“Nóng” cuộc chạy đua sản xuất chip toàn cầu

Karina (aespa)

Senior Member

VTV.vn - Cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường chip bán dẫn toàn cầu hiện đang nóng hơn bao giờ hết.​


Con chip bán dẫn xuất hiện trong hầu như tất cả các thiết bị điện tử cần tới trong cuộc sống hàng ngày từ điện thoại, điều khiển, tivi, máy tính, máy tính bảng, cho tới những chiếc ô tô, thậm chí cả máy bay chiến đấu. Có thể nói chíp bán dẫn có chức năng như mạch máu trong nền kinh tế hiện đại. Nó có kích thước siêu nhỏ nhưng đóng vai trò to lớn như "chìa khoá" mở ra những đột phá công nghệ trong tương lai. Vì thế, dễ hiểu khi nhiều cường quốc muốn dẫn đầu thế giới về công nghệ này và không phụ thuộc vào nguồn cung của các nước khác.
Trong 15 năm trở lại đây, cuộc đua sản xuất chip bán dẫn có vẻ nghiêng về phía châu Á. Theo số liệu của hiệp hội thương mại ngành công nghiệp Mỹ, 75% hoạt động sản xuất bán dẫn toàn cầu đang nằm tại những thị trường như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, trong cuộc đua này, Liên minh châu Âu (EU) cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 là sẽ chiếm 20% thị phần ngành bán dẫn toàn cầu.
“Nóng” cuộc chạy đua sản xuất chip toàn cầu - Ảnh 1.

Con chip bán dẫn xuất hiện trong hầu như tất cả các thiết bị điện tử cần tới trong cuộc sống hàng ngày.
Vậy con chip bán dẫn sản xuất tại Mỹ nằm ở đâu trong cuộc đua này và chính phủ Mỹ đã có những chính sách gì để giúp con chip của Mỹ tăng tốc? Xung quanh nội dung này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Chris Patrick - Phó Chủ tịch tập đoàn công nghệ Qualcomm bên lề Snapdragon Summit 2022 đang diễn ra tại Hawaii, Mỹ - một sự kiện hàng đầu của ngành chip bán dẫn, nơi Qualcomm vừa trình làng dòng chip di động cao cấp mới nhất Snapdragon 8 thế hệ 2.
Thưa ông Patrick, từ việc ra chip mới lần này chiến lược của Qualcomm trong thời gian tới là gì?
Ông Chris Patrick: Trước hết hãy cho tôi được nói qua về con chip này, với những ưu điểm vượt trội so với thế hệ trước, nhanh hơn, mạnh hơn… Nói đơn giản là công nghệ AI sẽ khiến điện thoại của bạn như một siêu điện thoại, với các trải nghiệm đặc biệt, hình ảnh đẹp, âm thanh tuyệt vời, kết nối siêu nhanh... Nói như thế để chia sẻ với bạn rằng chiến lược của chúng tôi sắp tới vẫn tập trung vào 2 từ "trải nghiệm" - trải nghiệm cho người dùng.
Song muốn làm được thế, chúng tôi phải tập trung vào thứ cốt lõi. Thế mạnh của Qualcomm từ hơn 30 năm nay đó là nghiên cứu phát triển Sản phẩm. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục phải đầu tư kỹ càng, tập trung mạnh trong khâu R&D này. Ví dụ tiếp tục nghiên cứu về AI, kỹ thuật đồ hoạ, về hình ảnh, hay nhiều cấu phần khác nữa. Tức muốn ra được một con chip mới nhỏ bé như vừa rồi chúng tôi phải tải được một khối lượng việc khổng lồ trong khâu nghiên cứu.
Qualcomm có lo ngại không khi hiện giờ cuộc cạnh tranh về sản xuất chip đang khá gay gắt. Nhiều tên tuổi lớn ngay tại Mỹ cũng đang tham gia chạy đua với Qualcomm?
Ông Chris Patrick: Thực ra đâu phải bây giờ, cuộc cạnh tranh này đã bắt đầu gay gắt từ khá lâu rồi. Chúng tôi phát triển chip trên hệ điều hành Android đã rất ổn và rồi Apple tiếp tục bước vào cuộc chơi phát triển chip mới với hệ điều hành IOS.
Không sao cả, chúng tôi luôn xác định đây là một cuộc cạnh tranh lành mạnh, nó chỉ càng khiến cho công nghệ được cải tiến ngày càng tốt hơn. Nhìn chung việc chạy đua sản xuất chip không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu như hiện nay là thực sự khốc liệt, trong đó đặc biệt là cạnh tranh về chu kỳ đổi mới sản phẩm.
Vì như tôi chia sẻ, phát triển được một con chip mới là cả một kế hoạch dài hơi nhưng cạnh tranh trong công nghệ là thế. Chúng tôi là một phần trong đó và có cạnh tranh mới có phát triển. Công nghệ thể hiện rất rõ điều đó nên thay vì sợ chúng tôi lại thích cạnh tranh, cùng chạy đua, để cùng phát triển.
“Nóng” cuộc chạy đua sản xuất chip toàn cầu - Ảnh 2.

