đánh giá Đánh giá chi tiết ASUS ROG SCAR 17 (2021): Nấc thang mới của sự thoả mãn!

Với đầy đủ những yếu tố mới nhất về gaming trong năm nay, ROG SCAR 17 là sự tổng hoà mọi trải nghiệm thú vị mà mình từng có với các sản phẩm cùng dòng tính tới lúc này.

Nếu phải miêu tả ngắn gọn trải nghiệm của mình với ASUS ROG năm nay thì nhìn chung, đó có thể xem là một sự tăng tiến về mức độ thoả mãn. Với Strix G17, đó sẽ là sức mạnh tiềm năng của bộ đôi Cezanne – Ampere có thể đem lại với ROG nói chung và xa hơn thế. Còn với SCAR 15, đó lại là những trải nghiệm thú vị về khả năng cá nhân hoá cùng những yếu tố mới mẻ về phần cứng (đi cùng cả cấu hình Đỏ - Xanh mạnh mẽ, tất nhiên rồi).

asus-rog-strix-scar-17-3.jpg

Và với chiếc SCAR 17 2021 mình đang có ở đây, đó sẽ là sự tổng hoà của tất cả những yếu tố mà mình vừa kể trên đây. Một sự trải nghiệm mới mẻ về nhiều mặt, nhưng sẽ được nới rộng lên kích cỡ 17-inch rộng lớn. Và khi mọi thứ đã không còn giới hạn nào thì với mình, đó sẽ là nấc thang tiếp theo của sự thoả mãn.

Ngoại quan: Cá tính hơn, cá nhân hơn​

Với cương vị là một trong những sản phẩm đi đầu của series ROG, SCAR 17 mang trên mình những đặc điểm tân thời, hiện đại nhất của ASUS vào thời điểm ra mắt. Dù vẫn có dáng vẻ gợi nhiều sự quen thuộc (bản lề, form dáng chung, v.v..), nhưng những thêm thắt đậm chất tương lai vẫn đủ chất lượng để khiến máy trở nên nổi bật. Không chỉ với Strix G17 2021, mà với mình sẽ là cả SCAR 17 2020 tiền nhiệm nữa.

Về mặt A, thiết kế chia hai mảng như thường lệ vẫn được hãng sử dụng với mục đích cách điệu, hầm hố ngay từ cái nhìn đầu tiên. Và cũng như SCAR 15, bản 17 cũng có được những khác biệt về hoạ tiết phần sần để phân biệt với Strix G17 – một sản phẩm cũng 17-inch ra mắt trước ít lâu. Cụ thể thì thay vì in hàng loạt các ký tự “ROG” nhỏ, chúng ta sẽ có hệ thống hoạ tiết ô vuông li ti, cũng là nơi ASUS in chìm những ký tự độc đáo.

asus-rog-strix-scar-17-16.jpg

Bản thân mình thì thích kiểu trang trí này hơn, do khi gập máy vào thì anh em có thể thấy sự đồng bộ với hoạ tiết phần gù phía dưới. Ngoài ra thì cảm giác khi chạm vào phần này cũng sần sần khá thích tay, hợp với nhóm anh em hay cầm máy trên tay di chuyển. Nhìn chung, đây vẫn là một mặt A mà mình cảm thấy khá ưng, và ít nhất thì nó cũng hấp dẫn hơn hẳn so với SCAR 17 2020 với chỉ một lớp nhám bao trùm.

Với việc là dòng SCAR cao cấp, toàn bộ khu vực này sẽ được làm bằng kim loại nhôm chắc chắn. Cảm giác chạm vào mát lạnh, độ nhám vừa phải nhờ lớp sơn phủ cùng khả năng chống chịu lực tốt – nhấn khá mạnh nhưng độ flex cho lại là rất ít. Với chất lượng hoàn thiện tốt như vậy, cũng là đáng mừng khi ASUS đã ưu ái sử dụng nó cho cả những cái tên thấp hơn từ dòng Strix như chiếc G17.

