Người dân TP.HCM dễ đổ bệnh hơn khi bước vào tháng nóng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
[td]Người dân TP.HCM dễ đổ bệnh hơn khi bước vào tháng nóng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.[/td]
8h30, Thành Nam (25 tuổi, sống tại quận Gò Vấp) vẫn còn chật vật trên đoạn ùn tắc ở đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) hướng về TP Thủ Đức. Giữa cái nắng chói chang cộng thêm khói bụi, anh cảm thấy mồ hôi thấm ra tận lớp áo khoác chống nắng, sốc nhiệt liên tục.
"Hễ ra ngoài là mồ hôi chảy đầm đìa. So với mùa nóng năm ngoái thì chưa bằng, nhưng cái nóng của năm nay cũng đã khiến tôi không thể chịu nổi", Nam chia sẻ với
Tri Thức - Znews.
Trong tháng 3-4, TP.HCM trải qua cao điểm mùa khô, nhiều hôm nhiệt độ cao nhất lên đến 38 độ C. Bên cạnh đó, chỉ số UV (tia cực tím) ở một số khu vực được ghi nhận ở mức 10 với khả năng gây hại cho da rất cao.
Tương tự Thành Nam, nhiều người dễ cảm thấy mệt mỏi, cảm sốt giữa cái nóng oi bức. Để đối phó, họ phải tìm cách tránh nóng như trốn trong phòng máy lạnh, che chắn thật kỹ mỗi khi ra đường, uống nhiều nước hơn.
Dễ cáu vì... trời quá nóng
Làm việc ở một công ty quảng cáo gần trung tâm thành phố, Nam kể gần đây anh và đồng nghiệp chỉ quanh quẩn ăn trưa ở các quán có máy lạnh cách văn phòng vài bước chân. Quán bình dân ngon, rẻ hơn lại ở xa nên ai cũng ngại đi vì sợ nắng.
Mấy ngày nóng nực, Nam thường xuyên uống nước cam để tăng sức đề kháng thay vì cà phê như trước kia. Dù xe nước mát ngay trước văn phòng, anh vẫn phải che chắn kỹ mỗi lần ra mua đồ.
"Cũng may là công ty không quá khắt khe về trang phục, tôi thường chọn đồ thoáng như quần short, áo ngắn tay đi làm", chàng trai cho biết.
Với Nam, mỗi lần nhận hàng từ shipper không khác nào "kiếp nạn". Nhiều lúc, anh phải lượn tới lui dưới "trời nóng như sa mạc" mới tìm được đúng người giao cho mình.
Thành Nam ưu tiên ăn trưa cùng đồng nghiệp ở quán có máy lạnh. Ảnh: NVCC.
[td]Thành Nam ưu tiên ăn trưa cùng đồng nghiệp ở quán có máy lạnh. Ảnh: NVCC.[/td]
Không chỉ gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt, Nam cho rằng thời tiết oi bức cũng khiến tính tình của mình dễ cáu gắt hơn.
Cách đây vài tuần, một thực tập sinh trong nhóm của Nam quên nhắc KOC đăng video quảng bá sản phẩm, dẫn đến việc nghiệm thu bị chậm trễ. Sự cố này khiến cả team bị cấp trên khiển trách. Trong lúc nóng giận, Nam trút lên cấp dưới.
"Thay vì nhắc nhở như bình thường, không hiểu sao, tôi trở nên gay gắt hơn trong tình huống này, có lẽ do trời nóng quá. Sau khi bình tĩnh lại, tôi thấy mình phản ứng thái quá", anh chàng bộc bạch.
Cũng "vật vã" vì nắng nóng, Như Ý (26 tuổi, sống tại TP Thủ Đức) cho biết mỗi lần bước ra đường, tim cô đập nhanh, mắt hoa lên như muốn ngất xỉu. Trong khung giờ 10-15h mỗi ngày, cô luôn cố tránh ra đường.
"Tôi không biết đi xe máy nên mỗi ngày đi làm đều phải di chuyển bằng xe buýt có điều hòa. Tuy nhiên, tôi không bao giờ chủ quan. Kính mát, khẩu trang, áo khoác dài tay, vớ và dù là 'combo' bắt buộc mỗi khi ra khỏi nhà", cô nàng sinh năm 1999 nói.
Mặc dù đi xe buýt có điều hòa, Như Ý vẫn cảm thấy sốc nhiệt. Ảnh: NVCC.
[td]Mặc dù đi xe buýt có điều hòa, Như Ý vẫn cảm thấy sốc nhiệt. Ảnh: NVCC.[/td]
Bên cạnh che chắn kỹ càng và tránh ngồi gần cửa sổ để hạn chế tiếp xúc với ánh nắng, Như Ý luôn mang theo chai nước cỡ lớn khoảng 2 lít khi đi làm.
Ở văn phòng của cô gái sinh năm 1999, điều hòa thường được để ở mức khoảng 24 độ C. Những lúc cảm thấy quá nóng, cô và đồng nghiệp sử dụng thêm quạt cầm tay hoặc quạt điện mini để làm mát.
"Tủ lạnh trong khu vực pantry (nơi để thực phẩm và dùng bữa trong văn phòng - PV) của công ty tôi thường xuyên rơi vào tình trạng hết đá. Các cô tạp vụ làm đá liên tục nhưng vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu", cô chia sẻ.
Đến trưa, thay vì ăn ở ngoài, Ý và đồng nghiệp thường rủ nhau đặt đồ ăn qua các ứng dụng. Không ít người chăm chỉ mang cơm hẳn từ khi nắng nóng vì không muốn ra ngoài.
"Tôi chủ yếu làm việc trong văn phòng, nhưng những hôm phải gặp trực tiếp đối tác bên ngoài, tôi thường tốn thêm 30-40.000 đồng để đặt xe hơi", cô nói thêm.