thảo luận [post lại từ voz cũ] Nước Nga qua những ghi chép nhỏ

Nga đẹp mà, qua được 2 lần, 1 lần bị nhốt ở văn phòng, 7 ngày chả đi đc đâu. Nhưng ấn tượng với cái khung cảnh lúc hạ cánh xuống Domodedovo: những cánh đồng, những con đường trải dài từ đầu chân trời phía đông đến hết chân trời phía tây, nhìn hết tầm mắt mà vẫn không thấy cái điểm bắt đầu hay kết thúc của nó.
Lần thứ 2 sang cũng bị nhốt ở văn phòng, nhưng ít nhất dạo quanh Mát được hết 1 vòng, loanh quanh khu "nhà giàu" Akademia với đi hết được mấy chỗ hay ho. Thấy nước Nga đẹp, nhẹ nhàng, yên ả :D
Chỉ không thích khi phải đi xin visa, và làm thủ tục nhập cảnh - thực sự mệt mỏi và quá là quan liêu.
Nói gì thì nói, mình vẫn có 1 kế hoạch đi tàu từ cực đông đến Saint Petersburg, mà chả biết bao giờ mới có tiền, có thời gian để làm :D
 
Nga đẹp mà, qua được 2 lần, 1 lần bị nhốt ở văn phòng, 7 ngày chả đi đc đâu. Nhưng ấn tượng với cái khung cảnh lúc hạ cánh xuống Domodedovo: những cánh đồng, những con đường trải dài từ đầu chân trời phía đông đến hết chân trời phía tây, nhìn hết tầm mắt mà vẫn không thấy cái điểm bắt đầu hay kết thúc của nó.
Lần thứ 2 sang cũng bị nhốt ở văn phòng, nhưng ít nhất dạo quanh Mát được hết 1 vòng, loanh quanh khu "nhà giàu" Akademia với đi hết được mấy chỗ hay ho. Thấy nước Nga đẹp, nhẹ nhàng, yên ả :D
Chỉ không thích khi phải đi xin visa, và làm thủ tục nhập cảnh - thực sự mệt mỏi và quá là quan liêu.
Nói gì thì nói, mình vẫn có 1 kế hoạch đi tàu từ cực đông đến Saint Petersburg, mà chả biết bao giờ mới có tiền, có thời gian để làm :D
đi đi thím, nếu có cơ hội, Nước Nga thực sự thiên nhiên rất đẹp!
 
Những bó hoa mùa hạ.

Đưa con bé đi nhập học, mới biết mùa hè đã hết rồi. Tự dưng nhớ mùa hè nước Nga đến lạ.
Những năm học ở Nga mùa Hè là buồn nhất. Thi xong, bạn bè có đứa đi chơi có đứa về VN, vài đứa như mình thì ở lại làm thêm gì đó, kí túc buồn đến lạ, vắng lặng và yên tĩnh. Đôi ba buổi sáng thức dậy sau một cơn mưa, hành lang đượm chút mùi của hơi nước và sàn gỗ lâu năm, cái mùi cứ nồng lên xa ngái. Kí túc những buổi sáng ấy lành lạnh và cô đơn đến lạ. Mặc vội quần áo rồi đến chỗ làm (nếu là công việc thường nhật như phụ bán hoặc phiên dịch) hoặc ăn sáng tý rồi chơi game chờ đến chiều đi làm (nếu dạy thêm).

