manoao
Member
Những mặt tiền đắc địa hiện nay chỉ còn phù hợp với các đơn vị có định hướng mở rộng, tăng độ nhận diện thương hiệu
Thay vì chọn mở cửa hàng tại mặt tiền thuộc khu vực trung tâm TP HCM, chủ kinh doanh có xu hướng dịch chuyển vào hẻm và ra ngoại thành, khiến mặt bằng tại khu vực trung tâm bỏ trống ngày càng nhiều.
Mặt bằng trống ngày càng nhiều
Làn sóng trả mặt bằng kinh doanh ở mặt tiền kéo dài từ cuối năm ngoái đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, dọc các tuyến đường trung tâm TP HCM như Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, quận 3), Ba Tháng Hai (quận 10), Nguyễn Trãi (quận 5), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận)... các mặt bằng, nhà phố treo bảng cho thuê ngày càng nhiều dù sau Tết, một số chủ nhà đã chấp nhận giảm giá để hút người thuê.
Dữ liệu từ Nhà Tốt mới đây cho thấy giá thuê các mặt bằng nhà phố kinh doanh bán lẻ tại hầu hết quận ở TP HCM đã giảm đáng kể so với vài tháng trước. Trong đó, khu vực quận 1 và quận Bình Thạnh có giá thuê giảm sâu nhất, mức giảm trung bình từ 20%-32% so với cuối 2024.
![]()
Trong khi các cửa hàng đua nhau chuyển vào hẻm, nhiều kho hàng, công ty vận chuyển lại tiến ra các mặt tiền đắc địa
Cụ thể, giá thuê tại quận Bình Thạnh giảm 32%, từ 39,5 triệu đồng/tháng (tháng 10-2024) xuống còn 26,8 triệu đồng/tháng (tháng 1-2025). Các vị trí đắc địa ở quận 1 với giá thuê trung bình giảm từ 77 triệu đồng/tháng xuống 62 triệu đồng/tháng. Ở xa hơn, các quận Bình Tân, quận 7 cũng có mức giảm dao động từ 7%-18%.
Theo giới kinh doanh, làn sóng trả mặt bằng đắc địa sẽ còn tiếp diễn khi người bán hàng có xu hướng dời địa điểm kinh doanh vào hẻm hoặc chuyển sang khu vực ngoại thành để có giá thuê rẻ hơn nhằm tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, mô hình kinh doanh đã dần chuyển đổi sang online khiến họ không còn mặn mà đối với các mặt bằng có giá lên đến trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, giữa làn sóng trả mặt bằng vẫn lan rộng, các công ty giao nhận như Viettel Post, Giao hàng tiết kiệm, J&T Express... lại liên tục tiến ra mặt tiền, chấp nhận giá thuê lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng. Đại diện một đơn vị vận chuyển tại TP HCM tiết lộ lý do DN chấp nhận thuê mặt tiền giá cao tại các tuyến đường sầm uất chủ yếu để khẳng định vị thế, thương hiệu và uy tín, cũng để xử lý hàng hóa nhanh hơn trong bối cảnh cạnh tranh thương mại điện tử ngày càng khốc liệt.
Dịch chuyển để bớt chi phí
Ông Nguyễn Liên, chủ cửa hàng thời trang Na.Store tại TP Thủ Đức (TP HCM), cho biết ông đã chuyển cửa hàng từ mặt tiền vào hẻm do xu thế mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi từ offline sang online. Khi chuyển vào hẻm, chi phí hằng tháng của cửa hàng ông đã giảm hơn một nửa, từ 20 triệu đồng xuống còn 9-10 triệu đồng.
"Giá mặt bằng thuê trong hẻm rẻ hơn 50% so với mặt tiền, trong khi diện tích rộng hơn gấp 2-3 lần. Đây cũng là xu thế của ngành thời trang. Bây giờ kinh doanh ở đường chính không chắc có lợi thế bằng online. Nhưng, để bán online cũng không dễ vì chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các KOLs bán hàng dưới dạng tiếp thị liên kết (Affiliate) và hàng vạn nhà bán online khác nên phải có chiến lược và kế hoạch bài bản, nếu không sẽ thất bại. Hiện tôi đang tìm thêm các đặc sản vùng miền địa phương để bán thêm trên thương mại điện tử để tăng lợi nhuận" - ông Liên chia sẻ.

Mặt bằng đắc địa qua thời đắt khách
Những mặt tiền đắc địa hiện nay chỉ còn phù hợp với các đơn vị có định hướng mở rộng, tăng độ nhận diện thương hiệu
