thảo luận Đánh giá chi tiết ASUS ProArt PA278CV - màn hình dành riêng cho Designer

Amazing.

Member
Đây đúng là một chiếc màn hình mà mình đang tìm kiếm bấy lâu nay.
Là một Designer, mình khá khắt khe trong việc lựa chọn những thiết bị có chất lượng hiển thị tốt để phục vụ cho công việc. Hiện tại mình đang sở hữu chiếc MacBook Pro M1 13 inch. Mặc dù nó rất phù hợp cho nhu cầu thiết kế của mình với màn hình đẹp, kích thước gọn nhẹ và cơ động, dễ dàng mang đi gặp khách hàng. Tuy nhiên, mình cần một trải nghiệm tầm nhìn rộng rãi hơn khi thực hiện các dự án phức tạp tại nhà, vì vậy mình quyết định sẽ trang bị thêm một màn hình rời.
proart-pa24-27cv-4.jpg

Mình rất lo sợ những chiếc màn hình rời như vậy sẽ mang đến nhiều sự chênh lệch về hiển thị, nhất là khi nó thuộc một nhà sản xuất khác, tuy nhiên mình lại không có đủ điều kiện kinh tế cho một chiếc màn hình đến từ Apple để tương thích với chiếc MacBook của mình. Và sau nhiều cân nhắc, mình cảm thấy ASUS ProArt PA278CV chính là sản phẩm mà mình đang tìm kiếm bấy lâu nay với đầy đủ “phẩm chất” của một chiếc màn hình dành riêng cho Designer. Bên cạnh việc đảm bảo độ chính xác của màu sắc thì ASUS còn trang bị thêm cho chiếc màn hình này rất nhiều tính năng cực kỳ hữu ích, hỗ trợ và tạo sự thuận tiện trong những công việc liên quan đến đồ họa. Trong bài viết hôm nay, mình sẽ cho các bạn thấy lý do tại sao mà mình lại “yêu” nó tới như vậy.
proart-pa24-27cv-1.jpg

Thiết kế vô cùng tinh tế​

Thứ làm chúng ta chú ý đầu tiên khi nhìn vào một sản phẩm đó chính là thiết kế. Bản thân mình cũng cảm thấy cực kỳ thu hút với thiết kế của ASUS ProArt PA278CV. Tổng thể chiếc màn hình này có thiết kế khác vuông vức, kích thước 27 inch vừa đủ với hai tông màu chủ đạo là đen (phay xước mặt sau, nhám mặt trước) và bạc, rất phù hợp với góc setup của mình. Ngay cả khi nó chỉ được làm bằng chất liệu nhựa, mình vẫn cảm nhận được một sự sang trọng nhất định nào đó.
proart-pa24-27cv-100.jpg

Đi sâu hơn vào từng chi tiết, phần chân đế rộng rãi tạo cảm giác khá chắc chắn, đủ sức để nâng đỡ cho chiếc màn hình có phần hơi “lực lưỡng” (5,5kg). Chân đế này có khả năng xoay màn hình theo nhiều góc độ, độ cao có thể điều chỉnh từ 0 – 150mm, xoay ngang ± 45°, quay dọc ± 90°, góc nghiêng + 35° và - 5°. Chính sự linh hoạt này làm cho mình có thể dễ dàng hơn trong việc thực hiện nhiều loại định dạng thiết kế.
proart-pa24-27cv-8.jpg

Phần giá đỡ cũng được gắn thêm một thanh cố định dây điện, giúp cho các sợi dây kết nối được gọn gàng hơn, ít vướng víu, mang lại tính thẩm mỹ cao. Bản thân mình là một người ghét sự rối rắm của dây điện, vì vậy mình rất đề cao việc phải làm sao đi dây cho thật gọn, để cho góc setup luôn luôn được thuật mắt nhất. ASUS ProArt PA278CV đã giúp mình làm được điều đó.
Đi sang phía mặt trước, sản phẩm này có viền màn hình rất mỏng. Phần viền dưới là thứ mà mình tâm đắc nhất, nó có độ dày vừa đủ lại còn tích hợp cả thước đo, giống như là sinh ra để dành riêng cho dân thiết kế vậy (à thì nó là chiếc màn hình ProArt mà nhỉ). Điều này làm cho việc đo đạc tỷ lệ, căn chỉnh chi tiết của mình được dễ dàng và trực quan hơn, bởi các bạn biết đấy, trong con mắt của Designer thì cái gì cũng cần “chuẩn, chỉnh”.
proart-pa24-27cv-5.jpg

Các nút bấm cũng được đặt ngay trên mép ngoài của viền, giúp cho việc điều chỉnh màn hình tiện lợi hơn rất nhiều. Bởi rõ ràng những người như dân thiết kế sẽ cần phải thiết lập tùy chỉnh màn hình rất thường xuyên. Việc các nút bấm được làm lộ ra sẽ giúp mình dễ dàng điều chỉnh khi cần thiết mà không phải ngó nghiêng sờ mó như những loại màn hình đặt nút bấm ở dưới mép hoặc ở mặt sau.

