Hồi ký của ông tôi, nhân chứng gần một thế kỷ của An Nam và Việt Nam.

KHÚC NGOẶT ĐƯỜNG ĐỜI

Trở lại thời kỳ mấy tháng sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công. Lúc này bố mẹ tôi cùng mấy chị em tôi về quê nội tôi ở Làng La Ngạn, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Một hôm anh Định, môt cán bộ của huyện bộ VM Nghĩa Hưng (lúc này Phủ Nghĩa Hưng đã chuyển thành huyện) đồng thời cũng là cháu họ bố tôi (và sau này lấy tên là Lê Điền làm việc trong ban biên tập báo Nhân Dân), đến nhà đề nghị xin bố mẹ tôi cho tôi về huyện lỵ để dự một lớp huấn luyên rồi sau đó đi công tác. Bố tôi đồng ý ngay. nhưng mẹ tôi thì có vẻ băn khoăn, quyến luyến. Tôi cầm tay mẹ tôi và nói :
- Mẹ ơi, con lớn rồi. Trước sau thì cũng đến lúc con phải rời vòng tay thương yêu của mẹ để ra ngoài đời. Mẹ yên tâm cho con đi theo các anh các chị Việt Minh. Nhất định các anh các chị sẽ dìu dắt con trưởng thành nên người có ích cho đất nước.

Mẹ tôi rơm rớm nước mắt, ôm tôi vào lòng và nói ;
- Con ơi, mẹ không cản con đâu. Nhưng mẹ quyến luyến, yêu thương con nhiều, không muốn xa con. Thôi được, mẹ đồng ý để con lên đường. Chỉ mong con thỉnh thoảng về thăm mẹ.

Thế rồi mẹ tôi gói ghém cho tôi một bọc quần áo và mấy thứ cần thiết. Anh Định nói ;
- Bác ơi, bác không cần cho em mang chăn màn đi đâu. Ở huyện bộ đã có đầy đủ rồi. Bác cứ yên tâm để em nó đi với cháu. Cháu sẽ thay hai bác trông nom em.

Sau đó anh Định và tôi lên đường về huyên. Con đường này đối với tôi không lạ gì vì cũng là đường tôi thường theo mẹ về quê ngoại bên kia sông, đi đến huyện lỵ chỉ vào khoảng 5, 6 km. Đến huyện bộ Việt Minh tôi đã thấy một vài cậu cùng lứa tuổi đến trước từ các vùng quanh đấy.



Mấy ngày sau lớp huấn luyện của chúng tôi bắt đầu, do anh Quốc Trung phụ trách. Anh là cán bộ huyện bộ, khoảng 25 tuổi, người cao to. Quốc Trung chắc là tên cách mạng chứ tên thật của anh thì không ai biết. Anh đối với chúng tôi rất thân mật, hòa nhã, chăm lo cho chúng tôi mọi thứ rất chu đáo như anh em trong gia đình, khiến chúng tôi cũng đỡ nhớ nhà. Anh cũng là người lên lớp chính của lớp huấn luyện. Chương trình huấn luyên là “5 bước cách mạng - điều tra, tuyên truyền, đưa vào tổ chức,huấn luyên rồi đưa lên đường tranh đấu" ngoài ra còn có thời sự trong nước và trên thế giới. Anh và các khách mời đến giảng nói rất dễ hiểu và thu hút, Học viên chúng tôi cứ há hốc mồm ngồi nghe, ai muốn ghi gì thì ghi. Sau khi lớp bế mạc, chúng tôi trở thành cán bộ thiếu nhi Việt Minh !

Chúng tôi được phân phối đi các khu trong huyện, chủ yếu để lập các đội Thiếu nhi cứu quốc, Tôi và môt cậu nữa tên là Hanh được phân phối về khu G thuộc vùng biển huyện Nghĩa Hưng, Muốn đến khu này, cách đi thuận tiện nhất là bắng ca nô, chay dọc sông Đào Nam Định,, qua Phát Diêm Ninh Bình. Huyện phát cho hai chúng tôi giấy thông hành, giấy giới thiệu với địa phương, vé đi ca nô miễn phí và một ít tiền sinh hoạt phí, hẹn khoảng một tháng sau thì về huyện báo cáo. Tôi và Hanh xin phép về thăm gia đình vài ngày trước khi đi. Tôi sung sướng đi như bay về gặp bố mẹ, chị em. Mẹ tôi rất vui được gặp con trước khi con đi làm "công tác cách mạng", điều làm cho mẹ tôi rất tự hào.

