có tài liệu lịch sử không hay lại phân biệt vùng miền
có anh
Các dòng di dân phương Nam
Trong khi khu vực đồng bằng sông Hồng đón các dòng người từ phương Bắc, thì khu vực Thanh - Nghệ là điểm đến của các dòng di dân của các cư dân phương Nam. Vào thời Hán, đế quốc Kushana (30–375) của vùng biển Bắc Ấn Độ tích cực mở rộng buôn bán và truyền bá kinh Phật đến các vùng của châu Á. Vùng Giao Châu ngay từ sớm đã có sự tiếp xúc với những người đến từ “vùng biển phía Tây”, trong đó Luy Lâu – Bắc Ninh là trung tâm Phật giáo lớn nhất Lĩnh Nam lúc bấy giờ.14
Nhóm người Hồ - chỉ người Nam Á, thường xuyên được chào đón ở vùng Giao Châu vì những lợi ích thương mại. Trong lá thư của Viên Huy nhà Hán gửi cho Thượng thư lệnh là Tuấn Túc năm 207, khi miêu tả đoàn tùy tùng của Sĩ Nhiếp, đã nhắc đến “mười mấy người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương” (ĐVSKTT). Nhiều thương cảng quốc tế sớm được hình thành tại khu vực Thanh - Nghệ. Nghiên cứu khảo cổ học cho thấy Cửa Sọt của Nghệ Tĩnh là một thương cảng sầm uất kết nối vùng Vân Nam với Đông Á, Đông Nam Á và Trung Á. Đây là nơi tụ tập của các thương gia Hán, Chăm và Khmer. Đặc biệt, một lượng lớn các mộ của người Hán được tìm thấy ở vùng này.15 Cũng chính vì lợi ích thương mại mà các đoàn thủy quân của Chiêm Thành thường xuyên kéo lên vùng biển Thanh - Nghệ và thậm chí Thăng Long để đánh chiếm. Các thủ lĩnh địa phương vùng Thanh - Nghệ cũng liên kết với người Chăm để giành quyền kiểm soát mạng lưới thương mại, như cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế ở vùng Nghệ An năm 713 có sự hưởng ứng rộng rãi của người Lâm Ấp và Chân Lạp. Số liệu thời cuối Đường cho thấy có một sự thay đổi đáng kể về dân số vùng đồng bằng sông Cả, đây là kết quả của dòng di dân vùng Đông Nam Á, thường đi theo một nhóm gia đình lớn, bộ tộc hay dòng họ.16
Đề cập tới tính đa dạng sắc tộc ở khu vực Bắc Bộ, không thể không tính mối liên hệ với các nhóm người sống ở các khu vực miền núi Tây Bắc, ven biên giới vùng Vân Nam và Lào. Theo ghi chép của chính sử Đại Việt, năm 550, em trai Lý Nam Đế, là Lý Thiên Bảo, sau khi thua ở đồng bằng sông Hồng, đã thu nhặt tàn quân khoảng vạn người chạy sang đất người Di Lạo ở Ai Lao, lập nước Dã Năng, tự xưng là Đào Lang Vương [ĐVSKTT]. Đặc biệt là năm cuộc giao tranh giữa quân Nam Chiếu (738–937) - một đế quốc ở vùng Vân Nam với nhà Đường ở Giao Châu trong khoảng 846-866. Quân Nam Chiếu có bốn lần đánh chiếm Đại La (năm 846, 860, 862 và 863), đồng thời chiếm lĩnh vùng đồng bằng trung tâm trong khoảng hai năm (863-865). Riêng năm 863, quân Nam Chiếu hai lần chiếm Giao Châu, vừa giết vừa bắt gần 150 000 người, khi rút lui còn lưu lại 20.000 quân. Năm 865, tướng nhà Đường là Cao Biền đến vùng Nam Định, Phong Châu thấy hơn 50.000 quân Man đang gặt lúa. Khi Cao Biền dẹp yên quân Nam Chiếu thì có hơn 170.000 quân Man theo về [ĐVSKTT]. Đây chính là những minh chứng quan trọng cho sự tiếp xúc giữa nhóm dân cư ở mạn núi phía Tây Bắc với vùng đồng bẳng duyên hải. Các nhóm này luôn tồn tại với tính độc lập tương đối, sự lớn mạnh của họ đôi khi đủ sức đe dọa chính quyền ở Đại La và có thể di chuyển, định cư tại vùng đồng bằng.
Nhìn chung, cho đến cuối đời Đường, vùng vịnh Bắc Bộ có thể chia thành bốn khu vực. Khu vực trung tâm đồng bằng sông Hồng, vùng quanh Hà Nội, là trung tâm của chính quyền đô hộ phương Bắc. Đây là nơi tập trung của nhóm chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Hán và cũng như người di cư từ phương Bắc. Khu vực Tây Bắc của sông Hồng, xung quanh khu vực Phú Thọ vốn là trung tâm của nền văn minh Đông Sơn. Tại đây duy trì cả văn hóa bản địa và một phần văn hóa Hán. Khu vực đồng bằng sông Cả sông Mã và dải đất Tây Nam của sông Hồng, với trung tâm là Hoa Lư, là khu vực có ít ảnh hưởng văn hóa Hán hơn.
Và cuối cùng là vùng Thanh - Nghệ khu vực giáp ranh với nước Chiêm Thành ở phía Nam, là nơi khu vực pha trộn với nhóm người bản địa và di dân phương Nam, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ văn hóa Chăm pa và Ấn Độ, cũng là nơi có ít ảnh hưởng văn hóa phương Bắc nhất.17
Kể từ sau thế kỷ thứ 10, các nhóm này liên tục tương tác lẫn nhau, cùng hòa quyện vào một nền văn hóa chung, vừa mang yếu tố Đông Á vừa mang yếu tố Đông Nam Á của cư dân Đại Việt. □
---