọ để viết nên rất dễ dây mực.

Tôi luôn phải để ý làm sao chấm bút vừa đủ mực. Bác cũng rất coi trọng nề nếp trong mọi công việc hàng ngày. Nếu mắc lỗi thì nhẹ nhất là phạt đứng quay mặt vào tường, nặng nhất là phải nhịn ăn. Có lẽ vì thế mà tôi học được thói quen cẩn thận suy xét trong mọi công việc", GS Trung kể.

Bên cạnh đó, người bác vốn là một giáo viên tiểu học nên luôn quan tâm tìm sách về cho con cháu đọc.

"Khoảng năm học lớp 2, lớp 3, tôi được đọc cuốn "Toán học giải tích" của Lê Hải Châu. Tôi rất thích cuốn này vì có thể đem các bài Toán trong đó "đi lòe" các bạn cùng lớp. Cuốn sách giải thích cặn kẽ nên tôi hiểu được, có thể theo đó nghĩ ra các bài Toán tương tự.

Từ đó trở đi, tôi có thói quen đọc tất cả sách giáo khoa khi mới khai giảng cho đến khi nào hiểu thì thôi. Sách giáo khoa ngày xưa được soạn rất dễ hiểu cho người tự học. Vì thế, tôi học toán rất dễ dàng. Tôi giữ được cách học này khi lên học đại học, tự đọc là chính, đến lớp chỉ để biết mình phải học gì", ông chia sẻ thêm.
Chuyện chưa kể về nhà toán học đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022 - 2

GS Ngô Việt Trung học bài thời sơ tán năm 1969 (Ảnh: NVCC).

Những người thầy làm thay đổi cuộc đời

Năm lớp 7 (năm cuối cấp 2 thời đó), GS Ngô Việt Trung về ở với ông bà ngoại ở ngoại thành Hà Nội. Đây cũng là năm đầu xã có trường cấp 2 nên trường chỉ có một lớp 7. Học sinh chủ yếu là người trong làng khiến ông "tự nhiên trở thành người học giỏi nhất".

Một hôm, ông được thầy chủ nhiệm đạp xe chở đi thi học sinh giỏi cấp huyện mà không được chuẩn bị trước: "Lúc đó tôi đã đi nạng nên thầy đợi bên ngoài để lại chở trò về. Thi xong, thầy chê là dốt vì không giải được bài Hình".

Ông không được giải trong kỳ thi này, nhưng lại đủ điểm để vào lớp bồi dưỡng thi thành phố.

GS Trung nhớ lại, đến ngày lớp bồi dưỡng thi cũng là lúc ông vừa đi làm nẹp chân ở Hải Dương trở về Hà Nội. Ông lập tức đến trường xin vào thi nhưng không được. "Tôi đứng ngoài khóc ròng trong lúc trời đổ mưa bên ngoài. Khóc vì sợ không được học tiếp cùng các bạn trong lớp bồi dưỡng", ông kể.

Do không thi nên ông Trung không được chọn học lớp chuyên Đại học Sư phạm, chỉ được chọn vào lớp chuyên Toán của Hà Nội, khi đó đóng tại trường Việt Đức. Chủ nhiệm lớp là thầy Đặng Trần Thái. Thầy vừa dạy Toán, vừa quản lý chuyện ăn ở của học sinh khi trường sơ tán ở Chương Mỹ, Hà Tây.

"Tôi phải cảm ơn thầy Thái rất nhiều vì nếu không được ông dạy, chắc tôi sẽ không bao giờ trở thành một người làm Toán giỏi", ông nói.

Lớp của GS Ngô Việt Trung là lứa chuyên Toán thứ hai của Hà Nội nên không có giáo trình và tài liệu dạy chuyên như bây giờ. Mỗi tuần, lớp có thêm 2 tiết học Toán, chủ yếu là giải các bài khó từ sách dạy Toán của Pháp, không có kiến thức nâng cao so với sách giáo khoa. Mỗi tháng sẽ có một buổi kiểm tra. Sau đó sẽ có một buổi thầy "bình Toán" về kết quả kiểm tra.