Một đôi lần trở về nhà lúc còn sáng (mùa hè bên này sáng tới 7-8h), nơi bến tàu điện ngầm, thường là bên góc rẽ hoặc ngay đối diện lối ra hay có những bà cụ. Vẻ ngoài họ khá đặc trưng: Mập, hiền lành, có lúc vui lúc khắc khổ, mặc một chiếc váy hoa (thường màu nhẹ như xanh nhạt hay vàng, trắng), cuối hè thì thêm chiếc khăn mỏng che đầu hoặc cổ, chân đi tất, thường là lồng trong một đôi dép lưới hoặc một đôi giày cũ. Sạch sẽ và lịch sự. Họ đứng đó trên tay là một bó hoa, hòa toàn là hoa tự nhiên, hái ở vườn nhà hay đâu đó trong các công viên ở rìa Moscow. Họ bán những bó hoa đó. Giá rẻ thôi, đầu năm 2003 tôi nhớ tầm 10 rup(lúc đó là khoảng 30 cent).

elderly-market-woman-selling-flowers-kaliningrad-russia-A3PYJK.jpg
Những năm sau này, ít khi mình mua hoa của các bà ấy, đơn giản vì ở kí túc cũng khó chưng và mình cũng thực ra là ko có thói quen chưng hoa. Nhưng cái hình ảnh của các bà già bán hoa (đôi khi cả những hũ dưa chuột muối nhà làm) ở cạnh bến tàu điện ngầm luôn ở đâu đó trong tiềm thức người ở Nga. Nó như cái hình ảnh của bà già đan len với một con mèo nghịch cuộn len bên cạnh trong những bức tranh sơn dầu. Không chắc các bà ấy thực sự nghèo mới đi bán những bó hoa ấy vì quần áo họ mặc tuy không sang trọng gì nhưng khá sạch sẽ. Họ không xin, họ bán, họ không làm ra vẻ tội nghiệp, họ chỉ đứng đó, mỉm cười và lịch thiệp.
Lúc mới sang cũng có 1-2 lần kiếm chuyện nói với họ, bâng quơ thôi, như chuyện về loại hoa và thời tiết hôm nay tốt hay xấu. Họ nói một thứ tiếng Nga chậm và rõ ràng, khác hẳn với những thằng bạn sinh viên của tôi. Họ luôn có một ánh mắt tử tế khi nhìn mình, một thằng châu á. Không như cái cách người Nga ở chợ Việt nam (chợ Vòm) nhìn người Việt. Đôi khi cũng tự hỏi, họ ở đâu xung quanh bến tàu điện hay từ ngoại ô lên đây mỗi ngày.

old-lady-picking-wild-flowers-at-sunrise-mahon-menorca-baleares-spain-RKGBWX.jpg
Tất nhiên, rất dễ để mua những bó hoa công-nghiệp (hồng, tulip…) ở nước Nga đặc biệt là mùa hè trong những tiệm bán hoa nho nhỏ, nhưng cảm giác về một bó hoa tự nhiên của những bà cụ vẫn có rất nhiều khác biệt. Bó hoa tập-tàng (lấy từ chữ rau tập-tàng: rau linh tinh luộc lên ăn chung) cho mình một cảm giác rất tươi tắn, tự do và một chút gì đấy Nga hơn những bó hoa-công-nghiệp.
Dù sao, nước Nga cũng xa một chút rồi, cũng mong sớm trở lại để nhìn với góc nhìn của một người ngoài cuộc, chăm chú và háo hức.
 
Đợt này buồn buồn muốn viết về nước Nga, lại tìm cái thớt cũ của mình thì thấy bên này không có chuyển sang. Nên mò lại thớt cũ để post lại bên này, coi như lưu trữ lại một chút đã viết của vài năm trước. Không biết có ai muốn đọc không để viết tiếp.


1. Những bóng mờ trên đất lạnh.:
Nước Nga trong khoảng 20 năm trở lại đây (chính xác phải là hơn 30 gần 40 năm, nhưng những biến động lớn thì khoảng 20 năm) gắn liền với sự hình thành, lớn mạnh của một xã hội ẩn, phía sau những tòa nhà kì vĩ hay những công trình xây dựng mang đậm tính Xô Viết, xã hội của những người di cư.

Họ là ai?
View attachment 269374
Tôi không có ý định đưa ra câu trả lời hoàn chỉnh cho câu hỏi này, tôi chỉ muốn nói về người VN và một vài cộng đồng khác mà tôi biết.

