Đại sứ Mỹ Marc Knapper: "Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn"

Build Back Better

Senior Member
10 năm sau khi xác lập quan hệ đối tác toàn diện, quan hệ Việt - Mỹ tiếp tục phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực, biến thách thức thành cơ hội và vẫn còn nhiều dư địa phát triển để phù hợp với tiềm năng, lợi ích của hai quốc gia.

Khi Việt Nam và Mỹ hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện (2013-2023), Báo điện tử Dân trí tổ chức tọa đàm "Quan hệ Việt - Mỹ: 10 năm đối tác toàn diện và tầm nhìn cho tương lai" nhằm đánh giá quan hệ song phương trên các lĩnh vực.

Tọa đàm có sự tham gia của 3 khách mời, gồm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, Phó giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN Vũ Tú Thành.

Phóng viên Anh Tùng: Nếu có 3 từ để nói về quan hệ Việt - Mỹ trong 10 năm qua, 3 ông sẽ nói gì?

Ông Marc Knapper: Từ đầu tiên mà tôi sẽ chọn, đó là "lạc quan". Tôi cho rằng 10 năm qua đã thể hiện sự lạc quan từ cả chính phủ và nhân dân hai nước. Chúng ta đang chờ đợi một tương lai tốt đẹp hơn ở phía trước. Năm nay sẽ tốt hơn năm trước và năm sau sẽ tốt hơn năm nay. Chúng ta lạc quan rằng hai quốc gia có đủ khả năng để xây dựng một mối quan hệ thậm chí còn vững mạnh hơn trong tương lai, và chúng ta đã thấy điều đó trong 10 năm qua.

Một từ nữa để mô tả mối quan hệ Việt - Mỹ trong 10 năm qua là "tôn trọng". Chúng ta tôn trọng chủ quyền, độc lập, hệ thống chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Dựa trên sự tôn trọng này, hai nước chúng ta đã có thể phát triển mối quan hệ tốt đẹp như trong 10 năm qua.

Từ cuối cùng tôi muốn nhắc tới ở đây là "chiến lược". Về bản chất, mối quan hệ giữa hai nước là một mối quan hệ mang tính chiến lược. Cho dù trong hợp tác về vấn đề Biển Đông, đối phó với đại dịch Covid-19 hay ứng phó biến đổi khí hậu, quan hệ Việt - Mỹ đều phản ánh sự tương đồng về mặt chiến lược. Tôi tin rằng điều này sẽ được thắt chặt trong thời gian tới.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper: Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn - 4

Đại sứ Phạm Quang Vinh và Đại sứ Marc Knapper.

Ông Phạm Quang Vinh: Chúng ta đang có một mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Đối với tôi, 3 từ để nói về quan hệ Việt - Mỹ cũng trùng ý với Đại sứ Marc Knapper.

Thứ nhất là "ấn tượng", ấn tượng về quá trình phát triển trong 27 năm qua của quan hệ Việt - Mỹ khi cả hai nước đã có những bước phát triển trên tất cả các mặt, thậm chí vượt trên kỳ vọng. Ấn tượng không chỉ đối với người trong cuộc là chính hai nước chúng ta, mà còn cả với các quốc gia bên ngoài, họ đều nhìn nhận như vậy.

Thứ hai là "tự tin", chúng ta song hành với nhau đầy tự tin. Chúng ta tự tin bởi chúng ta có những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ, chúng ta có những lợi ích chia sẻ, chúng ta lại có những điểm song trùng về nhìn nhận những vấn đề quốc tế và khu vực để cùng chia sẻ với nhau, do vậy chúng ta tự tin hợp tác với nhau.

Cuối cùng, hướng tới tương lai, tôi thấy mối quan hệ này ngày càng "chiến lược". Chiến lược là gì? Là chia sẻ lợi ích, chia sẻ giá trị và đi cùng nhau lâu dài vì những mục đích lâu dài trong quan hệ giữa hai nước, vì người dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và thế giới.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper: Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn - 5

Đại sứ Marc Knapper và ông Vũ Tú Thành.

Ông Vũ Tú Thành: Bên cạnh những từ mà Đại sứ Marc Knapper và Đại sứ Phạm Quang Vinh đã miêu tả, tôi xin bổ sung thêm 3 từ, từ góc độ của tôi.

Thứ nhất là "cơ hội", quan hệ giữa hai nước kể từ khi bình thường hóa, đặc biệt là kỷ niệm 10 năm đối tác toàn diện, phải nói là nổi bật khi các cơ hội mở ra cho cả hai nước cả từ góc độ cá nhân cho đến doanh nghiệp.

