Giá xăng lại 'nhấp nhổm' vì thuế

Resius

Senior Member
Lo giá xăng dầu sẽ tăng mạnh khi Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn hết hiệu lực, Bộ Tài chính mới đây đã xây dựng 4 kịch bản áp thuế bảo vệ môi trường theo biến động giá nhiên liệu thế giới trong năm 2023 mà không phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thuế linh hoạt theo diễn biến giá
Theo Nghị quyết 20/2022, thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu, mỡ nhờn đã có 3 lần giảm trong năm nay, với tổng các lần giảm lên đến 75%, mục đích hỗ trợ phục hồi kinh tế. Thế nhưng, từ ngày 1.1.2023, thuế này sẽ được đưa trở lại mức trần với xăng (trừ xăng sinh học) từ 1.000 đồng/lít hiện nay lên 4.000 đồng/lít; dầu diesel từ 500 đồng lên 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn, từ 300 đồng lên 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít.

Theo đó, giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu và mỡ nhờn sẽ tăng tương ứng. Nếu tính bao gồm cả thuế giá trị gia tăng thì giá bán lẻ xăng sẽ tăng thêm 3.300 đồng/lít; nhiên liệu bay tăng 2.200 đồng/lít; dầu diesel tăng 1.650 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn là 1.870 đồng/lít…

gia-xang-820.jpg

Nếu thuế BVMT được “phục hồi”, giá xăng RON95 sẽ tăng thêm 3.300 đồng/lít từ năm 2023 - Ngọc Dương

Bộ Tài chính nhận định việc thuế BVMT đối với xăng dầu quay lại mức kịch trần theo khung thuế từ đầu năm tới sẽ “gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”. Bộ này kiến nghị 4 mức thuế áp dụng trong năm sau đối với xăng dầu tương ứng với kịch bản giá dầu thô thế giới. Cụ thể, trường hợp giá dầu thô thế giới dưới 70 USD/thùng, thuế BVMT với xăng sẽ quay trở về mức 4.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít, dầu diesel 2.000 đồng/lít.

Đây cũng là mức thuế BVMT kịch khung trong biểu thuế suất BVMT với xăng dầu hiện nay. Trường hợp 2, giá dầu thô ở ngưỡng 70 - 80 USD/thùng, mức thuế suất BVMT với xăng, dầu và mỡ nhờn giảm 25% so với mức trần. Tức là, mỗi lít xăng sẽ chịu 3.000 đồng thuế BVMT, nhiên liệu bay 2.250 đồng; dầu diesel 1.500 đồng.

Trường hợp 3, nếu giá dầu thô thế giới 80 - 100 USD/thùng, thuế BVMT với xăng, dầu và mỡ nhờn còn một nửa so với quy định khung thuế: xăng là 2.000 đồng/lít, nhiên liệu bay là 1.500 đồng/lít, dầu diesel là 1.000 đồng/lít… Trường hợp cuối cùng, khi giá dầu vọt trên mốc 100 USD/thùng, mức thuế BVMT áp dụng với xăng, nhiên liệu bay cùng là 1.000 đồng/lít, dầu diesel 500 đồng/lít...
Nên bỏ hẳn thuế BVMT
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, nhận xét kịch bản thuế BVMT đưa ra cho thấy khả năng thu lại thuế BVMT sắp tới là rất cao. Có thể chưa thu lại hết 100% nhưng với số liệu dự báo về giá dầu thế giới trong năm tới, ngành tài chính muốn thu lại thuế này ít nhất đạt từ 50 - 75% so với mức trần khung thuế BVMT. Tuy nhiên cần phải có cơ chế đánh giá tác động thật sự khoa học, thực tiễn, có sự tham gia nhiều bên liên quan để làm rõ tương quan giữa giá xăng dầu chung của thế giới, giá xăng dầu từ các nguồn đầu vào để từ đó tính trong giá cơ sở cho xăng dầu trong nước.

“Một chính sách linh hoạt để quyết định hỗ trợ khi biến động giá xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng, ổn định vĩ mô hỗ trợ phục hồi tăng trưởng là chủ trương đúng. Nhưng linh hoạt phải đi đôi với minh bạch, trách nhiệm giải trình và đảm bảo cũng phải linh hoạt tương ứng công tác điều hành thị trường xăng dầu, trong đó có xác định giá xăng dầu dần dần theo cơ chế thị trường cạnh tranh”, TS Nguyễn Quốc Việt nêu quan điểm và lưu ý, VN đang tham khảo giá của Singapore để tính giá cơ sở, vậy giá dầu WTI của Mỹ và giá Brent chuẩn toàn cầu thì sao? Trong thực tế, nguồn xăng dầu của VN nhập từ ít nhất 3 nguồn là mua từ 2 nhà máy sản xuất trong nước (chiếm 80% nhu cầu thị trường) và nhập khẩu trực tiếp từ nhiều nước. Trong khi dầu thô từ nhà máy lại mua từ vùng Vịnh… Làm sao chúng ta lại áp chung một tham chiếu giá của một thị trường Singapore?

TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, nói thẳng thuế BVMT đánh vào mặt hàng xăng dầu thật ra nên bỏ hẳn. Ông đặt câu hỏi xăng dầu vốn dĩ là mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu người dân, phục vụ sản xuất… vậy thuế đánh vào mặt hàng này đã được sử dụng để thực hiện các dự án liên quan tới công tác BVMT như thế nào? Ngành tài chính cần lý giải cụ thể việc này và cần nghiên cứu để chỉ ra rằng nhờ đánh thuế cao người dân giảm dùng xăng dầu và BVMT…

“Đã có khảo sát, chứng minh tính hiệu quả, tương tác từ 2 vấn đề thuế BVMT và hiệu quả BVMT từ việc giảm dùng xăng, dầu chưa? Phải chứng minh được tính logic của vấn đề trong việc tính thuế chứ không phải tính thuế theo biến động giá xăng cao thì đánh thuế ít, thấp thì đánh nhiều”, ông Trinh nói.

TS Bùi Trinh đặt vấn đề: “Vì sao một mặt hàng thiết yếu như vậy lại phải gánh thuế BVMT và nhiều loại thuế phí khác. Nếu có đánh thuế cao hơn nữa thì vẫn không thể giảm việc sử dụng xăng dầu trong giao thông. Việc giảm ô nhiễm môi trường trong giao thông vận tải phải có những giải pháp khác khả thi hơn như phát triển giao thông công cộng, phương tiện giao thông ít phát thải… Trong khi đó, các ngành công nghiệp chế biến và sản xuất mới là đối tượng gây ra ô nhiễm môi trường cao cần phải tính đúng tính đủ thuế BVMT thì chưa thấy đề cập mà cứ “đè” xăng dầu ra thu thuế”.

“Chính sách thuế BVMT theo đề xuất của Bộ Tài chính cơ bản chỉ làm tăng giá xăng dầu. Điều này không có lợi cho cả người dân và nền kinh tế. Theo tôi, nên bỏ hẳn đi để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Nếu muốn tính, các bộ ngành phải có nghiên cứu và chứng minh bằng cơ sở khoa học rõ ràng”, TS Bùi Trinh nêu quan điểm.
 
Back
Top