Người ‘hồi sinh’ mạch máu não

Cryolite.

Senior Member
https://tuoitre.vn/nguoi-hoi-sinh-mach-mau-nao-20230226100712428.htm

Đó là PGS.TS.BS NGUYỄN HUY THẮNG - chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, kiêm trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115.

Người ‘hồi sinh’ mạch máu não - Ảnh 1.

PGS.TS.BS NGUYỄN HUY THẮNG - chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, kiêm trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 - chia sẻ về nghề trong bối cảnh số người bị đột quỵ tăng nhanh, riêng ca tử vong đã đứng đầu các bệnh lý ở Việt Nam - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

PGS.TS.BS NGUYỄN HUY THẮNG - chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, kiêm trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) - là bác sĩ đầu tiên tại Việt Nam được vinh danh giải cống hiến của Hội Đột quỵ thế giới.

Trong bối cảnh số người bị đột quỵ tăng "chóng mặt", số người tử vong vì căn bệnh này ở Việt Nam đã và đang nằm trong "top" dẫn đầu trong các bệnh lý, PGS Thắng chia sẻ:

"Làm trong ngành đột quỵ sẽ gặp "gai" nhiều hơn hoa hồng và cái chết vì đột quỵ không phải là kết cục bi thảm nhất. Dù số bệnh nhân đột quỵ mới đang tăng nhanh và số ca tử vong đã dẫn đầu các bệnh lý nhưng chúng ta đã có những tiến bộ rất lớn trong điều trị bệnh đột quỵ so với trước đây".

Những con số khủng khiếp​

* Là nơi "đầu sóng ngọn gió", chắc hẳn khoa bệnh lý mạch máu của bệnh viện phải tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đột quỵ?

- Khoa bệnh lý mạch máu não thành lập vào năm 2006. Thời điểm này tổng số bệnh nhân đột quỵ nhập viện là khoảng 1.000 ca/năm. Con số này đã tăng theo từng năm và trong những năm gần đây luôn vượt 15.000 ca/năm.

Khi tôi báo cáo thông tin này tại các hội nghị quốc tế, nhiều bác sĩ nước ngoài nghe nhầm lẫn con số 15.000 ca/năm là tổng số của 115 bệnh viện tại Việt Nam. Tôi nhấn mạnh "Only one". Họ rất bất ngờ và cho rằng đây là con số rất khủng khiếp.

Vì cơ số giường có giới hạn nên nhiều lúc bệnh nhân phải nằm băng ca. Công việc của các nhân viên y tế tại khoa luôn quá tải. Hiện tại, chúng tôi phải cố gắng rút ngắn thời gian điều trị, với mục đích có thể đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân.

Người ‘hồi sinh’ mạch máu não - Ảnh 2.

"Khi làm và thất bại càng nhiều, tôi càng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, từ đó giảm rủi ro cho bệnh nhân nhiều nhất", PGS Thắng chia sẻ bài học kinh nghiệm sau 25 năm gắn bó với khoa bệnh lý mạch máu não và chuyên ngành đột quỵ - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nhắc đến đột quỵ, người dân quan tâm nhiều đến chuyện sống chết, nhưng với người làm trong ngành này thì cái chết không phải là kết cục bi thảm nhất, mà là tàn phế. Hiện tỉ lệ tử vong của người bị đột quỵ chiếm 15-20% trong tổng số ca mắc, nhưng tỉ lệ người bị tàn phế là 50% và 30% còn lại may mắn được trở lại bình thường như trước đột quỵ.
PGS.TS.BS NGUYỄN HUY THẮNG

Không thể thay đổi tất cả, bài học kinh nghiệm từ thất bại​

* Chứng kiến nhiều bệnh nhân đột quỵ không qua khỏi, hay phải chịu sống đời thực vật, điều ông trăn trở nhất là gì?

- Không chỉ bệnh nhân, ngay chính người thân, bạn bè, đồng nghiệp của tôi cũng nhiều người bị bệnh đột quỵ. Dù y học đã có rất nhiều tiến bộ trong thời gian gần đây, nhưng cũng có giới hạn, không thể thay đổi tất cả. Thực tế có nhiều ca chúng tôi cứu sống ngoài mong đợi, nhưng cũng có ca vào bệnh viện trong tình trạng chưa nặng, khi điều trị thất bại thì bệnh nhân nặng hơn sau đó.

