Nỗi nhớ hoa xoan

TrenTungCaySo10

Senior Member
Những cây xoan trụi lá trên đồng khô còn phơi ải hay đã bơm nước ngấu bùn chuẩn bị xuống mạ trước Tết là khung cảnh quen thuộc của làng quê Bắc Bộ.

Minh họa: Nguyễn Kim Duẩn
Minh họa: Nguyễn Kim Duẩn


Những cây xoan trụi lá trên đồng khô còn phơi ải hay đã bơm nước ngấu bùn chuẩn bị xuống mạ trước Tết là khung cảnh quen thuộc của làng quê Bắc Bộ.

Xoan đứng đìu hiu một chòm bên gò ải cạnh mấy ngôi mộ cũ. Xoan liêu xiêu một rặng ven mương nước thủy lợi dưới bầu trời mờ mờ sương đục. Quen mắt người nông dân miền Bắc nhất sau cây tre là cây xoan chứ dứt khoát chẳng phải cây nào.

Tiết này xoan bắt đầu ra lộc. Lá xoan lấm tấm xanh nảy khắp đầu cành, nơi những chùm trái chín năm cũ vẫn nhăn nheo tím tái treo dưới cơn bấc muộn.

Từ mắt nách lá kép, các chùm hoa tím nhạt tuôn ra, lớp lớp vơi đầy ướp phủ trên đường gạch ngõ làng một bầu hương ngát dịu. Hoa, lá và trái xoan già sum vầy, tụ cả về một chỗ như ước mong tam đại đồng đường theo chuẩn hệ giá trị gia đình Việt cũ.

Lá xoan ngày ấy các chị xã viên thường băm với cây điền thanh, rắc vôi bột trét bùn ủ phân xanh. Lá xoan còn dùng đun nước tắm chữa ghẻ cho tụi trẻ con hiếu động chúng tôi lúc về quê sơ tán bom Mỹ.

Mùa hè, bác cả Tường chặt cây cọc xoan làm nõ, vót nhọn đóng nứt cuống thúc cho trái mít dai phơi trên sân gạch mau chín.

Mùa thu, u Nhu vặt lá xoan già ủ trong cỗ hậu sự gỗ de, rấm buồng chuối tiêu cùng với vài nén hương bài châm lên cháy ngún. Trước khi ủ tấm thân bé nhỏ của u ngày về với đất, cỗ hậu sự đã ủ cho chúng tôi bao nhiêu hoa trái ngọt ngào trong ấy. Chao ôi những hương mít hương chuối thơm lẫn hương xoan ngày thơ ấu chẳng dễ gì quên.

Mùa đông lá xoan rụng hết, chỉ còn những cành khẳng khiu âu sầu lùa trong gió bấc. Thì lúc đó gọi nó là cây sầu đông cũng chả sao. Trên những chỗ cành sầu đông phân nhánh, thấy được vài bầu tổ tròn đen của lũ kiến in trên nền mây xám. Loại kiến đen lớn đít bầu chuyên làm tổ bằng phân trâu khô xốp, và chỉ thích làm trên cành cây xoan.

Thời "hợp tác xã", xoan được trồng mọi nơi. Trồng trong vườn nhà, sát bìa rào ven đường, dọc bờ mương thủy lợi, quanh khu trại chăn nuôi. Thường là xoan do ông bố trồng sẵn chờ làm nhà cho anh cu nhớn ra ở riêng cưới vợ. Bè xoan đè đất ngâm ao nông trời ơi sầu bọt thối kinh khủng, đến cá trê cá rô còn chết. Nhà mới đã dựng lên rêu ngói rồi, đôi gối cưới thêu chim câu đã ngả màu, hạnh phúc lứa đôi đã lùm lùm cái bụng rồi mà trong nhà vẫn thum thủm mùi thối gỗ xoan ngâm.

Các nhà thơ kim cổ chọn tả xoan thơm hết rồi nên tôi đành góp thêm một góc hương đời khác thực tế hơn về xoan vậy. Cái gì cũng có hai mặt như đối trọng, kể cả những tấm huân chương hay những mùi hương.

Nói cho cùng lòng gỗ cũng như lòng người, phải trải qua rất nhiều thử thách cam go mới có thể vững vàng trước những khoét mòn mối mọt hay phong ba bão táp, để có thể làm điểm tựa âm thầm mà chắc nịch, dành cho lớp trẻ phần thơm thảo hương đời.

Mùa xuân này cây sầu đông rũ vẻ khắc khổ âu sầu, rộn ràng lá hoa nom cũng duyên dáng phong tình gây thương nhớ lắm. Mùa hoa xoan nở cũng là mùa lũ bọ mát sinh sôi. Bắp chân trần ngó sen cô thôn nữ cấy muộn về bỗng nhoi nhói một vài vết ngứa, chẳng phải anh trai làng Đặng đêm hội chèo đứng trong xó tối nhỡ tay véo trộm mà chính lũ bọ mát vừa nở ngứa vòi đang nhắc tối nay làng bên có đám.

Minh họa: Nguyễn Kim Duẩn
Minh họa: Nguyễn Kim Duẩn

Bản thân người viết bài này cũng nhắc lại thế để hoài niệm cái không khí phơi phới hội mùa xuân làng Việt trong thơ Nguyễn Bính mà thôi, chứ bây giờ trai gái làng chúng cày máy cấy máy, hát rap Đen Vâu, đón nhau xe phân khối lớn vùn vụt lướt qua sân đình như những ảo ảnh xanh tươi ngày trẻ, đố ai biết chúng là con cái nhà nào.

Thì vẫn biết cuộc sống luôn đổi thay. "Bát gạo tháng giêng, đồng tiền tháng chạp" khó khăn thời các cụ nay chẳng thiếu thốn hay phải dành dụm như câu thành ngữ nữa.

Làng xóm bây giờ nhà gác bê tông đã thay cho những mái rạ nghèo. Xoan hàng tre lũy đã vắng bóng nhưng tôi vẫn nhớ về một loài cây cũ. Tuổi trung niên ngả chiều thường hay hoài niệm. "Những làng trung đoàn ta đóng lại/ Tiếng nêu đưa khánh dưới mưa phùn".

Một câu thơ gợi đủ dựng lên mùa xuân kháng chiến của Quang Dũng, khiến anh lính viễn chinh xứ người ngày xưa nhớ sao phùn mưa xứ Đoài giêng hai sau Tết. Đọc lên giữa cơn nắng quắt người, thì lại như thấy hiện ra buổi chiều mưa lạnh riêu riêu, rời rạc đu đưa tiếng khánh đất nung bên những chòm xoan hiu hắt.

Thiệt tình lúc đó chỉ muốn có cánh bay ngay về làm be rượu cùn, xắn góc bánh chưng dở dưới mái tranh nghèo quê mẹ. Nào ai thiết công danh khanh tướng gì ngoài mong ước tối thượng là trở lại hòa bình.

Chẳng biết bây giờ ở làng quê có cô bé nào được đặt tên là Xoan nữa hay không?
https://cuoituan.tuoitre.vn/noi-nho-hoa-xoan-20230215112003429.htm
 
Back
Top