GS Trung kể, thầy Thái hay gọi học sinh có lời giải đúng (hoặc sai) lên bảng trình bày rồi phân tích cách tư duy và cách trình bày rất kỹ càng theo từng dòng.

"Học chuyên Toán đơn giản chỉ có vậy nhưng đến kỳ thi học sinh giỏi Toán toàn miền Bắc năm 1969, lớp tôi được 3 giải trong tổng số 6 giải của năm đó. Đề không dễ vì chỉ có 1 giải Nhất, 2 giải Ba và 3 giải Khuyến khích. Nếu tôi nhớ đúng thì các lớp chuyên của Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm không được giải nào. Chắc cách dạy của thầy ảnh hưởng rất lớn đến kỹ năng giải Toán của lớp tôi (tư duy khúc triết hơn).

Sau này, các đồng nghiệp thường khen tôi hay có cách tiếp cận vấn đề độc đáo và dễ hiểu, chẳng qua là vì tôi luôn luôn tìm cách chứng minh đơn giản và trình bày rõ ràng nhất như thầy dạy ngày xưa", GS Ngô Việt Trung chia sẻ.
Chuyện chưa kể về nhà toán học đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022 - 3

GS Trung (thứ hai từ trái qua) cùng thầy giáo và các bạn đạt giải Thi Toán miền Bắc năm 1969 (Ảnh: NVCC).

Vì được giải Nhất trong kỳ thi Toán toàn miền Bắc, ông Ngô Việt Trung được gọi tập trung thi tuyển đi du học nước ngoài. Tuy nhiên, việc bị liệt một chân (phải đi nạng) lại khiến ông không đủ tiêu chuẩn sức khỏe.

"Không có nước nào nhận học sinh như thế sang học cả. Bác Bửu (GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại và Trung học chuyên nghiệp lúc bấy giờ) đã chỉ thị là cứ gọi tôi tập trung đi thi. Đúng lúc ấy có phái đoàn của Bộ Giáo dục Đông Đức sang thăm Việt Nam. Bác đã đề nghị họ nhận tôi sang học như một trường hợp đặc biệt.

Sang Đức, tôi được phân công học Kỹ thuật thông tin vì Đức không nhận đào tạo Toán cho lưu học sinh Việt Nam năm đó. Hết 1 năm học tiếng, GS Tạ Quang Bửu lại can thiệp cho tôi chuyển sang học Toán. Rất nhiều năm sau tôi mới biết tất cả những chuyện này. Không riêng tôi, học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn của nhiều năm khác đều được bác quan tâm giúp đỡ", ông kể.

Người thầy khác có tác động rất lớn tới sự nghiệp Toán học, nghiên cứu khoa học của GS Ngô Việt Trung là GS Wolfgang Vogel, một trong những chuyên gia đại số hàng đầu của Đức.

Khi ông Trung xin theo học, GS Vogel nói: "Tôi cho anh hai tuần đọc cuốn sách này (cuốn sách rất nổi tiếng có tên "Đại số hiện đại"), sau đó hãy đến gặp tôi". Trong cuộc gặp sau đó, giáo sư chỉ hỏi một câu và ông Trung trả lời được ngay nên được nhận đề tài.
Chuyện chưa kể về nhà toán học đạt giải thưởng Tạ Quang Bửu 2022 - 4

GS Wolfgang Vogel, một trong những người thầy có nhiều ảnh hưởng tới cuộc đời, sự nghiệp Toán học của GS Ngô Việt Trung (Ảnh: NVCC).

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Ngô Việt Trung lại được Bộ đại học và Trung học chuyên nghiệp cử đi làm nghiên cứu sinh với GS Vogel. Quãng thời gian làm việc với GS Vogel đã dạy ông rất nhiều điều về nghiên cứu khoa học.

