Đàn ông Nhật Bản nghỉ hưu tất bật... học nội trợ

MasterchiefsReborn

Senior Member
https://laodong.vn/tu-lieu/dan-ong-nhat-ban-nghi-huu-tat-bat-hoc-noi-tro-1137882.ldo

Masahiro Yoshida treo áo khoác lên, mặc chiếc tạp dề màu hồng bên ngoài áo sơ mi. Sau gần 65 năm tránh xa bếp núc, đã đến lúc người đàn ông Nhật Bản này nấu ăn.

Như hầu hết đàn ông Nhật Bản, mẹ của ông Yoshida chuẩn bị mọi bữa ăn cho đến khi ông kết hôn và vợ ông đảm nhận vai trò đó. Tuy nhiên, khi ông nghỉ hưu 4 năm trước, bà đề nghị ông chia sẻ việc chuẩn bị bữa ăn. Ông Yoshida đồng ý nhưng không biết cách chuẩn bị những món ăn cơ bản. Những hướng dẫn trên YouTube cũng không giúp được ông.

Bởi vậy, giống như nhiều người đàn ông lớn tuổi ở Nhật Bản, ông đăng ký học nấu ăn. Khóa học 6 tháng tại trường dạy nấu ăn Better Home dạy ông các kỹ năng như cách băm tỏi, thái nấm và mua thịt. “Tôi không biết quá trình nấu ăn phức tạp đến mức nào" - ông Yoshida thừa nhận.

Vai trò giới nghiêm ngặt đã chi phối cuộc sống gia đình ở Nhật Bản trong nhiều thế hệ. Nhiều nam giới tới tận về hưu vẫn chưa từng cầm dao gọt hay rửa bát đĩa. Những người mất vợ thường không thể làm những công việc cơ bản nhất. Nhật Bản có câu ngạn ngữ cổ “Danshi-chubo-ni-hairazu” tức là “đàn ông nên xấu hổ khi bị bắt gặp vào bếp”. Bởi vậy, nhiều ông chồng không quen với việc nội trợ. Ngay cả những người muốn hỗ trợ cũng không biết cách làm.

Theo khảo sát do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện, nam giới Nhật Bản đảm nhận ít việc nhà và chăm sóc con cái hơn so với nam giới ở bất kỳ quốc gia giàu có nhất thế giới nào. Trung bình, họ chỉ dành 40 phút mỗi ngày cho việc nhà, ít hơn 5 lần so với vợ. Chỉ 14% nam giới Nhật Bản thường nấu ăn.

Tuy nhiên, khi dân số đất nước già đi và tuổi thọ trung bình của nam giới kéo dài đến giữa những năm 80, nhiều phụ nữ đã đứng lên.

Yasuyuki Tokukura, người điều hành nhóm phi lợi nhuận Fathering Japan và tư vấn cho chính phủ về các vấn đề giới tính trong gia đình, cho biết: “Vấn đề lớn nhất là nam giới không coi mình là người có trách nhiệm trong công việc nhà. Phân công lao động truyền thống vẫn tồn tại bất chấp một số lượng đáng kể phụ nữ đang làm việc ngoài gia đình.

Ngày nay, nhiều phụ nữ kéo những ông chồng như Yoshida, 65 tuổi, vào bếp. Tuy nhiên, trước tiên họ phải học những điều cơ bản.

Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ, với một số trung tâm cộng đồng có các lớp miễn phí dạy nấu ăn, dọn dẹp, là quần áo và giặt giũ.

Ông Motohiko Onoue là người sáng lập trường kinh tế gia đình Kaji Osu. Khi Onoue bắt đầu trường dạy nấu ăn này cách đây 5 năm, những người đàn ông khác đã cười nhạo ông. “Trường dạy nội trợ cho nam giới ư? Thật lố bịch" - ông nhớ lại.

Tuy nhiên, ông nhìn thấy một thị trường ngách nhiều tiềm năng. Lúc đầu, thu hút học viên không dễ, chỉ có một người đàn ông đến học trong bài học đầu tiên. Ông Onoue đã làm việc với các chương trình cộng đồng để quảng bá các khóa học. Ông còn tư vấn riêng cho học viên để tập trung vào khía cạnh mà họ cảm thấy khó khăn nhất khi làm việc nhà. Để khuyến khích tư duy phản biện, công thức nấu ăn không theo trình tự từng bước thông thường. “Đàn ông quen suy nghĩ công việc cần có vấn đề để giải quyết. Tôi đưa cho họ những tài liệu và hướng dẫn cơ bản, rồi để họ tự tìm hiểu" - ông Onoue nói.

Những khóa học này cũng phổ biến với những người đàn ông bất ngờ góa bụa hoặc ly hôn và không biết những điều cơ bản về tự chăm sóc bản thân.

Ông Takashi Kaneko, 74 tuổi, quyết định đăng ký học sau khi vợ qua đời vì ung thư gan 4 năm trước. Ông sống chủ yếu bằng thực phẩm có thể nấu bằng lò vi sóng và mong mỏi có bạn bè. Người vợ quá cố của ông không chỉ đảm nhận cả dọn dẹp và nấu nướng mà còn ảnh hưởng cả tới đời sống xã hội của ông. Sau khi vợ qua đời, ông Kaneko nhận ra ông không có nhiều bạn bè.

Ông cũng học cách đón những người con trưởng thành của mình theo cách mà vợ ông từng làm. “Khi các con tôi đến thăm, thường là sau khi mệt mỏi với công việc và chúng muốn thư giãn. Nếu mẹ chúng còn sống, chắc chắn bà ấy sẽ nấu ăn và khiến các con cảm thấy như ở nhà. Tôi cũng muốn làm như vậy" - ông Kaneko giải thích.

..........

1674542507578.png
 
Back
Top