Khi nào nên đi khám bệnh lây qua đường tình dục?

Build Back Better

Senior Member
Các chuyên gia khuyến khích bất kỳ người trưởng thành nào có hoạt động tình dục nên đi xét nghiệm bệnh tình dục đều đặn ít nhất một lần mỗi năm.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội, sau mỗi dịp Valentine (ngày lễ Tình nhân - 14/2), số lượng người trẻ đi khám vì các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) lại gia tăng.

Chuyên gia này cho rằng việc thiếu kiến thức là nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ mắc bệnh lậu, Chlamydia, sùi mào gà, thậm chí HIV. Nhưng phải một thời gian sau khi bị nhiễm bệnh, các triệu chứng bất thường xuất hiện và nhiều người mới hốt hoảng đi thăm khám.

Trong khi đó, nhiều tổ chức y tế và các bác sĩ đã sớm đưa ra khuyến cáo cụ thể về thời điểm nên tầm soát STDs và người cần lưu ý kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Vì sao nên xét nghiệm STDs, STIs?

Theo Health News, có nhiều lý do khiến mọi người nên đi xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục (STDs) hoặc nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STIs) ngay cả khi đang trong mối quan hệ chung thủy.

Đầu tiên, một người có thể mắc các bệnh này mà không biết, do không xuất hiện triệu chứng hoặc có thể chỉ nhiễm trùng nhẹ.

Thứ hai, các biện pháp phòng vệ khi quan hệ tình dục chưa chắc đã đảm bảo an toàn tuyệt đối. Vì vậy, một người có thể mắc STIs ngay cả khi sử dụng bao cao su đúng cách.

Theo bác sĩ Phan Chí Thành, bao cao su chỉ che được đầu và thân "cậu nhỏ", không thể bọc hết các vùng xung quanh như gốc dương vật hay tinh hoàn. Bên cạnh đó, nhiều cặp đôi rất cẩn thận khi quan hệ nhưng lại chủ quan trong "màn dạo đầu".

Trong khi đó, các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn lậu, HIV hoàn toàn có thể truyền từ hầu họng của người bệnh sang các vết thương trên niêm mạc, đặc biệt vùng miệng.


Bao cao su chưa chắc đã có tác dụng phòng bệnh tình dục. Ảnh: Unsplash.
luc nao kham benh td anh 1

luc nao kham benh td anh 1
Bao cao su chưa chắc đã có tác dụng phòng bệnh tình dục. Ảnh: Unsplash.
Lý do khác khiến việc xét nghiệm trở nên quan trọng là triệu chứng của một số bệnh tình dục dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, chỉ có xét nghiệm mới giúp nhiều người phát hiện ra mình bị nhiễm hay không.

Health News lấy ví dụ nhiều người nhiễm HIV và giang mai sớm nhưng lầm tưởng mình bị cúm vì có triệu chứng giống nhau.

Cuối cùng, người bệnh sẽ được điều trị tốt hơn khi xét nghiệm chủ động ở giai đoạn sớm. Sau khi được điều trị, bệnh tình dục ít có khả năng lây lan sang người khác hoặc gây biến chứng khi mang thai, vô sinh hoặc ung thư.

Triệu chứng bệnh

Chia sẻ với New York Times, tiến sĩ Monica Woll Rosen, bác sĩ sản phụ khoa tại trường Y, Đại học Michigan (Mỹ), cho biết khoảng 85% các bệnh lây truyền qua đường tình dục không có triệu chứng. Một số biểu hiện điển hình là tiết dịch bất thường, đau khi quan hệ, rỉ máu ngoài chu kỳ kinh nguyệt và vết sưng, loét xung quanh cơ quan sinh dục.

Tiến sĩ Oluwatosin Goje, chuyên gia sản phụ khoa và bệnh truyền nhiễm tại một phòng khám ở Ohio (Mỹ), cho biết những người mắc bệnh giang mai có thể bị phát ban trên cơ thể và tay. Họ cũng có thể phát triển các vết loét ở bộ phận sinh dục.

Ngoài ra, bà Goje cho hay bệnh lậu hoặc chlamydia không có triệu chứng. Nếu người bệnh không được điều trị có thể bị viêm vùng chậu, sẹo ở ống dẫn trứng, tăng nguy cơ vô sinh, mang thai ngoài tử cung và đau vùng chậu mạn tính.

Medical News Today cũng khuyến cáo mọi người nên cân nhắc xét nghiệm STDs, STIs nếu họ từng có hành vi nguy cơ cao và gặp phải một trong các triệu chứng như tiết dịch âm đạo ở nữ giới, niệu đạo nam giới, tiểu rát, mụn cóc hoặc loét ở bộ phần sinh dục, đau bụng.

Thời điểm nào nên đi xét nghiệm?

Có những khung thời gian cụ thể mà người bệnh cần lưu ý trước khi đi xét nghiệm STIs. Nếu xét nghiệm trước khoảng thời gian này, kết quả có nguy cơ âm tính giả cao (tức dù đang nhiễm STIs nhưng lại nhận kết quả âm tính).

Dựa trên thời gian ủ bệnh, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo thời điểm tầm soát bệnh như sau:

- Giang mai: khoảng một tháng sau khi quan hệ, nên xét nghiệm lại sau 3 tháng nếu kết quả âm tính.

- HIV: khoảng 2 tuần sau khi quan hệ, nên xét nghiệm lại sau 3 tháng nếu kết quả âm tính.

- Viêm gan B: khoảng 3-6 tuần sau khi quan hệ.

- Viêm gan C: khoảng 2 tháng sau khi quan hệ, nên xét nghiệm lại sau 6 tháng nếu kết quả âm tính.

- HPV: khoảng 3 tuần đến vài tháng sau khi quan hệ.

- Herpes simplex: khoảng vài ngày (nếu xét nghiệm dịch tiết) hoặc vài tháng (nếu xét nghiệm kháng thể trong máu) sau khi quan hệ.

- Trichomonas: khoảng 1-4 tuần sau khi quan hệ.


Kit xét nghiệm HPV. Ảnh: Unsplash.
luc nao kham benh td anh 2

Kit xét nghiệm HPV. Ảnh: Unsplash.

https://zingnews.vn/khi-nao-nen-di-kham-benh-lay-qua-duong-tinh-duc-post1402990.html
 
Back
Top