Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Tiếng thơ của hai cha con Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh

https://thethaovanhoa.vn/gap-lai-ca...-vien-phan-thi-vang-anh-20230111091502472.htm
Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Tiếng thơ của hai cha con Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh - Ảnh 1.

Nhà thơ Chế Lan Viên

Những mỹ từ thi pháp vừa dẫn là người đọc chúng ta tìm ra, chứ cô bé thi sĩ 7 tuổi Phan Thị Vàng Anh khi làm bài thơ này, có thi thuật, thi pháp gì đâu, cứ thuận miệng, trơn vần mà "xuất khẩu thành thi". Nhưng thuận miệng mà tự nhiên thuận lý, đời người cần học vấn (bút chì) vào đầu và cần cái ăn (bánh mì) bỏ bụng, cho nên thành thơ hay, được tuyển vào nhiều sách giáo khoa.

Ngày của con vô lo như thế, ngày của cha thì bao nhiêu thấp thỏm, phán đoán, đe dọa, biện luận… để rồi quả quyết:

"Em đi, như chiều đi/ Gọi chim vườn bay hết// Em về, tựa mai về/ Rừng non xanh lộc biếc// Em ở, trời trưa ở/ Nắng sáng màu xanh che// Tình em như sao khuya/ Rải hạt vàng chi chít// Sợ gì chim bay đi/ Mang bóng chiều bay hết// Tình ta như lộc biếc/ Gọi ban mai lại về// Dù nắng trưa không ở/ Ta vẫn còn sao khuya// Hạnh phúc trên đầu ta/ Mọc sao vàng chi chít// Mai, hoa em lại về"...(Tình ca ban mai, Chế Lan Viên)

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Tiếng thơ của hai cha con Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh - Ảnh 2.

Một đồ họa về sự nghiệp của Chế Lan Viên

Thơ bắt đầu từ hoàng hôn và kết bằng ban mai. Một ngày dài nối những so sánh, ẩn dụ, tượng trưng… để trong dòng thời gian tuần tự ngoài thiên nhiên có sợi thời gian của hai người yêu nhau.

Vào lúc sợi tình ấy như buộc hai tình nhân làm một, thì thơ kết ở một thông điệp lớn hơn những thông điệp thông thường của một bài thơ tình - chúng ta yêu nhau, làm cho nhau đẹp hơn, để em của anh là ban mai, một thứ ban mai xòe cánh. Vì "người ta là hoa đất", đúng như dân gian vẫn dạy.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Tiếng thơ của hai cha con Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh - Ảnh 3.

Trang SGK có trích bài của Chế Lan Viên

Được cha dạy từ nhỏ, nhưng lớn lên con viết khác cha

Nhà văn Phan Thị Vàng Anh từng kể: "Cha dạy chúng tôi: Phải học, học không phải để vui, mà để không ai giết được mình! Cha cũng muốn tôi học, tôi đã có gần một chục quyển vở chép tay của cha, ở bìa ghi rõ: Sách dạy cho Vàng Anh. Cha muốn hàng ngày đều có ít thì giờ để giảng cho tôi, nhưng tôi, vì đã không ý thức được những giờ học ấy quý như thế nào, tôi đã trốn bằng đủ mọi cớ, khi ấy, tôi chỉ thích làm thơ, chứ không thích học thơ".

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Tiếng thơ của hai cha con Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh - Ảnh 4.

Nhà văn Phan Thị Vàng Anh

Chị kể thêm: "Chỉ khi cha tôi vào nằm bệnh viện, tôi biết cha bệnh nặng, khó mà qua khỏi, mỗi chiều, sau khi đi học về, tôi vào thăm, cha luôn để dành cho tôi bánh kẹo hoặc một quả cam, và tôi dù mệt đến mấy cũng đề nghị cha giảng bài, không tiếp thu được bao nhiêu, nhưng tôi muốn cha được an tâm. Ở bệnh viện, cha tôi đã làm một phong bì to đựng các bài học của tôi, chép thành giấy rời, cuối mỗi bài đều ký: "Cha: Chế Lan Viên".