asus-rog-strix-scar-17-14.jpg

Trên SCAR 17, logo ROG vẫn sẽ có khả năng hiển thị màu RGB – đặc trưng lâu nay của dòng máy. Kết hợp với phần LED ở bàn phím và đáy, chúng ta sẽ có một combo hầm hố, màu sắc; thích hợp với những anh em nào cá tính và thích cá nhân hoá sản phẩm. Với dòng SCAR năm nay thì nếu để ý, chúng ta còn có cả một dải LED khá nhỏ ở dưới chân màn hình.

asus-rog-strix-scar-17-15.jpg

Logo ROG phát sáng RGB.
asus-rog-strix-scar-17-4.jpg


LED dưới đáy ROG SCAR 17

asus-rog-strix-scar-17-12.jpg

LED RGB ở chân màn hình.Cũng tiện nhìn xuống phần gù luôn thì với phiên bản 2021, nó đã không còn làm dạng xếp tầng như phiên bản năm ngoái. Phần ốp tháo ra được cũng xuất hiện, một điểm đặc trưng thú vị có lẽ là lần đầu xuất hiện trên dòng máy. Lần này thì không chỉ màu đen truyền thống, ASUS còn tặng kèm thêm hai chiếc ốp khác có màu trong suốt và xám cao su để chúng ta thoải mái thay thế.

asus-rog-strix-scar-17-18.jpg

Với bản lề nhẫn, nó vẫn chắc chắn hơn những gì chúng ta tưởng tượng khi nhìn vào. Đặc biệt khi thay vì nhựa, chúng ta đã có vật liệu thép ở linh kiện này. Cảm giác gập mở khá êm, và vì đang giữ phần màn 17-inch nên có thể sẽ đầm hơn một chút so với SCAR 15.

asus-rog-strix-scar-17-20.jpg

Cuối cùng, mọi đặc điểm ngoại hình mà chúng ta vừa thấy sẽ được đặt trong một thân hình 395 x 282 x 23.4mm – so với phiên bản năm ngoái là đã có thu gọn về chiều rộng và chiều cao. Ngoài ra thì cân nặng của máy cũng được tinh gọn, chỉ còn khoảng 2,7kg chưa tính sạc – không quá tệ với một chiếc máy 17-inch cấu hình khủng.

Màn hình: Thoáng đãng và mượt mà​

Về màn hình, việc được gọt mỏng đáng kể cả 4 viền sẽ là điểm cộng lớn dành cho SCAR 17 2021. Điều này không chỉ giúp mở rộng tối đa trải nghiệm thị giác người dùng, mà còn đóng vai trò quan trọng làm nên kích thước tinh giản mà mình có nói ở trên. Và cũng như Strix G17, tần số quét của màn hình này cũng đạt 300Hz, giúp mọi trải nghiệm hiện ra trước mắt anh em đạt độ mượt mà cao. Ngoài ra máy cũng có thêm công nghệ Adaptive Sync, đảm bảo phối hợp giữa màn hình và GPU để chống xé hình, tối ưu hoá trải nghiệm nhìn.

asus-rog-strix-scar-17-9.jpg

Về thông số màu sắc, mình đã đo bằng SpyderX Elite và nhận được kết quả rất tốt: 100% sRGB, 78% AdobeRGB, 82% DCI-P3 và độ sai lệch màu DeltaE là 1.44. Riêng với tuỳ chọn WQHD 165Hz thì theo mình tìm hiểu, chỉ số DCI-P3 của nó còn có thể lên đến 100%. Kết hợp với độ sáng và (344 nits) cùng tương phản tốt (1000:1), đây sẽ là màn hình đủ chất lượng để phục vụ trải nghiệm của người dùng với đại đa số các tác vụ (Làm các công việc văn phòng, xem phim chất lượng cao, retouch ảnh, làm màu cho video, v.v..).

Một điểm đáng tiếc là dù viền màn hình vẫn đủ dày, nhưng như thường lệ cụm webcam vẫn sẽ biến mất. Điều này sẽ gây phần nào khó khăn nếu chúng ta cần gặp mặt trực tuyến, stream game, v.v.. Nhưng theo mình tìm hiểu thì với sản phẩm này, một số đại lý bán ra sẽ tặng kèm chúng ta cả webcam gaming ROG Eye. Vậy nên nếu cần camera thì đây có thể là thông tin mà chúng ta có thể lưu tâm.