Thứ hai là sự "bình đẳng". Hai bên cảm thấy có thể hợp tác với nhau rất bình đẳng cả góc độ chính phủ với chính phủ, doanh nghiệp với doanh nghiệp, chứ không có sự phân biệt.

Thứ ba, đó là "đồng cảm". Việt Nam và Mỹ duy trì mối quan hệ không chỉ vì lợi ích, mà còn có sự đồng cảm. Chúng ta được chứng kiến sự đồng cảm đó không chỉ ở góc độ các quan chức, các chính trị gia mà còn ở góc độ doanh nghiệp. Những doanh nghiệp Mỹ đến đây để kinh doanh với Việt Nam tức là họ có sự đồng cảm, thiện cảm với Việt Nam và ngược lại, hiện nay, đã có những doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Mỹ và thấm nhuần văn hóa Mỹ.

Phóng viên: Trở lại Việt Nam sau 15 năm kể từ khi rời Hà Nội trên cương vị tham tán chính trị, ông đánh giá như thế nào về tiến triển quan hệ Việt - Mỹ từ đó tới nay, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện?

Ông Marc Knapper: Tôi đặt chân đến Việt Nam từ năm 2004 trong nhiệm kỳ kéo dài 3 năm và khi đó, hai nước chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 10 năm bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, các lĩnh vực hợp tác vào thời điểm đó không phải là không đáng kể. Chúng ta đã làm việc cùng nhau trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh. Chúng ta cũng đã bắt đầu tiến hành hợp tác y tế thông qua chương trình PEPFAR nhằm chống lại dịch HIV/AIDS. Kim ngạch thương mai hai chiều vẫn còn khá khiêm tốn. Thực tế, mối quan hệ Việt - Mỹ vào thời điểm đó vẫn còn rất sơ khai.

Đó là một mối quan hệ còn rất nhiều dư địa để phát triển khi tôi rời Việt Nam vào năm 2007. Nhưng hôm nay, tôi thật sự ấn tượng bởi bề rộng và chiều sâu của mối quan hệ mà chúng ta đã đạt được cùng nhau.

Quan hệ đối tác toàn diện trong gần 10 năm qua đã nâng tầm kim ngạch thương mại lên 111 tỷ USD. Hiện hai nước hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như an ninh, thực thi pháp luật, giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, y tế, hợp tác không gian và nhiều hơn thế. Chúng ta đang làm điều đó cùng nhau.

Hai quốc gia đang mở rộng và đào sâu mối quan hệ Việt - Mỹ và đó là điều mà chúng tôi cảm thấy thực sự tự hào. Chúng tôi tự hào khi nhắc về mối quan hệ này, những gì đã làm được và cả những gì sẽ diễn ra trong tương lai. Bầu trời chính là giới hạn cho mối quan hệ Việt - Mỹ và tôi thực sự rất hào hứng với những gì sẽ diễn ra trong một vài năm tới.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper: Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn - 6

Phóng viên: Ông từng là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ từ 2014-2018, tức là ngay sau khi hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện, ông gặp thuận lợi gì khi bước đi trên "tấm thảm" đó? Ông có bổ sung gì ngoài những đánh giá của Đại sứ Knapper về các bước phát triển của quan hệ Việt - Mỹ?

Ông Phạm Quang Vinh: Ông Knapper có nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam từ năm 2004 - 2007, còn nhiệm kỳ của tôi kéo dài từ năm 2014 - 2018 ở Mỹ, tức là 10 năm sau. Tôi bước vào nhiệm kỳ đại sứ ở Washington D.C khi hai nước chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ. Năm 2013 hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, đến cuối năm 2014 tôi sang Mỹ. Khi đó, bối cảnh có rất nhiều điểm thuận lợi.

Thuận lợi về đà quan hệ, thuận lợi về kinh tế, thuận lợi về hiểu biết, thuận lợi trong lĩnh vực hợp tác về khắc phục hậu quả chiến tranh, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Nhìn chung, mối quan hệ đã được mở rộng rất nhiều với các lĩnh vực trọng tâm trong khuôn khổ đối tác toàn diện. Với tư cách là đại sứ mới kế thừa những thuận lợi, điều đó lại trở thành thách thức đối với tôi.

Vào thời điểm năm 2015 khi hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, tôi tự hỏi mình có thể làm gì cho dấu mốc này? Chắc chắn năm kỷ niệm không chỉ mang tính tượng trưng, mà phải mang cả tính thực chất.