Thời kỳ làm nghiên cứu sinh, ông Trung tham dự buổi sinh hoạt khoa học hàng tháng của tất các nhà Toán học cùng chuyên ngành ở Đông Đức. GS Vogel là người chủ trì, thường nói rất to và viết chữ trên bảng cũng rất to để mọi người có thể nghe và nhìn rõ.

Khi người khác trình bày, câu cửa miệng của GS Vogel luôn là "cho ví dụ". Xây dựng được ví dụ vừa chứng tỏ mình nắm vững kiến thức và cũng vừa giúp cho người khác hiểu được vấn đề. GS Vogel cũng hay đặt ra những vấn đề nghiên cứu mới cho mọi người. Nhiều vấn đề được ông Trung quan tâm nghiên cứu mặc dù chúng không thuộc đề tài luận án.

"Điều này giúp tôi có thói quen làm việc cùng lúc về nhiều vấn đề khác nhau trong sự nghiệp nghiên cứu sau này. Cả quá trình làm luận án tiến sĩ, tôi chỉ được gặp thầy vài lần để nói chuyện về công việc của mình. Ông ấy nói rằng, nếu đến gặp thì phải đảm bảo 100% kết quả là đúng, nên tôi phải chuẩn bị rất cẩn thận, kiểm tra đi kiểm tra lại các kết quả của mình" GS Trung kể.

Có một kỷ niệm ông Trung đặc biệt nhớ, đó là lần hiếm hoi xin được gặp GS Vogel. Ông đến muộn khoảng 10 phút. Khi nghe học trò giải thích rằng xe điện bị hỏng giữa đường, GS Vogel thẳng thừng từ chối tiếp và nói rằng lần sau phải đi sớm hơn nữa để tính đến các sự cố có thể xảy ra.

Khi xem bản thảo luận án, GS Vogel chữa đến từng dòng, sửa cả về cách trình bày lẫn các lỗi chính tả. Ông đặc biệt quan tâm sửa phần mở đầu và giải thích phần này đóng vai trò lớn nhất đến ấn tưởng của người đọc về luận án.

"Những chi tiết rất nhỏ như thế đã ảnh hưởng rất lớn tới tôi trong nghiên cứu sau này", GS Ngô Việt Trung chia sẻ

https://dantri.com.vn/giao-duc-huon...huong-ta-quang-buu-2022-20230121171554097.htm
 
Đọc hết cả bài nhưng chưa hiểu GS có nghiên cứu gì?
Bài này kể về tuổi thơ + quá trình học tập của ông thôi

Còn về nghiên cứu của ông thì đây
https://scholar.google.com.vn/citations?user=C3k4nsMAAAAJ&hl=en

Công trình ông được trao giải thì là cái này (k đề cập trong bài):
Công trình mà GS Ngô Việt Trung được trao giải thưởng là “Hàm độ sâu của lũy thừa hình thức Idean thuần nhất”, đăng trên tạp chí Inventiones Mathematicae 218 (2019), một trong 3 tạp chí toán học đỉnh cao của thế giới. Đồng tác giả với GS Ngô Việt Trung là TS Ngô Đăng Hợp, một nhà toán học trẻ của Viện Toán học Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một công trình thực hiện tại Việt Nam được đăng trên tạp chí này.
 
Last edited:
Thực ra post cái này lên voz hơi thừa. Có khi hỏi Idean là gì phần lớn vâu dơ cũng éo biết ấy chứ :sweat:

E cũng chả hiểu gì về toán nói riêng hay ncuu khoa học nói chung, nhưng lại thích đọc những bài này, thích nghe vozer nói chuyện khoa học dù chẳng hiểu.
Đọc để phần nào đó hình dung dc tầm quan trọng của kiến thức, khoa học và việc học.

Sent from Samsung SM-N960F using vozFApp
 
Back
Top