Mùa Đông và món Bánh Ngào của Bố

Dst0808

Member
Khi những cây lau trên sườn đồi hé nở những bông lau màu tím ấy là cái lúc mà quê tôi vào đỉnh của những trận rét. Cái lạnh giá sẵn có của mùa đông và những cơn gió mùa Đông Bắc như những con dao sắc bén cứa vào da, vào thịt của chị em chúng tôi. Mỗi buổi sáng những làn khói đá bốc lên trên những quả đồi ấy là những lúc những đứa trẻ chúng tôi ''thể hiện'' biệt tài của bản thân. Từng đứa một trong đám chúng tôi cố hít một hơi thật to rồi thở ra đem theo hơi nóng từ trong cổ họng thoát ra ngoài. Vùng không khí lạnh giá bên ngoài khiến chúng biến thành một làn khói nhẹ nhàng mờ ảo bốc ra từ những cái miệng be bé xinh xinh trong sự tán dương và ngưỡng mộ của những đứa nhỏ hơn - như tôi chẳng hạn. Hễ có một ai có thể thở ra thật nhiều làm ra thật nhiều khói thì người ấy được cả bọn khen là hay, là giỏi. Chúng tôi thi thố với nhau như thế đến khi nào trời hửng sáng và hết khả năng ''làm khói'' mới thôi. Cả tuổi thơ của tôi trải qua những trò nghịch đơn giản như thế. Cho tới tận bây giờ những ký ức về làn khói nhỏ của những vành môi và những làn khói đá bên những quả đồi theo chân tôi bước những bước đồng hành của một trời kỷ niệm.
sadf-1200x676.jpg

Một bát bánh ngào của người dân xứ Nghệ.