Vàng Anh và những người con khác của Chế Lan Viên không chỉ được học bài cha mình soạn, họ còn có các bài học sống, đó chính là các văn nghệ sĩ tài danh, tới chơi với cha mẹ mình (cặp đôi Chế Lan Viên - Vũ Thị Thường). Và nhà thơ - người cha Chế Lan Viên trân trọng lấy những tài danh kia làm gương soi cho các con.

Ông kể bằng thơ chuyện học nhạc của các con mình, trong thơ có hình ảnh Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Khoát: "Lên ba bé Thắm tập đàn/ bắt chước chú Thi, chú Khoát/ Như một nhạc sĩ đàng hoàng/ Đầu nghiêng tay lần nốt nhạc". Những ngón tay bé thơ theo người mở đường, "ấn lên phím đàn ríu rít" để làm thành nhạc theo mẫu: "Thầm thì nhựa rót cành cây/ Tiếng gió thổi chùm lá mới/ Xôn xao tiếng giục bò cày/ Giữa bãi tiếng vồ đập đất/ Ngoài xa tiếng nước sông trôi…".




Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Tiếng thơ của hai cha con Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh - Ảnh 5.

Trang SGK có trích bài của Phan Thị Vàng Anh

Là con nhà nòi, dù Phan Thị Vàng Anh học y khoa và đã là bác sĩ trong bệnh viện, nhưng dòng máu văn chương trong người vẫn đưa chị tới vị trí của người viết chuyện nghiệp. Sáng tác, biên tập văn học và thành công ngay từ tác phẩm đầu tiên, tập truyện ngắn Khi người ta trẻ.

Với thành công này, chị được Đại học Iowa (Mỹ) mời tham gia khóa học văn chương ngắn ngày, được tham quan tìm hiểu nước Pháp theo lời mời của Bộ Ngoại giao nước này. Sau những "độ đàng" xuất ngoại ấy, Phan Thị Vàng Anh tâm sự trên báo Tuổi trẻ: "Tôi thấy mình và bạn viết cùng trang lứa của mình may mắn. Và cái may mắn lớn nhất là được viết "tại nước" mình. Thêm một điều nữa, người viết ở ta được dành rất nhiều đất, báo nào cũng có thể đăng truyện ngắn, đăng thơ… Ở Pháp người ta có nhiều đất cho phê bình văn học hơn là sáng tác. Khi gặp các nhà xuất bản, nghe họ kể mới thấy, vai trò của nhà xuất bản, của phê bình bên họ là rất lớn, nó giúp ai tài chưa rõ thì rõ ra, nó khuyến khích một tiềm năng thật sự trở thành một tài năng, nó kiên nhẫn và yêu người viết".

Chị kể tiếp, một trong các biện pháp khuyến khích và thử thách các cây viết trẻ là khi đã ký hợp đồng xuất bản với các nhà xuất bản, thì họ có trách nhiệm tới mức "… nếu sách bán không được, sẽ có giải pháp cuối cùng là nghiền thành bột, trước đó sẽ báo cho tác giả để tác giả nếu tiếc thì mua lại sách".

Chế Lan Viên là nhà văn - chiến sĩ trong suốt 2 cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, thời ấy thơ ông được tuyển chọn, giới thiệu phần lớn là thơ "sử thi": Người đi tìm hình của nước, Đế quốc Mỹ là kẻ thù riêng của mỗi trái tim ta, Cái hầm chông giản dị, Sao chiến thắng…

Phan Thị Vàng Anh là nghệ sĩ hậu chiến, nghệ sĩ của thời bình. Dù bắt đầu văn nghiệp bằng những bài học từ Chế Lan Viên, nhưng chị viết theo một cảm hứng khác hẳn cha mình. Truyện ngắn Hoa muộn của chị được trao giải Nhất cuộc thi sáng tác do Hội Nhà văn Việt Nam và tạp chí Thế giới mới đồng tổ chức năm 1993-1994. Ông chánh chủ khảo nhận xét: "… Hoa muộn lặng lẽ, hiền lành thế mà lại là một tiếng kêu thét thống thiết, càng thống thiết vì nghẹn tắc, chống lại sự nhàm chán, vô vị của cuộc đời".

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Tiếng thơ của hai cha con Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh - Ảnh 6.

Gia đình Chế Lan Viên và Vũ Thị Thường
 
Back
Top