Vừa xuống xe chưa kịp vào hội trường, điện thoại của tôi đã rung lên. Ở máy bên kia giọng anh Tùng vang lên:
-Chú xuống đây tập huấn phải không? Tối nhớ ghé nhà anh chơi nhé.
-Vâng anh, tôi đáp, em theo đoàn xuống tập huấn sử dụng học bạ điện tử cho một số trường anh ạ. Khoảng một ngày là xong thôi. Sẵn dịp này chắc chắn em phải tới thăm nhà anh chị rồi.
-Chú dạo này làm cán bộ có khác, suốt ngày đi công tác, bận rộn quá anh mấy lần muốn gặp cũng không được. Anh Tùng cười vang trong điện thoại.
-Cán bộ cán bệ gì đâu anh, chẳng qua đợt này trên Sở giáo dục triển khai sử dụng hồ sơ điện tử, phải về từng cơ sở hướng dẫn. Lần này xuống cụm mấy huyện dưới anh là đợt cuối rồi. Sau đó lại về gõ đầu trẻ như xưa thôi.
Tôi thăm hỏi anh vài câu, rồi vội vào hội trường, bên trong giáo viên tham dự đã có mặt đông đủ đang chờ đoàn báo cáo viên.
Có những điều hết sức trái khoáy, giáo viên đúng ra phải là đội ngũ tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng ngay cả cái việc đơn giản nhất là đăng nhập đăng xuất vào hệ thống cũng tỏ ra lúng túng vụng về. Còn việc tạo cho mình một tài khoản thì hầu hết không làm được, báo cáo viên phải tới tận từng người cầm tay chỉ việc. Loay hoay rồi một ngày cũng đạt được yêu cầu đề ra.
Buổi chiều kết thúc khá sớm, tôi nhớ ra là có hẹn tới thăm nhà anh Tùng đã hứa buổi sáng cầm máy lên gọi. Anh bảo vẫn đang ở trên trường, chú ghé vào trường, đợi anh một chút. Theo chỉ dẫn của anh, tôi tìm trường anh khá dễ dàng. Một ngôi trường khang trang nằm giữa thị trấn một huyện vùng sâu của tỉnh. Là nơi nuôi dưỡng, giảng dạy cho con em người dân tộc thiểu số nên nhận được nhiều ưu tiên từ các cấp.
Cổng trường cao lớn in dòng chữ mạ bạc ghi tên trường lấp lánh. Bên trái là một sân bóng chuyền rộng rãi, bên phải là sân bóng cỏ nhân tạo xanh ngắt. Những dãy nhà hai và ba tầng nối tiếp nhau vàng rực trong nắng chiều.
Trường lớp, phòng học bề thế như thế này là niềm mơ ước của cả ngay những trường lớn ở thị xã, thành phố trong tỉnh.
-Hải, vào đây em. Đứng ngay cửa dãy phong hành chính của trường anh Tùng giơ tay vẫy tôi.
-Đúng là sếp, tận tâm với trường lớp thế, giờ này mà vẫn chưa nghỉ hả anh?
-Trường nội trú nó có cái khác với trường ngoài. Học sinh học tập, ăn ở tại chỗ, nên lúc nào cũng phải thường xuyên coi ngó, chứ không phải cứ hết giờ hành chính rồi về.
-Trường của anh đẹp thật đấy, chúng em ở trên thị xã cũng đâu có được cơ ngơi khang trang như thế này – Tôi vừa nói vừa ngắm nghía trầm trồ.
-Trường chính sách ưu tiên mà em. Ấy thế mà học sinh vẫn bỏ học em ạ. Chỉ việc ăn học, chẳng thiếu thứ gì mà tụi nó có tha thiết học đâu. Giáo viên ở đây cũng vất vả đi vận động mãi tận các buôn làng cách trường hàng chục cây số.
-Thế phòng của sếp đâu, cho em thăm quan tí – Tôi trêu anh. Anh Tùng làm hiệu phó tính đến nay cũng được bẩy năm rồi. Năm năm trước anh công tác ở một xã vùng ba, sau đó anh được điều chuyển ra trường nội trú này.
-Sếp xiếc gì, anh chỉ là thằng sai vặt cho hiệu trưởng mà thôi. Nói xong anh phá lên cười.