Kết nối mọi thứ thuận tiện tối ưu hơn​

Một chiếc màn hình rời không chỉ thực hiện mỗi nhiệm vụ xuất hình mà còn nhiều hơn thế nữa, và mình muốn tận dụng tối đa khả năng mà nó có thể làm được. ASUS ProArt PA278CV được trang bị tới 7 loại cổng kết nối, bao gồm USB-C x 1, DisplayPort 1.2 (Daisy Chain) x 2 in/out, HDMI (v1.4) x 1, USB Hub (4 ports USB 3.1), USB-C Power Delivery 65W x 1.
proart-pa24-27cv-9.jpg

Mình thích nhất kết nối DisplayPort 1.2 (Daisy Chain), nó cho phép mình kết nối chuỗi tối đa lên tới 4 màn hình để cùng hiển thị, tiện lợi hơn rất nhiều nếu như trong trường hợp tương lai mình muốn nâng cấp cho góc làm việc thêm hoành tráng hơn nữa với 2 hoặc 3 màn hình chẳng hạn, vừa có thể thiết kế, lại vừa có thể chơi game bất bại.
proart-pa24-27cv-7.jpg

Một lý do nữa cũng góp phần tiên quyết để mình lựa chọn màn hình này cho việc xuất hình từ chiếc MacBook Pro4M1 đó là vì nó được trang bị cổng USB-C. Bởi những chiếc MacBook thế hệ mới đã bị nhà Apple loại bỏ cổng HDMI mất rồi. Với một chiếc màn hình được trang bị tới 4 cổng USB 3.1, mình được tăng khả năng kết nối với các thiết bị ngoại vi khác, giúp việc giao tiếp với các thiết bị được dễ dàng hơn rất nhiều, thi thoảng mình có thể sạc điện thoại thông qua chính chiếc màn hình này nữa, vô cùng tiện lợi. Nó đóng vai trò như một thiết bị trung tâm, tức là khi bạn kết nối với màn hình qua USB-C (sử dụng cáp C to C hoặc cáp C to A), thì Laptop của bạn có quyền truy cập vào bất kỳ thiết bị ngoại vi nào được kết nối với cổng USB đó.

Màu sắc hiển thị vượt trội​

Màu sắc và chất lượng hiển thị là một yếu tố tiên quyết trong việc chọn mua màn hình. Và mình có thể đảm bảo về sự hài lòng của các bạn đối với chiếc màn hình này. ASUS ProArt PA278CV được trang bị màn hình 27 inch WQHD (2560 x 1440) với tấm nền IPS và góc nhìn rộng 178°. Không trách khi mình tham khảo trên Landing Page của sản phẩm, bỗng từ đâu đó xuất hiệu một chiếc Logo Mac như một sự nhầm lẫn, nhưng thực tế thì không phải vậy. Dường như có một sự sắp đặt nào đó khiến cho ASUS ProArt PA278CV tương thích một cách thần kỳ với màn hình của Macbook. Màu sắc hiển thị với sự chênh lệch rất rất thấp, không đáng kể. Nhưng nếu để ý kỹ một chút có thể nhận ra màn hình của ASUS ProArt PA278CV sẽ ấm hơn một chút xíu. Khi mình retouch da cho mẫu thì nhận ra màu da hiển thị trên chiếc màn hình này hơn tối màu, không nổi khối nhiều như trên màn hình của Macbook, các màu sắc còn lại thì khá chuẩn chỉnh.
proart-pa24-27cv-11.jpg