Người VN, họ là những người đi theo các hợp đồng xuất khẩu lao động thời Xô Viết, họ là những người đi theo tiếng gọi của những giấc mơ đổi đời mà người thân đã thành công nơi này kể lại, họ có thể là những người đi theo diện xuất khẩu lao động sau ngày nước Nga ổn định, họ có thể là những người vượt biên đến từ Đông Đức cũ hay các nước cộng hòa trước đây. Vô vàn những ví dụ và vô vàn những số phận.

Họ có thể là thương nhân trưởng thành từ một giai đoạn LX thiếu thốn hàng tiêu dùng hoặc kém cỏi trong phân phối. Những người này có thể buôn từ cái bàn là cái nồi áp suất, đôi giày da, cái quần Jean, cái áo khoác, đồ lót, đồ điện tử,… mọi thứ và theo những con đường khác nhau. Hàng trăm container hàng từng theo những chuyến tàu lênh đênh trên biển cập bến HP hay những cảng khác mang theo bao nhiêu là Bàn là liên xô, nồi áp suất, bếp lò xo và sau đó những chuyến hàng quay ngược sẽ là quần Jean Tàu, Đồng hồ casio, Seiko, dây thun, cúc quần Jean (một thứ tưởng buồn cười nhưng tỷ lệ lợi nhuận cao đến không thể tả),… lại quay về nước Nga để theo những bàn chân không mỏi len lỏi khắp nước Nga bằng những chuyến tàu chiều thứ Sáu hay những chuyến xe khách xuyên đêm nối giữa những miền quê. Nhắm mắt lại, sẽ thấy những đường chuyển hàng nhỏ bé nhưng cần cù tỏa ra khắp những nơi có người VN sinh sống trên nước Nga những ngày ấy. Không thể phủ nhận rằng những chú kiến VN bé nhỏ đã góp phần ổn định phần nào nhu cầu hàng tiêu dùng cho toàn nước Nga những năm tháng xám một màu bao cấp ấy. Nói thêm là dù tiếng Nga rất tệ, người Nga vẫn hiểu được những con người VN bé nhỏ ấy muốn nói gì. Những năm tháng ấy, nụ cười luôn nở tươi trên môi những người Nga đôn hậu khi đến mua hàng hay được mua hàng hay mua được hàng từ những người bạn VN bé nhỏ. Họ thân thiện với nhau như những người cộng sản chân chính.

Họ cũng có thể là những sinh viên giỏi từng được cử đi nước ngoài du học. Những con người với kiến thức, đầu óc và khả năng tiếng Nga của mình đã tìm ra rất nhiều cách kiếm tiền bằng chuyên môn. Dom 5, một địa danh mà bất cứ người VN nào ở Moscow những năm đầu 80 đến đầu 2000 đều biết. Đã có những lúc trong căn chung cư ấy có vài cái xưởng tách vàng hay kim loại màu đặt trong những căn hộ bé xíu đã được cải tạo thành các phòng thí nghiệm nhỏ.
View attachment 269378
Họ cũng có thể là những đại gia sau những năm 90 ở VN mang theo tiền và cung cách làm việc sặc mùi XHD sang nước Nga đầu tư. Những người này tôi ít tiếp xúc nên ko muốn bàn sâu.

Họ có thể là những cô gái sang đây làm công tác phục vụ xã hội hoặc lưu lạc từ những xưởng may về với nghề nghiệp này. Phần lớn họ không đẹp và đối tượng phục vụ cũng phần đông là các thanh niên SNG xa gia đình hay những bác Nga già còn máu. Tỷ lệ phục vụ cho người VN không cao do nhan sắc các cô thì thường vừa mắt người nước ngoài hơn người VN.

Họ cũng có thể là những nhóm XHĐ sang đây tìm cơ hội. Số này tôi cũng ít tiếp xúc, chả muốn nói.