Đúng hẹn tôi và Hanh xuống ca nô về khu G, một khu có nhiều đồng bào công giáo ở sát biển.. Khi qua Phát Diệm tôi thấy trên bờ một tên lính Quốc Dân đảng, tay cầm súng trường, láo lơ ngó xuống ca nô, nhưng cũng chẳng dám khám xét gì. Ca nô lại tiếp tục chạy, mấy giờ sau tới đích. Hai chúng tôi trước hết đến một xã, tìm đến nhà anh xã bộ Việt Minh, trình giấy giới thiệu công tác. Anh này sốt sắng dẫn chúng tôi đến gặp một thầy giáo trong xã, rồi dẫn chúng tôi đến môt nhà trông có vẻ sung túc và nói với chúng tôi :

- Trong thời gian các cậu về đây, các cậu sẽ ăn nghỉ ở gia đình này. Đây là một gia đình quần chúng tốt, thường là nơi ăn nghỉ của các cán bộ đến công tác. Các cậu yên tâm, mọi thứ địa phương lo hết, cả về mọi khoản phí tổn và an ninh.

Quả thật, vợ chồng ông chủ nhà tiếp đón hai cán bộ thiếu nhi chúng tôi rất sốt sắng, giúp đỡ chúng tôi mọi viêc. Ngay hôm sau, với sự cộng tác nhiệt tình của anh xã bộ VM và của thầy giáo địa phương, chúng tôi gặp một số đông các em thiếu nhi trong xã và bắt đầu giới thiệu về Đội thiếu nhi cứu quốc, điều lệ Đội, cách gia nhập v.v... Tiếp đó chúng tôi giúp các bạn chia tổ, bầu tổ trưởng và ban chỉ huy đội, chỉ dẫn nội dung sinh hoạt Đội, cách liên lạc với chúng tôi và giải đáp moi vấn đề các bạn hỏi. Chúng tôi cũng có buổi gặp gỡ với phụ huynh trong xã.

Tuần sau chúng tôi tạm biệt xã này để sang xã bên làm các công việc tương tự. Đi đến đâu chúng tôi cũng được đón tiếp niềm nở, chu đáo với sự giúp đỡ rất nhiệt tình. Một tháng sau đúng hẹn chúng tôi quay về huyên bộ báo cáo. Chúng tôi gặp các bạn cùng lớp huấn luyện đi công tác ở những khu khác. Qua chuyện trò trao đổi kinh nghiệm với các bạn, hai chúng tôi thấy mình quá may, gặp nhiều thuận lợi hơn các bạn khác. Sau đó mấy ngày chúng tôi lại được phép về thăm nhà. Chẳng cần phải nói nhiều về nỗi niềm vui sướng và tự hào của bố mẹ tôi, nhất là mẹ tôi, Mẹ cũng quen dần với những cuộc họp mặt rồi chia tay như thế này. Tôi và Hanh lại về khu G vài lần nữa.

Nhưng khoảng giữa mùa thu năm sau tôi bị ốm. Gia đình tôi xin phép huyện bộ đưa tôi về nhà trông nom thuốc thang. Tôi vừa khỏi bệnh thì bố mẹ tôi nhận được thư của anh tôi gửi từ Yên Bái về xin phép bố mẹ tôi cho vợ con anh lên chỗ anh. Thời gian vừa qua, tình hình Yên Bái rối ren do bọn Quốc dân đảng núp dưới bóng quân Tầu Tưởng gây ra, khiến cho gia đình nhỏ của anh phải ly tán, vợ con anh phải về quê ở cùng với bố mẹ chồng. Trong thư anh viết sau khi quân Tưởng Giới Thạch rút, bọn Quốc dân đảng ở vùng này cũng đã bị chính quyền ta quét sạch. Anh tôi cũng đề nghị bố mẹ tôi cho tôi cùng lên chỗ anh vì Yên Bái sắp mở trường trung học. Anh tôi sẽ nuôi tôi ăn học vì tôi đã phải bỏ học mấy năm rồi. Bố mẹ tôi đồng ý và xin phép huyện bộ cho tôi được ngừng công tác để lên Yên Bái tiếp tục đi học.