Tính anh vẫn cứ như ngày nào, luôn vui vẻ hóm hỉnh, ai gần anh có đang buồn cũng phải bật cười.
- Thôi chú đã tới đây thì đi vài vòng xem trường anh cho biết. Anh đã gọi điện về nhà rồi, mồi rượu đã chuyển bị đầy đủ cho cán bộ, không phải lăn tăn.
Anh dẫn tôi đi xem hết các dãy phòng học, phòng bộ môn. Phòng nào cũng được trang bị máy chiếu, máy tính, ti vi rất hiện đại. Nhà trường còn có một chiếc xe màu cam 47 chỗ ngồi. Có lẽ đây là trường duy nhất trong tỉnh sắm được xe riêng để phục vụ học sinh thăm quan. Đúng là quá hoành tráng.
-Hiệu trưởng trường anh tài thật – Tôi trợn mắt tỏ vẻ đầy thán phục – Ông ấy xoay như thế nào mà mua sắm được đủ thứ thế nhỉ? Thật đáng nể.
-Không phải đâu, những thứ tài sản này là của hiệu trưởng đời trước. Hiệu trưởng bây giờ và tớ cùng được điều về một năm, tức là mới làm được ở trường này hai năm thôi. Chẳng tài thánh gì đâu. Nói đúng hơn nó là hậu quả của người tiền nhiệm để lại. Chuyện dài lắm, anh kể sau.
Anh dẫn tôi vòng ra phía sau thăm khu nội trú, nơi học sinh ăn ở tại trường. Một dãy nhà ba tầng mới xây màu ghi sang trọng dành cho nữ sinh. Mỗi phòng ở có đầy đủ phòng tắm, nhà vệ sinh khép kín, có cả hệ thống nước nóng bên trong.
Đến dãy kí túc của nam thì hơi cũ một chút, vệ sinh cũng không được tươm tất như phòng nữ sinh.
-Mấy ông tướng nam thì đành chịu thôi, nó làm sao mà chỉn chu, gọn gàng như nữ được. Thời anh em mình đi học cũng thế, có mấy cái chén sau khi ăn cũng đùn đẩy cho nhau. Anh Tùng vừa cười vừa nói.
-Thế mới là nam, chứ kĩ tính thì chúng nó lại bảo là đàn bà à. Hai anh em cùng bật cười.
Bên cạnh dãy nội trú nam có một dãy nhà ba gian cũ kĩ, đối lập hẳn những dãy nhà bên cạnh đều được sơn sửa tươi sáng.
- Kia là phòng gì mà xập xệ thế, trường anh có thiếu kinh phí đâu mà không tu bổ lại cho sạch đẹp?
Chợt anh Tùng mặt biến sắc kéo tay tôi lại.
- Đừng đi qua dãy nhà đấy.
Thấy tôi ngơ ngác tỏ vẻ không hiểu, anh Tùng nói khẽ:
- Chỗ ấy là nhà kho, giờ… giờ… À mà thôi, để về nhà anh kể cho, nói ở đây không tiện.
Đang vui vẻ, chợt anh Tùng có vẻ ấp úng, sợ sệt, ngó trước nhìn sau, như thể xem chừng có ai theo dõi vậy. Không nói thêm lời nào nữa, anh vội kéo tôi về nhà của mình.
Thực ra nếu không có sự cố thì giờ anh đã không công tác ở ngành giáo dục. Anh học hàng hải, cuối năm thứ hai đánh nhau bị đuổi học. Anh kể lúc đó đám thanh niên bên ngoài hay vào kí túc xá nữ trường anh trêu ghẹo, nóng mắt anh nện cho mấy thằng chạy bán sống bán chết. Tối hôm sau, mấy chục thanh niên kéo vào lùng sục tìm anh trả thù.
Nhà trường biết chuyện, không cần biết đầu cua tai nheo thế nào, ra quyết định đuổi học thẳng cánh. Sau đó anh đi nghĩa vụ quân sự hai năm, rồi ôn thi sư phạm học chung lớp với tôi. Anh hơn chúng tôi bốn tuổi nhưng hòa đồng, thân thiện. Tôi phục nhất là không lúc nào thấy anh cầm quyển sách học bài nhưng thi môn nào điểm cũng cao.
