Level up!
Senior Member
Nhiều cặp vợ chồng trì hoãn việc có con vì muốn tận hưởng cuộc sống. Quyết định này làm ảnh hưởng đến bản thân cũng như quy mô, cơ cấu dân số xã hội.
Kết hôn 4 năm nhưng vợ chồng anh Đ.T.T (33 tuổi) và chị N.L.T (31 tuổi), ngụ phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá, (Kiên Giang) chần chừ trong việc sinh con. Theo anh T, dù người thân hai bên liên tục hối sinh con nhưng vợ chồng anh luôn trả lời: “Cứ từ từ”. Anh T nói: “Vợ chồng tôi còn trẻ nên chưa vội sinh con. Chúng tôi phải tận hưởng cuộc sống đã”.
Ba mẹ anh T thường gọi điện thoại hỏi: “Khi nào sinh cháu cho ba mẹ”. Ba mẹ vợ anh cũng liên tục nhắc: “Sao hai đứa cưới 4 năm rồi mà chưa có con?”. Hai bên gia đình nói cho tiền anh chị đi khám vô sinh, hiếm muộn… Tuy nhiên, vợ chồng anh T chưa muốn sinh con. “Chưa có con nên mỗi khi muốn du lịch, chúng tôi có thể nhanh chóng quyết định và đi ngay. Khi có con, chúng tôi sẽ không được thoải mái đi đây đi đó. Ưu tiên của chúng tôi là mục tiêu nghề nghiệp, đến khi mọi thứ ổn định, tài chính dư dả, có nhà riêng mới có con”, anh T nói.
Hiện nhiều người kết hôn nhưng không muốn hoặc chưa nghĩ đến việc sinh con. Theo quan niệm truyền thống, nam nữ đến tuổi trưởng thành phải có vợ, có chồng và khi lập gia đình thì phải sinh con, bởi mục tiêu của các gia đình, nhất là trong nền văn hóa phương Đông thì việc sinh con để duy trì nòi giống, nối dõi tông đường, có người thờ phụng.
Trong xã hội hiện đại, tư tưởng, quan niệm truyền thống dường như ít chi phối đến suy nghĩ, hành động của người trẻ. Vì thế, các cặp vợ chồng không hướng đến mục tiêu sinh con chỉ để duy trì nòi giống hay nhằm thỏa mãn yêu cầu, kỳ vọng từ phía cha mẹ, dòng họ mà hướng đến các mục tiêu mang tính cá nhân nhiều hơn.
Khi áp lực cơm, áo, gạo, tiền... ngày càng tăng, việc sinh con trở thành gánh nặng cho các cặp vợ chồng. Các cặp vợ chồng thường suy nghĩ, tính toán để nâng cao chất lượng cuộc sống, vì thế khi chưa chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cho việc có con thì họ không vội sinh con.
Viên chức dân số xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành (Kiên Giang) tuyên truyền cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về lợi ích việc sinh đủ hai con.
Xu hướng sinh con muộn ở các cặp vợ chồng có tác hại xấu đến gia đình, bản thân và tác động xấu đến cơ cấu, quy mô dân số xã hội. Các cặp vợ chồng sinh con quá muộn nguy cơ con mắc tự kỷ, Down, giảm thông minh... cao hơn những đứa trẻ khác. Khi tỷ lệ sinh thấp, quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh hơn tạo gánh nặng về phúc lợi xã hội. Việc con quá nhỏ trong khi cha mẹ lớn tuổi gây ra áp lực cho mỗi gia đình trong việc chăm sóc con cũng như chăm sóc người cao tuổi. Trong bối cảnh các gia đình sinh ít con mà các cặp vợ chồng lại trì hoãn việc sinh con sẽ gây ra tình trạng thiếu lực lượng lao động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước.
Sau khi kết hôn 1-2 năm các cặp vợ chồng nên sinh con vì thời gian đó đủ để tìm hiểu các kiến thức, kinh nghiệm về sức khỏe sinh sản, thai sản, chăm sóc con và chuẩn bị các điều kiện kinh tế, sức khỏe cho việc sinh con. Tuy nhiên, thời gian sinh con còn phụ thuộc vào tuổi kết hôn của các cặp vợ chồng.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, tuổi sinh con của nữ không nên sớm hơn 20 tuổi và không nên muộn quá 35 tuổi (đây là tuổi sinh con tốt nhất). Trước khi kết hôn, các cặp vợ chồng cần tham gia các khóa học tiền hôn nhân để có chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng. Qua đó có cái nhìn tổng quan về đời sống hôn nhân gia đình, sàng lọc yếu tố nguy cơ về sức khỏe cho việc kết hôn và sinh hiệu quả, chất lượng. Các cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con trong độ tuổi từ 23-35 tuổi.
Không nên sinh con muộn
(KGO) - Nhiều cặp vợ chồng trì hoãn việc có con vì muốn tận hưởng cuộc sống. Quyết định này làm ảnh hưởng đến bản thân cũng như quy mô, cơ cấu dân số xã hội.
www.baokiengiang.vn