Năm 2014 khi tôi vừa sang Mỹ, hai nước đạt 36 tỷ USD thương mại hai chiều. Nhưng khi tôi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 7/2018, thương mại hai chiều tăng lên 66 tỷ USD. Như vậy không gian hay dư địa cho quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước, đặc biệt là hợp tác doanh nghiệp giữa hai nước, còn rất lớn và rõ ràng đó là thế mạnh của hai nước.

Mối quan hệ giữa hai nước cũng thúc đẩy chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đánh dấu lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm chính thức Mỹ theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Thực chất, cuộc trao đổi ở Nhà Trắng và những cuộc phỏng vấn lúc đó đã để lại rất nhiều dấu ấn về quan hệ giữa hai nước vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ.

Phóng viên: Đại sứ vừa nhắc đến chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ, nhìn lại chuyến thăm đó sau gần 10 năm, điều gì làm cho Đại sứ xúc động nhất về chuyến thăm có thể gọi là lịch sử này?

Ông Phạm Quang Vinh: Trước hết, bản thân chuyến thăm được gọi là lịch sử và tuyên bố tầm nhìn cũng có ghi chữ "lịch sử" đó. Cả hai nước đều nhìn nhận rằng, khi người đứng đầu hệ thống chính trị của hai nước gặp nhau, đó là điều rất quan trọng. Điều quan trọng thứ hai là hai bên đã trao đổi rất thẳng thắn.

Điều quan trọng thứ ba là sau tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013 khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có chuyến thăm Mỹ và đưa ra tuyên bố về tầm nhìn quan hệ giữa hai nước vào năm 2015, tạo cơ sở và định hướng cho phát triển lâu dài cũng như khuôn khổ ổn định để phát triển quan hệ song phương.

Đối với tôi, ấn tượng lớn nhất về chuyến thăm là khi hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Barack Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngồi ở Nhà Trắng, nói chuyện với nhau rất cởi mở, cả về quá khứ chiến tranh, về việc hàn gắn mối quan hệ, về những đau thương từng trải qua, về việc khép lại quá khứ để hướng tới tương lai và phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực trong khuôn khổ đối tác toàn diện.

Một câu nói rất đáng nhớ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng: "Chúng ta ngồi lại đây (hàm ý hai nhà lãnh đạo của Việt Nam và Mỹ), ít người có thể nghĩ rằng 20 năm trước điều này lại xảy ra, nhưng chúng ta đã ngồi đây với nhau, chúng ta bàn về quá khứ, khép lại, hàn gắn và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Việt - Mỹ trong tương lai".

Chia sẻ thêm về câu chuyện kỹ thuật của chuyến thăm. Khi chuẩn bị cho chuyến thăm, hai bên ước tính thời gian cả hội đàm và trả lời báo chí trong vòng 60 phút, nhưng trên thực tế các nhà lãnh đạo đã trao đổi cởi mở, chân thành, tự tin và kéo dài thời lượng lên đến 90 phút. Đó là điều rất hiếm thấy trong việc dự liệu và chuẩn bị cho cuộc gặp của các nhà lãnh đạo cấp cao, nhưng thực sự đây là điều rất đáng mừng cho quan hệ giữa hai nước.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper: Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn - 8

Phóng viên: Xin ông cho biết đánh giá của mình từ góc độ hợp tác thương mại giữa hai nước trong 10 năm qua?

Ông Vũ Tú Thành: Trong vòng 10 năm qua, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Mỹ tăng trưởng rất ấn tượng. Đó là một mối quan hệ mà chứng kiến tăng trưởng kinh tế thương mại đều, ổn định và nhanh thuộc hàng đầu thế giới trong 10 năm qua.

Cụ thể, cách đây 10 năm, kim ngạch thương mại hai nước chỉ đạt 25 tỷ USD. Đến năm 2014, khi Đại sứ Phạm Quang Vinh bắt đầu nhiệm kỳ tại Mỹ, kim ngạch thương mại lên 36 tỷ USD, và khi ông Vinh kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2018, kim ngạch thương mại đạt mức 66 tỷ USD. Trung bình, con số này tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm, và tăng đều đặn. Ví dụ trong những năm gần đây, năm 2021 so với năm 2020 cũng tăng trưởng 20%, 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2021 cũng tăng cũng khoảng 20%. Những con số này rất ấn tượng.

