Mèo Hello Kitty đi khắp thế giới

Cryolite.11

Member
https://tuoitre.vn/meo-hello-kitty-di-khap-the-gioi-20230110152257381.htm

Ra đời từ đầu thập niên 1970, hình ảnh mèo Hello Kitty đến nay đã trở thành một trong những biểu tượng toàn cầu không lẫn với ai của văn hóa Nhật.

Mèo Hello Kitty đi khắp thế giới - Ảnh 1.

Cảnh sát về hưu Masao Gunji với bộ sưu tập Hello Kitty trong nhà ở Yotsukaido, tỉnh Chiba - Ảnh: AFP

Giá trị thương hiệu của Hello Kitty ước tính khoảng 7 tỉ USD, mang lại nguồn thu lớn không chỉ cho chủ nhân Sanrio mà còn cho ngân sách quốc gia.

Làm thế nào để nhân vật hoạt họa này có thể trở thành biểu tượng "sức mạnh mềm" của Nhật Bản?

Những thông tin chia sẻ với Tuổi Trẻ từ bà Kyoko Obata, trưởng phòng quan hệ công chúng của Công ty Sanrio và chị Nguyễn Việt Hà, giám đốc Công ty Kennet tại Tokyo, giúp lý giải phần nào câu hỏi đó khi nhìn vào ba phương diện: thời điểm ra đời, văn hóa kawaii và chiến lược kinh doanh bản quyền thông minh của Sanrio.

Thông điệp khát vọng vươn lên​

Dòng thông tin "lý lịch trích ngang" của Hello Kitty trên trang web của Sanrio - thành lập năm 1960 với mảng kinh doanh quà tặng và phát triển thị trường - chỉ cho biết Kitty là một nhân vật không tuổi và được nữ họa sĩ Yuko Shimizu (nhân viên của Sanrio) sáng tạo vào năm 1974. Theo bà Kyoko Obata, dù có ngày sinh (1-11) nhưng Hello Kitty không phải được tạo ra vào ngày đó.

Dù vậy, mẩu "lý lịch trích ngang" là chỉ dấu thú vị nếu người ta biết rằng vào thập niên 1970, Nhật Bản đang bước vào một giai đoạn đặc biệt khi lòng tự tin của dân tộc giàu nghị lực và ý chí này đã được khôi phục và nền kinh tế bước vào đà phát triển thịnh vượng sau những năm u ám khi nước Nhật thất bại trong Thế chiến thứ 2.

"Nước Nhật với 100 triệu dân đã đắm mình vào thập niên 1970 với lòng tự tin được khôi phục và tinh thần sẵn sàng đối mặt với bất cứ thách thức nào", bài báo đăng trên nhật báo New York Times ngày 5-1-1970 viết, nhấn mạnh với tinh thần và ý chí đó, Nhật Bản đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Liên Xô khi đó. Và nhân vật Hello Kitty ra đời trong giai đoạn đầy khát vọng vươn lên đó của nước Nhật.

Bà Kyoko Obata cho biết theo các kết quả khảo sát người tiêu dùng từ năm 1974, các mô típ nhân vật phổ biến nhất là những hình ảnh liên quan chó, mèo và gấu. Về chó, họ đã thương mại hóa nhân vật Snoopy theo thỏa thuận bản quyền với đối tác, trong khi với gấu, họ đã tạo ra nhân vật Koro-chan. Việc sáng tạo ra hình ảnh Hello Kitty năm 1974 là sự phát triển tiếp theo dựa trên mô típ còn lại về mèo.

"Lý lịch" của Hello Kitty mô tả đây là hình ảnh một bé gái hiền hòa, dễ thương, có chiều cao bằng năm quả táo và cân nặng bằng ba quả táo. Cô bé sống cùng gia đình ở ngoại ô London (Anh), thích làm bánh cookies, thích chơi piano và rất giỏi tiếng Anh.

"Những đặc điểm tính cách của Hello Kitty đã gửi đi một thông điệp về ước mơ của nhiều gia đình Nhật lúc đó. Người Nhật yêu thương con gái, luôn tạo điều kiện để con gái được học hành đầy đủ, với nữ giới nói chung họ coi đó là đối tượng cần chăm sóc, nâng niu.

Những điểm tính cách đó còn cho thấy khát vọng của mỗi gia đình Nhật vào thập niên 1970 là con cái được hưởng thụ những tri thức nghệ thuật chung của nhân loại (chơi piano) và vươn ra thế giới hội nhập (giỏi tiếng Anh)", chị Việt Hà giải thích.