Bàn phím và touchpad: Đủ đầy, rộng rãi, không dành cho tất cả​

Với SCAR 17 2021, bàn phím của máy cũng sẽ được trang bị switch cơ quang (Optical Mechanical) cao cấp; cho trải nghiệm gõ và thao tác chung trở nên “có lực” hơn. Tiếng clicky cho ra không quá to nhưng khá đanh, nếu để liên tưởng thì khá giống Blue Switch trên phím cơ truyền thống. Nếu là người đã quen chiến game bằng gear cơ, việc chuyển qua bàn phím kiểu này sẽ là một trải nghiệm thú vị.

asus-rog-strix-scar-17-22.jpg

Tuy nhiên cũng như trên SCAR 15, phím cơ quang với mình vẫn sẽ chỉ hiệu quả khi được đặt vào tác vụ “tủ” là chơi game. Còn khi chuyển qua nhập liệu; chính độ nặng của switch cơ lại trở thành rào cản khiến tốc độ gõ giảm đi đáng kể. Ngoài ra sau khi gõ liên tục trên switch cơ quang; đầu ngón tay của chúng ta sẽ có xu hướng nhanh mỏi. Vậy nên nếu để nhận xét về bàn phím SCAR 17, mình nghĩ cụm “không dành cho tất cả” sẽ là hợp lý nhất.

Về layout, mọi thứ nhìn chung vẫn không có nhiều thay đổi. Với phiên bản 17-inch thì chúng ta sẽ có thêm phím số bên cạnh, phù hợp để nhập liệu hoặc sử dụng macro trong vài trường hợp. Khác biệt dễ nhận ra nhất trên SCAR 17 sẽ là kích thước phần phím F, sẽ được làm lớn bằng với các phím chữ và số phía dưới. Các phím thao tác nhanh vẫn sẽ có kích cỡ nhỏ, và chũng sẽ vẫn là phím thường thay vì phím cơ - phù hợp với tính chất dùng nhanh vốn có.

asus-rog-strix-scar-17-5.jpg

Phần chiếu nghỉ của SCAR 17 khá rộng rãi, thoải mái để đặt tay. Tuy vậy toàn bộ bề mặt chỉ làm bằng nhựa, có thể là để phục vụ thiết kế trong suốt mà mình có nhắc đến trước đó. Hạn chế của vật liệu này sẽ là việc bám nhiều dấu vân tay, vậy nên chúng ta sẽ cần lau máy thường xuyên nếu muốn đảm bảo thẩm mỹ.

Ở cạnh phải, chúng ta sẽ có chìa khoá Keystone 2.0. Đây là nơi mà người dùng có thể chứa các profile về phím, macro,… thậm chí là tận dụng để mở khoá thư mục ẩn Shadow Drive để lưu dữ liệu quan trọng. Nếu muốn khoá thứ mục này lại không để người khác xem, anh em chỉ cần rút Keystone ra và mang theo mình là được.

asus-rog-strix-scar-17-7.jpg

Touchpad của SCAR 17 có kích thước rộng, được phủ bề mặt kính và sử dụng driver Windows Precision để tăng cường độ chính xác trong thao tác. Nhờ vậy nên trải nghiệm vuốt chạm mình có được là khá thoải mái, đặc biệt là việc vuốt chạm nhiều ngón. Do là máy 17-inch nên phần phím số vật lý có sẵn, phím số ảo sẽ không còn xuất hiện trên sản phẩm này.