Ra trường vài năm anh đã đậu giáo viên giỏi cấp tỉnh. Đang cơ cấu lên hiệu phó thì sự cố lại xảy ra. Trường anh khi ấy có con của trưởng phòng giáo dục theo học. Cậy bố làm sếp nó hống hách, xách mé không coi ai ra gì. Nóng mắt anh vả mấy cái, thế là anh bị kỉ luật, rồi điều chuyển vào một trường vùng sâu. Mãi mấy năm sau anh mới được quy hoạch và lên hiệu phó.
Anh hiền lành vui tính, nhưng cái gì chướng tai gai mắt thì bất chấp tất, không nghĩ hậu quả. Tôi có lần chứng kiến cái nóng tính ấy của anh. Lần ấy nhóm tôi đang ăn chè trong cantin với mấy đứa nữ cùng lớp. Vài thằng khoa Sử nhậu say đánh bida bàn sát chúng tôi. Chúng cãi cọ lè nhè náo loạn cả cantin. Anh đứng lên nhẹ nhàng nhắc nhở. Một thằng mặt đỏ ngầu cầm cục lơ ném về phía anh thách thức. Anh lẳng lặng đi đến trước mặt nó. Chỉ nghe hự một tiếng nó nằm vật xuống đất. Nhanh đến mức không ai kịp nhìn thấy anh ra đòn khi nào. Biết gặp phải thứ dữ cả đám bỏ bida dìu thằng kia về.
Tụi con gái hoảng hốt giục chúng tôi về gấp đi sợ tụi kia nó quay lại trả thù. Tôi bảo cứ bình tĩnh vì tôi biết anh là con nhà nòi võ học Taekwondo, do bố truyền dạy. Anh có bố và chú ruột đều là những võ sư nổi tiếng.
- Tới nhà anh rồi em. Anh chỉ tay về căn nhà cấp bốn nằm gần cuối một con hẻm nhỏ.
Nhà anh khá đơn sơ, phòng khách chỉ có một bộ bàn ghế cũ kĩ, một tivi bóng đèn hình, hiệu LG, ngoài ra chả có gì khác.
Anh đoán được suy nghĩ của tôi vội nói:
-Anh đã nói rồi, hiệu phó thì chấm mút được cái mẹ gì đâu, ngoài cái phụ cấp chức vụ, thì lương cũng như giáo viên thôi. Tằn tiện lắm mới mua được mảnh đất này đấy em. Kì lạ thật, cái thị trấn vùng sâu thế mà giá đất lại trên trời.
-Thế anh ráng lên hiệu trưởng đi để có tí lộc – Tôi cười nói.
-Anh chả thèm cái thứ lộc ấy. Của thiên trả địa thôi. Cứ tiền do mồ hôi nước mắt mình kiếm được mới bền. Ngay cái chức hiệu phó anh có ham hố gì. Họ bắt anh làm hồ sơ năm lần bẩy lượt, anh mới miễn cưỡng làm. Cái nghề làm quan nó cũng bạc lắm em ạ. “Còn gạo còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết rượu hết ông tôi”. Có nhiều ông làm hiệu trưởng vừa nghỉ hưu gặp giáo viên nó chả thèm chào.
-Thì cũng do ăn ở cả thôi, mình phải thế nào người ta mới đối xử thế chứ.
-Ông nào chả thế. Lên chức rồi thì đều cái kiểu chả đội trên đạp dưới, rồi lại vơ vét cho đầy túi tham, nên người ta khinh.
-Chưa lên thì anh nói thế, có khi lên rồi anh cũng nảy lòng tham như họ.
-Thì đấy, thế nên anh chỉ thích là giáo viên cho nó thiện lành. Quan nhất thời dân vạn đại mà.
Hai anh em chúng tôi đang trò chuyện thì chị Thúy, vợ anh Tùng bưng mâm cơm lên. Ngồi một lát, chị ý tứ lui về phòng sau soạn giáo án, cho hai anh em lâu ngày gặp nhau thoải mái hàn huyên.
Tôi với anh Tùng bên ly rượu, bàn luận đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Khi đã ngà ngà say tôi nói:
-Này anh, cái dãy nhà ba gian trường anh nó xuống cấp như thế, có khi là không an toàn cho học sinh đấy. Ngộ nhỡ cũ quá trần nhà rơi xuống thì tội các em.