========
Chú thích của thằng cháu:
  • Đây là đoạn đầu tiên của hành trình tham gia Việt Minh của ông nội tôi.
  • Mặc dù tham gia cách mạng sớm, nhưng ông tôi cũng không quá gắn bó với Đảng. Ông tôi tự nộp đơn ra khỏi Đảng vào những năm 80 do bất đồng chuyện sinh hoạt Đảng tại khu vực (lí do cũng hơi giời ơi đất hỡi)
 
LÊN YÊN BÁI​

Mọi chuyện đều ổn và tháng 11 năm 1946, chị dâu tôi cùng tôi và con gái nhỏ 3 tuổi lên Yên Bái. Anh Đước được bố mẹ tôi ủy nhiệm cùng đi để giúp đỡ chị em tôi dọc đường. Anh rất vui đươc giao việc này, vì khi qua Phủ lý anh sẽ có dịp về thăm gia đình vợ. Nhìn trên bản đồ thấy đường đi rất xa, qua nhiều tỉnh, nhiều thị xã và thành phố. Còn về thời gian cũng chưa biết bao nhiêu năm mới lại quay về thăm bố me, chị em, cho nên tôi không khỏi bồi hồi lưu luyến. Ôm hôn xong những người thân thiết trong gia đình, tôi bước ra sân , quay lại nhìn ngôi nhà gỗ mái tranh, di sản của bao đời để lại, nhìn đống rơm cạnh nhà, mảnh vườn với cây dâu già cỗi có những vết sẹo ở thân cây do tôi khoét ra để bắt những con sâu dâu mang vào nhà ngâm rượu làm thuốc cho bố mẹ tôi hoặc nướng trên bếp để ăn. Trong vườn còn có cây chanh do tôi trồng đã bắt đầu ra quả, và cây hồng nhung hoa to bằng cái bát nhỏ. Kia là cái ao cạnh sân, nơi tôi thường câu cá rô làm đồ nhắm cho bố, bên bờ là cây ổi cành lá tốt tươi mà tôi thường trèo lên một cành la nhẩy tùm xuống ao vùng vẫy trong những ngày hè nóng bức. Rồi tôi bước ra ngoài chiếc cổng gỗ cũ kỹ , trên một cánh cửa còn dán một mảnh bìa nhỏ ghi dòng chữ của bố tôi "chú ý, nhà có chó dữ”.

Cả nhà tôi đi tiễn một quãng đường khá dài.

Chúng tôi đi lên chợ Đồi gần làng, đáp xe kéo lên ga Gôi rồi đi xe lửa lên Phủ lý, tá túc ở nhà bố mẹ chị dâu tôi một tuần lễ, rồi mới đáp xe lửa đi tiếp lên Hà Nội. Đến ga Hàng Cỏ thì trời đã tối. Ra khỏi nhà ga tôi nhìn thấy trên đường phố đông đúc người qua lại Thỉnh thoảng lại có một chiếc xe gip chở mấy tên lính Pháp rú còi inh ỏi phóng bạt mạng trên phố. Chị em tôi thuê chỗ nghỉ qua đêm ở một khách sạn nhỏ đối diện với nhà ga. Hôm sau chúng tôi tiếp tục đáp xe lửa lên Yên Bái. Qua Việt trì tầu đỗ khá lâu, cho nên lúc tầu đến ga Yên Bái thì trời đã tối, Chúng tôi tìm đến cơ quan Bình dân học vụ, là nơi mà thị xã dành cho anh tôi là trưởng ty, vừa làm cơ quan, vừa là nơi ở của anh tôi. Lúc chị em chúng tôi tới, anh tôi đang đi họp vắng, có một nhân viên chạy giấy của cơ quan ở trông nhà ra đón, đưa chúng tôi vào nhà, rồi chạy đi báo tin cho anh tôi biêt. Thời ấy chưa cò điện thoại như bây giờ. Anh tôi được tin về nhà dẫn vợ con, cùng anh Đước và tôi đi ăn phở. Tuần lễ sau anh Đước quay về quê, và tôi bắt đầu một giai đoạn mới trên đường đời

ooOoo

YÊN BÁI VÀ THỜI KỲ ĐẦU KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP CỦA TÔi​


Trụ sở Ty Bình dân học vụ là một tòa nhà kiến trúc kiểu Tây xây trên đỉnh một đồi đất thấp gần khu trung tâm thị xã Yên Bái. Thời trước đây là nhà của một tên quan ba người Pháp, trong nhà có cả hầm trữ rượu và thực phẩm; Cạnh nhà phia sau là một vườn rộng và khu nhà bếp. Phía ngoài tòa nhà là cơ quan ty Bình dân học vụ , cơ quan giào dục duy nhất lúc đó của tỉnh. Phía trong là ba buồng rộng rãi dành cho trưởng ty là anh tôi. Anh cần vụ của ty ở trong môt căn phòng xép cạnh cơ quan.

