Những thiệt hại với người lao động khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Resius

Senior Member
Khi doanh nghiệp nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động sẽ bị ảnh hưởng nhiều quyền lợi khi ốm đau, sinh con, tai nạn hoặc mất việc.

Hai tháng gần đây, TPHCM và các tỉnh lân cận xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp lớn giảm đơn hàng, cho công nhân nghỉ việc hàng loạt. Khi mất việc, nhiều công nhân đi làm thủ tục lãnh trợ cấp thất nghiệp mới biết mình không thuộc diện được hưởng trợ cấp này do công ty nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), chưa đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho lao động.

Theo quy định, người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động có giao kết hợp đồng lao động từ 3 tháng hoặc không xác định thời hạn phải tham gia đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất, quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, BHTN, bảo hiểm y tế (BHYT).

Việc đóng BHTN sẽ giúp NLĐ được lãnh trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. NLĐ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm một tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Đây là khoản hỗ trợ không nhỏ để NLĐ vượt qua giai đoạn thất nghiệp, tìm kiếm công việc mới.

Tuy nhiên, thực tế có nhiều doanh nghiệp khó khăn, nợ BHXH kéo dài nên khi chấm dứt hợp đồng với NLĐ thì không chốt sổ BHXH được, dẫn đến việc NLĐ không làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp được.

 Những thiệt hại với người lao động khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội - 1

Công nhân mất nhiều quyền lợi khi doanh nghiệp nợ BHXH (Ảnh minh họa: CTV).

Không chỉ vậy, khi doanh nghiệp nợ BHXH, NLĐ còn đang làm việc cũng bị ảnh hưởng đến hàng loạt quyền lợi khác dành cho người tham gia BHXH bắt buộc như trợ cấp thai sản, trợ cấp ốm đau, tai nạn lao động…

Theo Điều 31 Luật BHXH, NLĐ được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau: Lao động nữ mang thai; lao động nữ sinh con; lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; lao động nữ đặt vòng tránh thai, NLĐ thực hiện biện pháp triệt sản; lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.

Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 31 quy định điều kiện để NLĐ được hưởng chế độ thai sản là phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Do đó, nếu thời gian trước khi sinh con mà công ty nợ tiền BHXH có thể dẫn đến việc NLĐ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Khoản 9 Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP cũng nêu rõ, giá trị sử dụng của thẻ BHYT tương ứng với số tiền đóng BHYT. Doanh nghiệp đóng BHYT cho NLĐ hằng tháng nên khi doanh nghiệp nợ tiền BHYT từ 30 ngày trở lên thì thẻ BHYT của NLĐ sẽ hết giá trị sử dụng. Khi đó, NLĐ đi khám chữa bệnh sẽ không được hưởng chế độ BHYT.

Tương tự, khi doanh nghiệp nợ BHXH, không đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp thì NLĐ cũng không được hưởng hàng loạt quyền lợi khác như trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau; trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị thương tật, bệnh tật, ốm đau, thai sản…

Theo Liên đoàn Lao động TPHCM, việc doanh nghiệp nợ BHXH là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể của NLĐ do việc này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của NLĐ.

Theo BHXH TPHCM, định kỳ hằng tháng, cơ quan bảo hiểm sẽ gửi thông báo đôn đốc các đơn vị nộp tiền BHXH, trường hợp chưa nộp thì gọi điện thoại nhắc nhở. Hằng tháng, BHXH TPHCM gửi thư điện tử nhắc nợ những đơn vị có số nợ từ 3 tháng trở lên, lập biên bản làm việc tại đơn vị đã gửi thông báo nhắc nợ nhưng vẫn không khắc phục.

Đối với các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 6 tháng và có số tiền nợ từ 300 triệu đồng trở lên, BHXH TPHCM sẽ công khai danh sách các đơn vị này trên website của BHXH Thành phố, các cơ quan truyền thông, báo đài.
https://dantri.com.vn/an-sinh/nhung...hiep-no-bao-hiem-xa-hoi-20221229131001816.htm
 
Còn cơ quan nào chịu trách nhiệm, trách nhiệm như nào, xử lý ra sao,... khi để doanh nghiệp nợ BHXH thì không nói tới ?!
 
Back
Top