-À, giờ anh mới nhớ - Giọng anh chùng xuống, không ồn ào sối nổi như vừa nãy – Dãy nhà ấy từ năm ngoái đã bỏ hoang rồi, học sinh có đứa nào dám vào đâu.
Thấy tôi tỏ vẻ không hiểu. Anh kể.
Năm ngoái khi anh mới về công tác ở trường này. Có lần anh đi chợ, chợt thấy hai học sinh nữ là Ka Xuân và Ka Diệu tay xách lỉnh kỉnh đồ đạc đi ngang qua. Ở nội trú thường Chủ nhật mới cho học sinh về nhà, ngoài ra trong tuần phải là trường hợp có việc quan trọng lắm mới được phép về. Mà hôm đó lại là thứ Tư. Anh vẫy lại hỏi:
-Các em về nhà phải không?
-Dạ… dạ.. vâng ạ. Ka Xuân ngập ngừng trả lời.
Thấy học sinh bối rối, anh đoán là chúng tự ý bỏ về. Khá nhiều học sinh vẫn trốn trường như thế.
-Tụi em đã xin phép ai chưa mà về. Anh nghiêm giọng hỏi.
-Dạ… dạ... chúng em xin về nhà luôn không học nữa ạ.
Anh giật mình thảng thốt.
- Cái gì? Thế nào mà các em lại muốn bỏ học chứ? Nói thầy nghe xem nào.
Hai đứa ấp úng nói không lên lời. Giữa đường, giữa chợ có lẽ chúng nó ngại, không tiện bày tỏ.
- Thôi được, các em quay lại trường trao đổi với thầy. Học tới lớp 9 rồi, bao nhiêu công sức chứ có phải ít đâu.
Sau khi đã ngồi ở phòng của anh. Anh nhẹ nhàng hỏi chuyện. Mặc dù được quan tâm về mọi mặt nhưng khá nhiều em vẫn không tha thiết việc học, đôi khi với lí do đơn giản, hoặc tự ái về một lời phê bình của giáo viên nào đó các em vẫn bỏ học ngang xương. Hai em này đều là học sinh giỏi của trường, rất tích cực trong trong các hoạt động ngoại khóa. Mà đòi bỏ học thì thật lạ.
- Giờ các em trình bày cho thầy nghe. Lí do thế nào mà đang học yên ổn lại bỏ về?
Hai đứa đùn đẩy nhau không đứa nào chịu nói.
- Có thầy cô nào nặng lời với tụi em, hay bố mẹ bắt nghỉ học về nhà lấy chồng?
Người dân tộc thiểu số ở đây vẫn còn nạn tảo hôn. Có khi mới học lớp 8 lớp 9 bố mẹ cũng bắt về cưới chồng, lấy vợ. Thuyết phục, vận động người ta bỏ tập quán lạc hậu này không phải là dễ.
Xuân và Diệu lắc đầu.
- Vậy thì lí do là gì? Còn về lực học rõ ràng các em là những học sinh giỏi của lớp, không thể có lí do học yếu chán học mà bỏ về chứ.
Gặng hỏi mãi Ka Xuân mới lí nhí trả lời:
-Tụi em sợ nên không dám học ở đây nữa ạ.
-Có bạn nào bắt nạt chăng? Hay có thầy cô nào đe nẹt gì? Tụi em cứ mạnh dạn trình bày thầy sẽ xử lí.
-Không phải chuyện đó ạ. Mà… mà chúng em sợ ma.
-À, lớn tướng thế này rồi mà sợ ma ư. Haha. Ma ở đâu, nó to như thế nào, chỉ chỗ để thầy bắt ma cho. Anh bật cười, thở phào, hóa ra là cái lí do vớ vẩn, chẳng phải nghiêm trọng ghê gớm gì.
Thế rồi Ka Xuân thỏ thẻ kể, vẻ mặt lấm lét, sợ sệt.
