Có nên quy hoạch đường trên cao hướng tâm và xuyên tâm?

conan2013

Member
Sở GTVT TP.HCM cho rằng cần cân nhắc, không nên quy hoạch các tuyến đường hướng tâm, xuyên tâm vì không phù hợp xu hướng chung thế giới.
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản về rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển GTVT vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trong đó có đề xuất liên quan đến quy hoạch đường trên cao.
Lo vấn đề về ô nhiễm, cảnh quan
“Rà soát các tuyến đường trên cao chạy hướng tâm, xuyên tâm, cân nhắc không quy hoạch các đường trên cao chạy hướng tâm và xuyên tâm để phù hợp xu hướng chung trên thế giới” - văn bản do ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, ký gửi UBND TP.HCM nêu.
Theo sở này, đường trên cao hướng tâm, xuyên tâm có nhiều vấn đề về ô nhiễm (tiếng ồn, khói bụi) cảnh quan và kết nối với các tuyến đường trong đô thị rất phức tạp.
Theo quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt (Quyết định 568/2013), đến năm 2020 TP.HCM có tổng cộng năm tuyến đường bộ trên cao với tổng chiều dài 70,7 km. Tuy nhiên, đến nay chưa tuyến đường nào được đầu tư xây dựng.
“Hiện nay, nhiều TP có mạng lưới giao thông công cộng phát triển (đáp ứng nhu cầu nội đô) và hệ thống đường vành đai hoàn thiện (nhu cầu đối ngoại) đã quyết định dỡ bỏ các đường trên cao hướng tâm, xuyên tâm” - văn bản của Sở GTVT TP giải thích thêm.
Cụ thể, Sở GTVT TP nêu ví dụ về Seoul (Hàn Quốc) cho dỡ bỏ đường trên cao (xây năm 1976, dỡ bỏ năm 2005) để khôi phục dòng suối Cheonggyecheon. Một số TP ở Mỹ đã dỡ bỏ đường trên cao, như TP New York (bang California).
Còn ở Paris (Pháp), chính quyền cho dỡ bỏ đường trên cao Voie Georges-Pompidou; Đài Loan - Trung Quốc thì chuyển một đoạn đường trên cao Xinsheng thành công viên trên cao...
Có nên quy hoạch đường trên cao hướng tâm và xuyên tâm? ảnh 1
Sơ đồ dự án đường trên cao tuyến số 1 (nhánh 1) ở TP.HCM. Đồ họa: HỒ TRANG
Ý kiến khác nhau về đường trên cao
“Vấn đề đường trên cao cũng có những hạn chế về mặt thẩm mỹ. Mục đích của xây dựng đường trên cao là để giải quyết cục bộ ùn tắc tại khu vực đó” - TS Dương Như Hùng, Trưởng Khoa quản lý công nghiệp ĐH Bách khoa TP.HCM, chuyên góp ý vấn đề giao thông, cho biết.

Theo ông Hùng, nên nhìn nhận theo nhiều khía cạnh, nếu không làm đường trên cao thì chúng ta có giải pháp gì? Giải bài toán nào cho giao thông khu vực đó? Làm hay không làm đường trên cao thì phải có nghiên cứu, đánh giá và so sánh các phương án khác nhau.
“TP phải có đánh giá một cách toàn diện, dùng những phương án như thế nào để giải quyết ùn tắc, kẹt xe. Về vấn đề ô nhiễm, đương nhiên làm đường trên cao sẽ tăng mật độ giao thông (phương tiện vừa đi dưới đất vừa đi trên cao), mà tăng mật độ thì chắc chắn ô nhiễm hơn” - ông Hùng nói.
Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng cũng không nên vì ô nhiễm mà làm hay không làm, vì nếu không có đường trên cao sẽ ngày càng ùn tắc, cũng gây khói bụi, ô nhiễm.
“Chính vì vậy phải có các phương án so sánh, đánh giá tổng thể và sau đó chúng ta mới biết nên chọn phương án nào. Cũng không nên vì câu chuyện xu hướng thế giới mà chúng ta phải xem thực tế nước ta” - ông Hùng phân tích thêm.
Nêu quan điểm, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng đường trên cao đã có quy hoạch và được Thủ tướng duyệt nên chúng ta cơ bản vẫn thực hiện theo quy hoạch, còn nếu không làm theo quy hoạch thì phải có nghiên cứu cụ thể.
“Nói đường trên cao ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cũng không hoàn toàn đúng, tất nhiên nếu TP không có đường trên cao thì vẫn thuận lợi hơn về mỹ quan. Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn thấy hiện TP quá khó khăn trong việc giải quyết bài toán giải tỏa ùn tắc giao thông nên cần cân nhắc các phương án” - ông Cương nói.
Theo ông Cương, đường trên cao có hơi bất tiện, ô nhiễm tiếng ồn thì cũng cần có giải pháp như các nước có biện pháp che chắn hạn chế tiếng ồn cho đường trên cao.
“Một TP có những nơi cần bảo vệ cảnh quan nhưng cũng có những nơi không yêu cầu cao về mặt cảnh quan mà yêu cầu cao về việc giải quyết giao thông thì theo tôi cũng cần thiết làm đường trên cao như các nút giao hiện nay có nhiều cầu vượt trên cao giúp giảm ùn tắc rất tốt” - ông Cương lý giải.•
https://plo.vn/co-nen-quy-hoach-duong-tren-cao-huong-tam-va-xuyen-tam-post708253.html
 
Back
Top