Người khuyết tật truyền nghị lực trên mạng xã hội - Kỳ 4: Công nghệ đổi thay đời tôi

Cryolite.

Senior Member
https://tuoitre.vn/nguoi-khuyet-tat...g-nghe-doi-thay-doi-toi-20230305000547333.htm

15 tuổi mới bắt đầu học lớp 4, bị gọi là người ngoài hành tinh, ít ai nghĩ giờ đây cô gái khuyết tật tay chân bẩm sinh Nguyễn Thị Huyền vừa là cô giáo vừa là người truyền cảm hứng trên mạng xã hội.

Dù khuyết tật, chị Huyền luôn lạc quan, xem điều đó chỉ là bất tiện chứ không phải bất hạnh - Ảnh: D.Q.

Dù khuyết tật, chị Huyền luôn lạc quan, xem điều đó chỉ là bất tiện chứ không phải bất hạnh - Ảnh: D.Q.

"Khuyết tật với tôi chỉ là bất tiện, không phải bất hạnh", Huyền mở đầu câu chuyện.

Lớp học của "chị giáo content"​

Di chuyển bằng xe lăn điện đến gặp chúng tôi tại quán cà phê gần nhà trọ ở phường Đông Hòa, TP Dĩ An (Bình Dương), cũng là nơi thường dạy học, Huyền tươi rói trong chiếc áo trắng, nụ cười thắm đỏ trên môi.

Nguyễn Thị Huyền là con thứ tư trong gia đình làm nông có bảy anh chị em ở huyện Đắk Mil (Đắk Nông). Mẹ gặp tai nạn khi đang mang thai khiến cô gái sinh năm 1990 được sinh ra trong hình hài gù lưng, đôi tay cong vẹo, chân không lành lặn và phải ngồi xe lăn suốt đời.

Thân hình nhỏ bé và không có điều kiện khiến chị bắt đầu học tiểu học vào năm 15 tuổi, và vào thẳng lớp 4 sau khi vượt qua kiểm tra năng lực. Huyền học rất giỏi nhưng ngày tháng đến lớp thường đẫm nước mắt bởi bị bạn bè xa lánh, bị gọi là "yêu quái, người ngoài hành tinh". Học xong lớp 12, dù thích văn chương song chị chọn học công nghệ thông tin vì được gợi ý ngành này hot, đặc biệt có thể làm việc tại nhà, phù hợp với điều kiện của chị.

Ý thức hoàn cảnh bản thân, cô gái nhỏ nhắn tự lập kể từ lúc vào Sài Gòn học, bên cạnh sự giúp đỡ của bạn bè. Chị có thể làm được một số sinh hoạt cơ bản, việc nào khó sẽ nhờ giúp đỡ. Không muốn làm gánh nặng, từ cuối năm nhất, chị bắt đầu ngưng nhận trợ cấp từ gia đình mà tự đi làm kiếm tiền.

Học công nghệ thông tin nhưng hiện Huyền là cô giáo dạy content marketing. Nói về lý do làm trái ngành, chị cho biết cuối năm tư đại học có đi làm thêm cho một công ty về content SEO rồi thấy thích, làm được vài tháng phải nghỉ do chân bị áp xe.

"Sau đó, tôi được người bạn gợi ý mở lớp dạy content marketing vì thấy nghề này còn mới, ít người biết. Ban đầu cũng ngại vì mình chưa có gì nổi bật, sợ dạy người ta không nghe. Nhưng tôi vẫn mở lớp ít ít dạy online lẫn offline, chủ yếu người quen, dạy theo khả năng của mình nên học phí chỉ lấy cho có", chị cho biết. Sau thời gian, Huyền được nhiều người biết đến, đăng ký theo học và phải tuyển thêm trợ giảng.

Đến nay, sau 4 năm làm "chị giáo content" - biệt danh thân thương mà học viên đặt, chị Huyền có trên dưới 1.000 học viên đa dạng như sinh viên, mẹ bỉm sữa, chủ doanh nghiệp, người đang làm kinh doanh ở nước ngoài như Đài Loan, Nhật Bản...

"Vui nhất là học viên học xong đi làm được khách hàng hoặc chủ doanh nghiệp hài lòng, có bạn tiếp tục đăng ký học khóa khác" - chị nói và cho hay do dạy về SEO nên luôn trong tâm thế trao dồi, cập nhật thường xuyên để truyền đạt kiến thức, giải đáp cho học viên.

Hiện chị Huyền điều phối một nhóm dạy content SEO gồm khoảng 30 người. Ngoài ra, chị còn nhận dự án từ các doanh nghiệp về cho các bạn cộng tác viên làm, cùng tạo ra thu nhập.

Không lên mạng để được thương hại​

Cô gái chỉ cao 1,32m, nặng chưa đến 30kg, thu hút người đối diện không chỉ bởi ý chí vượt khó mà còn năng lượng tích cực. Ngoài công việc giảng dạy, Huyền còn bén duyên với mạng xã hội TikTok bằng cách đăng video về câu chuyện, khoảnh khắc vui vẻ, góc nhìn quanh cuộc sống. Các clip do cô tự quay bằng điện thoại rồi ghép thành clip hoàn chỉnh, hôm nào đi cùng bạn sẽ nhờ quay giúp.

