Level up!
Senior Member
Chỉ tính riêng năm 2023, lượng thuốc lá sản xuất trong nước đạt 5,3 tỉ bao. Trong đó, lượng tiêu thụ trong nước lên đến 4 tỉ bao thuốc mỗi năm (theo số liệu năm 2021) với trên 15 triệu người Việt hút thuốc.
Chỉ tính riêng năm 2023, lượng thuốc lá sản xuất trong nước đạt 5,3 tỉ bao. Trong ảnh: phụ nữ hút thuốclá ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Theo các chuyên gia về y tế, đây là con số đáng lo ngại. Việc hút thuốc lá đang gây ra hàng loạt gánh nặng về bệnh tật gây tử vong sớm.
Tăng thuế thuốc lá là một giải pháp cần thiết vừa được Chính phủ đề xuất trong dự thảo tờ trình Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 trong tháng 10 này và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025).
Giá thuốc càng rẻ, sức mua càng tăng
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Chính phủ đề xuất thuế đối với mặt hàng thuốc lá điếu được giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình với 2 phương án (xem đồ họa).
Báo cáo của Chính phủ cho biết cả hai phương án tăng mức thuế tuyệt đối nêu trên đã được gửi xin ý kiến rộng rãi.
Các phương án đều đã được cân nhắc tính toán trên cơ sở các yếu tố như giá thuốc lá tại Việt Nam đang ngày càng rẻ so với thu nhập, dẫn đến sức mua thuốc lá tăng.
Thông tin về hệ lụy của thuốc lá, theo đại diện Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi... là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Như nghiên cứu của Bệnh viện K, tỉ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%.
Do vậy, trong dự thảo tờ trình Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi lên Quốc hội, Chính phủ nhấn mạnh chọn phương án 2.
Bởi với việc tăng thuế tuyệt đối như đề xuất phương án 2 thì tỉ trọng thuế trên giá bán lẻ đạt 52,4% vào năm 2026 và đến năm 2030 là 59,38%. Nhờ đó, giá bán thuốc lá sẽ tăng theo nên tỉ lệ hút thuốc ở nam giới sẽ giảm từ 42,1% (2025) xuống còn 39,7% vào năm 2026 và đến năm 2030 còn 38,6%.
"Như vậy, phương án 2 có khả năng giảm tiêu thụ thuốc lá nhanh hơn" - Chính phủ nhận định và thông tin thêm về số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá khi chọn phương án 2, ngân sách sẽ thu khoảng 30.000 tỉ đồng năm 2026 và 39.200 tỉ đồng năm 2030.
Ở góc độ y tế, TS Nguyễn Huy Quang - trưởng Ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội (Tổng hội y học Việt Nam) - nhấn mạnh tăng thuế đối với thuốc lá là cần thiết do đây là mặt hàng gây hại cho sức khỏe người dùng và cộng đồng.
Đây là một trong những giải pháp quan trọng để giảm sử dụng thuốc lá. Nếu tăng thuế khiến giá tăng 10% thì sẽ làm giảm khoảng 5 - 8% mức tiêu thụ thuốc lá.
Vì sao người Việt sử dụng thuốc lá nhiều?
Góp ý kiến cho dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong tờ trình gửi lên Quốc hội, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức bảo vệ sức khỏe ủng hộ phương án 2 của Chính phủ, song đề xuất thêm phương án 3 với mức thuế cao hơn.
Cụ thể, bên cạnh thuế suất tỉ lệ 75% hiện hành, mỗi bao thuốc lá sẽ nộp thêm 5.000 đồng từ năm 2026, 7.000 đồng từ năm 2027, 10.000 đồng từ năm 2028, 12.500 đồng từ năm 2029 và 15.000 đồng từ năm 2030.
Tiến sĩ Angela Pratt - trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - đánh giá Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống tác hại của thuốc lá khoảng một thập niên qua.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng là nước có tỉ lệ hút thuốc cao với hơn 15 triệu người. Mức độ tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang tăng trở lại là điều đáng lo ngại. Việc sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng đáng kể về bệnh tật, tử vong sớm và các chi phí y tế.
Một trong những lý do khiến tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam còn cao, theo tiến sĩ Angela Pratt, là do giá bán của sản phẩm này quá rẻ. Giá thuốc lá quá rẻ là do mức thuế còn thấp.
Ngoài giữ nguyên thuế suất 75% như hiện hành, dự thảo tờ trình Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửađổi, Chính phủ đề xuất bổ sung đánh thuế tuyệt đối đối với thuốc lá và áp dụng phương án 2 - Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: N.KH.
Thuế thuốc lá ở Việt Nam chỉ chiếm 36% giá bán lẻ, trong khi đó mức thuế trung bình toàn cầu là 62% và mức khuyến nghị của WHO là ít nhất 75% giá bán lẻ.
Mặt khác, thuốc lá ngày càng trở nên dễ mua hơn khi thu nhập của người dân tăng nhanh.
"Để giảm tỉ lệ hút thuốc, việc tăng đáng kể mức thuế và giá thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất", tiến sĩ Angela Pratt khuyến nghị.
Bình luận về lượng tiêu thụ thuốc lá, ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá (Văn phòng WHO tại Việt Nam) - cho rằng rất đáng báo động.
Chỉ tính riêng năm 2023, lượng thuốc lá sản xuất trong nước đã đạt 5,3 tỉ bao. Trong khi đó, lượng tiêu thụ thuốc lá trong nước năm 2021 là trên 4 tỉ bao.
Còn bà Hoàng Thị Thu Hương (Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) cho hay hiện nay trong khu vực Đông Nam Á, đa số các quốc gia đã áp dụng thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp với thuốc lá, chỉ có Việt Nam và Campuchia còn đang áp dụng thuế theo tỉ lệ.
Thực tế, theo bà Hương, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện rất thấp. Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam thực hiện ba lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nhưng mức tăng thuế mỗi lần rất thấp, chỉ 5%. Do đó, Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới.
Tỉ trọng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt trên tổng thu ngân sách nhà nước trong các năm gần đây - Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: N.KH.
Người Việt hút hơn 4 tỉ bao thuốc lá/năm: Tăng thuế để giảm tiêu thụ
Chỉ tính riêng năm 2023, lượng thuốc lá sản xuất trong nước đạt 5,3 tỉ bao. Trong đó, lượng tiêu thụ trong nước lên đến 4 tỉ bao thuốc mỗi năm (theo số liệu năm 2021) với trên 15 triệu người Việt hút thuốc.
tuoitre.vn