Khi làm và thất bại càng nhiều, tôi càng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, từ đó giảm rủi ro cho bệnh nhân nhiều nhất. Trong đó kinh nghiệm lớn nhất là ngay khi tiếp nhận bệnh nhân có thể tiên lượng chính xác tình trạng của họ, phân tích những lợi ích và rủi ro ngay từ đầu, trước khi áp dụng kỹ thuật nào đó.

Bác sĩ giỏi chỉ có thể làm giảm bớt nguy cơ, chứ không thể làm mất đi nguy cơ hoàn toàn. Nếu người bệnh và gia đình không chia sẻ điều này, khi có rủi ro, nhân viên y tế sẽ phải chịu áp lực rất lớn.

Người ‘hồi sinh’ mạch máu não - Ảnh 4.

Với điều trị tái thông, các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 đã nâng tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ có thể phục hồi tốt từ 30% lên trên 50% - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Từ số 0 đến lọt vào top châu Á​

* Áp lực và rủi ro cao, điều gì khiến ông gắn bó với ngành đột quỵ trong hàng chục năm qua?

- Trước đây, vào khoảng năm 2005, ngành đột quỵ ít được quan tâm tại nước ta và gần như không có ai được đào tạo chuyên ngành đột quỵ, dù số lượng bệnh bị đột quỵ vào thời điểm này đã nhiều. Tôi học chuyên ngành thần kinh, có nghe về đột quỵ nhưng không biết nó hay và thú vị đến vậy cho đến khi tự túc tu nghiệp chuyên ngành đột quỵ tại Viện Đại học Quốc gia Singapore và Đại học UAB (Hoa Kỳ) từ năm 2005 - 2008.

Khi tiếp cận y học tiên tiến nước ngoài, tôi thấy ngành đột quỵ rất hữu ích, có tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Đặc biệt số lượng bệnh nhân đột quỵ lúc bấy giờ nhiều nhưng chúng ta không làm được gì trong giai đoạn cấp, ngoài cho uống thuốc, truyền dịch…

Tôi thấy được ý nghĩa của ngành là có thể làm thay đổi cuộc sống của một con người, nhất là khi áp dụng chiến lược điều trị cấp. Tôi và đồng nghiệp tiếp tục chia sẻ niềm đam mê này, và đến nay đã phát triển hơn 90 trung tâm đột quỵ trên cả nước.

* Vậy sau khi "đầu tư" vào giai đoạn cấp, số lượng người bị đột quỵ được điều trị thành công thay đổi như thế nào?

- Nếu vào năm 2006, số lượng bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam được điều trị cấp chỉ đếm đầu ngón tay, thì đến nay đã có trên 5.000 bệnh nhân được điều trị tái thông hằng năm. Tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ có thể phục hồi tốt từ 30% lên trên 50%.

Hiện tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ được điều trị cấp ở nước ta được xếp trong nhóm những nước cao nhất ở Đông Nam Á và cũng nằm trong hạng top ở châu Á.

Người ‘hồi sinh’ mạch máu não - Ảnh 5.

Bên cạnh là trưởng khoa bệnh lý mạch máu Bệnh viện Nhân dân 115, PGS Thắng tham gia rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đứng đầu ngành y khoa trên thế giới với mong muốn "thay đổi cách nhìn của thế giới đối với chúng ta" - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Thay đổi cách nhìn thế giới với Việt Nam​

* Bên cạnh những cống hiến quên mình trong việc điều trị bệnh nhân đột quỵ, thì nhiều người biết đến ông qua những giải thưởng "khủng" và tham gia nghiên cứu khoa học...

- Tôi vinh dự là bác sĩ đầu tiên của Việt Nam được vinh danh tại giải Cống hiến của Hội Đột quỵ thế giới năm 2019. "Quả ngọt" này không phải là tôi điều trị cấp thành công cho bao nhiêu bệnh nhân, mà là tôi và nhiều đồng nghiệp đã làm gì để thay đổi mạng lưới điều trị đột quỵ cho quê hương.

Còn về nghiên cứu, đến thời điểm hiện tại, tôi và các cộng sự có trên 50 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều đề tài đăng trên các tạp chí nổi tiếng, đứng đầu ngành y khoa trên cả thế giới như The New England Journal of Medicine (NEJM), tạp chí The Lancet, JAMA, Stroke.

Với tôi, nghiên cứu khoa học không phải báo cáo thành tích, không vẽ vời, mà cần làm đàng hoàng, nghiêm túc, minh bạch để thu thập thông tin một cách tốt và khách quan nhất. Nghiên cứu cũng giúp chúng ta hội nhập với thế giới, để thay đổi cách nhìn của họ đối với chúng ta.

* Cảm ơn ông!

...
 
Back
Top