Phép toán ‘6x4=24’ bị giáo viên chấm 'sai' có sai?

Status
Not open for further replies.

Phố Không Mùa

Senior Member
Cụ thể, đề bài toán là: “Hằng ngày, cô Ba lái đò chở các bạn nhỏ qua sông đi học. Sáng nay cô Ba chở 6 chuyến đò, mỗi chuyến có 4 bạn. Hỏi sáng nay cô Ba chở bao nhiêu bạn nhỏ qua sông?”. Trong phần bài giải, học sinh đặt phép tính “6x4=24” bị giáo viên chấm là sai.

 Phép toán ‘6x4=24’ bị giáo viên chấm 'sai' có sai? - ảnh 1

Tranh luận trái chiều​

Một phụ huynh được cho là có con học lớp 3 Trường tiểu học N.Đ (TP.Dĩ An, Bình Dương) thắc mắc vì sao bài toán bị chấm là sai nên đã chia sẻ hình ảnh trên một diễn đàn, thu hút nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

Một số người đồng tình với cách chấm của giáo viên và cho rằng cần phải đặt phép tính là “4x6=24” để học sinh tiểu học nắm được bản chất của phép nhân.

“Kết quả bài thì không sai. Nhưng sai về ý nghĩa toán học. Sai bản chất của phép nhân. Tức là 4 được lấy 6 lần, chứ không phải 6 được lấy 4 lần”, tài khoản Nguyễn Bích bình luận trên Facebook.

Trong khi đó, một số người khác tranh luận rằng phép nhân có tính chất giao hoán nên việc đặt phép tính “6x4=24” hay “4x6=24” thì cũng như nhau, miễn sao ra kết quả đúng.

Một số người bình luận rằng cách chấm bài của giáo viên hơi “cứng nhắc”. “Trong trường hợp này, giáo viên không nên ghi 'Sai', 1 chữ 'Sai' sẽ gây hiểu lầm cho phụ huynh và có thể học sinh cũng không biết mình sai ở đâu để sửa. Vì vậy, giáo viên có thể gạch dưới phép tính và sửa lại thành 4x6=24 sẽ tốt hơn”, tài khoản Nguyễn Hương chia sẻ trên Facebook.

Đáp lại, người đăng tải hình ảnh bài toán đố kể trên cho rằng đã trao đổi với giáo viên và cô giáo khẳng định đã giảng giải rõ ràng trên lớp để học sinh bị chấm sai nắm rõ bản chất của phép nhân.

Vấn đề này không phải mới vì trước đây hình ảnh bài toán tiểu học tương tự "Một con trâu có 4 chân. Hỏi 6 con trâu có bao nhiêu chân?” cũng được chia sẻ trên mạng xã hội. Học sinh cũng bị cô giáo chấm sai khi đặt phép tính "6x4=24".

 Phép toán ‘6x4=24’ bị giáo viên chấm 'sai' có sai? - ảnh 2
Trước đây, bài toán tính số chân bò cũng từng gây tranh cãi
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH FACEBOOK

Là quy ước toán học, học sinh cần nắm bản chất phép nhân​

Theo thạc sĩ Dương Minh Tới, Giám đốc đào tạo Trung tâm toán Titan Thủ Đức (TP.HCM), trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh được học về phép nhân và ý nghĩa của phép nhân kể từ lớp 2.

"Giáo viên có trách nhiệm dạy học sinh hiểu được ý nghĩa của phép nhân là như thế nào. Nó xuất phát từ việc cộng các nhóm giống nhau lại với nhau. Chẳng hạn, một xe máy có 2 bánh xe, với 5 chiếc xe thì sẽ có 2+2+2+2+2=2x5=10 bánh xe", thầy Tới chia sẻ.

Như vậy, đối với bài toán kể trên, thầy Tới khẳng định cách chấm của giáo viên là đúng vì ngoài việc không phải kết quả là đúng hay sai mà các con hiểu được ý nghĩa của phép nhân. Đây là bài tập để dạy học trò rèn sau bài học của giáo viên về phép nhân và ý nghĩa của nó.