Rất nhiều mà khó có thể miêu tả kĩ về những dòng chảy con người đến và ở lại với nước Nga. Mỗi nhóm người ấy, khi đi sâu tìm hiểu lại thấy bao nhiêu điều hay cũng như dở, thú vị cũng như đau lòng. Chỉ có một điểm chung giữa họ với nhau đó là họ luôn ý thức được mình là người nước ngoài cho dù họ có hộ chiếu Nga hay không. Nước Nga chưa bao giờ là miền đất hứa cho người ngước ngoài, đặc biệt là Châu Á và đặc biệt là sau những biến động chính trị dẫn đến những suy nghĩ có phần lệch lạc về những thương nhân nước Ngoài này. Và cũng bởi tự những thương nhân Châu Á hầu hết đều không có tính thật thà như những người Nga Xô Viết.

Có một điều nữa là những thương nhân Châu Á đã nhập khẩu cho nước Nga một thứ văn hóa mà vì nó nước Nga mãi lận đận đến giờ: Hối lộ và tham nhũng.

Những con người nước ngoài trên đất Nga ngoại trừ số rất ít có giấy tờ hợp lệ thì đều là giấy tờ giả hoặc giấy tờ đã hết hạn lưu trú. Hầu hết những người giàu đều có giấy tờ hợp pháp, số ít họ còn sở hữu bất động sản, hộ chiếu Nga, con họ mang quốc tịch Nga và đươc học ở trường công hoặc sau đó sang Mỹ Anh du học. Nhưng phần lớn người còn lại đều là người cư trú bất hợp pháp. Họ chưa chắc đã nghèo (một số ít khá giàu) nhưng vẫn sống trong những căn hộ chung cư đi thuê cùng với nhau để chia tiền phòng, một căn hộ nhỏ tầm 12m2 (giá từ 500-1500$ tùy chỗ) có thể kê đến 5 cái giường tầng và sống 10 người trở lên. Nói cho cùng họ chỉ cần chỗ ngủ! Và thông thường những căn hộ chung cư ấy thường tập trung trong một khu nhà chung cư có bảo kê hết. Chỉ cần bước qua cổng bảo vệ là họ gần như được an toàn. Rất hiếm khi cảnh sát vào những nơi này kiểm tra giấy tờ. Đôi khi những căn phòng ấy có thể sống 3-4 cặp vợ chồng. Và lẽ dĩ nhiên những quan hệ vợ chồng cũng buộc phải thực hiện trong những không gian chật hẹp và đầy người như thế. Có đôi khi tôi đến chơi một nhà nào đấy và rất khó hiểu là vì sao họ có thể sống chật chội như thế khi mà họ giàu có hơn tôi rất rất nhiều. Câu trả lời đã nói ở trên: Rẻ và an toàn.

Mỗi buổi sáng khoảng 5h là mọi người đã phải có mặt ở chợ (cho dù đó là những ngày mùa Đông -20C) – người Nga không bao giờ làm được điều này - và chuẩn bị cho một ngày bán hàng mới với những chuyến xe chứa đầy hy vọng đến từ những thành phố xa chở theo hàng nghìn những người buôn bán lẻ hoặc những đầu nậu cỡ vừa). Những năm 2000 - 2010, theo tôi biết một ngày bán hàng có những người có thể thu đến cả vài triệu Rub (1$ lúc này khoảng 30-35 Rub). Thuế chỗ cho những quầy hàng be bé ở những chợ đầu mối lớn như Vòm hay Liu bây giờ có thể lên đến cả nghìn $ cho một ngày bao gồm mọi chi phí nhỏ lẻ khác. Để mua một quầy có khi phải trả đến 100-500k$ tùy thời điểm mà chưa chắc đã ai bán cho. Có những người bỏ vốn mua quầy rồi cho thuê lại ăn chênh lệch, mỗi tháng có thể thu về cả chục nghìn $. Nhưng việc cho thuê này chủ yếu là các ông chủ lớn làm chứ dân mà có quầy thông thường tự đứng ra buôn hàng luôn vì lợi nhuận buôn hàng gấp vài lần số này trong những mùa cao điểm.

