Đi thi HSG cấp tỉnh, Quốc gia, ngoài áp lực, không ít em phải hy sinh rất nhiều

ramano1975

Member
GDVN- Các em nằm trong đội tuyển học sinh giỏi ở các trường Trung học phổ thông sẽ bắt đầu ôn từ khi mới vào lớp 10.
Để đến được với kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia cấp Trung học phổ thông và kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh đối với học sinh Trung học cơ sở là một quãng đường rất dài bởi các em phải trải qua nhiều vòng thi tuyển chọn, thi thử cùng với những tháng ngày gian nan, vất vả vì lịch học, lịch ôn dày đặc của học sinh cuối cấp.

Khi kỳ thi chính thức diễn ra, có những em sẽ đậu và tất nhiên sẽ có những em sẽ rớt vì kỳ thi học sinh giỏi –dù cấp nào tổ chức cũng đều khống chế tỉ lệ đậu theo từng môn. Vì thế, có những em sẽ đạt các giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích nhưng cũng sẽ có những em sẽ rớt, không có giải gì.

Niềm vui và nỗi buồn chỉ là một ranh giới mỏng manh sẽ được nhân lên. Những em đậu sẽ có trọn niềm vui, những lời chúc mừng, khen ngợi cùng các phần thưởng xứng đáng nhưng những em không may mắn bị rớt sẽ mang một nỗi buồn dai dẳng, thậm chí còn tự ti, mặc cảm nhiều tháng ngày sau đó.

Nhưng, cho dù đậu hay rớt thì những em nằm trong đội tuyển ôn thi học sinh giỏi đều có những trải nghiệm thú vụ, dám thử thách. Dù phải trải qua nhiều thua thiệt, áp lực nhưng sau kỳ thi sẽ để lại cho các em những bài học ý nghĩa cho bản thân mình.
Các trường học luôn chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp

Nhiều trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hiện nay rất xem trọng việc xây dựng thương hiệu cho đơn vị mình nên họ thường có những kế hoạch xây dựng những mũi nhọn nhằm khẳng định thương hiệu và uy tín cho ngôi trường của mình để thu hút học sinh trong địa bàn.

Một số trường Trung học phổ thông còn đi tìm kiếm nhân tài ở các trường Trung học cơ sở để tạo nguồn cho các kỳ thi sau này. Chính vì vậy, có trường Trung học phổ thông còn phát thưởng cho học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp Trung học cơ sở để tạo điều kiện cho những em học sinh giỏi thi vào trường mình.

Hiện nay, ngoài chuyện hướng tới hiệu quả giáo dục chung qua tỉ lệ học sinh khá, giỏi của trường thì lãnh đạo các trường cũng rất tập trung vào các cuộc thi, kỳ thi dành cho giáo viên và học sinh để tạo bề nổi cho nhà trường. Trong đó, việc bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi thường được xem trọng hơn cả.

Nhiều trường học Trung học cơ sở tuyển chọn học sinh giỏi khi học xong lớp 8 nhưng cũng có rất nhiều trường đã tuyển từ lớp 6. Cùng với đó, có kế hoạch bồi dưỡng cho đội tuyển suốt cả cấp học để cuối năm lớp 9 các em tham dự kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh. Những em nằm trong đội tuyển như vậy phải trải qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp trường từng năm để sàng lọc dần.

Các em nằm trong đội tuyển học sinh giỏi ở các trường Trung học phổ thông sẽ bắt đầu ôn từ khi mới vào lớp 10. Phần nhiều, các em ôn thi học sinh giỏi sẽ học trước chương trình đối với môn thi của mình để làm quen với các dạng đề thi nhằm trang bị những kiến thức.Khi tham gia thi cấp tỉnh cũng phải trải qua quá trình ôn luyện, sàng lọc của nhiều năm trời. Những em trải qua kỳ thi cấp tỉnh mà đạt được giải cao lại tiếp tục ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ
thi học sinh giỏi quốc gia.

Vòng xoáy của việc học, ôn thi mũi nhọn, chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp của những em nằm trong đội tuyển học sinh giỏi nhìn chung rất áp lực, căng thẳng và các em phải học nhiều hơn các bạn trong lớp vì một khi nằm trong đội tuyển cũng đồng nghĩa phải chấp nhận nỗi vất vả trong quá trình học tập.

Thậm chí, không có thời gian để nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động bình thường như bạn bè cùng trang lứa.

Phía sau những giải thưởng học sinh giỏi

Những danh hiệu học sinh giỏi hiện nay đang được ưu tiên và khen thưởng khác nhau. Về cơ bản, mức khen thưởng hiện nay của các địa phương đang thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các tỉnh thành.