Tuổi thơ chúng tôi lớn lên bên những hũ dưa cà, dọc mùng, muối lạc hay những món nhút. Nhút có thể hiểu nôm na là món ăn mà người ta đem một bộ phận của một hay một số loại cây (đó có thể là thân, lá hay quả non) ủ kỹ với một lượng muối mặn để dùng dần. Món nhút tùy thuộc vào loại cây, tùy từng mùa và nguyên liệu để làm nhút mà vị nhút sẽ thay đổi khác. Mùa hạ nắng nóng người ta sẽ muối nhút vị chua để giải nhiệt. Còn đông đến là những món nhút mặn hơn để giữ ấm cơ thể. Cũng có nhiểu vị nhút khác như ''vị ngọt lớ'' với nhút xơ mít chín, vị chan chát mặn của nhút lộc non cây đậu đỗ, vị chua chua của nhút mùng. Nhưng đại đa số các món nhút không chua thì cũng mặn chát. Cũng phải thôi vì chỉ có muối mặn mới giúp món nhút ''trường kỳ'' ấy mới bền, mới không bị hư và bị thối.
Ấy là một tối mùa đông như bao hôm khác khi mẹ tôi bắt đầu dọn bữa. Điều bất ngờ nhất là bố tôi bảo hôm nay ông sẽ làm món bánh Ngào đãi cả nhà. Đấy là lần đầu tiên chúng tôi được nghe cái tên bánh lạ như thế. Nó khác xa những cái tên như bánh bao, bánh rán,… mà mỗi lần lẽo đẽo theo mẹ đi chợ bán măng rừng nhưng chỉ dám trầm trồ nhìn ở những góc đằng xa. Chậc! thôi kệ, nó là bánh mà? chắc cũng ngon thôi ! Điều đó như một sự trấn tĩnh nhỏ nhoi cho những nghi ngờ món ăn của bố. Nghĩ thế nhưng đám chúng tôi vẫn thấp thỏm âu lo bởi hoàn cảnh gia đình như hiện tại không phải ăn độn sắn, độn khoai nữa là vui lắm rồi. Nói đến bánh trái chắc chắc chỉ có một chữ: ''Không'' từ bố tôi. Với những lý do riêng mà ông cấm chúng tôi không được đụng tới bánh trái. Ví như ăn bánh ngọt thì cứng bụng khó ăn cơm, hay tạo thành thói quen xấu từ đó hư hỏng, hư thân. Bởi thế, nghe nói hôm nay có bánh để ăn khiến cả đám chị em chúng tôi không khỏi bất ngờ xen lẫn tò mò và hồi hộp lo lắng.
Thú thật, trong những lần đi chợ với mẹ tôi vì tôi quá mè nheo mà bà cũng đã giấu bố tôi một đôi lần mua cho tôi bánh trái. Tôi vẫn nhớ những chiếc bánh bao nhỏ xinh dẹt tròn mà bà Sáu bán 500 đồng cho mỗi chiếc. Nó được lót một miếng lá chuối nhỏ hình vuông ở giữa để chống dính với những chiếc bánh khác. Điều đó cũng khiến nó nổi bật hơn với lớp vỏ bánh màu trắng. Khi bẻ đôi nó ra sẽ thấy phần nhân là những hạt đậu xanh được giã bể làm đôi đãi sạch vỏ với màu vàng óng ánh. Cắn nó một miếng mà tôi cứ rén. Cái vị bùi bùi xôm xốp của bột mì kết hợp với vị bùi của đậu kèm vị ngọt nhẹ của đường được nấu hòa tan, thêm cái mùi thơm của lá chuối xanh nữa. Thật tuyệt !
Những ký ức hiếm hoi được mẹ cho ăn hàng như một thước phim đen trắng chạy thật nhanh trong đầu tôi để rồi quay trở về hiện tại khiến tôi càng háo hức trông chờ món bánh của bố. Bánh Ngào của bố tôi không được làm từ bột mì mà đó là một bộc bột củ sắn. Và nó cũng chẳng có nhân như cái bánh của bà Sáu hay thêm nữa là bố mách rằng nó sẽ được nấu với mật mía thay vì đường cát. Nhìn những công đoạn bố tôi nhào bột trộn bánh, luộc bánh rồi cho chúng vào nồi mật đang keo lại khiến chúng tôi không nén nổi tò mò, nhưng tôi vẫn có cảm giác hụt hẫng. Bố thường bảo: ''con nhà lính, tính nhà quan'' để ám chỉ bọn chúng tôi luôn đòi hỏi vượt quá hoàn cảnh gia đình. Lần này tránh trường hợp bố trách than như thế chị tôi véo tôi một cái nhẹ như một lời cảnh cáo cho tật ''vạ miệng' của tôi. Rồi bánh cũng chín, bánh được luộc trong suốt. Bánh Ngào không nhân nhưng lại có một lớp áo màu vàng của mật mía trông cũng hấp dẫn không kém những món bánh bày bán ở chợ. Chẳng hiểu vì ăn nóng nhanh ngấy hay do sự hụt hẫng vốn có mà tôi chỉ đụng đũa đúng hai chiếc trong bát con rồi lắc đầu: Ngọt quá ! Bố tôi chau mày không vui còn mẹ tôi thì im lặng không nói gì. Bên ngoài những giọt mưa vẫn đều đều rả rích dường như nhân thêm không khí ảm đạm của mùa đông. Ngày ấy việc mỗi gia đình thiếu ăn, thiếu mặc là chuyện bình thường và tôi cũng chẳng bận tâm hay tủi buồn vì nó. Thậm chí lũ chúng tôi đi học về chỉ cầm củ sắn, ăn củ khoai rồi ra đồng. Buổi trưa chả động tới hạt cơm nào và cứ lầm lũi như vậy sống qua ngày. Cái sự ngây ngô của con nít không bao giờ hiểu nổi những khó khăn của người lớn. Con nít mà, vô lo vô nghĩ, chỉ thích đồ ngọt, chơi đùa và cả biếng ăn nữa.
Sáng hôm sau nồi bánh vẫn còn hơn quá nửa. Chị tôi nhoẻn miệng mà cười: ''Bánh ế!''. Nói vậy thôi chứ chị em tôi vẫn tiếp tục thử lại món bánh đặc biệt ấy. Nhưng lần này lại khác vô cùng, cái lạnh đêm qua khiến những chiếc bánh khô lại, khô cứng và sánh đặc cả phần nước, kéo ở dưới đáy nồi có thêm một ít gừng tươi. Cắn nó một miếng, không còn mùi hăng của bột, không quá ngọt như lúc ăn nóng, nước bánh lành lạnh thật ngon.
Năm tháng trôi qua chúng tôi lớn lên và đi nhiều nơi, biết nhiều những món ăn khác lạ trong đó có những món bánh ngon, bắt mắt vô cùng. Rồi tôi chợt nhớ cái món bánh ngào của bố nó không khác với cách làm bánh trôi nước ở thành thị. Tôi lại chột dạ về những sáng tạo của người dân quê. Thay vì làm bánh bằng bột nếp người ta chọn bột sắn để thay thế và bỏ đi phần nhân đậu xanh. Phần nước dừa với đường nấu bánh được thay bằng mật mía. Bánh bằng bột sắn sẽ lâu chín hơn nên người ta làm dẹt thay vì vo thành hình tròn. Có lẽ vì nó được tiết giảm quá nhiều nên cái tên cũng mộc mạc, dân dã hơn : bánh Ngào Mật hay bánh Ngào. Vậy là bánh trôi nước có từ lâu đời đã được thế hệ bà tôi biến tấu làm ra những chiếc bánh cho bố tôi và sau này đến lượt chúng tôi thưởng thức. Nó cũng như món bánh chưng bằng sắn, xôi sắn của người miền bắc hay những nồi khoai xéo của người miền trung. Tất cả chúng đều trở thành những món ăn "huyền thoại'' của thời kỳ khó khăn, vất vả.
Và bây giờ trước mắt tôi bây giờ còn nhiều điều phải lo lắng, phải suy nghĩ và gian nan nhưng khi nhớ lại những thời kỳ đã qua giúp tôi có thêm động lực để cố gắng để vươn lên trong cuộc sống. Giữa cuộc sống thị thành, nơi phồn hoa náo nhiệt nơi những cuộc sống bon chen xô bồ đầy những món ăn ngon, tiện lợi. Tôi vẫn không thể nào quên vị mằn mặn của những thứ nhút, vị bùi bùi của mít hông hay vị ngọt mát của những chiếc bánh ngày nào. Thứ sẽ đồng hành cùng tôi suốt hành trình còn lại của cuộc đời, bởi tôi biết rằng đó là dư vị của quê hương.
Nguồn : Internet
 
Last edited:
Back
Top