Xét về cơ cấu xuất nhập khẩu giữa hai bên, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sang gặp Tổng thống Donald Trump, ông Trump rất lo ngại về việc các đối tác thương mại của Mỹ lấy mất công ăn việc làm của người lao động Mỹ, tuy nhiên cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ vẫn mang tính bổ sung lẫn nhau, cho nên tăng trưởng thương mại giữa hai bên lại giúp gia tăng việc làm của cả hai chứ không phải lấy đi công ăn việc làm của nước nào. Đó có lẽ là một nguyên nhân rất quan trọng để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa hai nước. Tôi cho rằng đó là điều ấn tượng nhất trong vòng 10 năm qua.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper: Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn - 10

Phóng viên: Trong bài phát biểu nhân chuyến thăm Việt Nam vào năm 2016, cựu Tổng thống Barack Obama chia sẻ: "Khi đến đây, tôi đã ý thức về quá khứ, ý thức về một lịch sử đầy khó khăn của chúng ta, nhưng cũng hướng tới tương lai - sự thịnh vượng, an ninh và nhân phẩm mà chúng ta cùng nhau thúc đẩy". Theo Đại sứ, hai nước đã gặp phải những khó khăn lớn nào và hai bên đã cùng nhau vượt qua thế nào?

Đại sứ Mỹ Marc Knapper: Trong quan hệ Việt - Mỹ, chỉ có bầu trời là giới hạn - 12

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper.

Ông Marc Knapper: Hiện tại, tôi cho rằng chúng ta đang quan tâm đến các cuộc thảo luận về hợp tác trong việc đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Nếu chúng ta nhìn vào những gì đã xảy ra trong một vài năm trở lại đây, chúng ta sẽ thấy rõ những thách thức này là gì, từ đại dịch, biến đổi khí hậu, việc dịch chuyển sang các nguồn năng lượng bền vững phục vụ tăng trưởng cho đến thách thức từ chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 hoặc do xung đột ở châu Âu.

Đó là những thách thức mà cả Việt Nam và Mỹ phải đối mặt. Đó là những thách thức mà chúng ta có thể cùng chia sẻ và hợp tác để vượt qua.

Tôi cho rằng một điều mà chúng ta đã cố gắng đạt được trong 10 năm qua chính là lòng tin chiến lược giữa hai nước. Tôi nghĩ rằng chúng ta hiểu lợi ích của nhau, chúng ta hiểu nhu cầu của nhau và hiểu rằng chúng ta đủ tin tưởng lẫn nhau để cùng nhau tìm ra giải pháp chung cho những thách thức chung.

Chúng ta đã làm điều đó trong việc đối phó đại dịch Covid-19. Chúng ta đang làm điều đó ngay bây giờ với vấn đề biến đổi khí hậu. Các công ty của chúng tôi cũng đang làm điều đó với việc mở rộng chuỗi cung ứng của họ ra khỏi một số quốc gia nhất định để chuyển về Việt Nam.

Và đây là việc tôi cho rằng sẽ mang lại những điều tốt đẹp cho tương lai. Càng có nhiều công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam, hai nền kinh tế của chúng ta càng có thể gắn kết với nhau và tạo ra mối quan hệ bền chặt hơn. Chúng tôi cũng nhận thấy điều tương tự đối với những khoản đầu tư của Việt Nam vào Mỹ và chúng tôi rất trân trọng điều đó. Một lần nữa, tôi tin rằng khi hai nền kinh tế trở nên gắn kết hơn thông qua đầu tư và thương mại, sự thịnh vượng của nhân dân và an ninh của hai nước trong tương lai cũng sẽ được tăng cường.

https://dantri.com.vn/the-gioi/dai-...co-bau-troi-la-gioi-han-20221116012458048.htm
 
Mấy bác nhà mình cũng khổ vãi nhỉ. Đứng giữa 2 thằng to đầu đang hầm hè nhau. K mún làm mếch lòng ai:(. Mún yên ổn làm ăn thôi cũng k đc

Gửi từ Xiaomi 22041216G bằng vozFApp
 
Mấy bác nhà mình cũng khổ vãi nhỉ. Đứng giữa 2 thằng to đầu đang hầm hè nhau. K mún làm mếch lòng ai:(. Mún yên ổn làm ăn thôi cũng k đc

Gửi từ Xiaomi 22041216G bằng vozFApp

Nếu là người khôn thì ai cũng biết là nên chọn Mỹ, chơi với thằng Tàu thì chỉ có mắc bẫy nợ chứ hay ho gì.
 
Mấy bác nhà mình cũng khổ vãi nhỉ. Đứng giữa 2 thằng to đầu đang hầm hè nhau. K mún làm mếch lòng ai:(. Mún yên ổn làm ăn thôi cũng k đc

Gửi từ Xiaomi 22041216G bằng vozFApp
Người ta hay ví quan hệ ngoại giao của VN như đang đi trên dây, chỉ cần 1 động tác sai sẽ bị ngã, mà ngã về bên nào thì cũng sẽ đau.
 
Back
Top