Như nhiều TikToker, các clip ban đầu của Huyền rất ít người xem. "Nhiều người góp ý tôi đừng làm, mất thời gian mà không có người quan tâm. Dù có thì người ta chỉ xem và thích theo kiểu thương hại thôi, một thời gian tôi cũng nản rồi bỏ. Tôi muốn thay đổi suy nghĩ đó. Tôi không đưa những khiếm khuyết, đau khổ của mình ra để người ta thương mà chỉ muốn mang đến những điều tích cực mỗi ngày tôi có", chị chia sẻ.

Cho đến thời điểm dịch bùng 2021, kênh TikTok của Huyền mới được lan tỏa, nhiều người biết đến qua clip với nội dung đừng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. "Hôm đó tôi đi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mà không book được xe công nghệ. Có một người là bạn của bạn tôi ở gần đó đề nghị đưa tôi đi. Anh này làm nghề cắt tóc nhưng có ngoại hình hệt như... giang hồ. Anh bế tôi đi, người bạn đi sau quay clip lại.

Tôi về up lên mạng cho vui và muốn nói là đừng nhìn vẻ bề ngoài mà đánh giá một người, vì trước đó chưa tiếp xúc với anh thì tôi cũng thấy sợ sợ. Video đó bỗng nhiên lên xu hướng trên TikTok được rất nhiều người xem rồi theo dõi kênh của tôi", chị nhớ lại. Các video được đăng lên đa số không đầu tư chỉn chu, chuyên nghiệp nhưng nhận được sự yêu mến của nhiều bạn trẻ, trong đó truyền cảm hứng sống rất lớn đến những hoàn cảnh khuyết tật.

"Hôm qua tôi có đăng video là tôi 33 tuổi rồi nhưng cách ăn mặc của tôi thế này thế kia, đó là trend đang thịnh hành trên TikTok. Một số bạn xem video xong mới chia sẻ câu chuyện bản thân, chẳng hạn bạn ấy bị gù lưng không dám mặc đồ bó, lúc nào cũng mặc phùng phình để che đi khuyết điểm. Còn Huyền có thể tự tin khoe ra những điều đó mà không cần ái ngại ánh nhìn của người khác" - cô gái tâm sự và cho biết lúc nào cũng yêu đời, nhìn cuộc sống lạc quan.

Bên cạnh yêu thích, cũng có một số bình luận tỏ ý không hài lòng. Những comment nào tiêu cực, chị Huyền sẽ giải thích rõ. "Có khi tôi đăng clip về tình yêu, hôn nhân gia đình thì có nhiều người nói là bị như vậy mà lấy chồng làm gì cho khổ, con cái không ai lo, có muốn lấy thì nhà chồng cũng không cho phép", chị kể. Trước đó, Huyền từng có bạn trai nhưng không thành do gia đình người yêu không chấp nhận cưới cô gái bị tật. "Tôi không vì vậy mà mặc cảm hay buồn phiền, như cha tôi hay nói là nếu người ta đồng ý luôn mới là chuyện lạ, còn ngăn cản thì hết sức bình thường", chị nói.

Huyền đang dạy content marketing cho học viên tại một quán cà phê - Ảnh: NVCC

Huyền đang dạy content marketing cho học viên tại một quán cà phê - Ảnh: NVCC

Công việc tốt hơn nhờ mạng xã hội​

Theo chị Huyền, mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ nếu biết tận dụng. "Dù có nhiều mặt trái cần chọn lọc, nhưng nhờ nó mà cuộc sống của tôi tốt hơn. Tôi học tập, làm việc, giải trí, giao tiếp và truyền cảm hứng tới mọi người đều dựa vào đây. 70% học viên đều biết tới tôi thông qua mạng xã hội.

Khi ra đường, nhiều bạn nhận ra tôi, bảo thường vào kênh tôi xem để tìm ra năng lượng tốt. Hôm trước đi chợ đêm ở làng đại học Thủ Đức có một bạn bán hàng ở đó gặp tôi, chia sẻ là xem clip của tôi họ thấy được truyền cảm hứng sống tích cực", chị tâm sự.

Chị chia sẻ thêm: "Tôi luôn nỗ lực để có thể làm được nhiều thứ và có thành tựu nhất định, khi đó truyền cảm hứng mới có cơ sở để người ta tin, tốt hơn là mình chỉ biết nói. Tôi muốn mình được công nhận và thành công hơn để cuộc sống hôm nay dễ dàng hơn hôm qua một chút. Ngoài ra còn để báo hiếu vì ba mẹ đã hy sinh cho tôi nhiều". Công việc dạy học không chỉ khiến cuộc sống tốt hơn mà còn giúp chị Huyền có thể mua quà cho ba mẹ như giường massage, xe máy, tivi, tủ lạnh...

Còn với cuộc đời, chị cho biết không đặt ra kế hoạch phải làm được việc lớn lao gì hay tháng này, năm này phải đạt được thế này thế kia. "Tôi chỉ muốn mỗi ngày trôi qua đều thấy ý nghĩa, làm được gì cho ai và cho bản thân mình", chị trải lòng.

...
 
Back
Top