Thầy Tới chia sẻ: "Nếu học sinh làm ngược lại, tức viết 6x4=24, tất nhiên kết quả là không sai nhưng các con không hiểu đúng về ý nghĩa của phép nhân thì giáo viên ghi sai và điều chỉnh lại thì không có vấn đề lớn".

"Bài toán này không nên mang hiểu biết của người lớn về tính chất giao hoán của phép nhân và lấy ra để tranh luận về cách chấm bài của giáo viên. Đem hiểu biết của người lớn áp vào học sinh tiểu học đôi khi không phải đúng hay sai về mặt toán học mà là có phù hợp với học sinh hay không?", thầy Tới nói.

Bên cạnh đó, cô Nguyễn Minh Thúy An, giáo viên chủ nhiệm lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Văn Triết (TP.Thủ Đức, TP.HCM), chia sẻ: “Nếu dạy kèm con tại nhà thì phụ huynh nên hiểu bản chất phép nhân là 4 được lấy 6 lần và nên dạy 4x6=24 để trẻ hiểu đúng”.

“Nếu dạy thêm 6x4=24 thì cũng không sao vì bản chất của việc dạy học là cho trẻ được trải nghiệm, được sai để từ đó giáo viên, phụ huynh có thêm cơ hội giới thiệu phép tính đúng. Các nhà khoa học cũng đi từ nhiều thí nghiệm sai đến thí nghiệm đúng”, cô Thúy An cho hay.

Còn cô Hoàng Thị Thu Trinh, một gia sư với hơn 20 năm kinh nghiệm dạy kèm toán tại Q.Bình Tân (TP.HCM), lưu ý việc hướng học sinh đặt phép tính 4x6=24 trong bài giải thực chất là theo quy ước toán học được áp dụng và giảng dạy xuyên suốt ở bậc tiểu học.

“Việc viết số 4 trước giúp học sinh hiểu bản chất phép nhân là 4 được lấy 6 lần và không nhầm lẫn khi viết đơn vị trong phần bài giải, ở đây là bạn nhỏ, chứ không phải chuyến đò”, cô Thu Trinh nói.
https://thanhnien.vn/phep-toan-6x424-bi-giao-vien-cham-sai-co-sai-post1527951.html
 
Cái vấn đề này nói bao nhiêu lần rồi. Này là tính số bạn nhỏ. Nên phải 4*6.
Trẻ con chưa học phép giao hoán. Nên tư duy phải logic đã. Lấy số bạn nhỏ nhân số thuyền ra tổng số bạn nhỏ.
Anh nào không hiểu về mượn que tính của mấy e lớp 1. Chia ra là hiểu ý nghĩa và tại sao viết thế
 
Cái vấn đề này nói bao nhiêu lần rồi. Này là tính số bạn nhỏ. Nên phải 4*6.
Trẻ con chưa học phép giao hoán. Nên tư duy phải logic đã. Lấy số bạn nhỏ nhân số thuyền ra tổng số bạn nhỏ.
Anh nào không hiểu về mượn que tính của mấy e lớp 1. Chia ra là hiểu ý nghĩa và tại sao viết thế
vấn đề trên thì chuẩn r, có điều ngày xưa đi học các cô cũng k nói gì về cái logic này :shame: miễn sao kq đúng, k hiểu xưa mình học kiểu gì vẫn lên dc lớp :sweat:
 
Cái vấn đề này nói bao nhiêu lần rồi. Này là tính số bạn nhỏ. Nên phải 4*6.
Trẻ con chưa học phép giao hoán. Nên tư duy phải logic đã. Lấy số bạn nhỏ nhân số thuyền ra tổng số bạn nhỏ.
Anh nào không hiểu về mượn que tính của mấy e lớp 1. Chia ra là hiểu ý nghĩa và tại sao viết thế
Cơ bản là các cháu giờ toàn đi học thêm rồi nên khéo các cháu biết giải phương trình rồi ấy chứ
qZV215Z.png
 
Status
Not open for further replies.
Back
Top