Level up!
Senior Member
Mặc dù là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhưng nghịch lý là doanh nghiệp ngành điều lại có lợi nhuận khá thấp và luôn phải đối diện rủi ro phá sản, thua lỗ, thậm chí vi phạm pháp luật.
Xuất khẩu hàng top, nông dân vẫn nghèo
Từ năm 2006 đến nay, VN luôn đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều với xu hướng ngày càng tăng, thậm chí từng lập nhiều kỷ lục về kim ngạch và sản lượng xuất khẩu. Đơn cử như năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của VN đạt mức kỷ lục về giá trị với 3,63 tỉ USD. Sang năm 2022, xuất khẩu hạt điều giảm còn 3,08 tỉ USD nhưng tăng trở lại vào năm 2023 khi đạt 3,6 tỉ USD. Năm 2024, ngành điều đang kỳ vọng con số kim ngạch kỷ lục 4 tỉ USD.
So với kim ngạch xuất khẩu sầu riêng, hồ tiêu - những ngành đang sốt nóng hiện nay thì kim ngạch của điều còn cao hơn. Tuy nhiên, nghịch lý là sau nhiều năm phát triển, thu nhập của người nông dân trồng điều vẫn thấp và đặc biệt là doanh nghiệp ngành điều luôn đối mặt với rủi ro thua lỗ, phá sản.
Thống kê hiện nay cho thấy thu nhập của nông dân trồng điều vào khoảng 40 triệu đồng/ha và gần như không tăng trong 10 năm gần đây. Trong khi đó, nhờ giá tăng vọt, thu nhập của người trồng hồ tiêu có thể lên đến 500 - 600 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, người trồng tiêu có lãi khoảng 350 - 400 triệu đồng/ha. Với cây cà phê, với giá nhân trên 100.000 đồng/kg, người trồng cà phê đang có thu nhập tăng gấp đôi so với 2 năm trước, dao động ở mức lợi nhuận từ 200 - 300 triệu đồng/ha. Những vườn đầu tư bài bản, nghiêm túc có thể thu nhập đến 400 triệu đồng/ha. Còn nếu so với cây sầu riêng, mặt hàng đang nổi lên hiện nay, thu nhập của người trồng điều càng thua xa hơn nữa. Thời điểm giá bán sầu riêng tăng cao, dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg thì lợi nhuận thu về khoảng 960 triệu đồng/ha, bình quân mỗi cây sầu riêng có thể thu lợi nhuận trên 10 triệu đồng/năm.
Kim ngạch xuất khẩu cao nhưng lợi nhuận ngành điều lại rất thấp
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều VN (VINACAS), phân tích: "Từ nước chỉ xuất khẩu điều thô với số lượng không lớn, qua 20 năm nay VN đã trở thành nước xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới, chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu toàn cầu. Từ nước phải nhập thiết bị, công nghệ chế biến điều của nước ngoài, VN trở thành nước làm chủ công nghệ; xuất khẩu dây chuyền chế biến điều đến nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động, doanh nghiệp ngành điều vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, vùng trồng điều trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy. Để trở thành ngành hàng "tỉ đô" và chiếm phần lớn điều nhân xuất khẩu trên thế giới, từ lâu, ngành điều VN đã buộc phải nhập khẩu điều thô. Lượng điều thô nhập khẩu mỗi năm đã lên tới hàng triệu tấn, phần lớn là từ châu Phi".
Nhận định của ông Nhựt đồng nhất với thống kê của Hải quan. Năm 2023, đã có gần 2,9 triệu tấn điều thô nhập khẩu về VN, trong đó có hơn 2,2 triệu tấn là từ châu Phi. Riêng trong 9 tháng năm 2024, cả nước nhập 2,14 triệu tấn điều thô, trị giá 2,6 tỉ USD.
Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Sơn 1 - Phó chủ tịch VINACAS, nhận định: "Nếu so với giá điều thô thế giới thì giá điều trong nước cao hơn rất nhiều, đơn cử có thời điểm hạt điều thu mua trong nước lên đến 1.000 USD/tấn trong khi cùng thời điểm giá mua từ châu Phi chỉ có 300 USD/tấn". Tuy nhiên, thực tế giá hạt điều so với các loại nông sản khác thấp hơn nhiều nên hiệu quả kinh tế chênh lệch khá lớn.
Lợi nhuận thấp, rủi ro cao
Trò chuyện với Thanh Niên, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Long Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, thừa nhận: "Bao nhiêu năm nay ngành điều đạt kim ngạch hàng tỉ USD, nhưng thực tế chưa có doanh nghiệp ngành điều nào lên sàn chứng khoán, trở thành công ty đại chúng. Lý do quan trọng nhất là lợi nhuận của ngành điều quá thấp, bên cạnh đó là sự cạnh tranh rất lớn. Trước đây, các doanh nghiệp trong nước tự tranh mua tranh bán, còn hiện nay các nước châu Phi cũng đã dần chủ động công nghệ chế biến, cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp VN. Chúng ta hiện chỉ còn có lợi thế hơn các nước châu Phi ở trình độ người lao động. Để bóc tách được hạt điều thì phải qua nhiều công đoạn, các nước châu Phi đã làm được 80%, sau đó xuất khẩu sang VN để làm tiếp các khâu còn lại. Như vậy dần dần lợi nhuận của các nhà máy ở VN càng lúc càng giảm sút, công nhân sẽ ít việc làm hơn".
Ngoài áp lực cạnh tranh từ các nước châu Phi, ngành điều VN còn đang bị "trói tay" bởi các quy định pháp luật hiện hành. Theo VINACAS, một trong những rào cản lớn là quy định cứng nhắc trong việc tạm nhập, tái xuất hạt điều. Cụ thể, chính sách miễn thuế đối với nguyên liệu tạm nhập, sau đó chế biến và tái xuất tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, lô hàng nhập khẩu này không được chuyển nhượng, không được chuyển mục đích sử dụng, điều này khiến các doanh nghiệp điều dễ dính vào tội danh "buôn lậu".
Ông Tạ Quang Huyên (Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Sơn 1 - Phó chủ tịch Hiệp hội Điều VN) said:Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn giữ nguyên chính sách miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu để chế biến tái xuất. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết phải sang nhượng lô hàng thì cần có chính sách mở để doanh nghiệp khai báo lại và đóng thuế đầy đủ
Ông Tạ Quang Huyên bức xúc: "Doanh nghiệp ngành điều không cố ý làm sai quy định pháp luật, nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là điều thô sau khi được doanh nghiệp nhập về thì nhất định phải được tái xuất hoàn toàn, không thể sang tay hoặc chuyển mục đích sử dụng. Nhiều doanh nghiệp khi gặp khó khăn đành phải tìm cách bán trước và hợp thức sau, dẫn đến vi phạm pháp luật. Thực tế các trường hợp doanh nghiệp bị khởi tố hầu hết đều lâm vào cảnh cùng cực, phá sản mới phải làm liều".
Một số doanh nghiệp chế biến hàng điều giá trị gia tăng, đầu tư quy mô lớn và áp dụng công nghệ cao cũng gặp khó khăn vì luật An toàn thực phẩm. "Chúng tôi cần nguyên liệu hạt điều để sử dụng cho các sản phẩm bánh kẹo như chocolate, sử dụng hạt điều vỡ để pha trộn, thành phẩm sau đó xuất khẩu, nhưng cũng không được vì hạt điều châu Phi chưa được phép nhập khẩu để làm thực phẩm", đại diện một doanh nghiệp than thở.
Nghịch lý xuất khẩu tỉ USD nhưng thua lỗ rình rập của ngành điều
Mặc dù là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhưng nghịch lý là doanh nghiệp ngành điều lại có lợi nhuận khá thấp và luôn phải đối diện rủi ro phá sản, thua lỗ, thậm chí vi phạm pháp luật.
thanhnien.vn