Nhà thám hiểm

UcCheLaptop

Senior Member
Sách kể những câu chuyện đáng kinh ngạc về hơn 50 nhà du hành, cách họ thách thức bản thân, vượt qua giới hạn. Độc giả cũng khám phá điều nổi bật nhất ở các nhà thám hiểm xuất sắc nhất chính là quyết tâm, sự tự tin và nghị lực của họ.

Người phụ nữ đầu tiên đi vào vũ trụ​

Ngày 16 tháng 6 năm 1963, Valentina lên tàu vũ trụ Vostok 6 và ở trong vũ trụ ba ngày, bay quanh Trái Đất tổng cộng 48 lần.

Yuri Gagarin​

Phi công và nhà du hành vũ trụ người Liên Xô (1934-1968).

Cuộc đua chinh phục vũ trụ hồi thập niên 1960 là cuộc đua giữa Mỹ và Liên Xô (Nga ngày nay). Bên nào cũng muốn trở thành quốc gia đầu tiên đưa người lên vũ trụ, và Liên Xô có một vũ khí bí mật - Yuri Gagarin.

Sinh ra trong một gia đình nông dân, nhưng Yuri muốn phá vỡ truyền thống và trở thành phi công. Ông học lái máy bay và dùng những kỹ năng phi công của mình để phục vụ trong không quân Liên Xô. Tại đây, người ta nhận ra những tài năng của ông phù hợp với chương trình vũ trụ của Liên Xô. Ông được chọn để trở thành một nhà du hành vũ trụ (phi hành gia Liên Xô) và tham gia kế hoạch đầu tiên phóng vào vũ trụ.

Tuy nhiên, ông nhận được vị trí này không chỉ nhờ vào khả năng bay lượn tài tình của mình - mà còn bởi ông có chiều cao vừa khít với tàu vũ trụ Vostok 1 nhỏ bé!

Ngày 12 tháng 4 năm 1961, Yuri lên tàu Vostok 1 và rời bệ phóng từ Sân bay Vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan. Khi ra khỏi khí quyển Trái Đất, Yuri trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ. Dù chỉ dành 1 giờ 48 phút để bay trong vũ trụ, Yuri đã bay quanh Trái Đất, rồi quay về như một anh hùng quốc gia và một người nổi tiếng toàn thế giới.

Tham hiem vu tru anh 1
Valentina Tereshkova. Ảnh: Women.

Valentina Tereshkova​

Kỹ sư và nhà du hành vũ trụ Liên Xô (1937-).

Người phụ nữ đầu tiên đi vào vũ trụ, Valentina Tereshkova, bắt đầu sự nghiệp du hành vũ trụ của mình bằng công việc nhảy dù! Bà đã thực hiện hơn 150 lần nhảy dù trước khi những kỹ năng của bà được chương trình vũ trụ của Liên Xô chú ý đến. Vào thời điểm đó, nhảy dù là một kỹ năng rất quan trọng mà các nhà du hành vũ trụ cần có, vì họ sẽ phải nhảy dù khỏi tàu vũ trụ trước khi đáp xuống mặt đất. Valentina cũng phải học lái máy bay và phải thực hiện khóa huấn luyện du hành khắc nghiệt trong 18 tháng trước khi bay vào vũ trụ.

Ngày 16 tháng 6 năm 1963, Valentina lên tàu vũ trụ Vostok 6 và ở trong vũ trụ ba ngày, bay quanh Trái Đất tổng cộng 48 lần. Mỗi hành trình bay quanh Trái Đất của bà kéo dài trong 88 phút, và bà lái tàu vũ trụ bằng tay. Valentina vẫn là người phụ nữ duy nhất từng thực hiện nhiệm vụ vũ trụ một mình.

Hành trình đến Mặt Trăng​

Trong hàng trăm năm, con người đã ngước lên Mặt Trăng và tự hỏi sẽ thế nào nếu lên đó thăm thú. Ngày 20 tháng 7 năm 1969, phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong đã trở thành người đầu tiên đi bộ trên Mặt Trăng. Neil đã bay vào vũ trụ cùng Buzz Aldrin và Michael Collins trong sứ mệnh Apollo 11. Trước đó cả ba người họ đều từng lên vũ trụ, và dù các sứ mệnh Apollo trước đó đã bay đến gần Mặt Trăng, nhưng mục tiêu của Apollo 11 là lần đầu tiên đưa con người đáp xuống Mặt Trăng.

Neil Armstrong 1930-2012, Buzz Aldrin 1930-, Michael Collins 1930-2021​

Sau nhiều tháng huấn luyện vất vả, phi hành đoàn Apollo 11 đã sẵn sàng làm nên lịch sử. Ngày 16 tháng 7 năm 1969, họ bay vào vũ trụ trên tên lửa đẩy Saturn V được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida, Hoa Kỳ. Họ mất ba ngày để bay đến Mặt Trăng, sau đó Neil và Buzz tách khỏi Michael để bắt đầu hành trình khám phá bề mặt Mặt Trăng trên Module Mặt Trăng.

Sau cú đáp xuống đầy nguy hiểm, nơi Neil phải điều khiển Module Mặt Trăng trên địa hình đất đá, tàu vũ trụ đã kết nối với bề mặt Mặt Trăng. Những lời Neil nói lúc đó đã nổi tiếng đến ngày nay: “Houston, Tranquility Base đây, Eagle đã hạ cánh”. Khi họ đã đáp xuống Mặt Trăng, Neil leo xuống một cái thang để đi trên Mặt Trăng - khoảnh khắc được hơn 600 triệu người trên thế giới theo dõi qua TV.

Không lâu sau, Buzz cũng leo xuống và đi những bước đầu tiên của mình. Hai phi hành gia thu thập đá, chụp ảnh đất, và thậm chí còn cắm một quốc kỳ Mỹ. Các nhà du hành vũ trụ của Apollo 11 đã cùng nhau làm nên lịch sử - không chỉ cho nước Mỹ mà còn cho cả nhân loại.

Các phi hành gia tàu Apollo 11 đã tự thiết kế phù hiệu cho sứ mệnh của mình. Họ không để tên mình trên phù hiệu là có lý do, đó là vì họ muốn phù hiệu thể hiện cho tất cả những ai đã làm việc vì sứ mệnh đáp xuống Mặt Trăng. Họ chọn đại bàng đầu bạc vì đó là quốc điểu của Mỹ, và nhành ôliu tượng trưng cho chuyến thám hiểm hòa bình.

Tham hiem vu tru anh 2
Tấm ảnh biểu tượng Buzz Aldrin và dấu chân của ông trên Mặt Trăng. Ảnh do Neil Armstrong chụp.

Buzz leo xuống từ Module Mặt Trăng không lâu sau Neil, và khi đặt chân xuống Mặt Trăng, ông mô tả những gì mình thấy là “sự hoang vu tuyệt đẹp”.

Neil chịu trách nhiệm chụp ảnh trên Mặt Trăng. Tấm ảnh biểu tượng này của Buzz là do Neil chụp. Bạn có thể thấy hình ảnh Neil phản chiếu trên tấm kính của mũ phi hành gia!

Buzz để lại dấu chân của mình trên Mặt Trăng. Ông chụp ảnh dấu chân để các nhà khoa học có thể nghiên cứu đất. Người ta cho rằng dấu chân của ông sẽ ở đó trong cả triệu năm vì trên Mặt Trăng không có gió để thổi bay dấu chân này đi.

https://zingnews.vn/nguoi-phu-nu-dau-tien-di-vao-vu-tru-post1396699.html
 
Back
Top