Nói có sách mách có chứng. Kết quả đo màn hình cho thấy ASUS ProArt PA278CV đạt 100% sRGB đúng như nhà sản xuất mô tả. Độ sai màu trung bình là 0.97, đây là sai số vô cùng thấp. Đối với những người làm thiết kế cần in ấn nhiều thì sai số màn hình phải cực kỳ thấp mới có thể đáp ứng được yêu cầu. Cũng nhờ thế mà mình cảm giác các thước phim được tái hiện một cách chân thực và sống động hơn. Độ sáng của máy đạt 406 nits, hình ảnh hiển thị tốt ở mọi điều kiện ánh sáng. Thường thì với những chiếc màn hình này chúng ta sẽ đặt ở trong phòng, nó không mang tính linh động. Vì vậy mình nghĩ với độ sáng này nó đã có thể đáp ứng tốt nhu cầu của chúng ta rồi. Contrast của ASUS ProArt PA278CV cũng ở mức tốt, kết quả đo đạt 802:1, tuy nhiên vì sử dụng tấm nền IPS nên mình cảm nhận màu đen hiển thị không được sâu cho lắm.

Nhiều tiện ích tùy chỉnh phục vụ tốt cho công việc và giải trí​

Trong một vài trường hợp nhất định, bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh lại gam màu trên chiếc màn hình này theo ý của mình để phù hợp với mục đích làm việc và giải trí hơn. Tính năng ProArt Preset độc quyền của ASUS là thứ xuất hiện đầu tiên trong Menu tùy chỉnh. Tại đây các bạn sẽ có 8 Preset bao gồm: Tiêu chuẩn, sRGB, DCI-P3, Rec. 709, Cảnh vật, Đọc sách, Phòng tối, Dựng hình nhanh. Bản thân mình thì không sử dụng đến tính năng này, mình muốn những gì hiển thị trước mắt phải là chân thực nhất. Tuy nhiên tùy vào mục đích sử dụng mà các bạn có thể chọn Preset để có được trải nghiệm đã mắt hơn.
proart-pa24-27cv-10.jpg

Ngoài ra các bạn cũng có thể dễ dàng tự tùy chỉnh các thông số về màu sắc, độ sáng với tính năng ASUS ProArt Palette, với các Designer thì các thông số này không còn lạ gì với các bạn nữa nên mình xin phép không giải thích gì thêm.
Với nhu cầu giải trí, ASUS ProArt PA278CV cũng được trang bị thêm một jack cắm tai nghe 3.5mm và loa âm thanh ngoài. Chất lượng âm thanh của nó khá to và rõ nét, cộng hưởng với một màn hình sống động nữa thì chắc chắn rằng, mình và các bạn sẽ có được những phút giây thư giãn sau giờ làm việc căng thẳng.
thumb-proart-1.jpg

Mua ASUS ProArt PA278CV, tại sao không?​

Qua rất nhiều ưu điểm và tiện ích sau thời gian trải nghiệm mà mình đã nêu trên, đây thực sự là một sản phẩm mà mình muốn gợi ý cho các bạn, đặc biệt là những ai đang làm việc trong lĩnh vực thiết kế. Bởi hơn ai hết mình hiểu các bạn cần gì ở một chiếc màn hình rời. ASUS ProArt PA278CV là một trong số 2 sản phẩm mới nhất của dòng ProArt đang được bán với mức giá chỉ 11 triệu đồng. Nếu như các bạn muốn tiết kiệm chi phí hơn, mình sẽ giới thiệu các bạn sang một option khác rẻ hơn một nửa với chất lượng hiển thị tương, chỉ khác là thay vì màn hình 27 inch thì chúng ta sẽ có một chiếc màn hình 23,8 inch nhỏ hơn một chút. Sản phẩm có tên mã là Asus ProArt PA247CV.
photo-2021-05-28-15-45-47-2.jpg

Cả 2 SKU mới này của ASUS mang đến cho mình một trải nghiệm hoàn toàn khác đối với một chiếc màn hình chuyên thiết kế đồ họa. Mình không cần phải bỏ ra quá nhiều tiền để có thể sở hữu một chiếc Apple ProDisplay XDR, mình hoàn toàn có thể tìm thấy một chiếc màn hình rẻ hơn với mức độ tương thích cao không hề kém cạnh. Trong tương lai chắc chắn mình sẽ nâng cấp thêm 1 chiếc màn hình nữa đến từ ASUS ProArt để mở rộng tầm nhìn, chơi game được đã hơn. Ngoài là một “Designer chân chính”, mình còn là người rất mê các thể loại game FPS. Còn bạn thì sao, bạn sẽ lựa chọn nó chứ? Hãy cho mình biết nhé!
https://thinkview.vn/danh-gia-chi-t...cv-man-hinh-danh-rieng-cho-designer-3438.html
 
Back
Top