TRƯỜNG SƯ PHẠM TRUNG CẤP TRUNG ƯƠNG
Hết năm học đệ nhị, thấy hoàn cảnh gia đình anh tôi có nhiều khó khăn do chị dâu tôi sinh cháu thứ hai, tôi chủ động nói với anh tôi xin cho tôi vào học trường sư phạm mở tại Tuyên Quang. Học sinh trường này sống tập thể và được nhà nước đài thọ ăn học miễn phí. Anh tôi đồng ý và tôi được nhận vào trường do ông Nguyễn Văn Chiển làm hiệu trưởng. Tôi lại bước sang một môi trường mới ở trường Sư phạm trung cấp trung ương có địa điểm tiếp quản khu trại tù binh Âu Phi gần chợ Ngọc, Tuyên Quang.
Tôi đến tập trung tại một làng gần trại, mấy tuần sau mới cùng các bạn học di chuyển đến khu vực trường. Đấy là một địa điểm thuộc một vùng rừng núi, nấp dưới tán cây rừng, bên cạnh một con suối nước trong vắt. Đầu tiên học sinh trong trường phải vào rừng chặt tre vầu, lá cọ về xây dựng lại cơ ngơi hội trường, lớp hoc, nhà nghỉ, đào hầm trú ẩn.
Lúc này tôi được nhà trường tín nhiệm cử vào hiệu đoàn lâm thời, phụ trách ban nhạc kịch. Công việc đầu tiên của tôi là đến các lớp chọn người vào ban nhạc kịch này và tập luyện một chương trình văn nghệ cho tối khai trường. Do đó chúng tôi được miễn việc xây dựng cơ bản của trường. Gọi là ban nhạc kich cho oai, chừ ban đầu cả ban chỉ có hơn một chục nam nữ học sinh, dụng cụ âm nhạc chỉ có một đàn ghi ta, hai chiếc an tô và măng đô lin, vài cái sáo trúc của cá nhân tập trung lại. Áy thế mà đêm khai trường, trong hoàn cảnh núi rừng âm u, trong hội trường vang lên các bài hát trên nền nhạc của mấy nhạc cụ đơn sơ, cả trường xuýt xoa vỗ tay khen ngơi làm chúng tôi phổng cả mũi !
Năm học đầu tiên của trường Sư phạm trung sơ cấp bắt đầu. Thời kháng chiến tất nhiên có nhiều khó khăn gian khổ, nhưng tuổi trẻ chúng tôi khắc phục vượt qua mọi gian nan thiếu thốn, vẫn tạo ra được hoàn cảnh vui tươi. Ngoài giờ lên lớp, học sinh chúng tôi học quân sự, tập văn nghệ, làm bích báo, chiều chiều chơi bóng chuyền, bóng rổ, hoặc tập trung tại bãi sân cỏ cạnh trường khá rộng để tập quốc tế vũ hay chơi bóng đá. Chúng tôi còn thay nhau đi vào các bản dân tộc ít người quanh vùng để làm công tác dân vận. Phần lớn các giáo viên trong trường đều ở tuổi 25 - 30, rất thương yêu chan hòa với học sịnh. Chủ nhiệm lớp tôi là anh Vạn, là đảng viên còn rất trẻ, chỉ hơn chúng tôi vài tuổi. Cùng anh Hoàn, Bí thư chi đoàn Thanh niên cứu quốc của trường, cũng là đảng viên hai anh là những tấm gương sáng cho chúng tôi, cả cho nhiều năm sau này.
Tết Nguyên đán năm đó, vì đường xa nên tôi ở lại ăn Tết cùng một số đông các bạn trong trường. Nhà trường trước Tết cũng đã gói bánh chưng cho hoc sinh hoặc đem về nhà hoặc để ăn Tết trong trường. Trường còn cho mổ một con trâu cho cả trường vui Tết. Riêng lớp tôi còn có thêm hai món thịt rắn và kỳ đà, sản phẩm tự túc góp Tết, Nhưng tôi không dám đụng đũa vào hai món này vì cứ thấy ghê ghê, khiến các bạn cùng lớp bảo tôi là rát như cáy, món ngon hiếm hoi trên đời mà không biết hưởng !
Có mấy kỷ niệm trong năm học này mà tôi không quên. Thứ nhất là có một dạo tôi bị sốt rét, phải nằm bệnh xá gần một tuần. Trong những ngày này, không một ngày nào mà không có các bạn cùng lớp tới thăm, kể cả các bạn nữ. Các bạn thay nhau giúp tôi chép các bài trên lớp, giặt quần áo mà tôi thay ra, lấy cơm cháo, nước uống hàng ngày cho tôi. Bạn Nguyệt đem đến cho tôi mấy ống thuốc tiêm "ki-nô-phooc" là một loại thuốc tây rất hiếm và hiệu nghiệm chống sốt rét mà gia đình Nguyệt gửi cho bạn để phòng bị.