Cái tên Kitty được lấy cảm hứng từ tên con mèo nhỏ của nhân vật Alice trong truyện Through the lookingglass (Lăng kính tình yêu) - phần tiếp theo của tiểu thuyết thiếu nhi nổi tiếng Alice in wonderland (Alice ở xứ sở thần tiên) của nhà văn Anh Lewis Carroll.

Sanrio đã thêm chữ "Hello" vào trước "Kitty" khi quyết định chọn tên cuối cùng cho nhân vật của họ. Và vì Kitty ngoài nghĩa đen là "mèo con" thì cũng là biệt danh trong tiếng Anh để gọi những phụ nữ tên là Catharine hay Katharine.

Mèo Hello Kitty đi khắp thế giới - Ảnh 2.

Xe kéo chở khách du lịch được trang trí Hello Kitty ở Malacca, Malaysia năm 2017 - Ảnh: AFP

Bí quyết trở thành biểu tượng toàn cầu​

Bà Kyoko Obata cho biết kể từ năm 1976 Sanrio mới bắt đầu bán bản quyền nhân vật của họ cho các đối tác, một mảng kinh doanh hiện đang là nguồn thu chính của công ty. Theo tìm hiểu của chị Việt Hà, tới nay có hơn 50.000 dòng sản phẩm khác nhau liên quan Hello Kitty tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Là chuyên gia đã có 10 năm kinh nghiệm trong giảng dạy về các lĩnh vực tài chính - đầu tư, văn hóa doanh nghiệp, chị Hà nhấn mạnh tới yếu tố quan trọng đã làm nên thành công của biểu tượng văn hóa Hello Kitty, đó là hiệu quả của việc thực thi luật bảo hộ sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt tại Nhật và chiến lược kinh doanh bản quyền linh hoạt của Sanrio với các đối tác trong và ngoài nước.

"Việc bảo hộ tác quyền này đã giúp Sanrio có được nguồn thu rất lớn vì mỗi khi nhân vật Hello Kitty của họ được sử dụng, nguồn thu bản quyền được trả cho công ty trên cơ sở hợp đồng đã ký. Việc này trở thành động lực rất lớn để thúc đẩy ngành công nghiệp sáng tạo các nhân vật (còn gọi là "character business") vốn rất phát triển tại xứ sở mặt trời mọc.

Ở Nhật có những công ty như Sanrio chỉ làm một việc là sáng tạo các nhân vật hoạt hình độc đáo, dễ thương. Công ty Sanrio đã làm ra rất nhiều nhân vật khác nhau, nhưng đến nay Hello Kitty vẫn là thành công lớn nhất của họ", chị Hà nói.

Chỉ riêng tại Nhật, Hello Kitty là một trong số ít các nhân vật được phổ biến tại toàn bộ 47 tỉnh thành của Nhật và có trong vô số đồ chơi, vật dụng hằng ngày như đũa, giày thể thao, giấy vệ sinh, máy tính, hộp bút… và cả đồ ăn, đồ uống như bánh bao, rượu vang…

Chị Hà cho hay có những ngôi chùa Nhật đã mua bản quyền sử dụng hình ảnh Hello Kitty để làm các lá bùa bình an, may mắn. Tại mỗi tỉnh thành ở đây, Hello Kitty còn có trên những sản vật, mặt hàng đặc trưng của địa phương như đồi chè, trái cây…

"Với cơ chế thỏa thuận bản quyền rất linh hoạt của Sanrio, sau khi ký hợp đồng, đối tác được phép thỏa sức sáng tạo Hello Kitty theo cách họ muốn gắn với mục đích sử dụng riêng. Đây thực sự là cơ chế win-win (các bên cùng thắng). Win-win cũng là văn hóa doanh nghiệp nổi bật trong sự hợp tác giữa các công ty Nhật", chị chia sẻ thêm.

Theo thông tin trên trang web của Đài CNN, chính chiến lược kinh doanh thúc đẩy mạnh mẽ việc cấp phép bản quyền hình ảnh Hello Kitty trong sử dụng đa mục đích được Sanrio áp dụng vào khoảng năm 2009 này đã góp phần hồi sinh mạnh mẽ hình ảnh nhân vật, mang lại nguồn thu lớn và tăng giá trị thương hiệu của Hello Kitty lên mức ngang bằng với các thương hiệu lớn như McDonald's, Coca-Cola…

Cũng với chiến lược đó, năm 2015 Sanrio đã thu được 6,5 tỉ USD trong một năm trước đó từ bán bản quyền và là công ty lớn thứ 6 thế giới về thu nhập từ bản quyền, đứng sau các công ty như Walt Disney với nhân vật chuột Mickey lừng danh.

