tin tức Đề nghị đổi tên di sản lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến để tránh xung đột giữa các cộng đồng

Cryolite.

Senior Member
https://tuoitre.vn/de-nghi-doi-ten-...-dot-giua-cac-cong-dong-20220622160903485.htm

TTO - Sau phản ánh của Tuổi Trẻ về quyết định lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến là di sản phi vật thể quốc gia khiến Phúc tộc, người dân Huế bức xúc, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch vừa đề nghị đổi tên di sản phi vật thể quốc gia này.

Đề nghị đổi tên di sản lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến để tránh xung đột giữa các cộng đồng - Ảnh 1.

Nhân dân làng An Hải xưa và người dân huyện Côn Đảo ngày nay tổ chức lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến - Ảnh: TTXVN

Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hôm 20-6 về thư kiến nghị của Hội đồng Phúc tộc Việt Nam rút lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến khỏi danh mục di sản phi vật thể quốc gia mà trước đó bộ đã ban hành quyết định hồi đầu năm 2022.

Trong đó cho biết sau thư kiến nghị của Hội đồng Phúc tộc Việt Nam và văn bản chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, bộ đã tổ chức đoàn khảo sát về địa phương để xem xét lại quy trình kiểm kê, lập hồ sơ khoa học.

Bộ và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã làm việc với Hội đồng Phúc tộc Việt Nam tại Thừa Thiên Huế. Ngày 16-6, bộ cùng với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Hội đồng Thẩm định hồ sơ di sản cùng họp, xem xét hồ sơ.

Bộ cho rằng lễ giỗ bà Phi Yến có các giá trị đáp ứng tiêu chí của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc ghi danh nhằm ghi nhận những giá trị sáng tạo văn hóa tinh thần của cộng đồng; khuyến khích, nâng cao ý thức trong thực hành, trao truyền di sản văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa của chính cộng đồng.

Việc ghi danh còn là sự ghi nhận một lễ hội - thực hành tín ngưỡng của người dân được pháp luật bảo hộ, hoàn toàn không mang ý nghĩa vinh danh hay công nhận một nhân vật hoặc một sự kiện lịch sử.

Tuy nhiên, việc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất gọi tên di sản là lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến, cùng một số chi tiết trong hồ sơ đề cập tới truyền thuyết của bà "có thể gây hiểu nhầm về một nhân vật lịch sử". Trong khi di sản còn có nhiều tên gọi khác như lễ giỗ Bà, giỗ Bà, giỗ bà Phi Yến, giỗ bà Hoàng Phi Yến...

Vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc tôn trọng cộng đồng chủ thể di sản "tránh gây hiểu nhầm về lịch sử, hoặc gây xung đột giữa các cộng đồng trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam", bộ đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với chủ thể của di sản nghiên cứu điều chỉnh tên gọi chính thức của di sản tại hồ sơ và các thành phần kèm theo cho phù hợp, tránh dùng tên gọi có thể gây ra hiểu nhầm về một nhân vật lịch sử.

Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này cũng phải được điều chỉnh theo hướng làm sâu sắc hơn những giá trị đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của cư dân biển đảo; lược bỏ các yếu tố mới, không xác thực về lịch sử.

Nội dung quảng bá di tích lịch sử - văn hóa An Sơn miếu, địa điểm tổ chức lễ giỗ bà Phi Yến hằng năm cũng cần được điều chỉnh để tránh gây hiểu nhầm về lịch sử, gây xung đột giữa các cộng đồng.

Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ khoa học đã được chỉnh sửa, bổ sung, trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Thẩm định hồ sơ, bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch sẽ xem xét đưa ra quyết định công bố đưa di sản này vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đại diện Cục Di sản văn hóa cho biết bộ chưa định thời gian hoàn thành việc chỉnh sửa hồ sơ này để có quyết định mới. Hiện quyết định cũ vẫn có hiệu lực, lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến vẫn là di sản phi vật thể quốc gia.

Đầu năm 2022, lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo hồ sơ di sản, bà Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm, thứ phi chúa Nguyễn Ánh (sau là hoàng đế Gia Long), hiện thờ tại An Sơn miếu. Năm 1783, chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, chạy ra Côn Đảo, bà Phi Yến cùng chạy theo.

Vì ngăn Nguyễn Ánh cầu viện Pháp, bà bị chồng giam giữ trong hang đá trên hòn đảo hoang vắng, phía tây nam của đảo chính. Con trai bà Phi Yến và chúa Nguyễn Ánh là hoàng tử Hội An (hoàng tử Cải) khóc đòi mẹ, bị chúa ném xuống biển, xác trôi vào làng Cỏ Ống, được dân làng mang chôn và lập miếu thờ…

Để tưởng nhớ, ngày 17 và 18-10 âm lịch hằng năm, dân làng An Hải tổ chức lễ giỗ bà Phi Yến.

Trước quyết định của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Hội đồng Phúc tộc (còn gọi là Hội đồng Nguyễn Phước tộc, con cháu các vua triều Nguyễn) và một số nhà nghiên cứu đã lên tiếng trên Tuổi Trẻ ngày 19-4 "Lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến thành di sản quốc gia, vì sao giới sử học băn khoăn?".

Ngày 26-4, Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam gửi văn bản đến Thủ tướng, đề nghị thu hồi quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến ở huyện Côn Đảo.

Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam khẳng định "thứ phi Hoàng Phi Yến chỉ là nhân vật hư cấu".

Cuối tháng 5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cùng xem xét, xử lý kiến nghị của Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam.
 
Back
Top