Cuộc cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường chip bán dẫn toàn cầu hiện đang nóng hơn bao giờ hết. Ảnh minh họa.
Tiêu chí trong cuộc đua chip bán dẫn thay đổi
Cuộc cạnh tranh sản xuất chip là rất khốc liệt và mỗi doanh nghiệp luôn có những chiến lược cho riêng mình. Nếu như cách đây vài năm khi nói tới cạnh tranh công nghệ, người ta luôn nói tới các thông số kỹ thuật, điểm đánh giá nhưng đã có sự thay đổi nhắm tới các trải nghiệm của người dùng.
Ông Ziad Asghar - Phó Chủ tịch phụ trách Quản lý sản phẩm, Tập đoàn Qualcomm cho hay: "Với thiết bị di động thông minh, vấn đề quan trọng không phải các chỉ số kỹ thuật, mà là trải nghiệm của người dùng, về âm thanh, hình ảnh, AI hay trò chơi. Chẳng hạn chúng tôi đã phát triển công nghệ định hướng âm thanh, để trong metaverse, nhân vật của người dùng có thể nghe và biết tiếng động phát ra từ hướng trái hay phải. Đây là tính năng có một không hai trong lĩnh vực này".
Phó Chủ tịch phụ trách Quản lý sản phẩm, Tập đoàn Qualcomm cũng cho biết, thị trường thiết bị có nhiều phân khúc và cũng có nhiều doanh nghiệp cung cấp các giải pháp khác nhau, tính cạnh tranh rất cao.
"Tôi nghĩ điều làm nên sự khác biệt đó là điện thoại thông minh là một món đồ rất cá nhân, được mọi người sử dụng rất thường xuyên và cần phải mang đến cho họ những trải nghiệm tốt nhất", ông Ziad Asghar nói.
Dự báo về thay đổi thị trường chip của Mỹ
Hiện các doanh nghiệp Mỹ luôn có lợi thế nhờ việc làm chủ những công nghệ hàng đầu của ngành chip. Một minh chứng rõ ràng là họ hiện chiếm tới 47% trên thị trường chip toàn cầu. Nhưng trái ngược với sự thống trị này, mảng sản xuất lại không phải là thế mạnh của Mỹ hiện nay - chỉ 12% lượng chip bán dẫn là được đóng nhãn Made in USA. Đương nhiên là các nhà lãnh đạo nước Mỹ cũng đã nhìn ra sự mất cân bằng này. Câu trả lời của họ chính là Đạo luật mang tên " Chips & Science" - Chip và Khoa học - với chữ ký của Tổng thống Joe Biden. Đạo luật này sẽ phân bổ tới 52 tỷ USD nhằm mục tiêu đưa sản xuất chip trở về nước Mỹ trong những năm tới.
Sản xuất trong nước thấp, phụ thuộc vào gia công nước ngoài thì khi bị gián đoạn chuỗi cung ứng các doanh nghiệp, Mỹ bị ảnh hưởng ngay lập tức từ khủng hoảng chip. Vì thế mà đạo luật Chips & Science mới phải được ban hành. Các doanh nghiệp Mỹ tới đây sẽ đẩy mạnh sản xuất trong nước.
Một nhà máy 20 tỷ USD sẽ được xây dựng ngay tại New York và Intel cũng đã công bố sẽ sản xuất chip cho Qualcomm. Tại hội nghị hầu hết các chuyên gia đánh giá, cạnh tranh thì luôn diễn ra và khi nó thúc đẩy trải nghiệm tốt thì người dùng sẽ vẫn luôn được hưởng lợi.
Vẫn sẽ là quá sớm để có thể dự báo kết quả cuộc đua về chip toàn cầu hiện nay. Nhưng với sự đầu tư mạnh mẽ nhằm tăng cường năng lực sản xuất, nước Mỹ và thế giới nói chung có thể kỳ vọng sớm giải quyết được cuộc khủng hoảng thiếu hụt chip vốn đã diễn ra suốt 2 năm qua.
https://vtv.vn/kinh-te/nong-cuoc-chay-dua-san-xuat-chip-toan-cau-20221119100823454.htm

 
Back
Top