Nét văn hóa nhìn từ đám cưới xưa và nay ở Hà thành

Oops!!!

Member

Đám cưới Hà Nội xưa phản ánh bối cảnh xã hội đương thời, thể hiện chân dung người Hà thành trong đời sống vật chất góp phần làm nên tập tục giá trị của Hà Nội văn minh, thanh lịch.​


Nữ thập tam, nam thập lục
Theo quan niệm xưa, việc dựng vợ, gả chồng trước hết là vì quyền lợi tiếp nối của gia tộc dòng dõi “lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống” hay “đàn bà thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con".
Không chỉ đáp ứng quyền lợi của gia tộc, cặp vợ chồng còn phải đáp ứng quyền lợi của làng xã. Nuôi lợn thì phải vớt bèo, lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng. Sau cùng, hôn nhân của đôi lứa lại trở thành cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy, trăm sự thương nhau nhưng cũng không thể đến được với nhau vì những ràng buộc xa xôi của thời thế xã hội, địa vị, giai cấp.
Nét văn hóa nhìn từ đám cưới xưa và nay ở Hà thành
Đám cưới của cố bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc năm 1936. Cô dâu mặc áo nhật bình, chú rể mặc áo ngũ thân và khăn vấn. Nguồn: Wikipedia
Trên giấy chứng thực ở làng xã, gia tộc khi nhắc tới việc cưới thì dùng từ “giá thú” (khi trai gái lấy nhau, người Việt gọi là đám cưới, lễ cưới hoặc gọn hơn là cưới, gọi theo tiếng Hán-Việt là giá thú).
Ngày đó, các cụ cũng truyền tai nhau rằng “nữ thập tam, nam thập lục” ý nói con gái dậy thì ở tuổi 13, con trai ở tuổi 16 có thể lập gia đình. Luật pháp thời ấy cũng không quy định rõ tuổi nào mới được kết hôn.
Lục lễ truyền thống
Những nghi thức cần phải làm cũng khá rườm rà với lục lễ. Sau thời gian mai mối qua lại, nhà trai sẽ bắt đầu từ lễ nạp thái, nhà trai đặt một lễ để thưa chuyện với nhà gái.
Nạp thái đã hoàn tất suôn sẻ, nhà gái đồng ý nhận lễ vật và đến bước thứ hai của lục lễ - vấn danh, nhà trai sẽ mời người mai mối tới nhà gái tìm hiểu tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của cô gái, để xem kiết hung-lành dữ.
Sau nghi thức vấn danh đến bước thứ ba là nạp cát. Giữa vấn danh và nạp cát, có một nghi lễ không hề đơn giản đó là hợp hôn, đây cũng được xem là một nội dung không thể thiếu của nạp cát.
Nét văn hóa nhìn từ đám cưới xưa và nay ở Hà thành
Lễ vấn danh, nhà trai sẽ cử một đoàn vài ba người cùng các lễ vật gồm chè, rượu, trầu, cau. (Nguồn: Webdamcuoi)
Trải qua 3 nghi thức trong lục lễ, hôn sự trên cơ bản đã hoàn tất, sau đó là sắp xếp việc đón dâu, nhưng trước hết cần phải chuẩn bị thỉnh kỳ. Thỉnh kỳ là việc ngay sau khi nhà trai chọn được ngày lành tháng tốt để hợp hôn. Người mai mối có trách nhiệm thông báo cho nhà gái biết, xem nhà gái có chấp thuận không, tương đương với “cáo kỳ”, “hạ nhật”, “tống nhật”, “thám thoại” của đời sau.
Đôi bên đã đồng ý hôn sự sẽ chuyển đến nạp trưng, sau khi hai bên nam nữ đã ký hôn, nhà trai tặng lễ vật cho nhà gái, cũng chính là tặng của hồi môn, làm lễ ăn hỏi mà người đời sau thường gọi.
Chỉ sau hoàn thành nghi thức này, nhà trai mới có thể sang nhà gái. Cuối cùng là lễ thân nghinh (tức lễ rước dâu hay lễ cưới): đúng ngày giờ đã định, họ nhà trai mang lễ đến để rước dâu về.
