Mất việc về quê, công nhân tìm cách "trốn Tết"

Core i2

Member
Từ miền Nam, chị Nguyễn Thị Xoan bất đắc dĩ về quê đón Tết sớm hơn mọi năm. Lòng nặng trĩu, nữ công nhân này đang tính đi làm việc thời vụ trong những ngày giáp Tết để có thêm thu nhập trang trải chi phí chữa bệnh cho bố chồng và tiền học của 2 con.

Mất việc về quê, công nhân tìm cách trốn Tết - 1

Chồng mất sớm, chị Nguyễn Thị Xoan (27 tuổi, quê Đô Lương, Nghệ An) gồng gánh, chăm lo bố mẹ già và 2 con thơ dại. Năm 2019, người phụ nữ này quyết định "Nam tiến" làm công nhân.

"Đó là một quyết định khó khăn, bởi bố mẹ già yếu, bệnh tật, các con còn thơ dại quá. Mất bố lại vắng mẹ nữa thì tội nghiệp lắm nhưng cũng phải dứt áo ra đi, mẹ con cùng chịu khổ, mong gom góp được ít đồng gửi về nhờ ông bà ngoại, cậu mợ chăm sóc các cháu giùm", chị Xoan nhớ lại.

Chị Xoan làm việc tại một công ty của Nhật Bản, đóng trên địa bàn Quận 12, TPHCM. Nỗi nhớ con, nhớ nhà khuất lấp sau những giờ tăng ca nhưng đêm về cứ cuộn lên trong lòng người mẹ trẻ. Công việc ổn định, tính cả các khoản phụ cấp, tăng ca..., thu nhập mỗi tháng của chị khoảng 9-11 triệu đồng.

Tằn tiện chi tiêu, hàng tháng, chị Xoan gửi về quê cho ông bà và dành một khoản nho nhỏ tích lũy, phòng khi ốm đau hay có việc đột xuất. Chị luôn tự nhủ, sẽ cố gắng thêm một thời gian nữa, tích lũy được số vốn kha khá, lúc đó các con cũng đã lớn, chị Xoan tính về quê, tìm một công việc phù hợp để vừa chăm sóc bố mẹ chồng đau yếu, vừa trông nom việc học hành của các con.

Mất việc về quê, công nhân tìm cách trốn Tết - 3

Năm 2021, dịch Covid-19 ập đến, công ty bị ảnh hưởng, thu nhập của nhiều lao động cũng bị kéo xuống, không riêng gì chị Xoan. Dịch qua đi, nữ công nhân phấn khởi khi mọi thứ quay lại nhịp điệu vốn có của nó. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, giữa năm 2022, công ty tiếp tục gặp khó khăn do đơn hàng giảm sút.

"Lúc đầu thì giảm tăng ca thứ 7, chủ nhật, sau thì cắt giảm toàn bộ thời gian tăng ca, giảm việc. Buồn, lo, nhưng anh chị em động viên cố gắng, chắc cũng qua đợt khó khăn này thôi. Đến tháng 10/2022 thì công ty thông báo cắt hợp đồng...", chị Xoan buồn bã.

Trước đó mấy tháng, bố chồng ốm nặng, khoản tích lũy ít ỏi của chị Xoan cũng phải gửi về để lo thuốc thang, viện phí. Ở lại tìm việc cũng khó do nhiều công ty đều trong tình cảnh giảm giờ làm hoặc cắt hợp đồng lao động, chị Xoan quyết định về quê. Ngoài hành lý và những vật dụng cần thiết, người phụ nữ này rời thành phố hoa lệ, trở về với những lo âu cho chuỗi ngày sắp tới, khi không có tiền, không có thưởng Tết.

Không đến nỗi bị chấm dứt hợp đồng nhưng chị Hoàng Thị Vui (32 tuổi) quyết định xin nghỉ việc, về Tết sớm hơn dự định gần 2 tháng. Chồng đi làm xa, còn chị Vui vào Đồng Nai làm công nhân một công ty chuyên về điện tử khi con mới hơn một tuổi.

"Cháu gửi ông bà ở quê chăm. Công việc ổn định, tháng cao điểm thu nhập đến 11 triệu đồng, trừ ăn uống, tiền trọ, chi phí sinh hoạt, mỗi tháng tôi cố gắng để ra 5 triệu đồng", chị Vui cho hay.

Mất việc về quê, công nhân tìm cách trốn Tết - 5

Nếu không có vấn đề phát sinh, mỗi năm chị Vui cũng tiết kiệm được tầm 40-50 triệu đồng, cộng tiền thưởng Tết tương đương một tháng lương (5 triệu đồng). Khoản tiền không nhỏ này giúp chị mua quà cáp cho ông bà hai bên và con, cũng như có thêm khoản chi tiêu trong dịp Tết.

Từ tháng 6/2022, công ty ít đơn hàng, phải cắt giảm giờ làm của công nhân. Dù khó khăn nhưng công ty cố gắng duy trì 8 tiếng làm việc cho công nhân đủ nhận lương. Thu nhập của chị Vui và đồng nghiệp giảm sâu, chỉ quanh mức 6 triệu đồng/tháng. Sau 4 tháng cố gắng bám trụ nhưng cảm thấy không có nhiều hi vọng, chị Vui quyết định xin nghỉ việc sớm.