Thị xã Yên Bái là tỉnh lỵ của tỉnh Yên Bái, một tỉnh miền núi thuộc khu Tây Bắc Bắc bộ, cách thủ đô Hà nội khá xa. Thị xã này nhỏ, phần lớn là nhà gạch mái ngói trông cũ kỹ, lơ thơ một số ít cửa hiệu nhỏ, nhưng cũng có nhà máy điện, nhà máy nước phục vụ cho các cơ quan và dân chúng trong thị xã. Trong các phố có cả người Kinh lẫn đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi thường thấy đồng bào dân tộc ít người đi trên các phố, áo quần và khăn đội đầu sặc sỡ, phụ nữ đeo vòng tay, kiềng và dây bên hông bằng bạc. Đôi khi có một con ngưa nhỏ thồ hàng lâm thổ sản của đồng bào đem ra “tỉnh” bán hoặc đổi chác các vật phẩm cần thiết ở các cửa hàng hoặc trong chợ của thị xã.

Cuối năm đó chúng tôi nghe tin cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp đã nổ ra ở Thủ đô Hà Nôi. Chiến sự đã và đang xẩy ra ở nhiều tỉnh, nhiều địa phương trong nước, nhưng chủ yếu ở Nam bộ, Hà Nội, các thành phố và môt số vùng đồng bằng. Ở Yên Bái lúc này còn rất yên tĩnh, mọi sinh hoạt hầu như vẫn diễn ra bình thường. Số dân các tỉnh miền xuôi tản cư lên đây cũng rất ít. Tôi nhớ dạo ấy chỉ có đoàn kịch "Giải phóng" của Hà Nội lên Yên Bái trình diễn một vở kịch mô tả những cảnh chiến đấu anh dũng của nhân dân Thủ đô trong những ngày đầu chống thực dân Pháp tái xâm lược nước ta, cộng với một số bài ca cách mạng như "Diệt phát xít", "Đàn chim Việt", "Bắc sơn"... Trong đoàn có nhạc sĩ Phạm Duy hồi đó còn rất trẻ, rất được hoan nghênh với bài hát có câu "Sống tranh đấu mà không nề gian khổ; chết huy hoàng không chịu khuất phục ai.".

Trong thời gian nửa năm còn ở tỉnh lỵ Yên Bái, tôi gia nhập đội thiếu nhi cứu quốc của thị xã. Đội thiếu nhi chúng tôi chọn ra một số bạn lớn luyện tập vở kịch thơ "Trần Bình Trọng", mà tôi được đóng vai chính, Đêm biểu diễn của chúng tôi ở nhà hát thị xã, chúng tôi được hoan hô nhiệt liệt. Tôi nhớ khi diễn tới cảnh Trần Bình Trọng bị địch dùng kế mỹ nhân, có lời thơ :"Thôi hãy dẹp ra thiếu nữ ơi ! Muốn duyên nồng đượm thiếu chi người. Lòng ta sắt đá khô khan lắm. Tim rắn nguồn thương cạn hết rồi !" , thì tiếng vỗ tay vang lên khắp nhà hát, nhất là của các anh bộ đội !

Tết Nguyên đán năm 1947 là Tết đầu tiên trong đời tôi xa bố mẹ. Chị dâu tôi đan cho tôi một cái áo len rất ấm. Chúng tôi vẫn nhận đươc thư của bố mẹ từ quê gửi lên. Sau Tết, thị xã mở lớp đệ nhất trường trung học 4 năm do thầy Ngô Sĩ Doanh làm hiệu trưởng. Tôi vào học lớp này cùng khoảng gần hai chục học sinh, không có nữ sinh nào !