Các nghi lễ được lưu truyền từ đời này sang đời khác như luật bất thành văn. Đến đời vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) nghi thức cưới được đưa vào Quốc triều Hình luật (tức Luật Hồng Đức) trong chương Hộ hôn (58 điều quy định về hộ tịch, hộ khẩu, hôn nhân-gia đình và các tội phạm trong các lĩnh vực này).
Nét văn hóa nhìn từ đám cưới xưa và nay ở Hà thành
Lễ nạp trưng hay còn gọi là lễ thách cưới. Nội dung của lễ này là nhà gái đòi hỏi nhà trai phải nạp sính lễ như vòng, xuyến, hoa tai, xà tích…(Nguồn: Webdamcuoi)
Luật Hồng Đức cũng quy định về hình thức và thủ tục kết hôn như đính hôn và thành hôn (các điều 314, 315, 322). Cuộc hôn nhân có giá trị pháp lý từ sau lễ đính hôn. Ví dụ điều 315 quy định: Gả con gái đã nhận đồ sính lễ mà lại thôi không gả nữa thì phải phạt 80 trượng… Còn người con gái phải gả cho người hỏi trước…
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chính phủ ta phát động phong trào lối sống mới nên đám cưới cũng đơn giản và tiết kiệm hơn. Đặc biệt là những người dân Hà Nội đi theo cách mạng đi theo cách mạng về vùng giải phóng.
Đám cưới ở đây giống như một cuộc gặp mặt, cô dâu chú rể cùng bè bạn chung vui một tiệc trà nhỏ với thuốc lá và bánh kẹo. Thủ trưởng của đôi bạn trẻ đại diện cơ quan nói đôi lời chúc cô dâu chú rể hạnh phúc và cũng không quên nhắc nhở thực hiện tốt nghĩa vụ của mình đối với đất nước.
Nét văn hóa nhìn từ đám cưới xưa và nay ở Hà thành
Đám cưới thời chiến thường dán lên phông cưới những khẩu hiệu như "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”... (Nguồn: Tomtom)
Những đám cưới trong chiến khu đặc biệt ở chỗ chỉ được tổ chức vào buổi tối, tổ chức vào ban ngày sẽ bị máy bay của địch phát hiện. Tất cả đám cưới đều hô vang khẩu hiệu: “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”, đến hoa cưới cũng được thay thế bằng những bông cỏ dại, hoa rừng.
Nhưng ở nội thành khi đó các nghi lễ vẫn được diễn ra tuy nhiên phải tùy thuộc vào kinh tế của mỗi gia đình rồi thực hiện. Với nhiều thương nhân thành đạt, đám cưới là dịp để thể hiện sự giàu có và các mối quan hệ của gia đình với xã hội.
Khi kết hôn, đôi nam nữ phải ra chính quyền đăng ký gia bạ, chứng giám của gia đình 2 bên đến khi sinh con cũng phải khai báo xác nhận nên được coi như là sổ hộ khẩu bây giờ.
Có thể thấy rằng, đám cưới trong kháng chiến chống Mỹ và 10 năm sau khi đất nước thống nhất đã đọng lại sâu nhất trong ký ức của nhiều người dân Hà Nội. Đó chính là thời kỳ đầy khó khăn của đất nước, mọi nhu cầu cần thiết đều được phát theo hình thức tem phiếu.
Từ lục lễ giảm còn tam lễ: Dạm ngõ, ăn hỏi, cưới. Các nghi lễ đều được gia đình hai bên chuẩn bị rất chu đáo và trang trọng. Dân gian có câu “ăn hỏi, ăn cưới, ăn Tết”, nghĩa là dù giàu hay nghèo nhưng đã cưới là phải ăn. Để đám cưới tiến hành được suôn sẻ, nhiều gia đình phải chuẩn bị trước cả năm, đi vay đi mượn tem phiếu thực phẩm đến tăng gia chăn nuôi tiết kiệm.
Nét văn hóa nhìn từ đám cưới xưa và nay ở Hà thành