"Không thưởng Tết, không còn tích lũy, gom chỗ này, đập chỗ kia đủ tiền mua vé xe về và gói kẹo cho con. Có đồng nghiệp của tôi còn phải gọi điện cho chồng gửi tiền vào mua vé xe về", chị Vui kể.

Theo ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, trong năm 2022, có 845 người lao động từ các tỉnh phía Nam về đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, nhiều nhất là từ tỉnh Bình Dương với 370 người, Đồng Nai và TPHCM mỗi tỉnh, thành có 211 người.

Mất việc về quê, công nhân tìm cách trốn Tết - 7
Mất việc về quê, công nhân tìm cách trốn Tết - 9

Một năm nhiều khó khăn, nhất là thời điểm quyết định xin nghỉ việc để về quê nhưng chị Vui vẫn tự động viên mình có thời gian nhiều hơn để dành cho con. Nếu như năm ngoái, cận Tết mới về nhà thì năm nay, chị cùng bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, sắm sanh một số thứ phục vụ cho sinh hoạt, đưa con đi mua bộ quần áo mới. Chị cũng đã hoàn thành thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An và được chi trả 3,1 triệu đồng.

"Số tiền này đủ để mua tấm áo mới tặng bố mẹ, bộ quần áo cho hai mẹ con tôi và bánh kẹo Tết. Chắc ra Tết tôi ở nhà luôn, có thể kiếm một công việc ở doanh nghiệp gần nhà. Năm tới cháu bước vào lớp 1, cần mẹ kèm cặp việc học", chị Vui dự tính về tương lai gần.

Gánh nặng gia đình không cho phép chị Nguyễn Kim Xoan "xả hơi" đến Tết. Không có vốn, không có kinh nghiệm nào khác, chị Xoan khó để bắt đầu hướng đi mới. Sau nhiều ngày suy nghĩ, chị nộp hồ sơ xin việc vào một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Khu công nghiệp Vsip Nghệ An, dù rằng so với mặt bằng thu nhập ở TPHCM thì ở đây có sự chênh lệch khá lớn. Cuối tháng 12, chị Xoan bắt đầu công việc mới, hi vọng có khoản tiền mua cho con tấm áo mới, biếu bố mẹ hai bên đồng tiêu Tết. "Nghĩ đến Tết mà chạnh lòng lắm", người mẹ trẻ buồn rầu.

Mất việc về quê, công nhân tìm cách trốn Tết - 11

Ngoài công việc ở công ty, chị Xoan tranh thủ sáng sớm và tối muộn đi ship hàng. Chạy giữa những cơn gió lạnh buốt của ngày đông, nước mắt cứ trào ra nhưng chị dừng xe lại, gạt nước mắt, hít một hơi thật sâu, tự động viên mình rồi lại vội vã lên đường. Mỗi đồng, mỗi đơn hàng của chị bây giờ là gói mứt, gói bánh, là tấm áo mới… cho con, là hi vọng cái Tết đang cận kề đỡ thiếu thốn.

"Chắc năm nay trốn Tết luôn quá. Tôi dự định sắm sanh ít đồ đạc, thịt thà, bánh kẹo để ông bà hai bên và các con đón Tết rồi tranh thủ đi làm thôi. Vừa rồi tôi có hỏi được một nơi tuyển người giúp việc từ 27 Tết đến mùng 6, tiền công 500.000 đồng/ngày nhưng công ty tôi mãi 29 Tết mới được nghỉ. Bên môi giới bảo để họ thuyết phục chủ nhà xem có lùi thời gian cho tôi được không", chị Xoan cho hay.

Trước đó, tại buổi tổng kết công tác lao động, người có công và xã hội năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, ông Bùi Đình Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lựa chọn một số nhiệm vụ, tạo điểm nhấn trong ngành. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đặc biệt lưu ý việc kết nối, hỗ trợ người lao động có nhu cầu quay trở lại thị trường lao động, hạn chế tối đa tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm...

Về vấn đề này, nguồn tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị sẽ tham mưu UBND tỉnh, yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê, báo cáo số lao động mất việc trở về quê trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão để có kế hoạch giới thiệu, tuyên truyền, khâu nối người lao động và doanh nghiệp.
https://dantri.com.vn/an-sinh/mat-viec-ve-que-cong-nhan-tim-cach-tron-tet-20230110224330618.htm
 
Tết năm nay buồn quá các thím ạ, gần 20 tết rồi mà chẳng thấy tiền đâu, cũng k dám mua sắm gì nhiều :stick:

via theNEXTvoz for iPhone
Những ngày cuối năm, ai cũng tất bật, hối hả. Tuy nhiên, lại có những kẻ ăn không ngồi rồi, vô công rỗi nghề nghĩ ra muôn vàn lý do chống phá, nói xấu chế độ, đến nỗi tết cổ truyền của dân tộc cũng được chúng lấy làm chủ đề nói xấu, xuyên tạc Việt Nam với giọng điệu rất thê lương: “Một cái tết buồn”.
https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/140379/co-den-noi-nhu-vay-khong
anh nên sửa lại là "Tết năm nay không vui lắm các thím ạ..." nhé:sexy_girl:
 
Back
Top