Nhưng thời cuộc lại thay đổi . Khoảng tháng 5 năm đó có lệnh phá thị xã, thực hiện chính sách tiêu thổ kháng chiến, đề phòng giặc Pháp từ phía Lào Cai tràn xuống. Các cơ quan phần lớn chuyển sang Âu Lâu bên kia sông Hồng, dân chúng tản cư đi khắp nơi trong tỉnh. Gia đinh anh tôi ở lại thị xã gần đến ngày cuối cùng. Một buổi sáng, tôi nghe thấy tiếng mìn nổ do tự vệ ta tự phá nhà máy điện cách nhà khoảng gần 1 km. Đồng thời trong thị xã cũng ầm ầm vang lên tiếng mìn tiêu thổ kháng chiến. Cơ quan anh tôi cũng chuyển sang Âu Lâu, và gia đình nhỏ bé của anh tôi sơ tán ở một vùng rừng núi gần đấy. Tôi lại thất học vì anh tôi không đủ kinh phí cho tôi theo trường sơ tán cách đấy hơn chục cây số. Một tháng sau, tôi đề nghị với anh tôi tìm việc cho tôi đi làm ở Âu Lâu, vì lúc này tôi cũng đã sang tuổi 16.

Phần tiếp: LÀM VIỆC TRONG VĂN PHÒNG TỈNH BỘ VM YÊN BÁI
 
Last edited:
LÀM VIỆC TRONG VĂN PHÒNG TỈNH BỘ VM YÊN BÁI

Anh tôi xin được cho tôi vào làm trong văn phòng Tỉnh bộ Việt Minh Yên Bái, Bí thư là anh Đạo Xích, Chánh văn phòng là anh Kiểu, bạn bé đồng chí thân quen của anh tôi. Anh tôi đưa tôi vào gặp anh Kiểu, một người tầm thước, hòa nhã, khoảng 30 tuổi. Anh Kiểu thân mật tiếp tôi, dặn dò nhiều điều và chỉ bảo công viêc rất cụ thể. Anh nói :

- Anh Hân (tên anh tôi) (CT: xem dưới) đã giới thiệu nhiều về chú với các anh trong cơ quan. Chú vào đây với các anh thì trước tiên phải nắm vững nội quy cơ quan, nhất là vấn đề bảo mật. Bước đầu, anh giao cho chú một công việc văn thư, vào sổ công văn, giấy tờ đến, gửi công văn, giấy tờ đi các nơi bằng phong bì tỉnh bộ Việt Minh, có đóng dấu của tỉnh bộ bên ngoài. Anh nói thêm cho chú biết điều này: Bên ngoài mặc dù biển đề cơ quan Tỉnh bộ Việt Minh Yên Bái, nhưng thực ra bên trong cũng đồng thời là cơ quan của Tỉnh ủy Cứu quốc hội do anh Chấn làm Bí thư. Anh nhắc lại chú phải nhìn cho kỹ các công văn, giấy tờ gửi đi ở góc trên, phía trái, nếu là công văn, giấy tờ của Tỉnh bộ Việt Minh thì đóng dầu tròn của Tỉnh bộ VM ở cuối công văn, cạnh chữ ký của anh Đạo Xích hoặc của người được ủy nhiệm; nếu là công văn giấy tờ của Tỉnh ủy Cứu quốc hội thì đóng dấu chữ nhật bên cạnh chữ ký của anh Chấn hoặc người được ủy nhiệm, nhưng phong bì bên ngoài là của Tỉnh bộ Việt Minh và nhớ không bao giờ đóng dấu Tỉnh ủy Cứu quốc hội ở ngoài phong bì. Chú phải hết sức cẩn thận không được sơ sót trong việc này. À, chú có biết đánh máy không ?

Tôi trả lời anh :
- Em cảm ơn anh đã tin tưởng ở em. Em sẽ làm đúng những lời anh chỉ bảo, không để xảy ra sơ suất gì. Còn đánh máy chữ thì em chỉ biết qua loa, tập toạng mổ cò, vì trước đây em thường nghịch máy chữ của cơ quan anh Hân em.

Anh Kiểu nói tiếp :
- Thế thì chú phải tranh thủ học đánh máy cho thạo để sau đây còn có thể giúp anh được nhiều hơn.

Thế là từ đấy tôi trở thành nhân viên văn phòng Tỉnh bộ Việt Minh Yên Bái. Về sau tôi còn được anh Kiểu giao cho làm công việc điều hành, quản lý chi tiêu bộ phận tiếp đón cán bộ và khách các nơi về họp ở Tỉnh bộ. Công việc mỗi ngày một thạo, tôi được các anh rất tín nhiêm.



Môt hôm anh Kiểu bảo tôi :
- Sáng mai chú mang máy chữ đi cùng anh đi phục vụ cho một hội nghị lớn.

