Phát hiện nguyên nhân cản trở tăng lương ở Nhật Bản

MasterchiefsReborn

Senior Member
https://laodong.vn/tu-lieu/phat-hien-nguyen-nhan-can-tro-tang-luong-o-nhat-ban-1171357.ldo

Việc làm bán thời gian ngày càng tăng ở Nhật Bản được cho là xu hướng cản trở tăng lương tại nước này.

Tờ Nikkei cho hay, việc làm bán thời gian đã gia tăng ở Nhật Bản trong một phần tư thế kỷ qua và được cho là xu hướng cản trở sự tăng trưởng mạnh mẽ của tiền lương.

Cả nước Nhật Bản có 21,01 triệu lao động không thường xuyên vào năm 2022, tăng khoảng 260.000 so với một năm trước đó, trong khi số lao động thường xuyên chỉ tăng 10.000 lên 35,88 triệu.

Việc làm không thường xuyên - bao gồm lao động bán thời gian, hợp đồng và phái cử - chiếm 37% tổng số lao động. Trên thực tế, gần 40% nhân viên ở Nhật Bản là lao động không thường xuyên kể từ năm 2012.

Một phân tích lập luận rằng, tình trạng tăng lương mờ nhạt của Nhật Bản có thể là do việc làm bán thời gian ngày càng tăng.

Những người làm việc bán thời gian chiếm 25,8% lao động ở Nhật Bản vào năm 2020, tăng 11,6% so với năm 1995 - theo một nghiên cứu của Keidanren, tổ chức vận động hành lang kinh doanh hàng đầu của Nhật Bản, sử dụng dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Tỉ lệ tương tự ở Mỹ giảm 1,9% trong khoảng thời gian 25 năm xuống 16,6%, trong khi tỉ lệ này không thay đổi ở Vương quốc Anh.

Trong cùng thời gian, tiền lương trung bình đã tăng 50,4% ở Mỹ và tăng vọt 61,4% ở Anh, nhưng chỉ tăng 11,7% ở Nhật Bản.

Tìm cách đảm bảo an toàn cho người lao động trong khi giảm chi phí lao động, các doanh nghiệp ở Nhật Bản đã tăng cường tuyển dụng những người làm việc bán thời gian lớn tuổi hoặc nữ giới.

Lao động không thường xuyên trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2022 đã tăng 9,77 triệu so với năm 1997. Trong số này có 3,41 triệu người từ 65 tuổi trở lên và 6,19 triệu là phụ nữ.

Đặc biệt, phụ nữ từ 45 đến 54 tuổi đã tăng lên 1,38 triệu, cho thấy các bà mẹ nội trợ - những người cũng thuộc thế hệ baby boomer của Nhật Bản - đang quay trở lại lực lượng lao động sau khi nuôi con nhỏ.

Trong bối cảnh lạm phát hiện nay, việc đối xử tốt hơn với những người này và những lao động không thường xuyên khác được nhiều người coi là không thể thiếu.

Các nhà bán lẻ lớn và chuỗi nhà hàng đang thực hiện các bước. Vào tháng 9, Fast Retailing - công ty đứng sau thương hiệu Uniqlo - đã tăng 20% lương theo giờ tại Nhật Bản. Chuỗi cửa hàng ăn uống kiểu gia đình Saizeriya sẽ tăng 5,35% trong tháng 4, và nhà bán lẻ đồ nội thất giá cả phải chăng Nitori Holdings sẽ tăng 5,01% trong tháng 6.

Trong hướng dẫn chính sách lao động thực tế cho năm 2023, Keidanren (Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản) đã kêu gọi cải thiện việc đối xử với những người lao động không thường xuyên, đề xuất cung cấp tiền thưởng, thuê nhân viên bán thời gian làm toàn thời gian và tăng cường hỗ trợ phát triển nghề nghiệp.

Tomoko Yoshino - chủ tịch Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản - cho biết, việc tăng lương cho những người làm việc bán thời gian "phải được thực hiện song song với việc cải thiện điều kiện lao động".

Một vấn đề khác bắt nguồn từ lợi ích của việc giữ thu nhập hàng năm dưới mức nhất định. Một người đã kết hôn mà vợ hoặc chồng kiếm được ít hơn 1,03 triệu yen (khoảng 7.860 USD) một năm, sẽ không phải nộp thuế thu nhập đối với phần đó, nhờ vợ/chồng và các khoản khấu trừ khác.

Một người làm việc tại một công ty có nhân viên từ 100 người trở xuống cũng có thể đưa vợ/chồng vào bảo hiểm xã hội của họ - chẳng hạn như bảo hiểm y tế, an sinh xã hội và bảo hiểm điều dưỡng - miễn là vợ/chồng đó có thu nhập dưới 1,3 triệu yen.

......
 
Back
Top