Thứ hai là có một buổi chiều, học sinh cả trường đang "đô đô son mì” trên bãi cỏ rộng, bỗng có một chiếc máy bay Pháp bay qua, Chúng tôi tóe ra chạy vào các hầm trú ẩn quanh đó. Ráng chừng tên phi công cũng đã phát hiện ra hiện tượng đó nên quành lại bắn vu vơ vài tràng súng liên thanh rồi cút thẳng. Học sinh không ai việc gì, nhưng có một con trâu bị dính đạn trúng mông. Chẳng biết tin tức thế nào mà thầy hiệu phó tức tốc chạy xuống lớp tôi hỏi tình hình vì tưởng tôi, học sinh Châu, bị thương do máy bay Pháp bắn!
Trong năm học này còn có mấy sự kiện đáng ghi nhớ. Trước hết là việc tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Thứ hai là việc lớp chúng tôi thành lâp "Câu lạc bộ gia đình". Nguyên do là thế này :
Các buổi tối mùa đông rét mướt bọn con trai lớp tôi quây quần bên đống lửa nhỏ giữa nhà kể cho nhau nghe về gia đình mình và ghi tên thành lập một câu lạc bộ mang tên GIA ĐÌNH, rồi căn cứ vào tuổi nhận nhau là anh em, Việc này có tác dụng lớn , tăng cường tình yêu thương giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt do hiểu biết hoàn cảnh gia đình của nhau, Thậm chí vài cậu lâu nay hay quấy phá thuộc loại cá biệt trong lớp cũng xin gia nhập Câu lạc bộ và từ đấy tu tỉnh hẳn lên, Các bạn nữ cùng lớp cũng tự nguyện gia nhập. Anh Vạn, giáo viên chủ nhiệm lớp, rất khen sáng kiến này và cũng nhận vào câu lạc bộ với danh nghĩa là anh cả vì anh hơn tuổi chúng tôi.
Thấm thoát đã hết năm học đầu tiên tại trường sư phạm. Chúng tôi tạm biệt nhau về gia đình chính của mình để nghỉ hè. Tôi về một vùng thuộc tỉnh Tuyên Quang, nơi gia đình anh tôi cùng cơ quan mới đến sơ tán trong thời gian này.
ooOoo
BẮC SƠN VÀ CUỘC HÀNH QUÂN VƯỢT BIÊN GIỚI
Gần hết hè thì nhà trường gửi giấy cho từng học sinh báo tin sang năm học mới sẽ đổi địa điểm trường tới một vùng khác. Trường thông tin cho học sinh biết thời gian và địa điểm tập trung để rồi cùng chuyển sang địa điểm mới. Nơi tập trung là một vùng thuộc Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhà trường không báo tên cụ thể của địa điểm mới, nhưng chúng tôi đoán sẽ ở bên kia biên giới phía Bắc. Tôi hẹn mấy bạn học gần đấy cùng đi đến địa điểm tập trung. Đúng hẹn chúng tôi gặp nhau, ba lô trên vai, mũ lá ngụy trang, cuốc bộ môt tuần lễ liền, ngày đi đêm nghỉ, băng qua Thái Nguyên rồi sang Lạng Sơn. Hồi này máy bay Pháp cũng ít hoat động trên vùng trời Tây Bắc và Việt Bắc. Chúng tôi đi giữa ban ngày, vừa đi vừa ngắm cảnh núi rừng Tổ quốc, trên đường đất tuy chẳng thênh thang 8 thước như trong bài thơ "Ta đi tới" của Tố Hữu mấy năm sau đó, nhưng cũng thấy vui, chẳng thấy mệt nhọc đường xa. Chúng tôi đến địa điểm tập trung hơi sớm, được hướng dẫn vào trú trong một cái hang rất rộng. Tập trung ở đây không phải chỉ có trường chúng tôi, mà còn có trường cao đẳng trung ương ở Đào Giã Phú Thọ và trường sư phạm trung cấp ở khu tự do Thanh Hóa.
Những ngày ở đây, chúng tôi sinh hoạt theo kiểu bán quân sự. Có đêm đốt lửa trại, diễn kịch, ca hát vui vẻ. Cũng ở đây lần đầu tiên trong đời tôi được trông thấy cảnh nhà bếp mổ trâu, xẻ thịt ra sao. Tuy thương con vật bạn nhà nông, nhưng đến bữa vẫn thấy ngon miệng. Thời chiến mà, chẳng mấy khi có miếng thịt ăn cũng thích !