Vì giấy tờ bất hợp lệ, họ dù giàu vẫn sống như những bóng mờ trên xứ này, mọi quyền lợi về mặt pháp luật là không có. Mọi quyền lợi về y tế (trừ cấp cứu với tình huống nguy hiểm tính mạng) là không có. Họ có thể dùng tiền mua cảnh sát nhưng cảnh sát cũng có thể đạp họ xuống tuyết bất cứ lúc nào có lệnh. Và sẽ chả ai đòi hỏi chính quyền phải điều tra rõ ràng nếu như một ngày có một bóng mờ nào đó biến mất. Họ chả có gì, ngoài tiền! Những cánh rừng phía sau chợ Vòm mỗi mùa tuyết tan lại lộ ra vài cái xác người là chuyện bình thường (VN có, Tàu có, Đầu đen có…) và người ta chỉ đơn giản là gom chúng lại và đốt đi trong các nhà xác thành phố. Có người được nhận dạng, có người không. Và họ sẽ biến mất như chưa hề tồn tại trên cái xứ lạnh này. Ngày mai lại là ngày mới, chợ vẫn ồn ào phức tạp! Với cái dòng chảy công việc mãnh liệt ấy, chả mất bao nhiêu thời gian mà họ sẽ bị lãng quên thật sự!
thím ơi, cho mình hỏi xíu, tụi nga đi lính, thì tụi lính già chào lính trẻ tới dập phổi thật hả thím
@@
 
thím ơi, cho mình hỏi xíu, tụi nga đi lính, thì tụi lính già chào lính trẻ tới dập phổi thật hả thím
@@
Vụ này thì là đặc sản Nga rồi, nhưng đó là tầm trước những năm 2012 gì đó thôi, đợt có vụ một thằng lính trẻ Nga bị bắt nạt tới mức tự sát. Lên báo này nọ kiện tụng mới lòi ra một loạt phóng sự về lính mới này. Sau đó ít nghe những vụ thế này hơn. Không biết là bớt đi hay là giấu kĩ hơn.
 
Những nhà ăn tập thể.

Còn nhớ cái hôm đầu tiên tới nước Nga, lạnh, đói và cô đơn. Phải, chính là cô đơn, cả một nhóm vài chục đứa cô đơn. Chúng tôi được đưa đến thả trước sân trường đại học mà không có một sự trợ giúp rõ ràng nào từ phía sứ quán. Nói thế thực ra cũng không đúng khi mà họ đã nhờ vài đàn anh khóa trên ra sân bay đón và đưa chúng tôi về kí túc. Kí túc của ĐH Nga phần lớn nằm gần trường.

Khi đến nơi, các anh chạy vội tìm người đăng kí phòng ốc cho chúng tôi. Hoàn toàn không có gì được chuẩn bị trước cả, có mặt, làm đăng kí phòng, chờ nhận phòng. Vài tiếng đồng hồ trôi qua giữa những sinh viên bản xứ qua lại trong cái thời tiết lạnh co ro. Các đàn anh cũng đã cố gắng giải thích cho quản lý kí túc xá về chúng tôi, và ngạc nhiên thay họ không có thông tin gì cụ thể về chúng tôi cả, đó là câu chuyện khá phổ biến ở đầu những năm 2000. Nhưng rồi thì đâu thể để chúng tôi ngủ ngoài đường, họ cũng linh hoạt cho chúng tôi phòng ốc. Thủ tục những ngày sau đó dần hoàn thiện sau.

Bữa ăn tối đầu tiên là nhờ các đàn anh mua giúp ít bánh mì và kolbasa (một loại xúc xích Nga nhiều bột hơn thịt) nhưng ngon đến lạ sau một chuyến bay rất dài (phần đông thế hệ chúng tôi đó cũng là chuyến bay đầu đời).