-Tối hôm qua, chúng em về phòng kí túc sau giờ tự học buổi tối. Bạn Diệu để quên điện thoại trên lớp học. Bạn ấy rủ em quay lại phòng học tìm. Lúc ấy tầm khoảng 10h đêm. Bác bảo vệ đã tắt đèn, khóa cửa hết các phòng học. Bạn Diệu lấy chìa khóa của lớp ra mở, tìm mãi vẫn không thấy điện thoại đâu. Bạn ấy bảo có khi điện thoại dắt vào túi rơi ở chỗ uống nước. Vì giờ giải lao bạn ấy có đi uống nước. Hai đứa liền đi ra phía nhà bếp để tìm thầy ạ. Điện ở chỗ ấy giờ này bác bảo vệ đã tắt nên tối thui. Em bật đèn điện thoại của mình lên soi. Lúi húi tìm một lúc vẫn không thấy. Đến lúc chúng em ngẩng mặt lên để về phòng ngủ. Chợt tụi em giật mình khi thấy có taekwondo bóng đen đứng lù lù ở dưới hiên nhà ăn.
-Ôi dào ôi – Anh ngắt ngang lời Ka Xuân – Tưởng gì, bác bảo vệ buổi đêm hay đi kiểm tra, chắc bác tưởng tụi em là kẻ trộm lẻn vào trường nên đứng rình thôi mà. Đêm tối nhập nhèm nhìn gà hóa quốc ma tà cái gì. Mai thầy bắt vài con ma cho vào lọ thủy tinh để các em chơi. Thôi về lớp học, bỏ ngay cái ma quỷ tào lao ấy đi.
-Không thầy – Ka Diệu run run nói, mặt tái nhợt – Đúng là ma thầy ạ. Bởi vì sao thầy biết không. Ban đầu chúng em nhìn lên cũng nghĩ ai đó đứng chơi ở đấy. Bạn Xuân chiếu đèn điện thoại lên xem người nào. Thì thấy dáng dấp một người phụ nữ mặc quần âu màu sẫm, áo khoác màu xanh lá chuối mặt xoay vào bên trong, hướng lưng về tụi em tóc dài xõa vai. Nhìn trang phục bạn Xuân bảo là chắc chị Hiệu lớp 12A3 đứng đó hẹn hò với anh nào. Chúng em tắt đèn lại gần tính trêu chị. Khi còn cách bóng ấy khoảng hơn chục bước chân, bất ngờ cái bóng ấy quay phắt lại về phía chúng em, trời ơi…
Cả hai đứa ngồi trước mặt anh kể mà vẫn còn hoảng hốt, mặt xám ngắt, tay nổi da gà từng đợt.
-Ha ha ha, nhìn thấy con ma không mũi, không mắt tóc tai rũ rượi chứ gì. Bao nhiêu lần thầy Lợi và thầy đã nói với các em rồi. Tụi em ám ảnh, khi nào cũng nghĩ tới thì mắt mình nó hoa lên tưởng tượng ra vậy. Thôi, cái lí do sợ ma mà nghỉ học thì lãng xẹt. Đem đồ đạc lại phòng ở, rồi lên lớp học ngay và luôn cho thầy.
-Thầy, tụi em sợ lắm – Ka Xuân với vẻ mặt nhợt nhạt kể tiếp – Không phải thấy như thầy nói đâu mà là... là mặt cô Nhung quay ra nhìn chúng em cười cười hãi lắm. Em vội ném cả điện thoại, muốn thét lên nhưng cứng cả miệng không thể kêu nổi hai đứa ù té chạy về phòng trùm chăn kín mít. Không dám kể với ai, tụi em dọn đồ về luôn thì gặp thầy.
Anh nghiêm mặt nói:
- Thứ nhất các em không kể chuyện cho các bạn. Chắc chắn không phải ma đâu, các em kể một đồn mười làm các bạn hoang mang hoảng loạn. Thứ hai các em quay lại lớp học cho thầy. Còn tối nay thầy sẽ ra chỗ uống nước bắt con ma cho các em xem. Chắc chắn bạn nào đó giả dạng hù dọa các em thôi. Thầy mà bắt được thì kỉ luật luôn chứ dọa ma quỷ làm người khác sợ hãi là không được.
Anh trấn an tinh thần, rồi động viên hai đứa trở lại lớp học.
Thực ra nguồn cơn là như thế này. Nhấp một ly rượu anh Tùng kể tiếp.
(Còn nữa)
Last edited: