Phía sau những ca phá thai để tìm “thằng cu nối dõi” - Bài 1: Giấc mơ sinh được con trai
PNO - Theo bản báo cáo ngày 5/7/2021 về tình hình thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản tại TP.HCM giai đoạn 2016-2020, trong năm 2020, tỷ lệ nạo phá thai ở TP.HCM là 33,46 ca nạo/100 ca sinh. Trong số các ca nạo phá thai, có những ca nhằm mục đích chọn giới tính thai nhi, tức bỏ con gái để chờ sinh cho được con trai.
1. Buổi sáng Chủ nhật, tại phòng khám sản, Bệnh viện H.Bình Chánh, một vài bà bầu ngồi chờ đến lượt mình. Trong phòng, bác sĩ đang siêu âm bốn chiều cho một bà bầu khác. Vừa rê đầu máy siêu âm, bác sĩ vừa đọc tình trạng sức khỏe của thai nhi cho thai phụ nghe, nhưng bà mẹ vẫn luôn miệng hỏi: “Con trai hay con gái vậy bác?”.
Câu hỏi quen thuộc của trên 20 bà bầu khám thai sáng đó là con trai hay con gái: “Bác coi kỹ giúp em nha, phải chắc con trai không?”. Yêu thích con trai vẫn là giấc mơ của những cặp vợ chồng có con lần đầu tiên, càng thôi thúc hơn nếu sinh lần hai mà bé trước là con gái. Nhưng thực tế, ít ông bố, bà mẹ nào dám khẳng định rằng mình đang mong con trai.
Bảng thu tiền xét nghiệm xác định giới tính của bệnh viện chúng tôi có câu: “Biết được con trai, con gái để chăm sóc tốt, để bé khỏe mạnh”. Chúng tôi phải nhắc khéo các ông bố bà mẹ câu này. Trên thực tế, vẫn có những bà mẹ đến phòng khám sản để giải quyết cái thai con gái để chờ đẻ cho được con trai.
Cùng ngồi chờ ở khu khám sản, chị U. (Q.8) kể: “Tôi có bé gái đã 16 tuổi mà chưa có bé thứ hai. Vì ước muốn “có con trai” của chồng, tôi phải hai lần bỏ thai”. Hai lần đầu nạo thai khiến chị khó mang thai lại. Suốt mười năm qua, hằng tháng, chị lại đến khám và thực hiện một số biện pháp theo hướng dẫn của bác sĩ để sớm thụ thai. Nay đã 40 tuổi, chị U. vẫn chưa bỏ ý định tìm con trai vì: “Anh ấy thích con trai lắm, thôi tôi ráng vậy”.
Chị H. - 26 tuổi, nhân viên văn phòng - có chồng là cán bộ, là “độc đinh” bên gia đình chồng nên rất mong có con trai đầu lòng. Khi biết chị có bầu, bố mẹ chồng mừng rối rít, chồng soi tới soi lui que thử thai. Khi bác sĩ sản khoa thử lại và báo chính xác chị có thai, niềm vui đến với chị như bất tận.
Đến tuần thứ bảy, mẹ chồng rỉ tai chị “đi xét nghiệm xem cháu mẹ là con trai hay con gái”. Thấy mẹ chồng thương yêu, mong mỏi cháu, chị theo mẹ đến phòng xét nghiệm tư. Nào ngờ, khi có kết quả là con gái, người mẹ dịu hiền ấy cương quyết bắt chị H. phá thai. Từ đó, các món ăn, thức uống, giờ giao hợp đều theo lịch trình do mẹ chồng chị soạn ra. Vợ chồng chị dần bớt đi niềm hứng thú vì mọi thứ đều theo lịch. Riêng chị, khi đi đâu, làm gì, trong tâm trí vẫn hiện ra bé gái đang cười, bi bô chạy nhảy, chị lại đau nhói lòng, phải chi ngày ấy mình cương quyết giữ lại con gái.
2. B. ngồi chết lặng ở một góc sảnh bệnh viện với ánh mắt vô hồn, mặc cho người mẹ lay mấy lần “đi về”. Người mẹ lắc đầu, lại im lặng ngồi kế bên con. Qua lời kể của bà thì B. có chồng, sống hạnh phúc êm đềm, không phải ra ngoài làm lụng, chỉ làm việc nhà và sinh con. Chồng B. ham con trai. B. làm đủ mọi thứ, kể cả thủ thuật để mang thai con trai, nhưng ba lần xét nghiệm và hủy thai đều là con gái.
Lần cuối cùng, hạnh phúc cũng mỉm cười, B. có thai và xét nghiệm con trai. Chồng nâng niu chiều chuộng, mong đến ngày sinh con để bồng bế thì B. bị trợt cầu thang, sinh non, thai nhi mất. Ngay khi hay tin vợ bị sẩy thai, mất con trai, người chồng tuyên bố chia tay. Vừa mất con, vừa bị chồng bỏ, B. ngày càng thay đổi tâm tính và cuối cùng trầm cảm. Chỉ khổ cho mẹ B., đưa con đến khắp các bệnh viện, phòng khám tâm lý, mong con trở lại bình thường.
|
Tiến sĩ xã hội học Lê Thị Hoàng Liễu đang tư vấn cho các bà bầu |
3. Ngày ấy, anh và chị là cặp vợ chồng đẹp đôi, hạnh phúc với bé gái tám tuổi và cái thai được năm tháng với sự bảo đảm của một bác sĩ sản khoa giàu kinh nghiệm, rằng thai nhi là con trai. Mỗi tối, anh xoa bụng chị, nói chuyện với cu Tí. Khi thai bước qua tuần 22, bác sĩ kêu lên: “Trời ạ, giờ mới chịu hé, con gái nữa rồi”. Chị thảng thốt: “Bác sĩ coi lại, chứ tháng rồi là con trai mà”. Vị bác sĩ gãi đầu: “Tại tháng rồi chưa rõ, nó khép lại kín mít, thấy giống con trai”. Chị như người từ cung trăng rớt xuống. Anh chưa tin, cùng chị đến phòng khám sản khác để siêu âm, ra con gái rõ ràng.
Trên đường về, vợ chồng không còn tíu tít như tháng rồi. Anh lặng lẽ vì đã điện về quê báo với bố mẹ, lần này là thằng cu chắc nịch. Với cương vị mà anh và chị đang đảm nhận, họ không thể có con thứ ba, mà chị thì mới có 32 tuổi. Thai 22 tuần chắc còn phá kịp. Nghĩ là làm, chị chấm dứt thai với nỗi kinh hoàng, phải chuyển vào bệnh viện vì bị tai biến sản khoa. Ra viện, chị về nhà như cái bóng. Ban đầu, anh còn an ủi, động viên, nhưng ngày qua, tháng lại, với di chứng nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, chị nghỉ việc, ở nhà chăm con, chăm chồng, anh vẫn miệt mài trên con đường công danh, ngày càng xa dần chị. Chị cũng không quan tâm nữa, vì chị luôn thấy hình bóng bé gái chạy theo gọi “mẹ ơi, đừng bỏ con”.
***
Đối với những người đã lớn tuổi, việc có con trai theo ý muốn không đơn giản vì trái với tự nhiên, nó ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống. Bình đẳng giới, nhìn dưới góc độ giới tính khi sinh, vẫn còn là thứ xa vời.
Trong các nghi thức cưới hỏi, đàn ông làm chủ lễ; khi làm tang ma, đàn ông mang dây rơm, mũ bạc tiễn đưa người quá cố. Bao nhiêu lễ lộc, nghi thức truyền thống là bấy nhiêu hình thức thể hiện sự quan trọng của nam giới. Sự lên án của xã hội vẫn còn rất ít khi một người chồng bỏ vợ, một người cha bỏ con. “Đàn ông mà”. Còn một phụ nữ bỏ chồng, bỏ con thì bị phê phán gay gắt vì “đàn bà ai làm vậy”.
Đó là những gì mà bà, mẹ, con gái được nghe, được thấy và cuối cùng là hy sinh vì niềm vui, hạnh phúc của người thân yêu để thực hiện giấc mơ “có con trai”. Khi giấc mơ không thành hiện thực thì chính họ đau khổ, cô đơn, bất lực vì “tôi không sinh được con trai” - Tiến sĩ Lê Thị Hoàng Liễu (tổ công tác xã hội, Bệnh viện H.Bình Chánh).