Hiệu năng: Xứng danh “trùm cuối”?​

Hiệu năng của SCAR 17 2021 về cơ bản là sẽ được tạo nên từ những linh kiện phần cứng mạnh nhất hiện nay, với tâm điểm sẽ là CPU AMD Ryzen 9 5900HX 8 nhân 16 luồng mới ra mắt. Phiên bản máy mình đang có theo như tra cứu thì đã có cấu hình mạnh nhất; với việc đi kèm 32GB RAM DDR4, 1TB SSD NVMe cùng tuỳ chọn card đồ hoạ NVIDIA RTX 3080 16GB.

asus-rog-strix-scar-17-24.jpg

Với Ryzen 9 5900HX, ấn tượng lớn nhất với mình vẫn sẽ là cách mà nó được thả điện khi chạy các tác vụ nặng. Tương tự như một tuỳ chọn khác là Ryzen 7 5700H mà mình từng thử nghiệm thì khi đặt ở chế độ quạt Turbo, CPU của chúng ta sẽ có thể trụ khá lâu ở mức điện 80-85W, với xung nhịp dao động từ 4.4 – 4.6GHz. Còn khi để ở các chế độ khác như Performance đổ xuống, mức điện năng sử dụng có phần cầm chừng hơn (khoảng 65-70W), nhưng mức xung vẫn ở khá cao (4.3 - 4.4GHz) để cho ra điểm số ấn tượng. Việc có được mức xung cao thế này sẽ giúp anh em thực hiện các tác vụ render 2D, 3D,... có thể nhanh và mượt mà.

Về nhiệt độ thì với việc sử dụng tiến trình 7nm FinFET, con số mà 5900HX cho ra cũng ở mức ổn (khoảng 80 độ C khi sử dụng ở thiết lập Performance) với đa phần các tác vụ. Trừ khi anh em có nhu cầu sử dụng cao hẳn và để ở chế độ Turbo, khi đó mức nhiệt của CPU mới có thời điểm chạm mốc 90 độ hoặc hơn.
Ngoài ra, với hậu tố HX mới ra mắt từ đầu năm nay thì đây là lần đầu tiên, chúng ta có được một CPU Mobile được hãng hỗ trợ về khoản ép xung, hứa hẹn mở ra hiệu năng mạnh mẽ hơn nữa nếu người dùng thực sự cần thiết. ThinkView hiện đang nghiên cứu thêm về khả năng này của Ryzen 9 5900HX, và sẽ sớm có một bài viết thử nghiệm chi tiết trong thời gian tới.

Còn về card đồ hoạ RTX 3080 thì về bản chất, đây là mẫu card sử dụng chung die với phiên bản RTX 3070 trên desktop, cùng với đó là tăng lượng VRAM lên để đạt ngưỡng 16GB. Chỉ là khi so với phiên bản RTX 3080 Desktop thì chúng ta sẽ thấy ít nhân CUDA hơn một chút mà thôi. Vậy nên mình cũng không quá ngạc nhiên khi nó đạt được hiệu suất rất cao với đại đa số các game hiện thời, dù để ở độ phân giải FHD hay tính toán thử nghiệm ở WQHD hoặc 4K (trong 3DMark).

screenshot-2021-03-22-024034.jpg

Trải nghiệm Call of Duty: Warzone (FHD, Ultra Settings)
screenshot-2021-03-22-024428.jpg


Trải nghiệm Monster Hunter: World (FHD, High Settings)
screenshot-2021-03-22-024938.jpg

Trải nghiệm The Medium (FHD, Ultra Settings)
screenshot-2021-03-22-025351.jpg

Trải nghiệm Battlefield V (FHD, High Settings)Đồng thời, mức điện mà ASUS “thả” cho nó cũng ở ngưỡng rất cao, dao động từ 125 – 140W tuỳ vào từng tựa game được thử nghiệm.

Ngoài ra thì với mức VRAM lớn 16GB, đây là mẫu card mà chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng để cày kéo các tựa game AAA với thế giới mở rộng lớn – hứa hẹn sẽ được ra mắt khá nhiều trong tương lai. Không chỉ để chơi game, con số này sẽ còn phục vụ được người dùng với cả các công việc đặc thù tương tự như dựng hình 3D chẳng hạn.