Quen tác phong bảo mật, tôi không hỏi gì . Sáng hôm sau tôi theo anh Kiểu đi công tác ở một nơi cách đó khoảng mười cây số. Chúng tôi đến một khu rừng tương đối xa một bản người dân tộc, có một con suối nước trong vắt chẩy qua. Ẩn hiện dưới tán lá rậm rạp là một số nhà bằng tre vầu, mái lá cọ mới dựng. Đó là các nhà dành cho các đại biểu về dự hội nghị và cho các cán bộ, nhân viên và lực lượng bảo vệ. Gần đó là khu nhà bếp, lại có cả một trạm xá và một cửa hàng tạp hóa nhỏ phục vụ hội nghị. Tuy máy bay Pháp dạo đó rất ít hoạt động ở tỉnh này, nhưng gần các nhà đều có hầm trú ẩn.

Anh Kiểu và tôi vào một căn phòng lớn, nơi sẽ họp hội nghị, thấy phòng đã được trang hoàng nhiều ảnh và băng- rôn mang khẩu hiệu. Tôi thấy dưới hai ảnh Các Mác, Lê nin có dòng chữ "Chủ nghĩa Mác - Lênin muôn năm !", dưới ảnh Stalin là dòng chữ "Đồng chí Stalin muôn năm !" và dưới ảnh Hồ Chủ tịch là dòng chữ "Đồng chí Nguyễn Ái Quốc muôn năm !". Trên tường có căng các khẩu hiệu "Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm !" " Nhiệt liệt chào mừng đại hội Tinh bộ Cứu Quốc hôi Yên Bái !" .

Tôi không nén được thắc mắc liền hỏi anh Kiểu :
- Anh ơi, sao nói Đảng Cộng sản của ta giải tán rồi cơ mà ? Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đúng là Bác Hồ ư ?

Anh Kiểu trả lời tôi :
- Hôm nay anh không có nhiều thì giờ giải thích cho chú mọi thắc mắc Nhưng chú có thể hỏi anh Hân của chú, ngày mại anh ấy chắc chắn cũng sẽ đến dự Đại hội này đấy.

Sau khi được anh tôi giải thích, tôi rõ ra một điều : hóa ra Đảng Cộng sản của ta vẫn bí mật hoạt động và ở Yên Bái dưới cái tên Cứu quốc hội. Bấy lâu nay tôi làm việc ở văn phòng tỉnh bộ Việt Minh, thường nhận và gửi công văn giấy tờ cho Đảng mà không biết. Kỷ cương giữ bí mật thời đó là thế đấy !

Nhưng thời gian tôi làm việc cho cơ quan văn phòng tỉnh bộ VM không lâu. Mùa thu năm 1948, cơ quan thống nhất với anh tôi tạo điều kiện cho tôi về trường trung học Nguyễn Thài Học Vĩnh Yên để tiếp tục học. Thế là một lần nữa lại có sự đổi thay trong đường đời của tôi.

=========
Ghi chú của thằng cháu:
- Anh Hân là người anh cả của ông, tự lập từ sớm do học giỏi, được lên học trường Bưởi ở Hà Nội, sau chính ông cũng là người dạy học và nuôi dưỡng cho ông Châu thay cha mẹ. Ông Hân có một đám cưới hoành tráng với bà Bạch Ngọc Điền (nhắc đến ở đây), ông và bà sống với nhau viên mãn cho đến khi ông mất vì ung thư vào năm 1989, còn bà thì cũng phải 20 năm sau mới đi theo ông. Khi còn đương nhiệm, ông giữ chức Chánh văn phòng Bộ Giáo dục.

1708535437016.jpeg
 
Last edited:
ĐI HỌC TRUNG HỌC


Tôi lưu luyến chào tạm biệt các anh chị trong cơ quan và anh chị tôi, ba lô trên vai, tay xách cặp, đi thuyền dọc sông Hồng về Việt Trì, rồi hỏi thăm đường cuốc bộ về trường ở huyện Lâp Thạch, gần Me. Trường đã vào năm học mới được hon một tháng, Ông hiệu trưởng lại là thầy Ngô Sĩ Doanh của trường Yên Bái trước đây. Ông vui vẻ nhận tôi vào học, nhưng tôi phải học lại lớp đệ nhất. Mấy bạn học đệ nhất cùng tôi ở Yên Bái, theo trường liên tục, nay đã học năm đệ tam. Ngay tháng đầu vào học, tôi đã tỏ ra là một học sinh xuất sắc dù bỏ học đã lâu.

