Những sự kiện giáo dục nổi bật năm 2022

dogamer03

Senior Member

VOV.VN - Trong năm 2022, ngành giáo dục có nhiều đổi mới, tăng cường chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dạy và học, học sinh Việt Nam tiếp tục giành nhiều thành tích tốt tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Song năm qua ngành giáo dục cũng chứng kiến những sự việc đáng buồn khi hàng ngàn giáo viên phải bỏ việc do lương không đủ sống, áp lực.




Mở cửa trường học, học sinh cả nước khai giảng trực tiếp sau 2 năm dịch bệnh
Năm 2022 là năm ngành Giáo dục tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 suốt gần 3 năm liên tiếp. Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, ngành Giáo dục vừa chống dịch vừa kiên quyết mở trường học và thực hiện các biện pháp an toàn để mở cửa trường học trên toàn bộ 63 tỉnh/thành phố. Đến thời điểm tháng 4/2022, việc mở cửa trường học và các hoạt động trong nhà trường đã được trở lại bình thường.
nhung su kien giao duc noi bat nam 2022 hinh anh 1

Học sinh cả nước hân hoan trong lễ khai giảng trực tiếp sau 2 năm dịch bệnh.
Mở cừa trường học và đưa học sinh quay trở lại trường học là quyết tâm lớn vủa Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của ngành Giáo dục. Cùng với việc mở cửa trường học là rất nhiều việc đã và đang được ngành Giáo dục triển khai nhằm củng cố những chỗ hổng kiến thức, kỹ năng, hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với chất lượng giáo dục.

nhung su kien giao duc noi bat nam 2022 hinh anh 2

nhung su kien giao duc noi bat nam 2022 hinh anh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai giảng tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm, Hà Nội).
nhung su kien giao duc noi bat nam 2022 hinh anh 4

Sáng 5/9/2022, hàng chục triệu học sinh trên cả nước háo hức đến trường dự lễ khai giảng trực tiếp năm học mới 2022-2023, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi Olympic quốc tế


Năm 2022, Bộ GD-ĐT cử 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam với 38 lượt học sinh tham gia Olympic quốc tế. Kết quả, 100% học sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải, gồm 13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 5 Bằng khen (giải Khuyến khích).

nhung su kien giao duc noi bat nam 2022 hinh anh 5

Bộ GD-ĐT gặp mặt, tuyên dương học sinh đạt thành tích trong các kỳ thi Olympic quốc tế 2022.
Các đoàn Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao. Năm 2022 - sau 19 năm kể từ năm 2003, Việt Nam có một học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế với số điểm tuyệt đối 42/42 điểm; lần đầu tiên trong lịch sử tham dự Olympic Vật lý quốc tế có một học sinh mới học lớp 10 đoạt Huy chương Vàng. Đội tuyển dự Olympic Hoá học quốc tế có 4 học sinh dự thi cả 4 em đoạt Huy chương Vàng. Thành tích xuất sắc của các đội tuyển đã khẳng định nỗ lực vượt bậc trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên, các nhà trường và hướng đi đúng trong công tác dạy học, phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của ngành Giáo dục.
Nhiều điểm mới trong thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học
Năm 2022, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trong cả nước với 2.243 điểm thi, 42.293 phòng thi và 989.863 thí sinh dự thi. Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2021-2022. Việc đăng ký dự thi của thí sinh theo hình thức trực tuyến diễn ra an toàn, thuận lợi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là 1.002.432; trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 933.510. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực và được triển khai đúng kế hoạch đề ra.
nhung su kien giao duc noi bat nam 2022 hinh anh 6

Trong xét tuyển đại học, khác với những năm trước, năm 2022, thí sinh đăng ký xét tuyển sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến (trên Cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia) nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thuận tiện cho thí sinh ở mọi nơi, mọi lúc.

Tất cả các nguyện vọng xét tuyển đại học của thí sinh xét tuyển đợt 1 được đăng ký và ghi nhận vào hệ thống trong khoảng thời gian quy định, từ sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT cho tới khi công bố kết quả thi và kết quả điểm phúc khảo (nếu có). Do đó, thí sinh chủ động về thời gian và các nguyện vọng đăng ký xét tuyển; việc đăng ký và điều chỉnh thực hiện trong 1 đợt (thay vì 2 đợt như trước đây), thuận lợi cho thí sinh và cho các trường.
Chương trình GDPT 2018 được triển khai sâu, rộng theo đúng kế hoạch ở 3 cấp học
Năm 2022 đánh dấu nửa chặng đường đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với một khối lượng công việc rất lớn đã được hoàn thành trong bối cảnh ngành tiếp tục ứng phó với nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Năm học 2022-2023 chương trình mới đang được triển khai ở lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10.
Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT, qua đó cải thiện chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa.
Năm 2022, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia, từ đó điều chỉnh Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với sự bố trí phù hợp về thời lượng và tính chất đối với môn Lịch sử.
Theo đó, Bộ GD-ĐT điều chỉnh một số nội dung trong chương trình tổng thể và chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử bảo đảm yêu cầu "thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh".
Việc sửa đổi, bổ sung trên cơ sở đảm bảo giữ ổn định về quan điểm, mục tiêu, cấu trúc, lộ trình triển khai thực hiện của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Như vậy, môn học Lịch sử từ môn học lựa chọn thuộc nhóm môn khoa học xã hội trở thành môn học bắt buộc.
Chương trình giáo dục bậc THPT có các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Giáo dục Việt Nam gia tăng chỉ số xếp hạng quốc tế
Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được thế giới ghi nhận và đánh giá cao với nhiều thành tích xuất sắc của học sinh Việt Nam trên trường quốc tế. Giáo dục mũi nhọn của Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia trên toàn thế giới.
Chỉ số xếp hạng các đại học của Việt Nam không ngừng gia tăng. Theo Tạp chí U.S News & World Report của Hoa Kỳ, kết quả Bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu cho thấy: Trong kỳ xếp hạng năm 2023, số trường được xếp hạng là 2.165 trường, thuộc 95 quốc gia. Trong đó, Việt Nam có 5 trường đại học nằm trong bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo đại học tốt nhất toàn cầu.
Hàng ngàn giáo viên nghỉ việc
Thiếu giáo viên không phải vấn đề mới, song năm 2022 là năm vấn đề này bộc lộ rõ nhất. Không chỉ thiếu giáo viên, tình trạng giáo viên nghỉ việc do các nguyên nhân về thu nhập, áp lực công việc và do nhiều cơ sở giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa cũng là vấn đề nổi cộm của 2022.
Đặc biệt, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Tỷ lệ lớn thầy cô bỏ việc là ở khối mầm non, tiểu học. Nguyên nhân chủ yếu là lương quá thấp, trong khi công việc quá nhiều vì giáo viên phải vừa dạy, vừa dỗ, vừa chăm sóc học sinh. Một số tỉnh đưa ra chỉ tiêu nhưng không tuyển dụng được vì không có nguồn; hoặc có nguồn nhưng nhiều người lại chọn làm việc khác có thu nhập cao hơn.
nhung su kien giao duc noi bat nam 2022 hinh anh 7

Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc. (Ảnh minh họa).
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng giáo viên nghỉ việc vừa qua tập trung tại các thành phố, khu công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai - nơi có mức sống bình quân của người dân cao. Giáo viên với đồng lương thấp, chênh lệch mức sống nhiều, không thể yên bình trong cái nghèo. Ở những khu vực này, giáo viên nếu bỏ việc cũng dễ dàng kiếm được việc khác vì lợi thế được đào tạo, có trình độ văn hóa.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Chính trị đã duyệt giao cho ngành Giáo dục hơn 65.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên từ nay đến năm 2026, riêng năm 2022 chỉ tiêu biên chế là hơn 27.000 giáo viên. Các Sở Nội vụ của các địa phương đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên. Ngoài việc thiếu chỉ tiêu, các địa phương còn tồn đọng hơn 10.000 chỉ tiêu chưa tuyển dụng, do đó, các địa phương vừa tuyển dụng mới, vừa tuyển dụng số lượng còn tồn đọng này.
Một trong các chính sách quan trọng đang được Chính phủ xem xét là tăng lương cho giáo viên. Đây sẽ là giải pháp ý nghĩa, hiệu quả để giải quyết đời sống, tâm lý giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác. Giáo viên thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non, vì vậy, Bộ GD-ĐT đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non.
Hiện, Bộ GD-ĐT cũng tiến hành việc rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, rà soát các chế độ chính sách, các quy định đối với đội ngũ nhà giáo để đảm bảo nhà giáo được phát huy tốt nhất sự sáng tạo trong công việc giảng dạy. Bộ GDĐT cũng xem xét những phương diện liên quan đến công tác tư tưởng, xây dựng môi trường văn hóa học đường, đổi mới quản trị của các trường học, nhằm đảm bảo đội ngũ giáo viên có môi trường làm việc tốt nhất./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/nhung-su-kien-giao-duc-noi-bat-nam-2022-post993661.vov
1672843001689.png


Tự dưng lại cảm thấy yêu trường yêu lớp, muốn về trường học lại C3 quá :sad:
 
Back
Top