Những ngày đầu tiên không thể nấu ăn được do chưa có nồi niêu và lại không có giấy tờ nên không dám ra chợ mua (người ta thu passport chúng tôi để đăng kí khẩu-giấy phép lưu trú). Một vài đứa nhờ được anh chị khóa trên nấu cho ăn, còn lại, như tôi, chọn cách ăn ở nhà ăn của trường (ở VN gọi là căn-tin).

sovietmenu-31.jpg


Hôm đầu bước vào nhà ăn, khá là bất ngờ là nó quá rộng, và sạch sẽ. Đó cũng là lần đầu biết đến hình thức ăn xong tự dọn đĩa và khay (đầu những năm 2000 ở VN không có phổ biến loại phục vụ này).
Trần nhà cao, những cô bán hàng (gọi là thím cũng được) đứng sau các quầy thủy tinh liên tục soạn món vào những chiếc đĩa nhỏ, đặt lên quầy, bọn tôi mở nắp quầy lấy món mình muốn rồi bày lên khay, ra tính tiền rồi chọn bàn ngồi ăn. Chu trình có vẻ gì đó rất lạ lùng nhưng trật tự.
sssr-stolovaya57-1051.jpg



Sau này, khi bắt đầu tham gia nghiên cứu và đi lại giữa các trường đại học với nhau mới chợt nhận ra nhà ăn trường mình rất đẹp. Các trường khác nhà ăn thường chỉ là một căn phòng nhỏ (cá biệt có nhà ăn có tầm 40-50 m2-như một phòng học bé) nằm trên mỗi tầng hoặc mỗi khoa thành phần của trường.

Nhưng luôn có một điểm chung, tiếng rì rầm và hơi ấm. Rì rầm vì họ vẫn ngồi ăn và nói chuyện, nhỏ nhẹ và từ tốn. Rất ít khi nhìn thấy ai đó to giọng ở nhà ăn (mà không chỉ nhà ăn, mọi nơi công cộng). Mọi người ngồi đối diện hoặc cạnh nhau, trao đổi những câu chuyện riêng tư một cách rất riêng tư. Thậm chí bạn ngồi ngay sau lưng họ cũng không thể nghe rõ ràng những gì họ nói.
sssr-stolovaya57-0965.jpg



Còn hơi ấm, dĩ nhiên, vì nhà ăn luôn có một căn bếp ngay phía sau, các món ăn được nấu rồi đưa tới phía quầy, một vài quầy có hệ thống hơi nước nóng ngay dưới các khay thức ăn, liên tục giữ ấm cho thức ăn trong khay. Mùa Hè thì không sao, chứ tới mùa Đông, cái hơi ấm tỏa ra từ những tủ quầy làm bạn cứ muốn rề rà cạnh nó chứ không hề muốn lấy thức ăn nhanh nhanh rồi rời đi.

Thức ăn trong nhà ăn Nga chưa bao giờ được tính là ngon. Tôi còn nhớ như in lần đầu thử món cá, đó là một món cá thịt trắng, được luộc nguyên miếng phile rồi bỏ lên một “bãi” khoai tây nghiền. Rắc ít muối rồi lấy thìa vừa xắn vừa xúc là ăn được. Ăn món đó rồi mới nhớ cá kho hay canh chua cá của Việt Nam. Thông thường bữa ăn sẽ gồm: một đĩa salat nhỏ, súp, một món chính, tráng miệng lúc có lúc không (dân mình ít có thói quen ăn bánh ngọt tráng miệng), ly trà nóng hoặc ly nước hoa quả (nấu lên hoặc dạng lỏng sệt). Giá bữa ăn như thế đầu những năm 2000 có thể lên tới xấp xỉ 100 rub (3usd thời đó)- khá là đắt cho sinh viên, do đó phần lớn sinh viên tự nấu ăn ở nhà (đợt đói kém nhất, tôi có thể ăn với khẩu phần 20 USD cho 2 tuần-độc khoai tây hầm sườn đông lạnh-ngày hai bữa. Bình thường thì tiền ăn rơi vào 100 USD cho 1 tháng là quá ổn ở thời điểm ấy). Bởi thế, năm 2015 có dịp ăn bữa trưa ở trường thành viên của Viện Hàn Lâm với mức giá 60 rub (xấp xỉ 1 USD thời đó với đầy đủ thực đơn kể trên ) quả thực khiến tôi như trở về cái thời mình lần đầu tới nước Nga.

