Ngành giáo dục và đào tạo - một năm nhìn lại

whitebear_01

Senior Member
Năm 2022 là năm học ghi dấu sự nỗ lực của toàn ngành, khi vừa chống dịch vừa kiên quyết mở trường học trên toàn bộ 63 tỉnh/thành phố. Cùng Báo Lao Động nhìn lại những sự kiện giáo dục nổi bật trong năm qua.
Ngành giáo dục và đào tạo - một năm nhìn lại
Năm 2022, sau gần 3 năm phải học trực tuyến để phòng, chống dịch bệnh, học sinh đã được trở lại trường học. Ảnh: Hải Nguyễn
Mở cửa trường học, đưa hoạt động giáo dục trở lại bình thường
Sau gần 3 năm liên tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, đến thời điểm tháng 4.2022, việc mở cửa trường học và các hoạt động trong nhà trường đã được trở lại bình thường.
Cùng với việc mở cửa trường học, ngành giáo dục đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với chất lượng giáo dục.
Tiếp tục lộ trình đổi mới giáo dục
Năm học 2022-2023 chương trình mới đang được triển khai ở lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10.
Năm học 2022, Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở lớp 1,2,3,6,7 và 10. Ảnh: Hải Nguyễn
Năm học 2022, Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10. Ảnh: Hải Nguyễn
Với một số môn học mới, môn học bắt buộc được triển khai trong năm học, Bộ GDĐT đã có những hướng dẫn, chỉ đạo địa phương để chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện.
Năm 2022, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ GDĐT đã tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, từ đó điều chỉnh Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với sự bố trí phù hợp về thời lượng và tính chất đối với môn Lịch sử.
Tích cực triển khai các gói hỗ trợ cho người dạy, người học chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19
Năm 2022, dịch COVID-19 khiến hàng trăm trường tư thục phải đóng cửa, hàng nghìn giáo viên phải nghỉ việc.
Để chia sẻ khó khăn và hỗ trợ kịp thời đối với các cơ sở giáo dục, người dạy, người học, nhiều gói hỗ trợ đã được Chính phủ và ngành giáo dục triển khai như: Gói hỗ trợ tín dụng cho học sinh, sinh viên; gói hỗ trợ tín dụng cho vay lãi suất ưu đãi đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; hỗ trợ với mức từ 2,2 triệu hoặc 3,7 triệu đồng đối với giáo viên mầm non, tiểu học trường ngoài công lập khó khăn do COVID-19; gói hỗ trợ đầu tư triển khai chuyển đổi số ... Các chính sách hỗ trợ vẫn đang tiếp tục được triển khai hiệu quả.
Đề xuất tăng lương cho giáo viên
Không chỉ thiếu giáo viên, tình trạng giáo viên nghỉ việc do các nguyên nhân về thu nhập, áp lực công việc và do nhiều cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa cũng là vấn đề nổi cộm của năm 2022.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Chính trị đã duyệt giao cho ngành Giáo dục hơn 65.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên từ nay đến năm 2026, riêng năm 2022 chỉ tiêu biên chế là hơn 27.000 giáo viên. Các Sở Nội vụ của các địa phương đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên.
Một trong các chính sách quan trọng đang được Chính phủ xem xét là tăng lương cho giáo viên. Đây sẽ là giải pháp ý nghĩa, hiệu quả để giải quyết đời sống, tâm lý giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác. Giáo viên thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non, vì vậy, Bộ GDĐT đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non.
Học sinh Việt Nam thắng lớn tại các kỳ Olympic quốc tế
4 học sinh Việt Nam đoạt huy chương Vàng Olympic Hoá học quốc tế 2022. Ảnh: Minh Hà
4 học sinh Việt Nam đoạt huy chương Vàng Olympic Hoá học quốc tế 2022. Ảnh: Minh Hà
Năm 2022, Bộ GDĐT cử 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam với 38 lượt học sinh tham gia Olympic quốc tế. Kết quả, 100% học sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải. Các đoàn Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao.
Năm 2022 - sau 19 năm kể từ năm 2003, Việt Nam có một học sinh đoạt huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế với số điểm tuyệt đối 42/42 điểm. Lần đầu tiên trong lịch sử tham dự Olympic Vật lý quốc tế có một học sinh mới học lớp 10 đoạt huy chương Vàng; đội tuyển dự Olympic Hoá học quốc tế có 4 học sinh dự thi cả 4 em đoạt huy chương Vàng.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được triển khai an toàn, chất lượng
Năm 2022, là năm đầu tiên Bộ GDĐT tổ chức đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT bằng hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2021-2022.
Việc đăng ký dự thi của thí sinh theo hình thức trực tuyến diễn ra an toàn, thuận lợi. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các Điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực và được triển khai đúng kế hoạch đề ra. Tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm 2022 là 98,57%.
Giáo dục Việt Nam gia tăng chỉ số xếp hạng quốc tế
Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Chỉ số xếp hạng các đại học của Việt Nam không ngừng gia tăng.
Theo Tạp chí U.S News & World Report của Hoa Kỳ, kết quả Bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu cho thấy: Trong kỳ xếp hạng năm 2023, số trường được xếp hạng là 2.165 trường, thuộc 95 quốc gia. Trong đó, Việt Nam có 5 trường đại học nằm trong bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu.

https://laodong.vn/giao-duc/nganh-giao-duc-va-dao-tao-mot-nam-nhin-lai-1132812.ldo
 
Back
Top