Được mấy tháng, giặc Pháp nhẩy dù xuống Việt trì. Trường phải tạm đóng cửa. Tôi và một cậu bạn học trước cũng làm việc ở Tỉnh bộ VM Yên Bái, hỏi thăm tìm đường đến Tỉnh bộ Việt Minh Vĩnh Yên, gặp anh Chấn hồi trước là Bí thư Tỉnh ủy Cứu quốc hội Yên Bái để nhờ anh giúp đỡ. (Anh Chấn sau này là Bộ trưởng bộ công nghiệp nặng) Anh Chấn vui mừng nhận ra chúng tôi và nhiệt tình thu xếp ngay cho chúng tôi vào làm trong cơ quan.

Hơn một tháng sau, Pháp rút quân về Hà Nội. Trường trung học thông tin cho học sinh tiếp tục mở cửa trường, nhưng ở một địa điểm khác có tên là Liễn Sơn, cách địa điểm cũ vài cây số. Hai chúng tôi xin phép anh Chấn cho về trường tiếp tục học. Anh đồng ý ngay và bảo chúng tôi nếu có gì khó khăn thì lại tìm đến anh. Chúng tôi chào anh và các đồng chí trong cơ quan rồi về trường.

Kể từ khi đỗ "séc" hè năm 1944, tôi đã bị thất học 4 năm liền, nên khi vào học năm thứ nhất trường trung học Nguyễn Thái Học Vĩnh Yên, tôi là học sinh lớn tuổi nhất so với các bạn cùng lớp. Tôi quyết tâm học tập chăm chỉ để bù lại những năm bị thất hoc. Vì vậy năm học đó tôi thuộc loại nhất nhì trong lớp. Ngoài ra tôi tích cực tham gia các phong trào của trường. Tôi lại được giải nhất cuộc thi môn tiếng Pháp mà cơ quan giáo dục Liên khu X tổ chức cho năm đệ nhất các trường trong liên khu. Do đó cuối năm học, tôi được nhà trường trao giải thưởng danh dự toàn trường, được nhận giải thưởng của Phó Thtg lúc đó là đồng chí Phạm Văn Đồng và được nhận học bổng toàn phần cho năm học sau.

ooOoo​

Hè năm đó tôi lên xã Vĩnh Chân, Phú Thọ sống cùng với gia đình anh tôi lúc này đã chuyển công tác theo cơ quan sơ tán về vùng này. Năm học sau, tôi không về trường Nguyễn Thái Học Vĩnh Yên nữa, mà chuyển lên học lớp đệ nhị trường trung học Hùng Vương, Phú Thọ. Năm học này cũng có vài kỷ niệm mà tôi còn nhớ. Đó là trong lớp tôi, ngoài bọn con trai còn có khoảng 6, 7 cô nữ sinh; Thời ấy nữ sinh đệ nhị trung học cũng có nhiều cô ở tuổi "trăng tròn" 15, 16 rồi. chứ không phải là loại "nhóc" cấp hai như bây giờ. Có lẽ vì chiến tranh nên các cô cũng bị chậm học.

Ít lâu sau chừng đã quen thân nhau, nên một hôm các cô bảo tôi :
- Cậu biết không, vào đầu năm học, bọn mình xem quyển danh sách học sinh của lớp, thấy tên cậu cứ tưởng là nữ, bọn mình mừng rơn tưởng sẽ thêm bạn gái, không ngờ...

Tôi nói trêu :
- Thế khi biết là nhầm thì không mừng nữa à ?

- Không phải thế !

- Không phải thế thì thế nào ?

- Khác chứ ! Nếu cậu là nữ thì bọn mình có thể ... tự nhiên hơn. Nhưng nói thật nhé : Tuần trước, khi thấy một bác ở hiệu bộ xuống lớp ta gọi cậu lên lĩnh học bổng, bọn mình ngạc nhiên, vì trong lớp, thâm chí cả trường, đã có ai được đâu. Thế là bọn mình mở một cuộc điều tra và biết rằng năm ngoái cậu học ở Vĩnh Yên, cuối năm học cậu đươc phần thưởng danh dự, nên mới có cái học bổng toàn phần này ! Thảo nào mà bọn mình thấy cậu học khá thế, nhất là về các môn tiếng Pháp. Việt văn và Toán. Tiếc rằng bọn mình không ngồi cạnh cậu để còn nhờ cậu "viện trợ" mỗi khi có bài kiểm tra !