Một thời gian ngắn sau đó, cả mấy trường ‘’hành quân’’ cuốc bộ lên đường hướng tới mục Nam Quan. Vì đi đông, theo tôi ước đoán có lẽ đến một nghìn người kể cả các cán bộ, nhân viên. giáo viên của các trường, nên không thể chủ quan như mấy tuần trước, mà phải đi theo từng ‘’trung đội’’, xuất phát từ lúc gần tối, đến 2-3 giờ sáng mới tới địa điểm tạm nghỉ để ngủ và nghỉ ngơi gần hết cả ngày hôm sau. May là dạo đó là những đêm sáng trăng (chứ làm gì có đèn pin như bây giờ). Lúc mới xuất phát thì còn hăng hái, dọc đường hò hát, chủ yếu là điệu ‘’hò lơ’’, nhưng mấy tiếng đồng hồ sau thì bắt đầu thấm mệt, hò hát cũng đã rời rac, chỉ mong sớm thấy ánh đèn đỏ bên đường là ký hiệu tới bản làng tạm nghỉ qua đêm mà đội tiền trạm đi trước bố trí. Tới nơi, mệt nhoài, mắc vội chiếc màn theo quy định để tránh muỗi đốt truyền bệnh sốt rét, chẳng kịp rửa chân tay đã lăn ra ngủ (mà làm gì có đủ nước cho hàng nghìn con người !). Sáng hôm sau, khoảng 5 giờ đã phải dậy để tản ra rừng núi hang động gấn đó tránh máy bay địch, cơm nước từng tiểu đội cho người về lấy, đến tận chiều gần tối mới lại tập trung, tiếp tục lên đường như hôm trước. Tôi không nhớ là hành quân như vậy mất mấy đêm ngày, nhưng rồi một buổi tối chúng tôi đến mục Nam Quan, nhìn sang bên Trung Quốc thấy đèn măng sông sáng choang.
Chúng tôi phải chờ đợi mất mấy tiếng đồng hồ ở đây để làm thủ tục qua biên giới. Sang đất Trung quốc rồi, nhưng vẫn phải tiếp tục cuốc bộ - tôi không nhớ bao nhiêu cây số nữa mới tới địa điểm nghỉ đêm đầu tiên trên ‘’đất bạn’’. Đi trên đất Trung Hoa, do quán tính còn lại trong đầu óc, nên tuy đi trên đường bằng phẳng mà vẫn có cảm tưởng là đi trên đường có đào ‘’hố ngang hố dọc chữ i chữ tờ’’ như trong thơ Tố Hữu. Có lệnh phải ‘’ngậm tăm’’ cấm không được hò hát hay nói chuyện vì phải giữ bí mật. Hôm sau có một đoàn xe tải của Giải phóng quân Trung Quốc đến đón đi Nam Ninh, thủ phủ của tỉnh Quảng Tây Trung quốc. Thấy xe đến đón, dù là xe tải, ai nấy đều mừng vì hết phải cuốc bộ, tuy bị nhồi nhét trên thùng xe, ngồi xệp xuống sàn, chứ làm gì có ghế ! Bạt buông xuống phủ kín, nên dù xe chạy ban ngày nhưng cũng chẳng nhìn thấy gì ở hai bên đường mà chỉ thấy sóc thấy ông bà ông vải và thoải mái... hít bụi.
Cũng vẫn duy trì lệnh cấm trò chuyện, hò hát: phải tuyệt đối ngậm tăm, ngay cả khi dọc đường xe tạm nghỉ có đồng bào người Việt đến hỏi thăm bằng tiếng Việt. Hỏi chuyện chúng tôi mà không thấy ai đáp lời, có đồng bào ta thán:
- Khổ không chứ ! Bao nhiêu năm trời xa đất nước, bây giờ mới gặp người cùng Tổ quốc sang mà hỏi chuyện không ai đáp lời !
Ngồi trên sàn xe lúc đầu còn thấy thú vị, nhưng chỉ một lúc sau là sóc kinh khủng vì xe phóng nhanh và đưỡng có nhiêu ổ gà rất xấu. Đã bắt đầu thấy có vài người, rồi nhiều người nôn ọe. Tình trạng khốn khổ đến nỗi chỉ mong lại được cuốc bộ ! Rồi cuối cùng xe đến thành phố Nam Ninh, một thành phố mới được giải phóng cách đây vài năm. Được lệnh ngồi yên trên xe, sau đó các xe lại chạy tiếp trên một con đường cũng chẳng hơn gì trước đó đến một làng có cái tên là Tâm Hư, cách Nam Ninh khoảng 10 km.