Bộ nhớ trong: Tốc độ truy xuất cao, khả năng nâng cấp tốt​

Về bộ nhớ trong, phiên bản máy mình đang có sẽ được trang bị 1TB SSD NVMe tới từ SKHynix, được tuỳ biến riêng dành cho line-up ROG năm nay. Về tốc độ đọc ghi thì mình đã đo bằng Crystal DiskMark và có được con số ấn tượng, cả về tốc độ đọc ghi tuần tự lẫn tốc độ đọc ghi 4K.

screenshot-2021-03-22-000802.jpg

Nếu người dùng có nhu cầu lưu trữ cao hơn nữa, máy vẫn còn một khe trống để có thể nâng cấp, hoặc thậm chí là chạy được RAID 0.


Cổng kết nối: Đầy đủ, tối ưu về vị trí​

Với SCAR 17 2021, hệ thống cổng kết nối vẫn sẽ là ưu điểm được duy trì, với đa số các cổng liên quan đến dây (RJ-45, HDMI,…) đều được đẩy ra sau nhằm tránh vướng víu khi sử dụng. Chúng ta sẽ có tất cả 3 cổng USB-A 3.2 Gen 1, 1 cổng USB-C 3.2 Gen 2 hỗ trợ DisplayPort và Power Delivery, 1 cổng HDMI 2.0, 1 cổng LAN RJ-45 và 1 jack cắm tai nghe 3.5 combo – về cơ bản là thoải mái cho việc kết nối thiết bị ngoại vi. Một điểm hơi đáng tiếc là sự thiếu vắng của khe thẻ SD, dù cỗ máy về lý thuyết là đáp ứng đủ cho các nhu cầu multimedia cấp cao.

asus-rog-strix-scar-17-19.jpg

Về cổng Power Delivery thì mức sạc hỗ trợ có thể lên đến 100W. Nhờ vậy nên trong một số trường hợp, thường là khẩn cấp, người dùng cũng có thể tận dụng các bộ sạc Type-C khác để cấp điện cho máy.


Viên pin: Dung lượng lớn, hỗ trợ công nghệ tiết kiệm điện​

Với viên pin 90Wh, SCAR 17 đã tiến một bước dài so với những gì nó làm được ở phiên bản 2020 (66Wh). Ngoài ra thì với tính năng tắt card đồ hoạ rời được trang bị trong Armoury Crate, máy sẽ có thể chuyển qua iGPU Radeon Vega 8 để tiết kiệm đáng kể điện năng. Về thời lượng sử dụng thì mình đã có thử nghiệm, thời gian có thể kéo từ 5h – 6h ở các tác vụ cơ bản, và khoảng 6h30 nếu đang tắt card rời.


Tạm kết​

Một màn hình cân bằng giữa tần số quét và chất lượng (có thể nâng cao hơn nữa), hệ thống gear cơ cao cấp cùng phần cứng đặc biệt mạnh mẽ,… SCAR 17 tới hiện tại với mình là gần như hoàn hảo, khi đã hội tụ hầu hết những gì mới nhất trong thế giới laptop tính đến thời điểm hiện tại. Nhưng không chỉ là đưa chúng vào cùng một bộ khung, ASUS cũng đáng khen khi có nhiều nỗ lực để chúng trở nên ăn khớp, qua đó tạo nên một trải nghiệm đặc biệt trong năm 2021 này.

Cùng với đó, cũng không quên kể tới những cải thiện trong thiết kế mà hãng đã tạo ra, dù chưa thể làm mới hoàn toàn nhưng cũng là đủ để khiến việc mua SCAR mới thêm phần hấp dẫn. So với những điểm chấm phá không thực sự ấn tượng mà SCAR 2020 sở hữu, SCAR 17 2021 sẽ để lại nhiều ấn tượng hơn, đặc biệt là ở câu chuyện cá nhân hoá – thứ mình nghĩ sẽ trở thành xu hướng trong tương lai sớm thôi.

 
Last edited:
Con này trong ngon choét nhỉ. Giá thì coi như hợp lý rồi. Đâu như thăng inteo :canny: gắn con 10875H vào rồi kêu best hịu năng :look_down:
 
Back
Top