- Ô hay, có khó gì chuyện ấy - tôi trả lời - Thiếu gì cách ! Có điều là làm thế nào giữ "bem", chứ để thầy cô biết thì chết !

Các bạn nữ ngồi ở hai bàn đầu bên trái lớp, còn tôi thì ngồi bàn nhì bên phải.

Từ đấy, ví dụ như có bài kiểm tra toán, là tôi "phi" mảnh giấy ghi bài giải tắt sang phía các bạn. Tất nhiên quanh tôi cũng có một số bạn học con trai "ngồi chờ". Nhiều lần đều "thành công" cả. Bất đồ "đi đêm mãi cũng có ngày...."

Một hôm, thầy dậy toán tóm được mảnh giấy nháp của tôi bắn sang bàn các bạn nữ! Thầy hỏi "Ai viết bản nháp này ?" Tất cả ngồi im không ai trả lời . Tôi lo quá, vì thế nào thì thầy cũng tìm ra thủ phạm, lúc ấy thì tội lại thêm nặng. Nhưng tôi biết tính thầy hiền, tôi lại là "trò cưng" của thầy, nên cuối cùng đứng lên ấp úng :
- Thưa thầy 'hình như' mảnh giấy viết nháp ấy là của em. Em làm nháp xong thì thấy mất tờ nháp. Em không hiểu tại sao, hay gió thổi !

Thầy bảo:
- À, ra em là thủ phạm ư. Thôi lần này thì tôi chỉ cảnh cáo nhắc nhở thôi, lần sau thì đừng để 'gió bay' thế.

Chúng tôi hú vía. Tan tiết học. tôi bảo các bạn nữ :
- May mà tớ nhanh trí nghĩ ra chuyện "qua cầu gió bay", nếu không thì nguy !

Các bạn nói :
- Chẳng qua cậu là 'trò cưng' của thầy chứ nếu không thì... gió bay thế nào được !

Rồi các bạn nói thêm :
- Mấy anh chàng "đệ tứ" thỉnh thoảng phất phơ lượn lờ qua đây tán chuyện, nói với bọn mình rằng họ biết cậu từ mấy năm trước cùng học với nhau ở lớp đệ nhất Yên Bái; rằng gần đây cậu còn tới giảng "grammaire" (ngữ pháp) tiếng Pháp cho các anh chàng ấy, có đúng không ? Sao cậu không giúp bọn mình ?

Tôi cười trả lời :
- Bụt chùa nhà đâu có thiêng !

- Sao không thiêng ? Nhưng mà thôi không đùa nữa. Nghiêm chỉnh nhé : Nếu cậu đồng ý thì từ tuần sau, mỗi tuần cậu dành cho bọn mình một, hai giờ giảng thêm về ngữ pháp tiếng Pháp. Ta xem thời khóa biểu chọn ngày giờ thích hơp rồi thống nhất với nhau. Nhất trí chứ ?

- D' accord , mes demoiselles ! (Đồng ý, thưa các bạn gái). Ta rủ thêm một số cậu nam nữa cho vui !

Thế là từ đấy tôi lại có thêm một "nhiệm vụ" nữa là hàng tuần "phụ đạo" cho các bạn nam nữ cùng lớp về ngữ pháp tiếng Pháp.

Cũng năm học này, lớp chúng tôi được hai giải nhất toàn trường : Một là Tinh thần và kết quả học tập tốt nhất, hai là diện tích trồng sắn tăng gia tính theo tỉ lệ số học sinh trong lớp cũng cao nhất !

Nhưng hết năm học đệ nhị này, tôi phải rời các bạn và không còn học tiếp ở trường Hùng Vương nữa vì lý do sau...

PHẦN TIẾP: Trường Sư Phạm
 
Last edited:
Hay phết, tôi vừa mò vào link thớt gửi, đọc báo ngày xưa các cụ viết thấy hay hay từ cách viết bài tới ngôn từ khác bây giờ.
Tiếc là ngày xưa dân ta phần đông không biết chữ, báo này chắc chỉ dành cho những tri thức
1708570284234.png
 

Thread statistics

Created
E1M1-AHG,
Last reply from
kubin91,
Replies
129
Views
14,688
Back
Top