Giới quan sát nhận định có thể tới đây Sanrio sẽ nghiên cứu về tiềm năng hợp tác với các công ty khác của Nhật như Sony, Nintendo để thiết lập một cơ chế bản quyền trên nhiều hạng mục nội dung đồng thời như các chương trình truyền hình và game.

Mèo Hello Kitty đi khắp thế giới - Ảnh 3.

Hello Kitty biểu diễn tại một buổi hòa nhạc ở công viên Sanrio Puroland, Tokyo tháng 11-2014 - Ảnh: AFP

"Chúng tôi tin là việc lắng nghe những người hâm mộ của công ty, không ngại thay đổi, dám chấp nhận những thử thách mới là những yếu tố rất quan trọng" - bà Kyoko Obata cho biết những thay đổi tổng thể trong tạo hình khiến nhân vật Hello Kitty luôn phù hợp với tâm lý người dùng, từ trẻ em đến người lớn.

Hello Kitty chuyển đổi số​

Từ đầu năm 2022, Công ty Sanrio bắt đầu triển khai kế hoạch đưa Hello Kitty vào khai thác trên các mạng, trong đó có thế giới vũ trụ ảo (metaverse).

Sanrio đặt mục tiêu cho tới cuối năm 2031 thế giới sẽ dành tổng cộng 300 tỉ giờ với các nhân vật của họ, trong đó có Hello Kitty.

Bà Kyoko Obata cho biết kể từ khi thành lập đến nay, Sanrio đã tạo ra hơn 450 nhân vật, trong đó khoảng 80 - 100 nhân vật của họ đã được đưa vào cuộc thi bình chọn nhân vật yêu thích hằng năm tại Nhật với hàng chục triệu người hâm mộ Sanrio tham gia.

Nếu thành công trong chiến lược tham vọng này, công ty Nhật Bản tin rằng họ có thể soán ngôi của các ông lớn cùng thị phần như Walt Disney (Mỹ).

Để làm được điều đó, Sanrio đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhà bán lẻ trực tuyến Amazon, dịch vụ truyền hình số Netflix và cả các công ty kinh doanh token không thể thay thế (NFT).

"Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra 300 tỉ giờ Sanrio trong 10 năm tới, số thời gian (khách hàng dành cho các sản phẩm của Sanrio) là mảng kinh doanh trọng tâm mới của chúng tôi. Tôi biết mục tiêu đó lớn, nhưng nó thực tiễn" - anh Tomokuni Tsuji, 33 tuổi, CEO Công ty Sanrio, nói.

Nhà lãnh đạo trẻ này chỉ vừa giữ chức CEO vào tháng 7-2020 sau khi ông Shintaro Tsuji, 94 tuổi, nhà sáng lập Công ty Sanrio, bàn giao vị trí cho cháu nội.

"Ngày nay không thể chỉ đơn giản dán hình ảnh các nhân vật lên các sản phẩm và phát triển chúng", anh Tsuji nói, thừa nhận Sanrio đã hơi chậm trong việc triển khai chiến lược số cho các mảng kinh doanh của công ty.

Theo bà Kyoko Obata, kể từ khi thành lập năm 1960, triết lý "đồng hành với nhau" của Công ty Sanrio đã là nguồn cảm hứng để họ hợp tác với nhiều đối tác hơn nữa, tạo thêm các cơ hội để giúp mọi người "giao tiếp" với nhau thông qua các sản phẩm và dịch vụ giúp tăng thêm trải nghiệm tích cực với người dùng toàn cầu.

Hiện nay với khẩu hiệu "Một thế giới, kết nối những nụ cười" (One World, Connecting Smiles), bà Kyoko Obata hy vọng Sanrio sẽ tiếp tục mang những giá trị tới mọi người, khiến họ luôn được vui vẻ và cười nhiều nhất có thể, lan tỏa hạnh phúc trên toàn thế giới thông qua các sản phẩm của mình.

Mèo Hello Kitty đi khắp thế giới - Ảnh 5.

Máy bay Hello Kitty của EVA Air - Ảnh: CNN

...
 
Back
Top