Vì thế, mức độ khen thưởng cùng một giải (học sinh giỏi quốc gia, cấp tỉnh) như nhau nhưng có địa phương chỉ thưởng một số tiền tượng trưng nhưng cũng có địa phương thưởng đến hàng chục triệu đồng cho các giải thưởng cao. Riêng những em đạt giải Huy chương Vàng, Bạc, Đồng ở các kỳ thi quốc tế- có nơi thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng.

Việc ưu tiên cho học sinh giỏi văn hóa hiện nay chỉ dành cho học sinh giỏi quốc tế, quốc gia, cấp tỉnh (cấp Trung học phổ thông) khi các em thi tốt nghiệp, xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp.

Riêng học sinh cấp Trung học cơ sở hiện nay không được ưu tiên gì khi các em đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Mấy năm nay, ngay cả chuyện cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi tuyển sinh 10 cũng đã không còn nữa.

Vì thế, sau mỗi kỳ thi, những em đạt giải học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở chỉ được thưởng mấy trăm ngàn đồng (tuỳ vào giải thưởng) là xong. Nhiều khi, tiền thưởng của một số địa phương phát muộn, mãi đến hè mới có.

Nhiều giáo viên cho rằng, kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp Trung học cơ sở hiện nay chưa thu hút được các em học trò- mà thực sự cũng chẳng có gì để thu hút.

Vậy nên, nhiều em học sinh học rất giỏi nhưng lại né khi được thầy cô đưa vào đội tuyển vì các em thừa biết vào đội tuyển sẽ áp lực mà không còn thời gian đầu tư cho các môn học khác. Trong khi, học sinh Trung học cơ sở phải trải qua kỳ thi tuyển sinh 10 của nhiều địa phương vô cùng căng thẳng và cạnh tranh trực tiếp.Ngay cả phụ huynh học sinh hiện nay cũng có nhiều gia đình không muốn con em mình ôn thi trong đội tuyển học sinh giỏi văn hóa cấp Trung học cơ sở vì nó kéo dài. Ngắn thì cũng phải hơn nửa năm học, nhiều có khi kéo đến gần
hết cả cấp học.

Bởi vì kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh hiện nay phần lớn được tổ chức ở đầu học kỳ II (chủ yếu là tháng 2, tháng 3 hằng năm), cấp huyện thì sớm hơn một chút.

Với thời gian ôn thi nhiều như vậy nhưng không may rớt – mà rớt là nhiều vì kỳ thi học sinh giỏi các cấp đang tổ chức hiện nay chỉ lấy dao động khoảng 25-30% số học sinh tham dự.

Vì thế, khi các em rớt cũng đồng nghĩa sẽ hẫng hụt, dao động tâm lý và ảnh hưởng rất nhiều đến kỳ thi tuyển sinh 10 hoặc thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Nếu đậu, cũng không có quyền lợi gì mà không có quyền lợi gì ngoài mấy trăm ngàn tiền thưởng.

Trong khi, kỳ thi học sinh giỏi kết thúc vào tháng 2, tháng 3- lúc mà các bạn cùng trang lứa đã trang bị cho mình rất nhiều kiến thức các môn học khác- nhất là những môn trong các kỳ thi chuyển cấp thì những em nằm trong đội tuyển học sinh giỏi lại chểnh mảng vì các em đã dành quá nhiều thời gian, sức lực cho môn thi học sinh giỏi của mình. Vì vậy, những tháng cuối năm học lại phải gồng mình với các môn thi.

Nhìn chung, các trường học hiện nay rất chú trọng đến kỳ thi học sinh giỏi văn hóa và họ đã đầu tư nhiều cho phong trào này. Song, cũng chính vì thế mà các em nằm trong đội tuyển hay có thiên hướng học lệch vì không còn nhiều thời gian cho các môn học khác.

Mỗi năm, mỗi địa phương có hàng nghìn học sinh giỏi văn hóa đạt giải cấp huyện, hàng trăm học sinh giỏi cấp tỉnh và hàng chục học sinh giỏi quốc gia…nhưng số lượng các em không đạt giải gấp nhiều lần số các em đậu. Niềm vui và nỗi buồn của các em ôn thi học sinh giỏi song hành cùng nhau.

Để đem lại những thành tích cho nhà trường, phải thừa nhận một điều là những em nằm trong đội tuyển học sinh giỏi đã phải hy sinh và chịu rất nhiều thiệt thòi. Đặc biệt là các em không đạt giải sẽ không tránh được những nỗi buồn đeo bám.
https://m.giaoduc.net.vn/di-thi-hsg...ng-it-em-phai-hy-sinh-rat-nhieu-post233578.gd
 
Back
Top