russsian food.jpg


Ôi cái nhà ăn của Viện ấy, tôi ăn ở đó suốt 3 tháng liên kết làm việc, nó là một căn phòng đúng kiểu xô viết nằm tách biệt khỏi viện, chính xác là trong khu vườn nhỏ của viện. Bước qua cánh cửa, giống hệt như bạn bước vào một cuốn phim đen trắng thời xô viết.

Những bà phục vụ mặc blu trắng (hơi giống áo bác sĩ ngày xưa), những ông giáo sư ngồi im lìm cạnh khung cửa sổ be bé nhìn ra khu vườn, đang nhẩn nha uống ly trà chanh đơn giản. Nhìn ra ngoài cửa sổ, một vài người đang đi dạo và trao đổi với nhau (mùa hè hoặc mùa thu) những vấn đề gì đó, tươi tỉnh và hiền hậu, dưới bóng cây có chiếc ghế dài, có người đang hút một điếu thuốc và ngăm những quả táo hay đơn giản là cái tàng cây. Hết bữa, lại trở lại phòng thí nghiệm, chăm chú và yên tĩnh.

Borscht_served.jpg

Còn nhiều nhà ăn trên khắp nước Nga mà tôi đã từng thử, tất nhiên gắn bó nhât vẫn là nhà ăn của trường tôi, đáng nhớ nhất lại là nhà ăn của Viện. Đôi khi trong lòng lại nhớ về những tiếng rì rầm và cái hơi ấm phả nhẹ ra từ các kệ đựng thức ăn ấy. Tôi cũng tin rằng nước Nga đã thay đổi nhiều, những nhà ăn như vậy giờ đây có lẽ đã nhường chỗ cho sự hiện đại và tiện lợi.

Nhưng có lẽ, nơi các thành phố xa, nơi mà nước Nga vẫn chầm chậm đi qua những đổi thay nho nhỏ, vẫn còn đâu đó những nhà ăn của quá khứ thế này.
 
mình cũng ở Nga được 3 năm, nói thật nhé người Việt mình ích kỷ vô cùng xấu tính, bắt trộm chó mèo ăn nhậu cũng ko kém Nga là bao, rồi cặp bồ cặp bịch các kiểu ăn chơi sa đà,người Việt ở 1 mình thì được ở tập thể thế nào xũng có chuyện.
 
Đọc xong thấy nhớ nước Nga quá, 10 năm học tập và làm việc ở đó. Ngày ngày đi bộ dù xa hay gần có ngày đi đến cả 10km. Thế mà về VN 1 cái là 100m cũng đi xe máy.
Bác có cái cảm giác đôi khi giật mình giữa đêm nhớ Nga kinh khủng không.
Em lâu lâu vẫn bị, cái nỗi nhớ nó không thực sự rõ ràng là nhớ con người hay nhớ không khí, chỉ là nhớ thôi!
 
mình cũng ở Nga được 3 năm, nói thật nhé người Việt mình ích kỷ vô cùng xấu tính, bắt trộm chó mèo ăn nhậu cũng ko kém Nga là bao, rồi cặp bồ cặp bịch các kiểu ăn chơi sa đà,người Việt ở 1 mình thì được ở tập thể thế nào xũng có chuyện.
Thực ra không chỉ ở Nga mới có các điều tiêu cực. Do đặc thù là phần lớn người đi Nga (hay Nhật bây giờ) là người lao động. Ở góc độ nào đó, có lẽ cũng có liên quan.
 
Back
Top