Đây là tổng lượng tiền nhàn rỗi của khách hàng cá nhân và tổ chức đang gửi tại các ngân hàng trong ba tháng đầu năm nay.
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 3-2022 tiền gửi của người dân tại các ngân hàng đạt trên 5,47 triệu tỉ đồng, tăng 3,28% (tương đương tăng gần 180.000 tỉ đồng) so với cuối năm 2021.
Tương tự, tiền gửi của tổ chức doanh nghiệp tại các ngân hàng cũng leo lên mức trên 5,86 triệu tỉ đồng, tương đương tăng hơn 228.000 tỉ đồng so với thời điểm cuối năm ngoái. Như vậy, tính chung ba tháng đầu năm nay, lượng tiền gửi của cư dân và tổ chức đang gửi tại các ngân hàng hiện có tới trên 408.000 tỉ đồng.
Tiền gửi ngân hàng cư dân và tổ chức tăng mạnh trong bối cảnh lãi suất huy động tiền gửi tại nhiều ngân hàng đã “thoát đáy” và liên tiếp điều chỉnh tăng. Đơn cử như tại ngân hàng SHB, hiện áp dụng mức lãi suất cao nhất là 7,4%/năm dành cho chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 8 năm và 7,2%/năm cho kỳ hạn 6 năm.
Đối với tiền gửi tiết kiệm thông thường nhận lãi cuối kỳ, lãi suất tiết kiệm của SHB đang dao động từ 3,6-4%/năm cho kỳ hạn từ 1-5 tháng, lãi suất đến 5,5% - 5,7%/năm cho kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng dao động từ 6,1 - 6,2%/năm tùy hạn mức tiền; kỳ hạn 36 tháng là 6,5%/năm.
Tương tự, ngân hàng SCB vừa tăng từ 0,1 – 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn so với trước đó. Cụ thể, kỳ hạn từ 6 tháng neo ở mức 6%/năm và 6,5%/năm đối với kỳ hạn 9 tháng, kỳ hạn 11 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất 6,7%/năm. Riêng các kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng cùng có mức lãi suất là 7,3%/năm.