Khi Mỹ tìm cách tăng cường sự hiện diện của mình ở Đông Nam Á thông qua ngoại giao, Trung Quốc cũng thúc đẩy hợp tác khu vực với các giao dịch đầu tư và thương mại.
Theo nhận định của Giáo sư Syed Munir Khasru, Chủ tịch của Viện Chính sách, Vận động và Quản trị (IPAG), một tổ chức tư vấn quốc tế, trên tờ Thời báo Hoa Nam buổi Sáng (scmp.com) ngày 13/1, sự ra đời của RCEP và gia tăng thương mại Trung Quốc - ASEAN lên gần gấp đôi giá trị trao đổi Mỹ - ASEAN cho thấy cách tiếp cận của Bắc Kinh đang hiệu quả. Trung Quốc đã thành công trong việc làm sâu sắc hơn quan hệ với Singapore vào tháng trước, khi ký 14 thỏa thuận mới tại cuộc họp hợp tác song phương thường niên diễn ra ngày 29/12/2021.
Một hội nghị cấp bộ trưởng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Ảnh: AP
Bắc Kinh đã hoạt động tích cực ở Đông Nam Á từ những năm 1990, trở thành đối tác đối thoại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1996. Tháng 11/2020, 10 thành viên ASEAN đã ký tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc đứng đầu, hiệp định thương mại tự do lớn nhất có sự tham gia của một số cường quốc, nhưng thiếu vắng sự tham dự của Mỹ.
Chắc chắn, Mỹ vẫn là một cường quốc địa chính trị trung tâm, với các đồng minh ở Trung Đông, châu Á, châu Âu và Thái Bình Dương. Sự vắng mặt của các cường quốc quân sự lớn ở Đông Nam Á cũng đã giúp Mỹ có được chỗ đứng về địa chính trị trong khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã không ngừng thúc đẩy sản xuất, thương mại và đầu tư ở cả Đông Nam Á và trên toàn cầu, phát triển thành một cường quốc địa kinh tế bằng cách tăng cường quan hệ thông qua quan hệ đối tác kinh tế và thương mại.
Giáo sư Khasru cho rằng, chiến lược “Xoay trục sang châu Á” dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, thay vì tập trung vào kinh tế, đã dựa nhiều vào cách tiếp cận quân sự mạnh mẽ hơn nhằm kiềm chế Trung Quốc. Sau đó là chính sách “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), gây tổn hại đến quan hệ kinh tế và chính trị của nước này với Đông Nam Á.