Dán lên phông cưới không phải chữ hỷ mà là lá cờ Tổ quốc, hình ảnh Bác Hồ cùng khẩu hiệu: “Tổ quốc trên hết, tiền tuyến trước hết”, “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”... (Nguồn: TomTom)
Đám cưới chủ yếu chọn ngày chủ nhật để tổ chức, tránh ngày năm, ngày bảy. Khách mời cũng được phân chia rõ ràng, từ gửi giấy báo hỷ mời đến liên hoan tiệc ngọt tại phòng cưới và mời dự bữa cơm thân mật cùng gia đình. Đám cưới của những năm tháng ấy mang tính cộng đồng sâu sắc, thể hiện suốt chặng đường cho đến khi kết thúc.
Mỗi cặp vợ chồng khi đăng ký kết hôn được cấp một phiếu cưới, trong phiếu cưới được cấp phát những đồ dùng như: Giường cưới, nồi nhôm, phích nước sôi, bộ ấm chén của nhà máy sứ Hải Dương, chậu men rửa mặt, đôi chiếu hoa, thuốc lá, bánh kẹo, 200 thiệp mời cưới…
Cho đến thập kỷ 1970, đám cưới của người Hà Nội được tổ chức tại các phòng cưới, khi ấy cả thành phố chỉ có vài ba phòng cưới cho thuê. Có thể kể đến như phòng cưới Hòa Bình ở đầu phố Bà Triệu, phòng cưới Trăm Hoa ở dốc Bà Triệu, phòng cưới Thủ Đô ở gần ga Hàng Cỏ.
Trang phục cưới cũng rất riêng, nếu chú rể là bộ đội thì mặc quân phục, cán bộ công nhân viên thì mặc comple. Cô dâu có điều kiện thì mặc váy cưới, không có sẽ mặc áo sơ mi, áo dài.
Đám cưới ngày nay ở Hà thành
Nhắc về đám cưới hiện đại ở Hà Nội ngày nay, người ta không còn nói đến một đám cưới nhiều gian nan, thử thách thời kháng chiến hay giản dị thời bao cấp. Đó là những đám cưới tròn đầy, viên mãn cả mặt vật chất lẫn tinh thần.
Quan niệm về tầm quan trọng của một đám cưới ngày nay vẫn được giữ nguyên vẹn, thậm chí còn rất xem trọng tổ chức theo các nghi lễ xưa của người Hà Nội. Các chi tiết nhỏ nhất từ tấm thiệp cưới cho đến hoa đặt bàn, bàn thờ gia tiên… đều được chăm chút tỉ mỉ, cẩn thận.
Đám cưới thế kỷ XXI tổ chức được chú trọng độc đáo, vừa có hướng hiện đại nhưng cũng pha chút yếu tố truyền thống, nhiều đám cưới lại tổ chức theo hướng truyền thống hoàn toàn.
Nét văn hóa nhìn từ đám cưới xưa và nay ở Hà thành
Những cô dâu, chú rể ở Hà Nội thời nay lại luôn mong muốn có những bộ ảnh cưới quay về thời chiến, thời bao cấp gắn với những con phố ở mảnh đất nghìn năm văn hiến. Ảnh: Đào Xuân
Cũng kể từ đó, các dịch vụ phục vụ cô dâu chú rể ở Hà Nội cũng nở rộ. Các công ty thiết kế thiệp cưới, cửa hàng trang sức cưới, nhà hàng khách sạn phục vụ tiệc cưới ngày càng phát đạt do nhu cầu đời sống vật chất của người dân Hà thành ngày càng cao.
Đây cũng là dịp mà tất cả mọi người đều cho rằng “cả đời người mới có một lần”, việc có được một cuốn ảnh cưới để đời là giấc mơ của hàng nghìn cô dâu, chú rể. Nhìn vào album ảnh cưới hiện đại người ta không khỏi ngỡ ngàng trước sự cầu kỳ, lộng lẫy của nó.
Tuy nhiên, hình ảnh những cô dâu, chú rể thời chiến, thời bao cấp vẫn đọng lại trong từng cuốn ảnh cưới của các cặp vợ chồng trẻ Hà thành. Đó là những góc hoài niệm, những mảng màu thời gian ghi dấu theo năm tháng không thể phai mờ.
https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/net-van-hoa-nhin-tu-dam-cuoi-xua-va-nay-o-ha-thanh-709488
Giấy phép số: 259/GP - BTTTT ngày 12-5-2021
© 2020 Bản quyền thuộc Báo Quân đội nhân dân
 
Back
Top